Phụ nữ giàu có ở Vermont bỏ hết cơ nghiệp làm nhà Đức Mẹ giống hệt ở Êphêsô, nơi Mẹ sống cuối đời

1. Người phụ nữ giàu có ở Vermont bỏ hết cơ nghiệp làm nhà của Đức Trinh Nữ Maria giống hệt ở Êphêsô

Nhà cầu nguyện của Đức Mẹ Êphêsô ở tiểu bang Vermont, Hoa Kỳ là một bản sao chính xác ngôi nhà của Đức Trinh Nữ Maria ở Êphêsô, nơi Đức Mẹ đã sống cầu nguyện với Thánh Gioan trong những năm cuối đời.

“Tôi muốn mọi người biết rằng Chúa của chúng ta đã ban cho chúng ta một món quà bất ngờ, tại đây, ở Vermont này và hy vọng mọi người có thể đến và cầu nguyện để cảm ơn Ngài vì điều đó”, Mary Fraser Tarinelli, chủ sở hữu của một trang trại rất lớn, tọa lạc tại thị trấn Jamaica, ở tiểu bang Vermont nói. Trang trại của cô nằm cách Burlington, 120 dặm, tức là hơn 193km, về phía Nam.

Tarinelli đã hiến trọn khu đất rộng 190 mẫu Anh của cô làm khu vực hành hương và cầu nguyện. Giữa khu đất của cô là ngôi nhà giống từ chi tiết một so với ngôi nhà của Đức Trinh Nữ Maria ở Êphêsô. Đó là bản sao duy nhất có mặt ở Hoa Kỳ. Theo Tarinelli, trên toàn thế giới chỉ bốn hoặc năm ngôi nhà như thế.

Nhà Cầu nguyện của Đức Mẹ Êphêsô bao gồm phòng khách, nhà nguyện, cửa hàng, nhà bếp, nghĩa trang, lối đi lần hạt và đài tưởng niệm Chân phước Anne Catherine Emmerich.

Tarinelli nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng cô đã thiết lập ngôi nhà giống với bản gốc nhất có thể. Bàn thờ, các bức tranh trên tường, nền đá, và Tượng Đức Mẹ Maria không tay và không mũi đều phỏng theo ngôi nhà ở Êphêsô.

“Tôi không nghĩ ai có thể làm giống hơn những gì chúng tôi đã làm ở đây”, Tarinelli nói.

Mẹ của bà Tarinelli đã nhận được điều mà bà coi là một phép lạ tại nhà của Đức Mẹ ở Êphêsô, Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau biến cố đó, hai mẹ con bay qua bay lại giữa Hoa Kỳ và Êphêsô để tìm cách thực hiện bản sao ở Hoa Kỳ. Việc xây dựng bản sao bắt đầu vào năm 2002 và hoàn thành vào năm 2006.

Tarinelli đã liên lạc với Vương Cung Thánh Đường Quốc Gia Đền Thánh Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở Washington DC và yêu cầu được phép xây dựng một nhà nguyện để tôn vinh Đức Mẹ Êphêsô.

Nhận được sự chấp thuận cho một nhà nguyện như thế nhanh hơn mức cô mong đợi, Tarinelli tự hỏi làm thế nào cô có tiền để xây dựng nhà nguyện. Tarinelli biết cô đang “gặp rắc rối”.

Cô gọi cho những người bạn của mình tại Hiệp hội Êphêsô Hoa Kỳ, và kể cho họ nghe về hoàn cảnh của cô và họ đề nghị trả mọi chi phí cho nhà nguyện này.

Tarinelli tin rằng lời chuyển cầu của Đức Mẹ đã mang nhiều người đến nhà cô để giúp đỡ và cầu nguyện.

“Bất kỳ ai ở đây đều đã đến vì Đức Mẹ đưa họ đến đây”, “ cô nói với CNA.

Tarinelli đã dâng toàn bộ tài sản của mình cho giáo phận với ước nguyện một dòng tu cuối cùng sẽ sống ở đây để bảo tồn ngôi nhà Đức Mẹ, vùng đất và sự im lặng.


Source:Catholic News Agency

2. Thượng viện Louisiana công nhận Ngày 1 tháng Năm là Ngày Thánh Giuse Thợ

Thượng viện tiểu bang Louisiana đã thông qua nghị quyết công nhận ngày 1 tháng 5 là Ngày Thánh Giuse Thợ trong tiểu bang.

Nghị quyết đã được thông qua theo tinh thần của Năm Thánh Giuse, mà nghị quyết nói rằng “được truyền cảm hứng bởi nhu cầu gia tăng nhân đức trên thế giới”.

Nghị quyết, được bảo trợ bởi Thượng nghị sĩ Fred Mills và đã được nhất trí thông qua, đã được Bộ trưởng Ngoại giao Kyle Ardoin ký ngày 28 tháng 5.

“Thượng viện của chúng tôi rất phò sinh, rất Công Giáo, và rất Kitô giáo”, Thượng nghị sĩ Mills nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA”. Đó có lẽ là dự luật dễ dàng nhất mà tôi đã làm trong mười bốn năm làm việc trong cơ quan lập pháp”.

Nghị quyết cũng tuyên bố rằng Thượng viện Louisiana công nhận và kỷ niệm khoảng thời gian từ ngày 8 tháng 12 năm 2020 đến ngày 8 tháng 12 năm 2021, là “Năm của Thánh Giuse”

Nghị quyết cũng công nhận ngày 1 tháng 5 là ngày dành riêng cho những người đàn ông và phụ nữ Louisiana đang làm việc “thức dậy mỗi ngày và làm việc chăm chỉ để chu cấp và vun vén cho gia đình, cộng đồng của họ, bang Louisiana và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”.

Sau khi ký quyết định, một bản sao đã được gửi đến hàng giáo phẩm địa phương.


Source:Catholic News Agency

3. Hồng Y Dolan nhấn mạnh các mục tiêu chung khi xuất hiện với nhà lãnh đạo Mormon

Xuất hiện cùng với Tổng Giám mục Công Giáo của New York, một trưởng lão của Giáo hội Các Thánh Ngày sau hết của Chúa Giêsu Kitô đã nêu bật những trường hợp hợp tác giữa nhà thờ Mormon và Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ.

Trưởng lão Quentin Cook, thuộc Nhóm Mười Hai Vị Sứ Đồ của Mormon, đã xuất hiện cùng với Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York tại Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo diễn ra tại Đại Học Notre Dame.

Trong bài thuyết trình tại hội nghị, Cook nhấn mạnh hơn 200 dự án mà giáo phái Mormon đã hợp tác với Dịch vụ Cứu trợ Công Giáo kể từ năm 1985, cùng với hơn 40 dự án với Caritas, 99 dự án với Tổ chức Bác Ái Công Giáo và gần 300 dự án với Dịch vụ Cộng đồng Công Giáo.

Đáng chú ý, vào năm 2016, giáo phái Mormon đã viện trợ 1.25 triệu Mỹ Kim cho các nỗ lực cứu trợ người tị nạn của Công Giáo. Vào năm 2021, giáo phái Mormon đã quyên góp 5 triệu đô la được chia cho 9 cơ quan, một trong số đó là Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, cũng cho các nỗ lực tái định cư người tị nạn.

Đức Hồng Y Dolan cho biết giáo phái Mormon và Giáo Hội Công Giáo đã trở thành “ đồng minh trong rất nhiều công việc bác ái”, chẳng hạn như các dự án viện trợ nhân đạo và các dự án đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo.

“Khi bạn nói về những cốt lõi của niềm tin, bạn đang nói rằng chúng ta là con cái của một Thiên Chúa thật, Đấng đã tạo ra chúng ta theo hình ảnh Ngài và giống Ngài, Đấng yêu thương chúng ta say đắm, Đấng muốn chúng ta đáp lại tình yêu của Ngài bằng cách yêu thương nhau như anh chị em”, Đức Hồng Y Dolan nói.

“Đó là tín lý. Đó là sự mặc khải của Thiên Chúa. Và nếu chúng ta không thể hòa hợp với nhau, điều đó vô cùng tội lỗi và tai tiếng phải không nào? Bạn có nghĩ như thế không?”

Giáo phái Mormon, không tin vào mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi như chúng ta, được thành lập vào thế kỷ 19 tại New York.


Source:Catholic News Agency

4. Đức Tổng Giám Mục Gomez: Các nhà truyền giáo Công Giáo như Thánh Julipero làm chứng cho ‘niềm tin Hoa Kỳ’

Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez nói hôm thứ Sáu 2 tháng 7 rằng các nhà truyền giáo Công Giáo đầu tiên đến nơi ngày nay là Hoa Kỳ là những nhân chứng cho niềm tin của người Mỹ rằng tất cả mọi người đều có quyền sống và quyền tự do.

“Bắt đầu từ những năm 1500, các nhà truyền giáo từ Tây Ban Nha đã rao truyền tình yêu của Chúa Giêsu Kitô cho các dân tộc bản địa từ Georgia và Florida ngày nay đến Texas và nam California. Các nhà truyền giáo người Pháp đã thánh hiến các vùng đất từ vùng Đại Hồ đến Vịnh Mexico cho Đức Trinh Nữ Maria”

“Đúng là, những người truyền giáo này đã không nhúng tay vào việc phát triển các tài liệu hoặc thể chế thành lập nước Mỹ. Nhưng sứ mệnh của họ là làm chứng nhân cho tinh thần Mỹ đích thực xuyên suốt lịch sử của chúng ta và được thể hiện trong Tuyên ngôn Độc lập và Hiến pháp của chúng ta”.

Ngài nhận định rằng có một sự phù hợp để tổ chức lễ tưởng niệm Thánh Julipero Serra ba ngày trước Ngày Độc lập “bởi vì Thánh Julípero không chỉ là Tông đồ của California, ngài còn là một trong những người cha sáng lập nước Mỹ”.

“Lịch sử là thứ gắn kết chúng ta lại với nhau như một quốc gia. Cách chúng ta nhớ lại quá khứ định hình cách chúng ta hiểu được vị trí của chúng ta trong hiện tại, và giúp xác định ý nghĩa và mục đích của chúng ta với tư cách là một dân tộc”, Đức Tổng Giám Mục viết.

Ngài phàn nàn rằng sự chia rẽ ở Mỹ đang “nổ ra trong các cuộc tranh luận gay gắt – trong hội đồng trường học, cơ quan lập pháp và truyền thông – về ý nghĩa của lịch sử Hoa Kỳ và cách kể câu chuyện quốc gia của chúng ta”.


Source:Catholic News Agency

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *