ĐTC Phanxicô gặp gỡ các giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ, chủng sinh và giáo lý viên ở Papua New Guinea

ĐTC Phanxicô gặp gỡ các giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ, chủng sinh và giáo lý viên ở Papua New Guinea

Chiều thứ Bảy ngày 07/9/2024, sau khi thăm các trẻ em của “sứ vụ đường phố” và “Callan Services” tại Trường trung học kỹ thuật của Caritas, Đức Thánh Cha đi xe đến Đền thánh Đức Mẹ Phù hộ cách đó khoảng 1,2 km để gặp gỡ các giám mục của Papua New Guinea và của đảo Salomon, các linh mục, phó tế, các tu sĩ nam nữ, các chủng sinh và giáo lý viên.

Vatican News

Đền thánh Đức Mẹ Phù hộ

Đền thánh Đức Mẹ Phù hộ
Đền thánh Đức Mẹ Phù hộ

Đền thánh Đức Mẹ Phù hộ được xây dựng trong 4 năm, do Dòng Salêdiêng tặng, và được làm phép và thánh hiến vào ngày 24/5/2008 bởi Đức Hồng Y Thomas Stafford Williams, nguyên Tổng Giám Mục Wellington ở New Zealand. Hiện diện tại buổi lễ hôm đó có Thủ tướng Michael Somare và Toàn quyền Paulias Matane. Khi bàn giao công trình cho Đức Hồng Y, đại diện Dòng Salêdiêng nói: “Đây là những biểu tượng tình yêu và lòng sùng kính Đức Mẹ của người dân”. Trong nghi thức thánh hiến bàn thờ có đặt thánh tích của thánh Gioan Bosco và Mary D. Mazzarello.

Khi đến nơi, Đức Thánh Cha được chào đón bởi Đức Hồng Y John Ribat, Tổng Giám Mục Port Moresby, Chủ tịch Hội đồng Giám mục, Giám đốc Đền thánh, và hai em bé trong trang phục truyền thống tiến đến tặng hoa cho ngài. Sau đó, Đức Thánh Cha tiến vào cửa chính hôn Thánh giá và rảy nước thánh do cha giám đốc trao.

Sau bài hát, buổi gặp gỡ được bắt đầu bằng lời chào mừng của Chủ tịch Hội đồng Giám mục, tiếp đến là chứng từ của cha Emmanuel, sơ Lorena, ông James, giáo lý viên, và bà Grace đại diện của Thượng Hội đồng Giám mục về hiệp hành.

Diễn văn của Đức Thánh Cha

Trong diễn văn đáp từ, Đức Thánh Cha cám ơn và bày tỏ niềm vui được gặp mọi người trong Đền thánh giáo phận dâng kính Đức Mẹ Phù hộ các tín hữu, một tước hiệu rất được Thánh Gioan Bosco yêu mến.

Đức Thánh Cha tại Đền thánh
Đức Thánh Cha tại Đền thánh

Ngài nói: “Năm 1844, khi Đức Mẹ truyền cảm hứng cho thánh Gioan Bosco xây một nhà thờ ở Turino để dâng kính Mẹ, Mẹ đã hứa với thánh nhân: ‘Đây là nhà của ta, đây là vinh quang của ta’. Đức Mẹ đã hứa với thánh Gioan Bosco rằng, nếu ngài có can đảm bắt đầu xây Nhà thờ đó, ân sủng lớn lao sẽ đến. Và đã xảy ra như thế: nhà thờ được xây dựng – thật kỳ diệu – và ngôi thánh đường trở thành trung tâm cho phép Tin Mừng toả sáng, đào tạo người trẻ và thực hiện các hoạt động bác ái, một điểm tham chiếu cho nhiều người. Như thế, Đền thánh tuyệt đẹp, nơi chúng ta đang ở đây, được truyền cảm hứng từ câu chuyện đó, cũng có thể là một biểu tượng cho chúng ta về ba khía cạnh trong hành trình Kitô giáo và truyền giáo của chúng ta, như những chứng từ mà chúng ta vừa nghe đã nhấn mạnh: can đảm để bắt đầu, nét đẹp của sự hiện diện  hy vọng phát triển”.

Can đảm để bắt đầu

Đức Thánh Cha lần lượt quảng diễn từng khía cạnh.

Thứ nhất: can đảm để bắt đầu. Những người xây nhà thờ này đã bắt đầu công trình bằng một hành động đức tin lớn lao, mang lại kết quả. Tuy nhiên điều đó chỉ có thể thực hiện được nhờ nhiều khởi đầu can đảm khác của những người đi trước. Các nhà truyền giáo đến đất nước này vào giữa thế kỷ XIX và những bước đầu tiên trong sứ vụ không dễ dàng, một số nỗ lực thực sự đã thất bại. Nhưng các vị đã không bỏ cuộc; với đức tin lớn lao, lòng nhiệt thành tông đồ và nhiều hy sinh, các nhà thừa sai tiếp tục rao giảng Tin Mừng và phục vụ anh chị em, luôn bắt đầu lại nhiều lần khi không thành công.

Theo Đức Thánh Cha, các cửa sổ kính màu trong Đền thánh nhắc nhở chúng ta về điều này. Ánh sáng mặt trời mỉm cười với chúng ta qua khuôn mặt của các Thánh và các vị Chân Phước: mọi người thuộc mọi hoàn cảnh, gắn liền với lịch sử của cộng đoàn. Tất cả, theo những cách thức và thời đại khác nhau, đã bắt đầu các sáng kiến và tạo ra những con đường, chỉ để bắt đầu lại nhiều lần. Họ đã góp phần mang Tin Mừng đến giữa anh chị em, với một sự phong phú đầy màu sắc của các đặc sủng, được sinh động bởi cùng một Thần Khí và cùng một đức ái của Chúa Kitô. Nhờ “những cuộc khởi hành” và “tái khởi hành” của họ, mà chúng ta có mặt ở đây, mặc dù nhiều thách đố, chúng ta vẫn tiếp tục tiến bước, không lo sợ, biết rằng chúng ta không đơn độc: chính Chúa là Đấng hành động trong chúng ta và với chúng ta, làm cho chúng ta, giống như họ, trở thành khí cụ ân sủng của Người.

Và về vấn đề này, dưới ánh sáng của những gì mọi người đã nghe, Đức Thánh Cha nói ngài muốn gửi đến các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo lý viên một hướng đi quan trọng cho “sự khởi hành” của họ: những vùng ngoại vi của đất nước. Đó là những người thuộc những khu vực nghèo nhất của đô thị, cũng như những người sống ở những khu vực xa xôi và bị bỏ rơi, đôi khi bị thiếu những nhu cầu cơ bản. Những người bị gạt ra bên lề xã hội và bị tổn thương, cả về mặt đạo đức lẫn thể lý, bởi thành kiến và mê tín, đôi khi thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng, như James và sơ Lorena đã nói đến.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Giáo hội mong muốn đặc biệt gần gũi với những anh chị em này, bởi vì trong họ Chúa Giêsu hiện diện một cách đặc biệt (Mt 25, 31-40). Và ở đâu có Người, Đầu của chúng ta, hiện diện, ở đó cũng có chúng ta, là các chi thể Người, vì chúng ta thuộc về cùng một thân thể, ‘được kết cấu chặt chẽ nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng’ (Ep 4,16)”.

Các nữ tu tại buổi gặp gỡ
Các nữ tu tại buổi gặp gỡ

Nét đẹp của sự hiện diện

Đức Thánh Cha đi đến khía cạnh thứ hai nét đẹp của sự hiện diện. Ngài nói: “Chúng ta có thể thấy điều này được tượng trưng trong những chiếc vỏ sò kina, trang trí cho nhà thờ này và là dấu hiệu của sự thịnh vượng. Chúng nhắc nhở chúng ta rằng đó là kho báu đẹp nhất trước mắt Chúa Cha. Gần bên Chúa Giêsu và dưới áo choàng Mẹ Maria, chúng ta được hiệp nhất thiêng liêng với tất cả anh chị em mà Chúa đã giao phó cho chúng ta và những người không thể hiện diện ở đây, được thắp sáng bởi ước muốn cho cả thế giới biết đến Tin Mừng và chia sẻ với chúng ta sức mạnh và ánh sáng của Tin Mừng”.

Về câu hỏi của James “Làm thế nào để truyền đạt lòng nhiệt thành truyền giáo cho giới trẻ?”. Ngài trả lời cho rằng việc này không liên quan đến “kỹ thuật” . Tuy nhiên, một cách đã được chứng minh là vun trồng và chia sẻ với họ niềm vui của chúng ta khi được ở trong Giáo hội, ngôi nhà chào đón được làm bằng những viên đá sống động, được chọn và quý giá, được Chúa đặt cạnh nhau và được củng cố bằng tình yêu của Người. Như kinh nghiệm của Grace về Thượng Hội đồng đã nhắc nhở, bằng cách quý trọng, tôn trọng lẫn nhau và phục vụ lẫn nhau, chúng ta có thể cho mọi người chúng ta gặp gỡ thấy rằng thật tuyệt vời khi được cùng nhau theo Chúa Giêsu và loan báo Tin Mừng của Người.

Ở điểm này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh, nét đẹp của sự hiện diện không được trải nghiệm nhiều trong các sự kiện lớn và những lúc thành công, nhưng đúng hơn là ở lòng trung thành và tình yêu mà chúng ta cố gắng cùng nhau phát triển mỗi ngày.

Đức Thánh Cha chào một thăm giáo lý viên
Đức Thánh Cha chào một thăm giáo lý viên

Niềm hy vọng phát triển

Tiếp tục giải thích về khía cạnh thứ ba niềm hy vọng phát triển, Đức Thánh Cha nói trong Nhà thờ này có một “giáo lý bằng hình ảnh” thú vị về việc vượt qua Biển Đỏ, với các nhân vật Abraham, Isaac và Môsê: các Tổ phụ đã sinh hoa trái nhờ đức tin, những người đã tin tưởng và đã nhận được hồng ân là con cháu đông đảo. Và đây là một dấu hiệu quan trọng, bởi vì cũng khuyến khích chúng ta ngày nay tin tưởng vào hoa trái của việc tông đồ, tiếp tục gieo những hạt giống tốt lành nhỏ bé trên các luống cày của thế giới. Chúng nhỏ bé, như hạt cải, nhưng nếu chúng ta tin tưởng và không ngừng gieo, nhờ ân sủng Chúa, chúng sẽ nảy mầm, mang lại mùa màng bội thu, và sinh ra những cây chim trời có thể làm tổ. Thánh Phaolô nói điều đó khi ngài nhắc nhở chúng ta rằng sự lớn lên của những gì chúng ta gieo không phải là công việc của chúng ta mà là của Chúa, và Mẹ Giáo Hội dạy điều đó khi nhấn mạnh rằng, ngay cả qua những nỗ lực của chúng ta, chính Thiên Chúa “làm đảm bảo rằng vương quốc Người sẽ đến trên mặt đất”. Vì vậy, chúng ta tiếp tục kiên nhẫn rao giảng Tin Mừng, không nản lòng trước những khó khăn và hiểu lầm, ngay cả khi chúng nảy sinh ở những nơi mà chúng ta không muốn gặp: ví dụ trong gia đình, như chúng ta đã nghe.

Bên trong Đền Thánh
Bên trong Đền Thánh

Cuối cùng, Đức Thánh Cha mời gọi tất cả cùng tạ ơn Chúa vì Tin Mừng đã bén rễ và lan rộng ở Papua New Guinea và Quần đảo Solomon, và khích lệ các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo lý viên tiếp tục sứ vụ như những chứng nhân của lòng can đảm, nét đẹp  hy vọng.

Sau buổi gặp gỡ, Đức Thánh Cha trở về Toà Sứ Thần cách đó 4km để nghỉ đêm, kết thúc ngày thứ hai viếng thăm Papua New Guinea.

Diễn văn của ĐTC tại Papua New Guinea

Sáng thứ Bảy ngày 7/9/2024, Đức Thánh Cha đã gặp chính quyền, xã hội dân sự Papua New Guinea và ngoại giao đoàn tại APEC Haus. Trong diễn văn, Đức Thánh Cha ca ngợi sự đa dạng phong phú của người dân Papua New Guinea, những người được kêu gọi sống trong hòa thuận và hòa bình, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cầu nguyện.

cq5dam thumbnail cropped 750 422

DIỄN VĂN CỦA ĐỨC THÁNH CHA
Gặp gỡ chính quyền, đại diện dân sự và ngoại giao đoàn
Port Moresby, APEC House, 07/09/2024

Kính thưa ngài Toàn quyền,
Kính thưa Thủ tướng,
quý vị Đại diện xã hội dân sự,
và quý Đại sứ!
Tôi rất vui mừng được ở đây với quý vị ngày hôm nay và có thể đến thăm Papua New Guinea. Tôi cảm ơn ngài Toàn quyền vì những lời chào đón chân thành và tất cả quý vị vì sự chào đón nồng nhiệt của quý vị. Tôi gửi lời chào tới toàn thể người dân cả nước, chúc họ hòa bình và thịnh vượng. Và tôi cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với Chính quyền vì sự giúp đỡ mà họ dành cho nhiều hoạt động của Giáo hội trên tinh thần cộng tác lẫn nhau vì lợi ích chung.

Ở quê hương của quý vị, một quần đảo với hàng trăm hòn đảo, hơn 800 ngôn ngữ được sử dụng, tương ứng với nhiều nhóm sắc tộc: điều này làm nổi bật sự phong phú văn hóa phi thường; và tôi thú nhận rằng đây là một khía cạnh làm tôi rất yêu thích, ngay cả trên bình diện tâm linh, bởi vì tôi tưởng tượng rằng sự đa dạng to lớn này là một thách đố đối với Thần Khí, Đấng tạo ra sự hài hòa từ những khác biệt!

Đất nước của quý vị, ngoài các hải đảo và các ngôn ngữ, còn rất giàu tài nguyên thiên nhiên. Những tài nguyên này được Thiên Chúa dành cho toàn bộ cộng đồng và ngay cả khi việc khai thác chúng cần có sự tham gia của các chuyên gia và các công ty quốc tế lớn, thì điều đúng đắn là phải quan tâm đến nhu cầu của người dân địa phương khi phân phối số tiền thu được và việc sử dụng lực lượng lao động, để cải thiện cách hiệu quả điều kiện sống của họ.

Sự phong phú về môi trường và văn hóa này đồng thời thể hiện một trách nhiệm lớn lao, bởi vì nó đòi hỏi mọi người, các chính phủ cùng với người dân, để cổ võ mọi sáng kiến ​​cần thiết để phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên và con người, theo cách mang lại cuộc sống bền vững và công bằng. Một cách thế nhằm thúc đẩy hạnh phúc của tất cả mọi người, không loại trừ ai, thông qua các chương trình thực thi cụ thể và thông qua hợp tác quốc tế, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau và bằng những thỏa thuận có lợi cho tất cả các bên.

Một điều kiện cần thiết để đạt được những kết quả lâu dài như vậy là sự ổn định của các thể chế, điều này được ủng hộ bởi sự đồng thuận về một số điểm cốt yếu giữa các quan niệm và sự nhạy cảm khác nhau hiện có trong xã hội. Việc tăng cường sự vững chắc về thể chế và xây dựng sự đồng thuận về những lựa chọn cơ bản là một yêu cầu không thể thiếu đối với sự phát triển toàn diện và liên đới. Nó cũng đòi hỏi một tầm nhìn dài hạn và bầu khí hợp tác giữa mọi người, bất chấp sự khác biệt về vai trò và sự khác biệt về quan điểm.

Đặc biệt, tôi mong tình trạng bạo lực giữa các bộ tộc sẽ chấm dứt, điều thật đáng tiếc khi gây ra nhiều nạn nhân, không cho người dân được sống hòa bình và cản trở sự phát triển. Do đó, tôi kêu gọi ý thức trách nhiệm của mọi người, để vòng xoáy bạo lực bị gián đoạn và thay vào đó chúng ta kiên quyết đi theo con đường dẫn đến sự hợp tác hiệu quả, vì lợi ích của toàn thể người dân của quốc gia.

Trong bầu không khí được tạo ra bởi những thái độ này, vấn đề về tình trạng của đảo Bougainville cũng sẽ có thể tìm được một giải pháp dứt khoát, tránh khơi lại những căng thẳng xưa nay.

Bằng cách củng cố thỏa thuận về nền tảng của xã hội dân sự và với việc mọi người sẵn sàng hy sinh một phần quan điểm của mình vì lợi ích của tất cả mọi người, chúng ta có thể sử dụng các nguồn lực cần thiết để cải thiện cơ sở hạ tầng và giải quyết các nhu cầu về sức khỏe và giáo dục của người dân và gia tăng cơ hội có việc làm bền vững.

Tuy nhiên, ngay cả khi đôi khi chúng ta quên điều đó thì ngoài những gì cần thiết để sống, con người cần có một niềm hy vọng lớn lao trong tâm hồn, điều giúp họ sống tốt và mang lại cho họ hương vị và lòng can đảm để thực hiện những dự án quy mô lớn và cho phép họ ngước nhìn lên cao và hướng tới những chân trời rộng lớn.

