Người ta thường nói: “cuộc đời mỗi người là một hành trình…” và trên hành trình ấy, có những cuộc gặp gỡ khi thì chỉ là thoáng qua, khi thì lại cùng đi với nhau đoạn ngắn, đoạn dài… và với anh chị em lớp Docat Tổng giáo phận Sài Gòn, chúng tôi vừa cùng nhau hoàn thành một hành trình không dài về thời gian nhưng hành trình ấy trải dài trên ngàn cây số, bằng nhiều phương tiện: đường không, đường bộ, đường thủy đã đọng lại trong chúng tôi bao điều để mà thương mà nhớ…
6/9: khi trời chưa sáng, anh chị em đã tập trung tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cùng cha Vinh Sơn làm thủ tục bay ra Hà Nội. Sau những ngày tháng nôn nao chờ đợi, đoàn đã có mặt tại Hà Nội lúc 8 giờ sáng. Hành trình trên đất Bắc bằng đường bộ. Thật ngỡ ngàng với cảnh vật và phong cách của con người nơi đây…
Trong cái nắng của mùa thu vừa chớm, đoàn dừng chân ghé thăm Tòa Giám Mục Thái Bình và khuôn viên nhà thờ chính tòa thênh thang đầy nắng gió.
Hành trình lại tiếp tục đưa mọi người đến Tu viện dòng Đa Minh tại Cát Đàm, một cuộc gặp gỡ thân mật với Cha Bề Trên Tu Viện và được chiêu đãi một món đặc sản rất lạ: nước vối với quả chay, món nước đậm vị chát và quả chay chua chua thật lạ và thú vị. Anh chị em cùng Cha Bề Trên ra viếng mộ các tu sĩ cạnh nhà thờ, trong đó có cả mộ của các linh mục thừa sai, đã vì Chúa và vì anh chị em mà trao gởi thân xác lại nơi mảnh đất Cát Đàm này.
Sau bữa cơm trưa, đoàn thẳng tiến về Đan viện Xitô Châu Sơn, Nho Quan, Ninh Bình. Đến nơi, trời đã sập tối, cơm nước xong, cha con cùng nhau đi dâng lễ. Cái cảm giác thật bồi hồi với khung cảnh bình an tĩnh lặng trong khuôn viên của đan viện, đi qua con đường nhỏ, trong bóng tối phủ đặc, băng qua rừng cây, đạp trên những chiếc lá khô xào xạc, ngang qua ngôi nhà nguyện hơn trăm tuổi, tắt qua khu Vườn Mân Côi với những viên đá trứng to khổng lồ, vào một lối đi hẹp quanh co được soi lờ mờ bằng những bóng điện nho nhỏ đưa mọi người đến một căn phòng nhỏ bằng đá được thiết kế hình vòm, chính giữa có một giếng nước gọi là Giếng Gia Cóp. Trong đời, ta đã tham dự nhiều thánh lễ ở nhiều nơi, nhiều nhà thờ, nhưng thánh lễ nơi đây dưới ánh điện mờ, chỉ vừa đủ để cha con nhìn rõ mặt nhau, sao mà cảm động, tiếng kinh nguyện trầm bổng lắng sâu trong lòng mọi người giữa không gian bình yên, ấm áp, bỏ xa ngoài kia những lo toan vội vã của dòng đời…
7/9: Đêm bình an trong đan viện, gần sáng giữa không gian tĩnh mịch tiếng ca nguyện của các đan sĩ trong giờ kinh sớm êm êm thoảng trong gió, gọi mọi người đến với thánh lễ sáng nơi ngôi nhà nguyện cổ kính trăm tuổi. Sau thánh lễ là một cuộc gặp gỡ mà mọi người mong chờ… và Ngài đã đến đó là Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt xuất hiện như đã hẹn trước; trong vóc dáng cao lớn, hiền hòa, ngài thân thiện trò chuyện và trước khi tạm biệt ngài đã đặt tay chúc lành cho từng anh chị em. Ôi! Một cảm xúc khó tả, vừa bồi hồi vui mừng, vừa thổn thức muốn khóc… một cuộc gặp gỡ thật khó quên trong đời.
Mặt trời lên cao, đoàn lại rong ruổi đến tham quan nhà thờ Lãng Vân, ngôi nhà thờ to nhất Việt Nam. Đứng trước vẻ sừng sững uy nghiêm của ngôi thánh đường, chỉ biết thốt lên: “tạ ơn Chúa vì công trình vĩ đại này”.
Gần trưa, nắng rát lưng áo, đoàn đã đến Tràng An, một di sản thiên nhiên hùng vĩ mang tầm mức thế giới với những hang động và núi non trùng điệp, mọi người được trải nghiệm cảm giác đi trên sông giữa non xanh, nước biếc, qua các hang động sâu thăm thẳm, nhìn xem các hình thù kỳ quái hai bên hang với các nhũ đá như những giọt nước khổng lồ trên đầu… những chiếc ghe chở từng nhóm, vừa chèo vừa hát những bài ca tán tụng Thiên Chúa, rồi những câu chuyện râm ran, cười đùa làm rộn cả dòng sông… cho đến khi rời Tràng An mà lòng đầy lưu luyến!
Sau bữa cơm trưa “Dê toàn tập”, đoàn chúng tôi hướng về Hà Nội, điểm dừng là Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội, một cơ ngơi đồ sộ, hoành tráng mà Đức Tổng Giuse Vũ Văn Thiên gọi là “tệ xá”… Một cuộc gặp gỡ đầy ấn tượng, Đức Tổng đón chào anh chị em trong thân tình, ngài lược qua tình hình của Tổng Giáo Phận Hà Nội, với những câu chuyện của thời rất xa xưa nhưng rất quan trọng đối với Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Ngài dặn dò anh chị em 4 điều căn bản trong Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo: Tôi tin; Tôi cử hành; Tôi sống; Tôi cầu nguyện. Thật cảm động và cảm ơn vì buổi gặp gỡ này, để tai được nghe, mắt được nhìn rõ hơn bao điều.
8/9: Rời Hà Nội, đoàn đến một nơi là ước mong của bao người: Tiểu Vương Cung Thánh Đường Sở Kiện. Bước vào ngôi thánh đường cổ kính, với cách bài trí sơn son thiếp vàng, để thấy nhà Chúa thật uy nghi. Nơi đây, còn lưu giữ tòa giảng và chiếc đàn ống từ trăm năm trước. Cạnh nhà thờ là nơi lưu giữ thánh tích của vị anh hùng tử đạo tại Việt Nam. Cúi mình bên thánh tích, nghe lòng thật tự hào về các bậc tiền nhân anh dũng của quê hương, khi Hạt Giống Đức Tin được gieo trồng trên đất nước Việt Nam đã chịu bao bách hại, các ngài đã hy sinh cả mạng sống mình để bảo vệ cho hạt giống ấy vươn lên, các ngài đã dùng chính máu đào viết lên Lời Tuyên Xưng Đức Tin để Giáo hội Việt Nam được vững mạnh.
Tạm biệt Sở Kiện, xe chở chúng tôi hướng về tỉnh Thanh Hóa, ghé thăm Tòa Giám Mục Thanh Hóa và Đại Chủng Viện Lê Bảo Tịnh cùng nhà thờ chánh tòa Thanh Hóa, rồi về giáo xứ Sầm Sơn, được cha chánh xứ Micae Trịnh Ngọc Tứ cũng là Cha Tổng Đại Diện giáo phận Thanh Hóa giới thiệu về ngôi thánh đường theo kiến trúc Roman với các vòm nửa vòng tròn nguy nga sắp hoàn thành. Đặc biệt cung thán và trần nhà thờ là những bức bích họa tuyệt đẹp mô phỏng theo nguyên bản điện Sistine. Với một câu kết thật dí dỏm “đến đây rồi là thấy Roma”.
Còn một điểm đến thật thú vị: bãi biển Sầm Sơn, một bãi biển đẹp nổi tiếng, bờ biển trải dài ngút tầm mắt, mặt biển nhấp nhô những con sóng nhẹ, xa ngoài khơi, những chiếc ghe của ngư dân địa phương bập bềnh, những cánh Hải Âu là trên mặt nước sao mà thanh bình đến vậy!
Ngược về Hà Nội, đoàn ghé thăm quần thể Nhà Thờ Đá Phát Diệm. Tìm hiểu về quá trình thành hình của nơi này, mới thấy tất cả đều do ơn Chúa quan phòng, để giữa gian nan bách hại, nhà Chúa vẫn uy nghi vững vàng.
Về lại Hà Nội, chờ chuyến bay về Sài Gòn, dạo quanh Hồ Tây để cảm nhận “mùa thu Hà Nội, cây cơm nguội vàng, cây bàng là đỏ, mái ngói thâm nâu …”
Tạm biệt phương Bắc, với ngàn thương mến. Chuyến bay Nội Bài – Sài Gòn đưa đoàn về bình an.
Hành trình kết thúc. Chúng con xin chân thành cảm ơn cha Đặc Trách Huynh Đoàn Giáo Dân Đa Minh Tổng Giáo Phận Sài Gòn. Cảm ơn ban tổ chức lớp Docat với chuyến đi đầy tình Chúa, tình người. Ngày mai, mọi người sẽ trở lại với nhịp sống thường ngày, nhưng những tâm tình, những hình ảnh thân thương trong chuyến đi sẽ mãi đậm nét trong ký ức của mỗi người chúng con!
Xin Chúa luôn che chở nâng đỡ chúng con trên hành trình ơn gọi của người Đa Minh.
Saigon 12/09/2023
Rosa Lê Phượng