Đức Bênêđíctô XVI đau buồn trước tình trạng hiện nay của Giáo Hội

1. Phiên tòa xét xử Hồng Y Đức Hồng Y Quân mở lại ở Hương Cảng ngay sau khi gia hạn thỏa thuận giữa Vatican-Trung Quốc

Phiên tòa xét xử Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân đã tiếp tục tại Hương Cảng vào hôm thứ Tư, vài ngày sau khi Tòa thánh tuyên bố gia hạn thỏa thuận với Bắc Kinh.

Công tố viên Anthony Châu Thiên Khanh (Chau Tin-hang, 周天坑) đã khai mạc phiên tòa vào ngày 26 tháng 10 tại Tòa sơ thẩm Tây Cửu Long, nơi Đức Hồng Y Quân và 5 nhà hoạt động ủng hộ dân chủ khác bị buộc tội vì không ghi danh Quỹ cứu trợ nhân đạo 612 từ năm 2019 và năm 2021.

Phía công tố lập luận rằng Quỹ Cứu trợ Nhân đạo 612 cần phải được ghi danh với cảnh sát vì quy mô “to lớn” và phương thức hoạt động “có hệ thống”, theo South China Morning Post.

Quỹ đã giúp những người biểu tình ủng hộ dân chủ thanh toán các khoản phí pháp lý của họ cho đến khi nó tự giải thể vào tháng 10 năm 2021. Châu lập luận rằng quỹ này có bản chất chính trị và do đó không đủ điều kiện để được miễn trừ trong Sắc lệnh về xã hội của Hương Cảng đối với các tổ chức được thành lập “vì tôn giáo, bác ái, mục đích xã hội hoặc giải trí.”

Người bào chữa sẽ đưa ra lập luận của mình trước Thẩm phán chính Ada Doãn Thuận Nghi (Yim Shun-yee, 尹顺仪) vào ngày 31 tháng 10.

Theo các luật sư bào chữa, Sắc lệnh về xã hội là vi hiến, đưa ra một định nghĩa mơ hồ về “xã hội” và có những yêu cầu vượt quá những gì cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, Asia News đưa tin.

Ban đầu bị bắt vì tội “âm mưu cấu kết với lực lượng nước ngoài” theo luật an ninh do Bắc Kinh áp đặt vào tháng 6 năm 2020, sáu bị cáo vẫn chưa bị buộc tội về tội danh đó.

Một ngày sau khi vị Hồng Y bị bắt, Tòa thánh bày tỏ quan ngại sâu sắc và cho biết họ đang theo dõi “rất chặt chẽ diễn biến của tình hình”.

Nhận định về cáo buộc chống lại Đức Hồng Y Quân, Đức Hồng Y Charles Bo, của Miến Điện, chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á Châu, nói:

“Anh tôi, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, đã bị bắt và phải đối mặt với các cáo buộc chỉ vì ngài từng là người được ủy thác của một quỹ hỗ trợ pháp lý cho các nhà hoạt động đối mặt với các vụ kiện của tòa án. Trong bất kỳ hệ thống nào mà nhà nước pháp quyền tồn tại, việc hỗ trợ để giúp những người bị truy tố chi trả án phí là một quyền phù hợp và được chấp nhận. Giúp người bị tố cáo có quyền bào chữa, đại diện hợp pháp thì làm sao có thể có thể coi là một tội phạm được?”

Nhiều tín hữu Công Giáo Hương Cảng cảm thấy cay đắng vì kẻ ký lệnh bắt giữ Đức Hồng Y Quân là bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam Cheng Yuet-ngor, 林鄭月娥), một người Công Giáo. Bà ta cũng chọn đúng ngày 24 tháng 5, là Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Giáo hội ở Trung Quốc, cũng là ngày lễ của Đức Mẹ Phù Hộ Các Tín Hữu, để đưa ngài ra tòa lần thứ nhất.


Source:National Catholic Register

2. Đức Tổng Giám Mục San Francisco nói rằng ngài đang cầu nguyện cho Paul và Nancy Pelosi sau cuộc tấn công

Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone đang kêu gọi những lời cầu nguyện cho Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và chồng bà Paul Pelosi, là những người đã bị hành hung tại nhà của cặp vợ chồng ở San Francisco vào sáng sớm ngày 28 tháng 10.

Phát ngôn nhân của Nancy cho biết trong một tuyên bố rằng Paul, 82 tuổi, đã được đưa đến bệnh viện với những vết thương sau vụ tấn công và dự kiến sẽ bình phục hoàn toàn. Phát ngôn nhân cho biết Chủ tịch Hạ viện không ở San Francisco vào thời điểm xảy ra vụ tấn công.

“Xin hãy cùng tôi cầu nguyện cho sự hồi phục nhanh chóng của Paul Pelosi cũng như sự an ủi cho vợ và gia đình của ông ấy,” Đức Cha Cordileone, tổng giám mục của San Francisco, cho biết trong một tuyên bố. “Xin Mẹ Maria nghe lời cầu nguyện của chúng con.”

Đức Cha Cordileone và Chủ tịch Hạ viện đã có một cuộc tranh luận kéo dài về quan điểm ủng hộ việc phá thai của cô ấy. Hồi tháng 5, Đức Tổng Giám Mục Cordileone đã cấm Nancy, một người Công Giáo, không được rước lễ trong tổng giáo phận của ngài. Một số các vị Tổng Giám Mục và Giám Mục khác cũng đã đưa ra các tuyên bố tương tự.

Cuối ngày, Đức Tổng Giám Mục José Gomez của Los Angeles, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, đã lặp lại lời kêu gọi cầu nguyện của Đức Cha Cordileone.

Đức Tổng Giám Mục Gomez nói: “Tôi vô cùng đau buồn vì bạo lực này không có chỗ đứng trong cộng đồng, tiến trình chính trị hay quốc gia vĩ đại của chúng ta. Xin Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp chuyển cầu cho chúng ta, chữa lành và hướng dẫn chúng ta đến những con đường bình an.”

Cảnh sát trưởng San Francisco William Scott cho biết tại một cuộc họp báo ngày 28 tháng 10 rằng các nhân viên cảnh sát San Francisco đã được điều động đến nhà Pelosi vào khoảng 2:27 sáng để kiểm tra tình trạng sức khỏe. Khi các cảnh sát đến nơi, họ quan sát thấy cả nghi phạm và ông Paul mỗi người đều đang cầm một chiếc búa, trước khi “nghi phạm dùng nó tấn công dữ dội” các nhân viên thực thi pháp luật.

Các cảnh sát sau đó đã bắt được nghi phạm, được xác định là David Depape, 42 tuổi. Anh ta cũng đã được đưa đến một bệnh viện địa phương để điều trị. Scott cho biết động cơ của vụ tấn công là không rõ ràng.

Cuộc điều tra về vụ tấn công đang diễn ra và do bộ phận điều tra đặc biệt của Sở cảnh sát San Francisco, kết hợp với FBI, Văn phòng luật sư Hoa Kỳ, Cảnh sát Capitol Hoa Kỳ và luật sư quận San Francisco.

Depape sẽ được giữ tại Nhà tù Hạt San Francisco sau khi các cáo buộc được đưa ra bao gồm cố gắng giết người, tấn công bằng vũ khí chết người, ngược đãi người cao tuổi, ăn trộm và một số trọng tội khác.

Nhiều báo cáo khác nhau về vụ tấn công nói rằng Depape đang muốn tấn công vào Chủ tịch Hạ viện chứ không phải có ý ăn trộm.

Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre nói rằng Tổng thống Joe Biden đã liên lạc với Nancy sau vụ tấn công.

“Tổng thống đang cầu nguyện cho Paul Pelosi và cho cả gia đình của Chủ tịch Hạ Viện Pelosi,” Jean-Pierre nói vào ngày 28 tháng 10. “Sáng nay, ông ấy đã gọi cho Chủ tịch Hạ Viện Pelosi để bày tỏ sự ủng hộ sau cuộc tấn công khủng khiếp này. Tổng thống cũng rất vui mừng vì ông Paul dự kiến sẽ hồi phục hoàn toàn. Tổng thống tiếp tục lên án mọi hành vi bạo lực, và yêu cầu quyền riêng tư của gia đình phải được tôn trọng”.


Source:Crux

3. Đức Bênêđíctô XVI đau buồn trước tình trạng hiện nay của Giáo Hội

“Đức Bênêđíctô XVI là vị giáo hoàng sống lâu nhất. Hai tuần trước, tôi đã ở với ngài và tôi có ấn tượng rằng ngài đang phải chịu đựng rất nhiều vì tình hình hiện tại của Giáo hội. Ngài đã thú nhận với tôi rằng có lẽ Chúa vẫn giữ ngài ở đây để làm chứng cho thế giới”, Peter Seewald, nhà báo, nhà văn và người viết tiểu sử về Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, cho biết như trên hôm 26 tháng 10 là sinh nhật của Đức Giáo Hoàng Danh dự.

Ông cũng giải thích rằng Đức Bênêđíctô XVI cho rằng nếu Giáo hội không làm những gì cần làm, thì điều đó sẽ gây ra hậu quả ngay trong thời hiện đại mà chúng ta đang sống.

“Ngài là một người đã phải chịu đựng rất nhiều, và chúng ta sẽ thấy ngài sẽ đi vào lịch sử như thế nào trong những năm tới,” nhà văn, người hiểu rõ Đức Joseph Ratzinger, cho biết sau khi phỏng vấn ngài khi ngài vẫn còn là người đứng đầu Bộ Giáo lý Đức tin.

Ban đầu, Seewald có thành kiến khá tiêu cực về vị Hồng Y người Đức, nhưng đã bị cá tính của ngài chinh phục, và thấy không công bằng khi giới truyền thông vẫn coi Đức Giáo Hoàng người Đức như là một “kẻ chống lại tiến bộ”.

Đối với Seewald, Đức Bênêđíctô XVI là một người đàn ông đích thực, bởi vì ngài nói và làm những gì mình nghĩ. “Rất dễ dàng để tham gia vào một cuộc đối thoại với ngài. Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 là một người rất khiêm tốn và hoàn toàn không phải là một kẻ dò xét. Bạn có thể chỉ trích ngài, nhưng sẽ thú vị hơn khi lắng nghe những gì ngài nói,” người viết tiểu sử Đức Bênêđíctô cho biết.

Seewald cho biết một yếu tố đáng ngạc nhiên khác là tất cả các phân tích của Đức Bênêđíctô XVI về Giáo hội đã trở thành sự thật. Lặp lại những lời của Đức Giáo Hoàng Danh dự, người viết tiểu sử nói: “Khi con người quay lưng lại với Thiên Chúa, xã hội sẽ đau khổ, và phong trào tục hóa mạnh mẽ đang làm rung chuyển các xã hội phương Tây”.


Source:religion.elconfidencialdigital.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *