1. Đức Thánh Cha Phanxicô nói với UNESCO: ‘Tin Mừng là thông điệp nhân bản nhất mà lịch sử từng biết đến’
Hôm thứ Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rằng “Tin Mừng là thông điệp nhân bản nhất mà lịch sử biết đến”.
Ngài đã đưa ra nhận xét trên trong một thông điệp video đánh dấu kỷ niệm 75 năm thành lập UNESCO, tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc.
Đức Thánh Cha nói:
Từ thâm tâm, tôi bày tỏ lời chúc mừng nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Cơ quan Liên hợp quốc này. Giáo hội có một mối quan hệ đặc biệt với nó. Thật vậy, Giáo hội phục vụ Tin Mừng, và Tin Mừng là sứ điệp nhân bản nhất mà lịch sử từng biết đến. Một thông điệp về cuộc sống, tự do và hy vọng, đã truyền cảm hứng cho vô số sáng kiến giáo dục ở mọi thời đại và ở mọi nơi, và đã truyền cảm hứng cho sự phát triển khoa học và văn hóa của gia đình nhân loại.
Đây là lý do tại sao Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc là đối tác đặc quyền của Tòa thánh trong việc phục vụ chung cho hòa bình và đoàn kết giữa các dân tộc, cho sự phát triển toàn diện của con người và bảo vệ di sản văn hóa của nhân loại.
Thông điệp video được phát trong lễ kỷ niệm 75 năm được phát trực tiếp với sự tham dự của Tổng thống Ghana Nana Akufo-Addo và các nghệ sĩ, bao gồm cả diễn viên kiêm đạo diễn Forest Whitaker và ca sĩ kiêm nhạc sĩ Angélique Kidjo.
UNESCO, có trụ sở tại Paris, Pháp, được thành lập vào ngày 16 tháng 11 năm 1945, ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Ngày nay, nó có 193 quốc gia thành viên và 11 hiệp hội thành viên, nghĩa là các thành viên không có tư cách quốc gia nhưng chỉ là một tổ chức dân sự.
Tòa thánh có tư cách quan sát viên thường trực. Quan sát viên thường trực đầu tiên của Tòa thánh đối với UNESCO là Đức Tổng Giám Mục Angelo Roncalli, Sứ thần Tòa thánh lúc bấy giờ tại Pháp, là người sau này được bầu làm Đức Giáo Hoàng Gioan 23 vào năm 1958 và được phong thánh năm 2013.
Đức Ông Francesco Follo, người Ý là quan sát viên thường trực kể từ năm 2002.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã ngồi cùng với Audrey Azoulay, tổng giám đốc của UNESCO, tại một sự kiện tại Đại học Giáo hoàng Lateranô ở Rôma vào tháng trước.
Đức Giáo Hoàng đã khai giảng một khóa học cấp bằng về sinh thái và môi trường, với sự hợp tác của Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô của Constantinople, trong khi Azoulay khánh thành chương trình UNESCO “Tương lai của giáo dục vì sự bền vững.”
Source:Catholic News Agency
2. Đức Tổng Giám Mục Sydney kêu gọi công chúng phản đối dự luật trợ tử của New South Wales
Đức Tổng Giám Mục Sydney đã kêu gọi các tín hữu lên tiếng chống lại một dự luật trợ tử khi tiểu bang New South Wales xem xét việc hợp pháp hóa thực hành này.
Quốc hội New South Wales dự kiến sẽ bắt đầu tranh luận về Voluntary Assisted Dying Bill 2021, nghĩa là “Tình Nguyện Được Giúp Kết Thúc Mạng Sống” vào ngày 12 tháng 11, chưa đầy một tháng sau khi nó được thành viên Alex Greenwich giới thiệu.
“Tôi cực lực phản đối hành động chết và hỗ trợ tự tử bởi vì luật pháp của chúng ta không nên nói với những người bệnh rằng chúng ta nghĩ rằng họ thà chết đi là hơn hoặc chúng ta sẽ tốt hơn nếu họ chết,” Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher, cho biết như trên trong lá thư cho tổng giáo phận của mình.
Ngài cho biết điều “rất quan trọng” là mọi người lên tiếng phản đối Dự luật Tình Nguyện Được Giúp Kết Thúc Mạng Sống năm 2021 trong giai đoạn tranh luận công khai, kết thúc vào ngày 22 tháng 11. Tranh luận về dự luật đã bắt đầu từ ngày 12 tháng 11.
Vị tổng giám mục cho biết: Sự phổ biến việc lạm dụng người cao tuổi, cùng với “tỷ lệ tự tử đáng báo động ở những người dễ bị tổn thương,” có nghĩa là New South Wales nên “đặc biệt thận trọng” khi hợp pháp hóa chế độ trợ tử.
Đức Cha Fisher nói: “Một xã hội công bằng và nhân ái chắc chắn có thể tìm ra những cách thức tôn trọng và yêu thương đối với những đau khổ vào cuối cuộc đời hơn là giết chết những người đang đau khổ”.
Trong một lá thư khác gửi cho tổng giáo phận, ngày 11 tháng 11, Đức Cha Fisher lặp lại lời kêu gọi mọi người lên tiếng chống lại dự luật và giải thích rằng ngài hoàn toàn hiểu lý do tại sao mọi người kêu gọi hợp pháp trợ tử từ kinh nghiệm của chính ngài vào năm 2016.
Đức Cha Fisher nói: “Là một người đã từng trải qua nỗi đau và sự tủi nhục của căn bệnh hiểm nghèo, tôi cần các bạn lên tiếng vì cuộc sống”.
“Một vài năm trước, tôi đã cận kề cái chết. Tôi gặp phải một trường hợp nghiêm trọng của hội chứng Guillain-Barré và bị liệt hoàn toàn từ cổ trở xuống. Tôi đã rất đau đớn. Tôi bất lực để tự ăn uống và tắm rửa. Tôi là gánh nặng cho người khác và không muốn như vậy. Tôi đã trải qua 5 tháng nằm trong bệnh viện cùng với những người khác”.
Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục cho biết, “có quá nhiều bạo lực và lạm dụng trong cộng đồng của chúng ta, một số gây chết người,” và không cần phải bình thường hóa việc “giết hoặc bỏ mặc, cho dù là người trẻ hay người già, người có khả năng hay người tàn tật, người trầm cảm hoặc cô đơn, người lành mạnh hoặc người đang hấp hối”.
Đức Tổng Giám Mục Fisher nói: “Chắc chắn rằng việc tìm ra cách tốt hơn để đối phó với đau khổ không nằm ngoài sự thông minh của con người. Giáo Hội Công Giáo ủng hộ chăm sóc giảm nhẹ, có nghĩa là tìm cách đồng hành cùng bệnh nhân đến cuối cuộc đời của họ bằng các phương pháp như kiểm soát cơn đau và chống lại các thực hành hỗ trợ tự tử”.
Tháng 9, 2020, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã công bố một lá thư có nhan đề “Samaritanus Bonus”, nghĩa là “Người Samiratanô Nhân Lành”, trong đó tái khẳng định giáo huấn lâu đời của Giáo hội đối với hành vi hỗ trợ tự sát. Hội thánh nhắc lại nghĩa vụ của người Công Giáo là đồng hành với người bệnh và người hấp hối qua lời cầu nguyện, sự hiện diện thể lý và các bí tích.
Các giám mục Công Giáo ở Úc đã nhiều lần viết thư ủng hộ việc chăm sóc giảm nhẹ như một biện pháp thay thế cho hỗ trợ tự tử và tử vong. Tuy nhiên, nhiều quốc gia, bao gồm Úc, đang thiếu các bác sĩ chăm sóc giảm nhẹ. Tháng 2 năm 2021, một trường đại học của Úc phát hiện ra rằng Úc có ít hơn một nửa số bác sĩ chăm sóc giảm nhẹ cần thiết để chăm sóc cho những bệnh nhân mắc bệnh nan y.
Source:Catholic News Agency
3. Thăm dò mới nhất: 14% người Công Giáo Hoa Kỳ bỏ tham dự Thánh Lễ từ khi có Covid-19
Tờ The Pillar ngày 12 tháng 11 đã cho đăng tải một báo cáo nói về tác động của Covid-19 đối với việc tham dự Thánh Lễ của người Công Giáo Hoa Kỳ.
Theo đó, số người Công Giáo nói họ đi lễ hàng tuần đã giảm 14% kể từ khi Covid-19 hoành hành. Và dĩ nhiên, sự suy giảm này khiến tiền quyên góp hàng tuần của các nhà thờ Công Giáo giảm theo. Ngay từ hồi tháng 3 năm 2021, tờ The Pillar đã thấy năm 2020, có một mức suy giảm trung bình lên đến 12% tiền quyên góp hàng tuần của các giáo xứ so với năm 2019.
Cuộc thăm dò của The Pillar đã hỏi những người trả lời về việc họ năng đi lễ tại nhà thờ hoặc nơi thờ phượng khác ra sao trước đại dịch và hiện nay, họ năng tham dự các buổi lễ tôn giáo như thế nào, bao gồm cả các buổi lễ tôn giáo phát trực tuyến từ xa trên mạng. Kết quả, cả đối với người Công Giáo và Kitô hữu khác, khá ngạc nhiên.
41% những người tự mô tả là Công Giáo cho biết họ đi lễ ít nhất mỗi tuần một lần trước đại dịch.
41% người Công Giáo khác cho biết họ đi ít thường xuyên hơn – trong khoảng từ vài lần một tháng đến ít hơn một lần mỗi năm. 18% người Công Giáo cho biết họ chưa bao giờ đi lễ trước đại dịch.
Kể từ sau đại dịch, những con số đó đã thay đổi. Chỉ có 36% người Công Giáo nói rằng họ hiện tham dự Thánh lễ ít nhất mỗi tuần một lần, gồm cả các Thánh lễ trực tuyến. Số người đi lễ ít thường xuyên hơn cũng giảm xuống, và số người nói rằng họ không bao giờ đi lễ đã tăng lên 29%.
Các con số trên cũng tương tự đối với những người không theo Công Giáo, những người tự mô tả mình là Tin lành hoặc Kitô hữu.
Sự khác biệt giữa 41% và 36% người Công Giáo tham dự Thánh lễ hàng tuần thoạt đầu có vẻ nhỏ. Nhưng có một cách khác để xem xét sự thay đổi:
Số người tham dự Thánh lễ hàng tuần, trực tiếp hoặc qua trực tuyến, đã giảm 14% kể từ COVID-19.
Số người Công Giáo không bao giờ đi lễ đã tăng 62%.
Đây là một cách khác để hình dung sự vật:
Giả sử trước COVID-19, có 100 người tham dự Thánh lễ đều đặn hàng tuần trong Thánh lễ Chúa nhật bình thường ở giáo xứ của bạn.
Hôm nay:
11 người sẽ tham dự từ một đến ba lần một tháng.
2 người chỉ đi một vài lần một năm.
1 người giảm xuống còn một lần một năm.
8 người hiện nay nói rằng họ “không bao giờ” đi dự Thánh lễ.
Tất nhiên, có một số gương mặt mới trong hàng ghế nhà thờ:
10 người trước đây ít đi thường xuyên nay tham dự Thánh lễ ít nhất một lần mỗi tuần.
Nhưng tổng số người tham dự Thánh lễ ít hơn. Chỉ có 86 xuất hiện hàng tuần, trước đó là 100.
Ai là những người Công Giáo đã đi tham dự Thánh lễ hàng tuần trước Covid, và bây giờ nói rằng họ không bao giờ đi, ngay cả xem một thánh lễ trực tuyến?
Trung bình, họ lớn tuổi hơn một chút. Tuổi trung bình của những người Công Giáo trưởng thành tham dự Thánh lễ hàng tuần là 46, trong khi tuổi trung bình của những người đã đi hàng tuần trước Covid, và bây giờ nói rằng họ không bao giờ đi, là 50. Nhưng chỉ có 19% những người đã ngừng đi lễ là 65 tuổi hoặc cao tuổi hơn.
Hóa ra một bí tích khác có liên quan một cách đáng lưu ý với việc tham dự Thánh lễ: Xưng tội. Hoặc, ít nhất, tần suất việc đi xưng tội của họ.
Trong số những người Công Giáo đi lễ ít nhất mỗi tuần một lần, 50% nói rằng họ đi xưng tội ít nhất mỗi tháng một lần.
Nhưng trong số những người nói họ đi xưng tội hàng tháng, 85% những người đi lễ hàng tuần trước Covid đã trở lại thánh lễ hàng tuần.
Trong số những người không bao giờ đi xưng tội, chỉ có 56% những người đã đi lễ hàng tuần trước Covid đã trở lại thánh lễ hàng tuần.
Cuộc thăm dò của The Pillar hỏi những người tham dự các buổi lễ nhà thờ ít nhất mỗi tháng một lần về cách nhà thờ của họ đã xử lý mọi việc trong thời kỳ đại dịch ra sao.
Trong số những người Công Giáo tham dự Thánh lễ ít nhất mỗi tháng một lần trước đại dịch, 53% đồng ý rằng nhà thờ của họ giữ an toàn cho các thành viên. 27% nói rằng nhà thờ của họ đã thực hiện các thích nghi như tổ chức các buổi lễ ở ngoài trời hoặc phát video trực tuyến để giữ cho Thánh lễ và các bí tích có sẵn đó.
Ít người Công Giáo chỉ trích một cách chuyên biệt việc xử lý đại dịch của giáo xứ họ.
14% nói rằng “Nhà thờ của tôi đơn giản đóng cửa trong trận đại dịch” và 9% đồng ý rằng nhà thờ của họ quá nhanh nhẩu ngưng các bí tích. 8% cảm thấy nhà thờ của họ đã chấp nhận các rủi ro không cần thiết. Và 7% cảm thấy họ trở nên xa lạ hơn với giáo xứ của họ trong thời gian xảy ra đại dịch.
Nhìn chung, 17% người Công Giáo đi lễ ít nhất hàng tháng trước đại dịch nói rằng giáo xứ của họ đến với nhau trong thời gian đại dịch, trong khi 12% nói rằng giáo xứ của họ trở nên chia rẽ hơn.
Những thay đổi trong việc tham dự Thánh lễ có phải là vĩnh viễn không? “Hiệu quả Covid” trong 5 năm tới sẽ như thế nào? Còn quá sớm để nói. Nhưng như hầu hết chúng ta đã học được trong đại dịch, rất ít điều về tương lai có thể dễ dàng dự đoán được.
Source:Pillar Catholic