Chạy dọc theo con đường Võ Nguyên Giáp nằm sát bờ biển thành phố Đà Nẵng, ai cũng thấy một con đường rộng, xe cộ tấp nập, những khách sạn cao vút và bờ biển dài vô cùng đẹp đẽ. Đây là nơi thu hút khách du lịch bậc nhất của TP Đà Nẵng. Đặc biệt, cũng có một địa điểm khá hút khách trên con đường Võ Nguyên Giáp này, nơi người ta không đến để ăn uống, nghỉ dưỡng, nhưng là để cầu nguyện. Đó là một khu đất khá rộng (khoảng 3000m2) bao quanh bởi hàng cây phi lao, ở giữa có một bức tượng Mẹ Maria tay bồng Chúa Giêsu, được gọi là Đức Mẹ Sao Biển, thuộc khuôn viên các nữ tu dòng Thánh Phaolo thành Chartres.
Xin cho con biết Mẹ!
Từ bên ngoài, hai hàng cây xanh được cắt tỉa gọn gàng, cùng với nhiều loại cây cảnh được các nữ tu chăm sóc hằng ngày. Dưới lối đi là thảm cỏ xanh chấm phá vài bông hoa cúc dại và xuyến chi. Một bức tranh thiên nhiên thật đẹp! Hàng cây phi lao được trồng bao quanh khuôn viên như những chiến sĩ bảo vệ tượng Mẹ Sao Biển ở giữa. Như vẻ đẹp thuở ban đầu Thiên Chúa đã tạo dựng nên muôn vật cây cối tốt đẹp (St 1, 31), hoa lá cỏ cây cũng biết dùng những vẻ đẹp phong phú của mình để chúc tụng Đấng Tạo Hóa (Dn 3, 76). Có thể nhận thấy một mối tương quan hai chiều gần gũi mà Thiên Chúa là Đấng đã yêu thương những gì Người tác tạo. Vậy là khi bước đi từ ngoài vào, nhờ vẻ đẹp của thiên nhiên, chúng ta đã có thể cầu nguyện rồi! Chính giữa trung tâm khuôn viên là bức tượng Đức Mẹ Sao Biển mặc áo choàng xanh, tay đang ẵm lấy Chúa Giêsu. Như bao người mẹ yêu con, Mẹ Maria bồng Con Mẹ dịu dàng hướng về phía trước để nhân loại nhìn thấy mà tin nhận món quà lớn nhất, chính Chúa Cha ban tặng thế giới. Mẹ Maria không muốn giữ cho riêng cho mình hồng phúc được tin nhận Đấng Cứu Thế (Lc 1, 45), nhưng Mẹ muốn chia sẻ hồng phúc đó cho mỗi người chúng ta, nghĩa là khi đến đây cầu nguyện mỗi người có thể xin Mẹ bồng Chúa Giêsu vào lòng và đem Người bước vào cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Chắc chắn trên bước đường đời có khi vui khi buồn, Mẹ muốn chúng ta đến với Mẹ và đem Chúa cùng đi với chúng ta.
Mẹ Maria – Ánh Sao Biển cho đoàn con cái
Nhiều người đến đây kể lại rằng, năm 2006, Đà Nẵng đón cơn bão Xangsane giật cấp 13, người dân đều lo lắng về sức tàn phá của nó. Kết quả là tâm bão đi qua thành phố, nhà cửa và cảnh quan bị tàn phá nặng nề. Nhưng lạ lùng thay, mái tôn che tượng Mẹ Sao Biển vẫn không hề hấn gì. Sau cơn bão, nhiều người, cả tín hữu lẫn lương dân đều tin nhận và sùng kính nơi linh thánh này. Tuy nhiên, các tín hữu đến đây chắc chắn không chỉ vì phép lạ được loan truyền, mà hơn hết, là vì lòng sùng kính mến yêu, cậy trông nơi lời chuyển cầu của Mẹ lên Chúa Giêsu.
Nhịp sống đô thị tất bật, người dân thường bận đi học đi làm ban ngày, nên từ khoảng 7 đến 10 giờ tối, rất đông người đến cầu nguyện cùng Mẹ. Họ đi cùng gia đình hay nhóm bạn bè. Nhiều người mang theo hoa tươi đặt quanh tượng Mẹ, rồi ngồi từng nhóm đọc kinh, lần chuỗi Mân Côi, thì thầm cùng Mẹ những vui buồn của một ngày sống. Dù là người gốc Đà Nẵng hay người di dân, ai cũng đến cầu nguyện cách cung kính và sốt sắng, đặt trọn lòng tin tưởng nơi tình thương Chúa cùng sự chở che của Mẹ. Trong niềm tin, Mẹ chính là Ánh Sao Biển chiếu rọi cuộc đời. Lúc con thuyền sự nghiệp, con thuyền gia đình chênh vênh sóng gió, lạc đường, với niềm cậy trông thiết tha, Mẹ sẽ chiếu soi, bảo vệ mỗi người đến bến bờ bình an.
Đức tin sống động của người trẻ xa quê
Thật đặc biệt, các bạn trẻ đến cầu nguyện rất đông. Hình ảnh những nhóm bạn trẻ đi làm hay đi học về, vai mang ba lô, đứng cầu nguyện trước Mẹ đã trở nên rất đỗi quen thuộc. Thêm nữa, có nhiều nhóm sinh viên đến lần chuỗi sốt sắng hàng đêm. Đó là các bạn trẻ xa quê đến học tại các trường Đại học, Cao đẳng, họ quy tụ lại, lập nên những nhóm Sinh viên Công giáo để đồng hành cùng nhau trong cả đời sống đức tin và đời sống học tập. Việc sống xa gia đình, giáo xứ, đến môi trường sống mới, một mặt có thể khiến người trẻ đánh mất cội rẽ hình thành nhiều năm trong gia đình. Nhưng một mặt, với gốc rễ đã có, người trẻ có thể mở lòng mình ra với thực tại với nhiều sáng kiến mới bằng cách quy tụ nhau lại để sống đức tin. (Christus Vivit 185-186). Tại thành phố Đà Nẵng có 9 nhóm Sinh viên Công Giáo, các bạn gặp gỡ nhau mỗi cuối tuần để sinh hoạt và cầu nguyện. Thiết nghĩ các giáo xứ tại thành phố nên tạo điều kiện giúp người trẻ nối kết thường xuyên, vì những người trẻ di dân cũng cần được Đón tiếp – bảo vệ – thăng tiến – hội nhập. (Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn năm 2018) (nguồn: Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn lần thứ 104 (năm 2018))
Bước theo Ngôi Sao Biển
“Lạy Mẹ là Ngôi Sao sáng soi lối cho con lúc vượt biển thế gian” là câu đầu tiên của bài thánh ca Sao Biển. Ước mong Đức Mẹ Sao Biển đầy nhân đức chiếu sáng cho chúng con trông theo, xin Mẹ giúp chúng con đừng lạc lối trong một thế giới đang hưởng thụ và tự tôn, nhưng biết mở đôi tai lắng nghe Lời Chúa và mở đôi mắt khiêm nhường trông theo Ngôi Sao Biển mà bước về quê trời bình an. Xin Đức Mẹ Sao Biển an ủi những ai chạy đến thì thầm Kính Mừng Maria đầy ơn phúc,… đặc biệt là người trẻ và người di dân.
–Nguồn ảnh: Nguyễn Khảm — Thiết kế ảnh: Oteam
https://ymagazine.net/vn/ban-tin-online-thang-5/duc-me-sao-bien-da-nang