Của cải vật chất dồi dào, nếu không có hơi thở của tâm hồn này, thì không đủ để mang lại sự sống cho một xã hội đầy sức sống và thanh thản, cần cù và vui tươi, mà thậm chí, nó còn khiến nó co cụm trong chính mình. Sự khô cằn của trái tim khiến xã hội mất định hướng và quên đi hệ thống giá trị đúng đắn; và như xảy ra ở một số xã hội giàu có, nó tước đi động lực và ngăn cản sự tiến lên của xã hội đến mức xã hội mất hy vọng vào tương lai và không còn tìm được lý do để truyền lại sự sống và đức tin cho các thế hệ tương lai.

Vì lý do này, cần phải hướng tinh thần tới những thực tại cao cả hơn; các hành vi cần được hỗ trợ bởi sức mạnh nội tâm, một sức mạnh bảo vệ chúng khỏi nguy cơ bị hư hỏng và dần mất đi khả năng nhận ra ý nghĩa công việc của mình và thực hiện nó một cách tận tâm và nhất quán.

Các giá trị của tinh thần ảnh hưởng ở mức độ đáng kể đến việc xây dựng thành phố trần thế và mọi thực tại tạm thời, chúng truyền vào tâm hồn – có thể nói -, truyền cảm hứng và củng cố mọi dự án. Logo và khẩu hiệu của chuyến viếng thăm Papua New Guinea của tôi cũng nhắc nhở chúng ta về điều này. Khẩu hiệu chỉ với một từ nói lên tất cả: “Cầu nguyện” – “Cầu nguyện”. Có lẽ có ai đó quá chú trọng đến “sự đúng đắn chính trị” có thể ngạc nhiên trước sự lựa chọn này; nhưng trên thực tế thì người này đã sai, bởi vì một dân tộc cầu nguyện sẽ có một tương lai, nhận được sức mạnh và niềm hy vọng từ trên cao. Và ngay cả biểu tượng chim thiên đường, trong logo của cuộc viếng thăm, cũng là biểu tượng của tự do: của sự tự do mà không gì và không ai có thể bóp nghẹt được vì nó là sự tự do nội tâm, và được bảo vệ bởi Thiên Chúa, Đấng là tình yêu và muốn con cái của Người cũng được tự do.

Đối với tất cả những ai tuyên xưng mình là Kitô hữu – đại đa số dân tộc của anh chị em – tôi chân thành hy vọng rằng đức tin không bao giờ bị thu hẹp vào việc tuân giữ các nghi lễ và giới luật, nhưng hệ tại ở việc yêu mến Chúa Giêsu Kitô và bước theo Người, và đức tin đó có thể trở thành một lối sống văn hóa, truyền cảm hứng cho tâm trí và hành động và trở thành ngọn hải đăng soi đường. Bằng cách này, đức tin cũng sẽ có thể giúp xã hội nói chung phát triển và xác định các giải pháp tốt và hiệu quả cho những thách đố lớn lao của xã hội.

Thưa quý vị, với tư cách là Người kế vị Thánh Phêrô, tôi đến để khuyến khích các tín hữu Công giáo tiếp tục cuộc hành trình của họ và củng cố họ trong việc tuyên xưng đức tin; tôi đến để cùng họ vui mừng vì những tiến bộ họ đang đạt được và chia sẻ những khó khăn của họ; tôi ở đây, như Thánh Phaolô nói, là “người cộng tác vào niềm vui của anh em” (2 Cr 1,24).

Tôi khen ngợi các cộng đoàn Kitô giáo vì những công việc bác ái họ thực hiện trong nước, và tôi kêu gọi họ luôn tìm kiếm sự cộng tác với các tổ chức công và với tất cả những người thiện chí, bắt đầu từ những anh chị em thuộc các hệ phái Kitô giáo khác và các tôn giáo khác, vì lợi ích chung của mọi công dân Papua New Guinea.

Chứng tá sáng ngời của Chân phước Pietro To Rot – như Thánh Gioan Phaolô II đã tuyên bố trong Thánh lễ phong chân phước – “dạy chúng ta biết quảng đại phục vụ người khác để đảm bảo rằng xã hội phát triển trong sự trung thực và công bằng, hòa hợp và liên đới” (xem Bài giảng, Port Moresby, ngày 17 tháng 1 năm 1995). Cầu mong gương sáng của ngài, cùng với tấm gương của Chân phước Giovanni Mazzucconi, của PIME, và của tất cả các nhà truyền giáo đã loan báo Tin Mừng trên mảnh đất này của quý vị, mang lại cho quý vị sức mạnh và niềm hy vọng.

Xin Thánh Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, Thánh Bổn Mạng của Papua New Guinea, luôn dõi theo quý vị và bảo vệ quý vị khỏi mọi nguy hiểm, bảo vệ các cấp Chính quyền và toàn thể người dân đất nước này.

Thưa quý ông quý bà!

Tôi vui mừng bắt đầu cuộc viếng thăm giữa quý vị. Tôi cảm ơn quý vị đã mở cửa chào đón tôi ở đất nước xinh đẹp của quý vị, rất xa Roma nhưng lại rất gần với trái tim của Giáo hội Công giáo. Bởi vì trong lòng Giáo hội có tình yêu của Chúa Giêsu Kitô, Đấng trên Thánh giá đã ôm lấy tất cả mọi người. Tin Mừng của Người dành cho mọi dân tộc, không bị ràng buộc bởi bất kỳ quyền lực trần thế nào, nhưng tự do làm phong phú mọi nền văn hóa và làm cho Vương quốc của Thiên Chúa, Vương quốc công lý, tình yêu và hòa bình, phát triển trên thế giới. Ước gì Vương quốc ấy được chào đón hoàn toàn tại vùng đất này, để tất cả mọi dân tộc của Papua New Guinea, với những truyền thống đa dạng của họ, sống hòa hợp với nhau và cống hiến cho thế giới một dấu hiệu của tình huynh đệ.

​​​​​​​ĐTC gặp gỡ chính quyền Papua New Guinea

Sáng thứ Bảy ngày 7/9/2024, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ các cấp chính quyền, xã hội dân sự Papua New Guinea và ngoại giao đoàn tại APEC Haus. Trong bài phát biểu, Đức Thánh Cha ca ngợi sự đa dạng phong phú của dân tộc Papua New Guinea, những người được kêu gọi sống trong hòa thuận và hòa bình, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cầu nguyện.

Vatican News

APEC Haus là trung tâm hội nghị chính của thành phố nằm ở Vịnh Walter, trên một bán đảo tiếp giáp với Bãi biển Ela ở Port Moresby. Trung tâm được xây dựng để tiếp đón các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC (Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương vào tháng 11 năm 2018. Tòa nhà được thiết kế theo cách để sau Hội nghị APEC có thể dễ dàng chuyển đổi thành bảo tàng và một trung tâm triển lãm và hội nghị, dựa trên các yếu tố của truyền thống Motu-Koita, và mái nhà được lấy cảm hứng từ cánh buồm truyền thống motua “lagatoi” (lakatoi), có hình móng vuốt cua, đặc trưng của thuyền hai thân được dùng trong việc buôn bán giữa các đảo của Thái Bình Dương.

Đến Trung tâm APEC Haus, Đức Thánh Cha được Toàn quyền của Papua New Guinea đón tiếp ở lối vào chính, với những vũ điệu truyền thống của người dân. Sau đó ngài đi đến APEC Leaders Foyer và gặp gỡ khoảng 300 người hiện diện tại đó, bao gồm các giới chức chính trị và tôn giáo, ngoại giao đoàn, các doanh nhân, các đại diện xã hội dân sứ và văn hóa.

 

ĐTC Phanxicô gặp chính quyền, xã hội dân sự Papua New Guinea và ngoại giao đoàn ĐTC Phanxicô gặp chính quyền, xã hội dân sự Papua New Guinea và ngoại giao đoàn

Trong diễn văn, Đức Thánh Cha ca ngợi sự đa dạng phong phú của người dân Papua New Guinea, những người được kêu gọi sống trong hòa thuận và hòa bình, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cầu nguyện.

Trước hết, Đức Thánh Cha bày tỏ lòng vui mừng đến thăm Papua New Guinea. Ngài cảm ơn sự chào đón nồng nhiệt của họ và gửi lời chào tới toàn thể người dân cả nước, chúc họ hòa bình và thịnh vượng. Ngài cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với Chính quyền vì sự giúp đỡ mà họ dành cho nhiều hoạt động của Giáo hội trên tinh thần cộng tác lẫn nhau vì lợi ích chung.

 

ĐTC Phanxicô gặp chính quyền, xã hội dân sự Papua New Guinea và ngoại giao đoàn ĐTC Phanxicô gặp chính quyền, xã hội dân sự Papua New Guinea và ngoại giao đoàn

Và Đức Thánh Cha tiếp tục bài diễn văn như sau:

Sự đa dạng phong phú 

Đức Thánh Cha ca ngợi sự phong phú văn hóa nổi bật của Papua New Guinea. Ngài nói: “Ở quê hương của quý vị, một quần đảo với hàng trăm hòn đảo, hơn 800 ngôn ngữ được sử dụng, tương ứng với nhiều nhóm sắc tộc: điều này làm nổi bật sự phong phú văn hóa phi thường; và tôi thú nhận rằng đây là một khía cạnh làm tôi rất yêu thích, ngay cả trên bình diện tâm linh, bởi vì tôi tưởng tượng rằng sự đa dạng to lớn này là một thách đố đối với Thần Khí, Đấng tạo ra sự hài hòa từ những khác biệt!

Tài nguyên được Thiên Chúa dành cho toàn bộ cộng đồng

Tiếp đến, khi nhận định rằng đất nước này rất giàu tài nguyên thiên nhiên, Đức Thánh Cha nói rằng những tài nguyên này được Thiên Chúa dành cho toàn bộ cộng đồng. Do đó, “điều đúng đắn là phải quan tâm đến nhu cầu của người dân địa phương khi phân phối số tiền thu được và việc sử dụng lực lượng lao động, để cải thiện cách hiệu quả điều kiện sống của họ”. Ngài lưu ý rằng điều này là một trách nhiệm lớn lao, bởi vì nó đòi hỏi mọi người, các chính phủ cộng tác cùng với người dân, để cổ võ mọi sáng kiến ​​cần thiết để phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên và con người, theo cách mang lại cuộc sống bền vững và công bằng.

 

ĐTC Phanxicô gặp chính quyền, xã hội dân sự Papua New Guinea và ngoại giao đoànĐTC Phanxicô gặp chính quyền, xã hội dân sự Papua New Guinea và ngoại giao đoàn

Chấm dứt vòng xoáy bạo lực 

Đức Thánh Cha mong rằng tình trạng bạo lực giữa các bộ tộc sẽ chấm dứt và ngài kêu gọi ý thức trách nhiệm của mọi người, để chấm dứt vòng xoáy bạo lực, kiên quyết đi theo con đường dẫn đến sự hợp tác hiệu quả, vì lợi ích của toàn thể người dân của quốc gia. Ngài nói: “Bằng cách củng cố thỏa thuận về nền tảng của xã hội dân sự và với việc mọi người sẵn sàng hy sinh một phần quan điểm của mình vì lợi ích của tất cả mọi người, chúng ta có thể sử dụng các nguồn lực cần thiết để cải thiện cơ sở hạ tầng và giải quyết các nhu cầu về sức khỏe và giáo dục của người dân và gia tăng cơ hội có việc làm bền vững”.

Cần có niềm hy vọng

Đức Thánh Cha nói tiếp rằng ngoài của cải cần thiết để sống, con người cần có một niềm hy vọng lớn lao trong tâm hồn, điều giúp họ sống tốt và mang lại cho họ hương vị và lòng can đảm để thực hiện những dự án quy mô lớn và cho phép họ ngước nhìn lên cao và hướng tới những chân trời rộng lớn.

Ngài nói: “Của cải vật chất dồi dào, nếu không có hơi thở của tâm hồn này, thì không đủ để mang lại sự sống cho một xã hội đầy sức sống và thanh thản, cần cù và vui tươi, mà thậm chí, nó còn khiến nó co cụm trong chính mình. Sự khô cằn của trái tim khiến xã hội mất định hướng và quên đi hệ thống giá trị đúng đắn; và như xảy ra ở một số xã hội giàu có, nó tước đi động lực và ngăn cản sự tiến lên của xã hội đến mức xã hội mất hy vọng vào tương lai và không còn tìm được lý do để truyền lại sự sống và đức tin cho các thế hệ tương lai”.

 

ĐTC Phanxicô gặp gỡ chính quyền, xã hội dân sự Papua New Guinea và ngoại giao đoànĐTC Phanxicô gặp gỡ chính quyền, xã hội dân sự Papua New Guinea và ngoại giao đoàn

Một dân tộc cầu nguyện sẽ có một tương lai

Từ đó Đức Thánh Cha mời gọi hướng tinh thần tới những thực tại cao cả hơn; bởi vì “các hành vi cần được hỗ trợ bởi sức mạnh nội tâm, một sức mạnh bảo vệ chúng khỏi nguy cơ bị hư hỏng và dần mất đi khả năng nhận ra ý nghĩa công việc của mình và thực hiện nó một cách tận tâm và nhất quán”.

Ngài nhắc lại Logo và khẩu hiệu của chuyến viếng thăm Papua New Guinea. Khẩu hiệu chỉ với một từ nói lên tất cả: “Cầu nguyện”. Một dân tộc cầu nguyện sẽ có một tương lai, nhận được sức mạnh và niềm hy vọng từ trên cao. Và ngay cả biểu tượng chim thiên đường, trong logo của cuộc viếng thăm, cũng là biểu tượng của tự do: của sự tự do mà không gì và không ai có thể bóp nghẹt được vì nó là sự tự do nội tâm, và được bảo vệ bởi Thiên Chúa, Đấng là tình yêu và muốn con cái của Người cũng được tự do.

 

ĐTC Phanxicô gặp gỡ chính quyền, xã hội dân sự Papua New Guinea và ngoại giao đoànĐTC Phanxicô gặp gỡ chính quyền, xã hội dân sự Papua New Guinea và ngoại giao đoàn

Đức tin có thể giúp xã hội phát triển

Đức Thánh Cha hy vọng rằng đức tin của các Kitô hữu “không bao giờ bị thu hẹp vào việc tuân giữ các nghi lễ và giới luật, nhưng hệ tại ở việc yêu mến Chúa Giêsu Kitô và bước theo Người, và đức tin đó có thể trở thành một lối sống văn hóa, truyền cảm hứng cho tâm trí và hành động và trở thành ngọn hải đăng soi đường. Bằng cách này, đức tin cũng sẽ có thể giúp xã hội nói chung phát triển và xác định các giải pháp tốt và hiệu quả cho những thách đố lớn lao của xã hội”.

Trong khi đến Papua New Guinea để khuyến khích các tín hữu Công giáo tiếp tục cuộc hành trình của họ và củng cố họ trong việc tuyên xưng đức tin, Đức Thánh Cha khen ngợi các cộng đoàn Kitô giáo vì những công việc bác ái họ thực hiện trong nước và kêu gọi họ luôn tìm kiếm sự cộng tác với các tổ chức công và với tất cả những người thiện chí.

Đức Thánh Cha nhắc đến chứng tá của Chân phước Pietro To Rot, của Chân phước Giovanni Mazzucconi, và cầu mong gương sáng của tất cả các nhà truyền giáo đã loan báo Tin Mừng trên mảnh đất này mang lại cho người Papua New Guinea sức mạnh và niềm hy vọng. Ngài Xin Thánh Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, Thánh Bổn Mạng của Papua New Guinea, luôn dõi theo và bảo vệ họ khỏi mọi nguy hiểm, bảo vệ các cấp Chính quyền và toàn thể người dân đất nước này.

 

ĐTC Phanxicô gặp gỡ chính quyền, xã hội dân sự Papua New Guinea và ngoại giao đoànĐTC Phanxicô gặp gỡ chính quyền, xã hội dân sự Papua New Guinea và ngoại giao đoàn

Papua New Guinea “gần với trái tim của Giáo hội Công giáo”

Cuối cùng, một lần nữa Đức Thánh Cha cảm ơn các cấp chính quyền đã mở cửa chào đón ngài ở đất nước xinh đẹp, “rất xa Roma nhưng lại rất gần với trái tim của Giáo hội Công giáo. Bởi vì trong lòng Giáo hội có tình yêu của Chúa Giêsu Kitô, Đấng trên Thánh giá đã ôm lấy tất cả mọi người. Tin Mừng của Người dành cho mọi dân tộc, không bị ràng buộc bởi bất kỳ quyền lực trần thế nào, nhưng tự do làm phong phú mọi nền văn hóa và làm cho Vương quốc của Thiên Chúa, Vương quốc công lý, tình yêu và hòa bình, phát triển trên thế giới”. Ngài mong ước Vương quốc của Chúa được chào đón hoàn toàn tại vùng đất này, “để tất cả mọi dân tộc của Papua New Guinea, với những truyền thống đa dạng của họ, sống hòa hợp với nhau và cống hiến cho thế giới một dấu hiệu của tình huynh đệ”.

Kết thúc cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha đi đến một sảnh cạnh đó để chào các Lãnh đạo chính quyền của các nước Thái Bình dương. Cuối cùng, tại lối vào chính, Đức Thánh Cha đã từ giã Toàn quyền Papua New Guinea và trở về Tòa Sứ thần.

 

ĐTC Phanxicô gặp gỡ chính quyền, xã hội dân sự Papua New Guinea và ngoại giao đoànĐTC Phanxicô gặp gỡ chính quyền, xã hội dân sự Papua New Guinea và ngoại giao đoàn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *