Năm Thánh 2025: Tại sao chúng ta đón nhận Ơn Toàn Xá?
Tác giả : Odile Riffaud
“Ân Xá là một ân sủng của Năm Thánh”, Vatican nói đến trong một tài liệu tổng hợp các điều kiện để lãnh nhận được ơn sủng này. Với quá khứ phức hợp và vốn từ vựng được vay mượn trong nhóm từ vựng về kinh tế hoặc về pháp lý, khái niệm về Ân Xá dường như trở nên phức tạp, và trong một cách nhìn nhận nào đó, còn có sự e sợ. Ân Xá cũng đặt ra câu hỏi về quyền bính của thể chế Giáo Hội đối với sự tha thứ tội lỗi do chính Thiên Chúa trao ban. Nếu Giáo hội Công giáo mời gọi mọi người đón nhận Ân Xá trong Năm Thánh này (cho đến ngày 6 tháng 1 năm 2026 – hoặc ngày 28 tháng 12 năm 2025 tại các Giáo Hội đặc biệt), thì đó là để đào sâu hơn nữa về chiều sâu thiêng liêng của ân sủng này.
Ân Xá: một lộ trình khởi đi từ sự hoán cải
Tiếp cận với khái niệm Ân Xá, đó là chúng ta đang tiếp xúc với sự phức hợp của giáo luật, về học thuyết giáo lý về luyện ngục hoặc thêm nữa là về thần học của sự hòa giải. Ngày nay, Ân Xá được hiểu trước hết là một tiến trình của sự hoán cải. Cha Jérôme Bascoul, linh mục của Tổng Giáo phận Paris, chuyên viên về phong trào đại kết, khẳng định: “Ân Xá là sự bổ sung cho Bí tích Giao Hòa. Đó là một lộ trình của sự thống hối, được khắc ghi vào trong nền thần học của Bí tích Hòa Giải”.
Ân xá là việc tha trước mặt Thiên Chúa hình phạt tạm thời phải chịu vì các tội đã được xóa bỏ; Kitô hữu nào đã được chuẩn bị đầy đủ và đã thực hiện một số điều kiện đã được ấn định, thì được hưởng ơn tha thứ này nhờ sự trợ giúp của Giáo Hội; Với tư cách là thừa tác viên ơn cứu chuộc, Giáo Hội dùng quyền mình để phân phát và áp dụng kho tàng đền tội của Đức Kitô và các thánh. (Giáo luật 1983, Điều 992).
Nếu tội lỗi đã được tha thứ khi xưng tội rồi, tại sao lại cần phải lãnh nhận Ân Xá?
Thật vậy, Cha Bascoul xác định rằng: “Ân Xá liên quan đến cả những lỗi lầm dẫu đã được tha thứ bởi Bí tích Hòa Giải”. Những điều được đề cập đến ở đây, đó là “hậu quả của tội lỗi”. Điều này không phải là việc Bí tích Hòa Giải hủy bỏ hậu quả tội lỗi liên quan đến vật chất hay xóa bỏ thiệt hại, bởi phép thuật, do một người nào đó gây ra. Như Cha Olivier Artus giải thích: “tội lỗi được tha vẫn ở trong tình trạng mắc phạm”.
Ân Xá là một ân sủng giúp con người loại bỏ mọi thứ ngăn cản việc bước vào trong tương quan với Thiên Chúa. Ít nhất đó là cách mà Giáo hội Công giáo quan niệm về Ân Xá, đặc biệt là khi Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã khôi phục lại chủ đề này cho Năm Thánh 2000.
Thế kỷ XVI, những cuộc tranh cãi về Ân Xá
Trên thực tế, chúng ta đã phải đợi đến thế kỷ XXI để kết nối lại với chủ đề nóng bỏng này, đã được làm dịu bớt đi bởi gánh nặng của lịch sử xoay quanh vấn đề Ân Xá. Trong môi trường Kitô giáo, thuật ngữ “Ân Xá” nhắc lại cách đặc biệt một thời kỳ đau thương của Giáo Hội: cuộc tranh cãi về Ân Xá đã nhanh chóng đẩy tới sự ly giáo Tin Lành. Vào ngày 31 tháng 10 năm 1517, ngày thành lập của Phong trào Cải cách Tin Lành, linh mục Martin Luther đã dán trên cánh cửa của nhà thờ Wittemberg (ở nước Đức hiện nay) tác phẩm của ông “Cuộc tranh luận về hiệu lực của Ân Xá” mà người ta cũng còn đặt cho một cái tên khác là 95 luận đề của Martin Luther.
Lịch sử xa xưa của những Ân Xá được đánh dấu bằng nhiều sự lạm dụng – đổi tiền để được gìn giữ cho khỏi chốn luyện ngục – và bằng nhiều những thực hành khó hiểu đối với thời đại của chúng ta. Chẳng hạn, vào năm 1095, trước cuộc thập tự chinh đầu tiên, Đức Giáo Hoàng Urbanô II đã hứa trao ban Ân Xá cho các Thập tự quân. Hoặc nữa, Đức Giáo Hoàng Lêô X (1475-1521) đã cho phép bán những Ân Xá để có thêm tài chính cho công trình xây dựng Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô thành Vatican.
Jean-Claude Mensah viết trong cuốn ‘‘Những Ân Xá’’ (Ed. Cerf, 2021) rằng: ‘‘Các nền tảng học thuyết giáo lý về những Ân Xá đã được hoàn tất vào năm 1343 bởi Đức Giáo Hoàng Clêmentê VI. Có một sự gắn kết rất lớn với điều được coi như là một sự thế tục hóa về phần luyện ngục. Nhưng nhiều những lạm dụng nghiêm trọng nổi lên sẽ gây ra ngày càng nhiều những lời chỉ trích’’. Việc thương mại những Ân Xá – từ có nguồn gốc Latinh, với ý nghĩa là ‘‘lòng tốt’’ hoặc ‘‘lòng nhân từ’’ – đã nuôi dưỡng, duy trì cái mà Jean Delumeau gọi là một nền ‘‘mục vụ nỗi sợ hãi”[1].
Lãnh nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa ngang qua Giáo Hội ?
Đối với Luther, việc thương mại những Ân Xá là ngược lại với sự tha thứ nhưng không của Thiên Chúa. Nhưng lời phê bình của người đứng đầu Phong trào Cải cách cũng tập trung hướng tới những gì được nhìn thấy cụ thể ‘‘như quyền bính của Đức Giáo Hoàng’’, Cha Bascoul giải thích. ‘‘Chúng ta thấy đó là một nghịch lý khi thừa nhận quyền bính của Đức Giáo Hoàng. Chính Đức Giáo Hoàng là người đưa ra quyết định và đồng thời Thiên Chúa làm những gì Ngài muốn!’’
Nếu Giáo hội Công giáo thừa nhận những lạm dụng liên quan đến những Ân Xá trong Công đồng Trentô (1545-1563), Giáo hội vẫn tiếp tục duy trì và công nhận tư tưởng về quyền bính của Đức Giáo Hoàng. Trong Tông hiến ‘‘Indulgentiarum doctrina’’ (1967) của mình, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ‘‘khẳng định một nền thần học về những Ân Xá, được Cha Jérôme Bascoul tóm gọn rằng, chúng ta có thể đạt được những Ân Xá mà không hề biết điều đó là gì, đồng thời cũng thực hành các việc lành phúc đức’’.
Trong nền tảng của Giáo lý Hội thánh Công giáo, Công đồng Vatican II ghi nhận tư tưởng Giáo hội Công giáo là ‘‘Bí tích của Ơn Cứu Độ’’. Và như thế, Giáo hội, theo lời giải thích của Cha Bascoul, ‘‘có thể hành động thông qua các Bí tích’’. Cha Bascoul nói thêm: ‘‘Ân Xá không thể ép buộc Thiên Chúa … Ân Xá mang lại cho hối nhân một sự chắc chắn nhất định (sự bảo đảm của Giáo hội) rằng, nếu các điều kiện lãnh nhận Ân Xá được đáp ứng, Thiên Chúa sẽ tha thứ cho hối nhân tất cả hoặc một phần của hình phạt tạm thời phải chịu vì các tội đã được xóa bỏ’’[2].
Vượt lên trên một sự ‘‘tính toán lỗi thời theo kiểu từ xa xưa’’ và một ‘‘hiệu quả ân sủng cách tự động’’
Vào tháng 5 năm 2024, Tòa Ân giải tối cao, theo yêu cầu của Vatican, đã công bố danh sách các điều kiện cần thiết để lãnh nhận Ơn Toàn Xá. Theo sau đó, các giáo phận khắp nơi trên thế giới đã công bố danh sách các địa điểm hành hương Năm Thánh, nơi các tín hữu có thể thực hiện các bước để được lãnh nhận Ơn Toàn Xá.
Sắc lệnh, những điều kiện … Để nói về những Ân Xá, Giáo hội Công giáo sử dụng một từ vựng mượn từ lĩnh vực của nền kinh tế hoặc pháp lý. Cha Bascoul nhận xét: ‘‘Đây chỉ là những từ ngữ tương tự’’. Đối với Cha, ‘‘giáo lý về Ân Xá cần phải được giải thích, bởi vì nó gợi lên một sự tính toán lỗi thời theo kiểu từ xa xưa những ngày trong luyện ngục; và để làm cho ít hơn những ngày trong luyện ngục, người ta nhờ đến một vài lời cầu nguyện, hoặc hiệu quả ân sủng cách tự động của những Ân Xá, mà không cần đến sự hoán cải của hối nhân’’[3]. Bản chất của chủ đề về Ân Xá trước nhất đó là một chiều kích thiêng liêng. Cha Bascoul giải thích rằng giống như đối với tất cả các Bí tích, người lãnh nhận các Bí tích đều được mời gọi tự vấn chính bản thân mình: ‘‘Tôi đang làm hay lãnh nhận điều gì?’’.
Theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Ân Xá là: ‘‘một câu chuyện lịch sử mới được bắt đầu cùng nhau’’
Theo nhận định của Cha Bruno-Marie Duffé trên đài RCF, người nhấn mạnh đến quan điểm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Năm Thánh mời gọi các tín hữu bước vào trong một tương quan khác với thời gian và với mọi người. Một điều gì đó mới mẻ có thể phát sinh trong mối tương quan sau khi đã mắc phạm tội lỗi hoặc làm một điều xấu. ‘‘Trong Ân Xá, chúng ta thấy có khả năng truyền đạt và tự nhủ lẫn nhau rằng: Chúng ta sẽ tạo ra một câu chuyện lịch sử mới mẻ với sự tha thứ và với ân sủng của Thiên Chúa. Đừng vội vàng từ bỏ hay thất vọng.’’
Thần học của Năm Thánh là một suy ngẫm thiêng liêng của ‘‘chemita’’, đây là một từ tiếng Do Thái có nghĩa là ‘‘năm thuyên giảm, năm giảm thiểu’’. Sách Lêvi nói với chúng ta việc thiết lập ‘‘một năm thánh’’ vào thời của người Do Thái (Lv 25, 10) cứ sau 50 năm. Một cơ chế của quy định xã hội nơi những đất nông nghiệp được nghỉ ngơi không canh tác trong vòng một năm và những nô lệ được phóng thích.
Cha Duffé nói rằng: ‘‘Ân Xá mang một chiều kích cộng đồng lớn, được diễn tả cách mạnh mẽ hơn nhiều so với việc chúng ta có thể trình bày Ân Xá như một sự xóa sổ hình phạt tội lỗi. Con người ta giữ cho mình những ký ức, và những ký ức ấy luôn tồn tại, nhưng một câu chuyện lịch sử mới được bắt đầu cùng nhau. Chúng ta đã có thể làm lại những liên kết giao ước, có thể hiểu hơn về những mối dây yêu thương của chúng ta với Thiên Chúa, với những người khác, và với chính bản thân chúng ta nữa’’.
Chuyển ngữ: Thầy Giuse Nguyễn Tùng Anh
Nguồn : https://www.rcf.fr/articles/vie-spirituelle/jubile-2025-pourquoi-recevoir-lindulgence-pleniere
[1] Jean Delumeau, “Tội lỗi và sự sợ hãi – Sự mặc cảm tội lỗi ở phương Tây (từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVIII), éd. Fayard, 1983.
[2] Nguồn : https://dioceseparis.fr/la-pratique-des-indulgences-et-la.html
[3] Nguồn : https://dioceseparis.fr/la-pratique-des-indulgences-et-la.html
https://gphaiphong.org/chi-tiet/nam-thanh-2025-tai-sao-chung-ta-don-nhan-on-toan-xa