1. Tại sao người Ukraine dựng một bức tượng Tổng Lãnh Thiên Thần Micae ở Quảng trường Độc lập ở Kiev?
Sự tôn sùng Tổng Lãnh Thiên Thần Micae đã hình thành nên người dân Kiev trong nhiều thế kỷ, thể hiện qua một bức tượng nổi bật được đặt ở Quảng trường Độc lập, đầy uy quyền, đang trông coi thành phố Kiev.
Quan thầy của Kiev
Bức tượng bằng đồng và vàng được đặt trên đỉnh tượng đài Lach Gates vào năm 2002, thể hiện lòng sùng kính đối với Tổng Lãnh Thiên Thần Micae mà người dân Kiev đã có trong nhiều thế kỷ.
Một trong những công trình kiến trúc ở Kiev được nhiều tổ chức trên thế giới công nhận là Tu viện “Mái Vòm Vàng”, được xây dựng vào năm 1108 để kính Tổng Lãnh Thiên Thần Micae. Người ta nói rằng vị Tổng Lãnh Thiên Thần, Đấng bảo trợ cho binh lính, được chọn vào thời điểm đó để tôn vinh những chiến thắng quân sự trong thế kỷ 12.
Trong những năm đầu thế kỷ 20, tu viện và nhà thờ đã bị phá hủy, và phải đến những năm 1990, công việc mới bắt đầu để khôi phục lại Tu viện Thánh Micae và tạo ra những Mái Vòm Vàng mới có thể nhìn thấy ngày nay. Oleksandr Kozlovskyi giải thích trong một bài báo cho Cơ quan Thông tin Tôn giáo Ukraine như sau:
Sự hồi sinh này của Tu viện Thánh Micae là một phép lạ của Chúa, vì khi tu viện bị phá hủy, không ai tin rằng tu viện có thể trỗi dậy từ đống đổ nát. Điều này là minh chứng cho thấy rằng Chúa có thể hồi sinh ngôi đền của mình từ đống tro tàn, cho dù ngôi đền ấy là một tu viện hay là chính chúng ta.
Hơn nữa, Thánh Micae đã được in nổi bật trên con dấu của các Quốc vương Kiev và sau đó là trên quốc huy của thành phố Kiev kể từ thế kỷ 17. Khi thành phố bỏ phiếu về quốc huy mới vào năm 1995, họ đã khôi phục lại thiết kế ban đầu có Tổng Lãnh Thiên Thần Micae.
Gần đây hơn, nhà lãnh đạo Chính thống giáo Ukraine đã nhắc lại vào ngày 19 tháng 9 năm 2020 lòng sùng kính lâu dài đối với Thánh Micael mà người dân Kiev đã có trong nhiều năm.
Ngài nói: “Điều mang tính biểu tượng là các ngôi đền cổ của chúng ta được tiền nhân chúng ta xạy dựng để tôn kính Tổng Lãnh Thiên Thần Micae: như ngôi thánh đường kính Thánh Sophia thành Kiev, Tu viện Tổng Lãnh Thiên Thần Micae Mái Vòm Vàng, Kiev-Pechersk Lavra và Tu viện Vydubychi, những nơi chứng minh rằng chúng ta có lịch sử hàng nghìn năm và rằng nhà nước Ukraine của chúng ta và Giáo hội Ukraine của chúng tôi có nguồn gốc lịch sử như vậy”.
Thánh Michael vẫn là một người bảo vệ mạnh mẽ, cùng với Đức Trinh Nữ Maria, đối với người dân Kiev.
Xin Tổng Lãnh Thiên Thần Micae bảo vệ Kiev.
Source:Aleteia
2. Người Công Giáo không được phép làm gì trong Mùa Chay?
Người Công Giáo tại Hoa Kỳ không được phép ăn thịt vào các ngày thứ Sáu và phải giữ chay trong ngày Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh.
Hàng năm, nhiều người Công Giáo sẽ hỏi họ không được phép làm gì trong Mùa Chay, cố gắng bảo đảm rằng họ không vi phạm các quy tắc chính thức của Giáo Hội Công Giáo.
Trên thực tế, người Công Giáo được phép làm nhiều việc trong Mùa Chay, vì việc cử hành mùa sám hối hiện đại dễ dàng hơn so với trước đây.
Chẳng hạn, trước đây Giáo hội hướng dẫn các tín hữu kiêng thịt trong tất cả các ngày của Mùa Chay chứ không chỉ thứ Sáu. Điều này đã chính thức được nới lỏng sau Công đồng Vatican II, trong khi vẫn coi các ngày Thứ Sáu trong Mùa Chay là những ngày kiêng thịt. Tại một số quốc gia, Hội Đồng Giám Mục có thể miễn việc kiêng thịt các ngày thứ Sáu trong Mùa Chay.
Bộ Giáo luật hiện hành liệt kê những yêu cầu tối thiểu đối với người Công Giáo Rôma, hướng dẫn họ những điều họ không được phép làm trong Mùa Chay.
Điều 1250 cho biết: Những ngày và mùa sám hối trong Giáo Hội toàn cầu là các ngày thứ sáu trong năm và mùa Chay.
Điều 1251 nói thêm: Vào các ngày thứ sáu trong năm, nếu không trùng với một trong những ngày lễ trọng, thì phải kiêng thịt hoặc phải kiêng một thức ăn nào khác, theo quy dịnh của Hội Đồng Giám Mục; nhưng phải kiêng thịt và ăn chay trong ngày thứ Tư Lễ Tro và ngày Thứ Sáu Tuần Thánh kính nhớ cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta.
Nói một cách chính xác, đó là những “quy tắc” bổ sung duy nhất mà Giáo Hội Công Giáo đưa ra cho người Công Giáo về những gì họ được phép làm trong Mùa Chay.
Việc giữ chay là bắt buộc đối với những người Công Giáo trong độ tuổi từ 14 đến 59, và theo truyền thống bao gồm những điều sau đây, như đã được Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ làm rõ.
Đối với các thành viên của Giáo Hội Công Giáo Latinh, các tiêu chuẩn về việc ăn chay là bắt buộc từ 14 tuổi đến 59 tuổi. Khi ăn chay, một người được phép ăn một bữa đầy đủ, cũng như hai bữa ăn nhỏ cộng lại không bằng một bữa ăn đầy đủ. Các quy tắc liên quan đến việc kiêng thịt là ràng buộc đối với các thành viên của Giáo Hội Công Giáo Latinh từ 14 tuổi trở đi.
Đây là quy tắc chung, nhưng có thể được điều chỉnh bởi các Hội Đồng Giám Mục địa phương.
Bên cạnh hai quy tắc cơ bản đó, người Công Giáo được phép lựa chọn những kỷ luật sám hối cho riêng mình trong Mùa Chay.
Luật Chúa ràng buộc tất cả các tín hữu Kitô phải đền tội mỗi người theo cách riêng của mình. Tuy nhiên, để tất cả mọi người được hiệp nhất với nhau bằng một số việc tuân thủ thông thường liên quan đến việc đền tội, những ngày đền tội được quy định trong đó các tín hữu Kitô giáo dành thời gian đặc biệt cho việc cầu nguyện, thực hiện các công việc của lòng đạo đức và bác ái.
Source:Aleteia
3. Đức Hồng Y Y Dolan thăm nhà thờ Công Giáo Ukraine ở New York để biểu thị tình đoàn kết
Ngay trước khi Hồng Y Timothy Dolan của New York rời nhà thờ Công Giáo St. George của Công Giáo Ukraine ở hạ Manhattan vào ngày 27 tháng 2, ngài đã choàng tay qua Đức Cha Paul Chomnycky của giáo phận Công Giáo Ukraine Stamford, và nói, “hãy cho tôi biết chúng tôi có thể giúp bạn như thế nào.”
Khoảnh khắc giữa hai giám mục gói gọn lại một Thánh lễ 8 giờ sáng đầy xúc động tại St. George. Đức Cha Chomnycky chủ sự thánh lễ. Đức Hồng Y Dolan có mặt ở đó như một dấu chỉ của tình đoàn kết và sự quan tâm đối với người Ukraine ở New York và nước ngoài.
Trong lời phát biểu khi bắt đầu Thánh lễ, Đức Hồng Y Dolan khuyến khích anh chị em giáo dân kiên trì cầu nguyện.
“Anh chị em là một quốc gia độc lập, mạnh mẽ. Anh chị em được lấp đầy bởi những người có đức tin và danh dự. Gia đình của anh chị em, bạn bè của anh chị em, ở nhà đang đau khổ và anh chị em đau khổ với họ. Các nhà lãnh đạo thế gian có thể làm chúng ta thất vọng, nhưng Chúa sẽ không bao giờ làm ta nản lòng. Và khi anh chị em cũng như tôi không biết phải đi đâu, phải làm gì khác thì chúng ta hãy cầu nguyện.”
Hơn 100 người đã đến tham dự Thánh lễ, đây là Thánh lễ Chúa Nhật đầu tiên tại St. George kể từ khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine. Đức Hồng Y Dolan bước vào nhà thờ khoảng 7:45 sáng. Ngài chào hỏi giáo dân khi tiến đến bàn thờ – ôm và nói với một số người rất xúc động trên đường đi”.
Đức Cha Chomnycky nói với Crux sau thánh lễ rằng sự hiện diện của Đức Hồng Y Dolan là khích lệ rất lớn đối với cộng đồng Ukraine. Thành phố New York có dân số Ukraine lớn nhất ở Mỹ, vào khoảng 150,000 người.
“Chuyến viếng thăm của Đức Hồng Y rất có ý nghĩa vì điều đó cho thấy rằng chúng tôi không đơn độc, rằng chúng tôi có những người bạn tốt, những người bạn sẽ ủng hộ chúng tôi và sát cánh cùng chúng tôi và đặc biệt là vào thời điểm như thế này, điều quan trọng là phải biết rằng có những người tốt trên trái đất này, những người hiểu sự thật, công lý và muốn giúp Ukraine,” Đức Cha Chomnycky nói.
Trong nhận xét của ngài, Đức Hồng Y Dolan, nói với các giáo dân rằng tổng giáo phận đang “dành cho anh chị em tình yêu và sự hỗ trợ của chúng tôi.”
Sau đó, khi Đức Hồng Y Dolan được hỏi rằng ngài có thông điệp gì cho người Ukraine không, vị Hồng Y nói rằng thật ra người Ukraine đã gửi cho ngài những thông điệp. Ngài gọi họ là những người dũng cảm, danh dự, mạnh mẽ, độc lập, yêu đất nước, Thiên Chúa, đức tin và sự độc lập của họ, điều này đã truyền cảm hứng cho ngài”.
“Có một phụ nữ lớn tuổi trong đó vừa nói với tôi, ‘Họ đang chiến đấu với sự mù quáng. Chúng con đang chiến đấu tràn ngập sự sống và ánh sáng, ‘và như thế chị ấy đã đưa ra cho tôi một thông điệp,’ Dolan nói. “Đó là lý do tại sao tôi yêu mến họ và kính trọng họ. Chúa đang nói với họ ‘Thầy đứng về phía anh chị em, và anh chị em đứng về phía Thầy.’“
Đức Cha Chomnycky nói về thách thức đối với người Ukraine ở Mỹ, đặc biệt là New York, khi họ cảm thấy “vô vọng” từ quan điểm rằng họ không biết làm thế nào để giúp đỡ gia đình và bạn bè của họ ở quê nhà. Ngài nói rằng mọi người có thể giúp đỡ bằng cách nói ra sự thật về những gì đang xảy ra ở Ukraine và tham gia vào các hoạt động quyên góp để gửi viện trợ về nước. Tuy nhiên, cũng như Đức Hồng Y Dolan, Đức Cha Chomnycky cho biết điều tốt nhất mọi người có thể làm là tiếp tục cầu nguyện.
“Đó là những gì chúng ta phải làm,” Đức Cha nói. “Lời cầu nguyện có thể uốn cong thép và đó là hy vọng của chúng ta.”
Đức Cha Chomnycky nói rằng ngài ngạc nhiên vì điều này có thể xảy ra trong thế kỷ 21, gọi Tổng thống Nga Vladamir Putin là một “người loạn trí” và đưa ra lập luận rằng nếu không có Tổng thống Nga thì điều này sẽ không xảy ra bởi vì ngài cảm thấy “Phần lớn người dân Nga không đồng ý với điều này.”
Đức Cha cũng nhắm vào Giáo Hội Chính thống Nga vì sự đồng lõa của Thượng Phụ Kirill.
Đức Cha Chomnycky nói: “Họ phải là những tiên tri nhưng họ không hành động như thế. Họ đang là công cụ của nhà cầm quyền trong khi vai trò của Giáo Hội là trở thành những nhà tiên tri trong xã hội của chúng ta để chỉ ra sự thật và ánh sáng; và nếu bạn quỳ lạy những quyền lực thì bạn không còn là một tiếng nói tiên tri, và tôi e rằng họ đã đánh mất ân sủng tiên tri đó.”
Đức Tổng Giám Mục Borys Gudziak của tổng giáo phận Công Giáo Ukraine ở Philadelphia đã đưa ra nhận xét tương tự với Crux về Giáo Hội Chính thống Nga. Đức Cha Gudziak than thở rằng nhà lãnh đạo của Chính Thống Giáo Nga, là Thượng phụ Kirill, đã ca ngợi và chào đón Putin và quân đội Nga vào tuần trước cùng thời điểm họ xâm lược Ukraine. Đức Cha Gudziak cũng lưu ý rằng nhiều người sẽ chết vì cuộc xâm lược oái oăm thay lại là các thành viên của Giáo Hội Chính Thống Giáo trực thuộc Mạc Tư Khoa sống ở miền Đông Ukraine.
Đức Cha Gudziak chua chát nói: “Họ là những người nói tiếng Nga, con chiên của Tòa Thượng Phụ Nga đang bị giết; và Đức Thượng Phụ của họ ca ngợi những kẻ giết người. Thật là tai tiếng.”
Đức Hồng Y Dolan kết thúc lời nhận xét của mình với các tín hữu hồi tưởng về chuyến đi của ngài đến Ukraine để khánh thành một nhà thờ ở Kiev, và lưu ý rằng chính ngôi thánh đường đó đã được đặt tên là “nhà thờ phục sinh”.
Đức Hồng Y nói: “Người dân Ukraine đã từng trải qua các cuộc thương khó, chịu đóng đinh và đang trải qua thảm cảnh ấy một lần nữa, nhưng anh chị em luôn truyền cảm hứng cho chúng tôi vì niềm tin của anh chị em vào sức mạnh của mầu nhiệm phục sinh”.
Source:Crux
Sau cuộc hội đàm giữa Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Pháp đã đưa ra một cảnh báo lạnh lùng rằng “điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến” đối với Ukraine,
Sau cuộc điện đàm kéo dài 90 phút vào thứ Năm giữa ông Putin và ông Macron, một nguồn tin của Elysee nói với các phóng viên rằng Putin đã nói rằng hắn có ý định tiếp tục hoạt động quân sự của mình.
Nguồn tin của phủ tổng thống Pháp cho biết: “Không cần phải dự đoán, chúng ta cũng biết điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến. Tổng thống hôm qua đã nói như trên. Không có điều gì Putin nói hôm nay có thể khiến chúng tôi yên tâm”.
Pháp đang kêu gọi Belarus ra lệnh cho quân đội Nga rút ra khỏi nước này và cáo buộc Belarus đã cho phép Nga triển khai vũ khí hạt nhân.
Putin nói với tổng thống Macron rằng hắn sẵn sàng đàm phán nhưng nhấn mạnh rằng cuộc thảo luận phải diễn ra trên cơ sở vô hiệu hóa và giải trừ quân bị Ukraine.
Tổng thống Pháp cho biết ông sẽ tiếp tục đối thoại để ngăn chặn “thảm kịch nhân loại bi thảm hơn”.
“Chúng ta phải ngăn chặn điều tồi tệ nhất xảy ra”.
Tổng thống Macron nói: “Đối thoại phải tiếp tục để bảo vệ người dân, đưa ra những cử chỉ thiện chí để chấm dứt cuộc chiến này “.
Putin cũng nói rằng nếu Kiev muốn đối thoại, nước này phải hành động ngay bây giờ – và nếu người Ukraine không chấp nhận những điều kiện này, ông ta sẽ đạt được kết quả tương tự bằng con đường quân sự. Nguồn tin của phủ tổng thống cho biết, Putin đã phủ nhận việc bắn phá Kiev và cảnh báo rằng tình hình sẽ xấu đi, nhưng đó là lỗi của Ukraine.
Pháp ước tính rằng tham vọng quân sự của Nga là chiếm toàn bộ Ukraine.
Putin cho rằng cuộc chiến ở Ukraine đang “diễn ra theo đúng kế hoạch”, và cư dân của thành phố trọng điểm Mariupol đang phải đối mặt với tình hình nhân đạo ngày càng xấu đi, khi thành phố này tiếp tục bị bao vây bởi các lực lượng Nga quyết tâm siết chặt vòng vây của họ ở phía nam Ukraine.
“Cuộc hành quân đặc biệt ở Ukraine đang diễn ra theo đúng kế hoạch, theo đúng lịch trình”, Putin nói trong phiên họp của Hội đồng an ninh được phát sóng trên truyền hình nhà nước. “Cuộc hành quân đặc biệt ở Ukraine” là cách nói mà Điện Cẩm Linh sử dụng để mô tả cuộc xâm lược Ukraine. “Tất cả các nhiệm vụ đang được thực hiện thành công.”
Nhận xét của Putin được đưa ra trong bối cảnh thường dân ở Mariupol bị mắc kẹt mà không có điện, máy sưởi hay nước.
Chính quyền Mariupol đã cảnh báo về tình trạng “nguy cấp” đối với cư dân trong bối cảnh bị pháo kích dữ dội. Không rõ có bao nhiêu trong số khoảng 400,000 cư dân của Mariupol đã có thể di tản khỏi thành phố cảng có tầm quan trọng chiến lược hoặc bao nhiêu người đã thiệt mạng hoặc bị thương.
Source:Nine News
5. Phản ứng của Úc Đại Lợi về vụ Nga bắn phá bừa bãi vào nhà máy hạt nhân Ukraine
Cuộc tấn công của Nga vào nhà máy hạt nhân Ukraine cho thấy ‘sự liều lĩnh và nguy hiểm trong cuộc chiến của Putin’, Bộ Ngoại Giao Úc Đại Lợi nói
Ngoại trưởng Marise Payne nói: ‘Thế giới lên án hành vi đó và Úc Đại Lợi mạnh mẽ lên án’
Ngoại trưởng Úc Đại Lợi đã lên án vụ pháo kích vào một nhà máy điện hạt nhân lớn ở Ukraine, nói rằng điều đó cho thấy “sự liều lĩnh và nguy hiểm” trong cuộc chiến của Vladimir Putin.
Chính phủ Ukraine đã báo cáo trước đó vào hôm thứ Sáu rằng quân đội Nga đã “nã đạn từ mọi phía” vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia – là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Âu Châu – và một đám cháy đã bùng phát.
Ngoại trưởng Úc, Marise Payne, cho biết: “Thế giới lên án hành vi đó và Úc cũng mạnh mẽ lên án như vậy”.
Tổng thống Zelenskiy nói ‘Âu Châu phải thức giấc’ khi pháo của Nga bắn vào nhà máy điện hạt nhân Ukraine
Các nhà chức trách tại nhà máy cho biết cơ sở đã được đảm bảo an toàn và các quy trình “an toàn hạt nhân hiện đã được bảo đảm” nhưng biến cố này đã thu hút sự quan tâm của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế. Cơ quan này cho biết đám cháy không ảnh hưởng đến các thiết bị “thiết yếu”.
Ngoại trưởng Payne nói với ABC: “Điều đó đối với tôi xem ra hoàn toàn củng cố sự vi phạm triệt để mọi khía cạnh của luật pháp quốc tế và tất cả các khía cạnh của công ước quốc tế, áp dụng ở đây, hiến chương Liên hợp quốc, và cho thấy rõ hành vi trái pháp luật mà Tổng thống Putin đang tham gia vào.”
Ngoại trưởng Úc cũng lập luận rằng các lệnh trừng phạt của Úc đang bắt đầu có hiệu lực, với 45 triệu đô la thuộc về một thực thể Nga được chỉ định hiện đang bị “đóng băng trong một tổ chức tài chính của Úc”, mặc dù bà không đi vào chi tiết.
Payne cho biết sự phối hợp của các biện pháp trừng phạt giữa Úc Đại Lợi, Âu Châu, Anh, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc là “một chỉ số rất quan trọng cho thấy sức mạnh đoàn kết toàn cầu nhằm chống lại các hành động kinh khủng của Nga”.
Thủ tướng Scott Morrison cho biết ông không tin rằng các hành động trừng phạt của thế giới có thể làm Putin “chùn bước trước những hành động giết người của mình” ở Ukraine, nhưng điều đó không thể ngăn phần còn lại của thế giới “thắt chặt thêm các hành động trừng phạt” đối với nhà lãnh đạo Nga.
Thủ tướng Morrison đã nêu ra “những lo ngại sâu sắc” về sự liên kết chặt chẽ giữa Trung Quốc và Nga. Ông nói với đài phát thanh 6PR rằng điều quan trọng là phải gửi một “thông điệp rất rõ ràng đến bất kỳ ai khác, bất kỳ chế độ chuyên quyền nào khác, và chúng ta biết rõ một số người trong số đó ngay trong khu vực của chúng ta… để họ không rút ra bài học sai lầm từ hành động này”.
Thủ tướng Morrison đã nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa Ukraine và Đài Loan – là hòn đảo dân chủ gồm 24 triệu dân mà Bắc Kinh tuyên bố là tỉnh ly khai. Nói cách khác, ông lo ngại rằng Trung Quốc có nhiều khả năng sẽ tấn công Đài Loan vì luôn cho rằng Đài Loan chỉ là một tỉnh nổi loạn của mình.
Vì thế, ông kêu gọi chuẩn bị tốt hơn cho những bất ổn tiềm tàng ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, sau khi tham gia một cuộc họp ảo được triệu tập khẩn cấp với những người đồng cấp từ Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ – được gọi là Bộ tứ – vào sáng sớm thứ Sáu.
Cuộc họp của Bộ tứ đã thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Ukraine và “đánh giá những tác động rộng lớn hơn của nó” – nhưng tuyên bố chung do bốn nhà lãnh đạo đưa ra không bao gồm bất kỳ lời chỉ trích trực tiếp nào đối với Nga để tránh khó xử cho Ấn Độ; và cho biết các nước ở Ấn Độ – Thái Bình Dương phải được bảo đảm “không bị ảnh hưởng bởi quân sự, kinh tế, và cưỡng chế chính trị”.
Ấn Độ đặc biệt quan tâm đến việc giữ Bộ tứ tập trung vào Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và cho đến nay nước này vẫn bỏ phiếu trắng trong các cuộc bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Thủ tướng Morrison đã hạ thấp sự thiếu thống nhất với Ấn Độ về phản ứng với Ukraine, và nói rằng ông “sẽ không xếp họ vào cùng loại với Trung Quốc, thậm chí dù là xa xôi”.
Thủ tướng lưu ý rằng Ấn Độ đang kêu gọi chấm dứt bạo lực và nói rằng Úc Đại Lợi cần “làm việc kiên nhẫn với các đối tác của mình”.
Tờ New York Times đưa tin trong tuần này rằng các quan chức cấp cao của Trung Quốc đã nói với tổng thống Nga vào đầu tháng 2 rằng không nên xâm lược Ukraine trước khi Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh kết thúc. Tờ báo dẫn lời các quan chức chính quyền Biden và một quan chức Âu Châu đã trích dẫn một báo cáo tình báo của phương Tây.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã kịch liệt phủ nhận báo cáo, tố cáo đây là “tin tức giả” được thiết kế để “chuyển hướng sự chú ý và đổ lỗi, một điều hoàn toàn đáng khinh bỉ”. Bộ Ngoại giao cũng đổ lỗi cho việc bành trướng về phía đông của Nato và thái độ của chính quyền Mỹ đối với tư cách thành viên Nato của Ukraine khiến quan hệ với Nga xấu đi.
Payne nói với đài 4BC rằng “cuối cùng là Trung Quốc” đã trả lời các báo cáo, nhưng nói thêm: “Bất kỳ sự hợp tác nào về cuộc xâm lược bất hợp pháp, phi lý và vô cớ này của Nga đều sẽ được quan tâm sâu sắc.”
Lãnh đạo phe đối lập Úc Đại Lợi, Anthony Albanese, cho biết Trung Quốc có “trách nhiệm đặc biệt” trong việc sử dụng mối quan hệ thân thiết với Nga để thúc đẩy hành động gây hấn này phải chấm dứt.
Trong khi chính phủ Úc Đại Lợi đã nhanh chóng mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với các nhân vật chính trị và doanh nghiệp của Nga kể từ cuộc xâm lược Ukraine vào tuần trước, họ cũng đã âm thầm cập nhật các quy định cho phép họ nhắm mục tiêu vào chính quyền quân sự của Miến Điện.
Những thay đổi có hiệu lực vào thứ Bảy, hơn một năm sau cuộc đảo chính ở Miến Điện, và nhằm mở rộng “bộ công cụ” có sẵn cho chính phủ.
Các tiêu chí mở rộng sẽ cho phép chính phủ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các thành viên hiện tại hoặc trước đây của một loạt các cơ quan liên quan đến quân đội, bao gồm Hội đồng Hành pháp trung ương Miến Điện do Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing làm Chủ tịch.
Các quy định mới là một bước chuẩn bị giúp dễ dàng đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với các nhân vật trong quân đội, nhưng nó vẫn sẽ yêu cầu bộ trưởng Payne đưa ra các quyết định tiếp theo về việc nêu danh tính các cá nhân.
Elaine Pearson, Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Úc Đại Lợi, hoan nghênh việc tạo ra “một con đường rõ ràng để trừng phạt các cá nhân và thực thể có liên quan đến chính quyền” và kêu gọi chính phủ Úc Đại Lợi hành động “không chậm trễ”.
“ Có rất nhiều điều cần làm với các chính phủ cùng chí hướng sau cuộc đảo chính một năm trước.”
Chính phủ Úc Đại Lợi chưa bao giờ loại trừ việc mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với các nhân vật quân sự của Miến Điện, nhưng họ đã tìm cách duy trì sự phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Asean).
Các nhà lãnh đạo trong khu vực ngày càng tỏ ra thất vọng về việc thiếu tiến bộ trong việc thực hiện “đồng thuận 5 điểm” của ASEAN để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Miến Điện.
Source:The Guardian
6. Tổng thống Ukraine kêu gọi Âu Châu ‘thức tỉnh’
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã công bố video tuyên bố về vụ tấn công nhà máy điện hạt nhân ở Enerhodar.
“Âu Châu cần thức tỉnh,” ông nói trong video đăng trên Twitter.
“Nhà máy điện hạt nhân lớn nhất ở Âu Châu hiện đang cháy.”
Ông Zelenskyy cho biết thêm có 6 lò phản ứng hạt nhân tại Enerhodar và 15 trên khắp Ukraine, đồng thời cho biết vụ tấn công của Nga là lần đầu tiên trong lịch sử một quốc gia tấn công một nhà máy hạt nhân.
Ông nói: “Chỉ có hành động ngay lập tức mới có thể ngăn chặn được quân đội Nga”.
7. Hoa Kỳ kích hoạt Đội Ứng Phó Tai Nạn Hạt Nhân
Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cũng đã kích hoạt Đội Ứng Phó Tai Nạn Hạt Nhân để đáp trả cuộc tấn công vào nhà máy điện Zaphorizhizia.
Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ Jennifer Granholm đã tweet vào chiều nay, bộ phận của bà đang theo dõi tình hình với sự tham vấn của Bộ Quốc phòng và Ủy ban Giám sát Hạt nhân.
Bà kêu gọi Nga ngừng các cuộc tấn công và cho biết các lò phản ứng hạt nhân của nhà máy đang được đóng cửa. “Tôi vừa nói chuyện với Bộ trưởng Năng lượng Ukraine về tình hình tại nhà máy hạt nhân Zaphorizhizia”, bà Granholm nói.
“Các hoạt động quân sự của Nga gần nhà máy là liều lĩnh và phải dừng lại”.
“Các lò phản ứng của nhà máy được bảo vệ bởi các cấu trúc ngăn chặn vững chắc và các lò phản ứng đang được đóng cửa an toàn”.
8. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế đặt trung tâm khẩn cấp vào chế độ phản ứng 24 trên 24
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, gọi tắt là IAEA, đã thông báo Trung Tâm Tai Nạn Và Khẩn Cấp của họ đã chuyển sang “chế độ phản ứng 24/24”, sau cuộc tấn công của Nga vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.
Trong một tweet được đăng khoảng nửa giờ trước, IAEA mô tả tình hình là “nghiêm trọng”.
Trong một tweet trước đó, cơ quan này cho biết họ đã được Ukraine thông báo rằng không có thiết bị thiết yếu nào bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công và các công nhân tại nhà máy điện đang thực hiện “hành động giảm nhẹ” nguy cơ.
9. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế kêu gọi giao tranh phải dừng lại ở nhà máy hạt nhân
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế cho biết trên Twitter rằng cơ quan quản lý hạt nhân của Ukraine đã thông báo rằng “không có sự thay đổi nào được báo cáo về mức phóng xạ” tại một nhà máy điện hạt nhân do quân đội Nga bắn phá.
Cơ quan này cho biết Tổng giám đốc của họ, Mariano Grossi, đã liên lạc với Thủ tướng Ukraine, Denys Schmygal, và cơ quan quản lý và điều hành Ukraine về tình hình tại nhà máy Zaporizhzhia.
Ông Grossi “kêu gọi ngừng sử dụng vũ lực và cảnh báo nguy hiểm nghiêm trọng nếu các lò phản ứng bị tấn công”, IAEA cho biết trong một tweet khác.
Một quan chức trong văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, không được phép phát biểu công khai và giấu tên, cho biết các lò phản ứng vẫn chưa bị hư hại và mức độ phóng xạ vẫn bình thường.
10. Pháp bắt giữ siêu du thuyền thuộc sở hữu của nhà tài phiệt Nga bị trừng phạt
Bộ Tài chính Pháp cho biết trong một thông báo, Pháp đã thu giữ một du thuyền thuộc sở hữu của nhà tài phiệt Nga Igor Sechin.
Sechin là Giám đốc điều hành của tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Rosneft của Nga.
Liên minh Âu Châu đã trừng phạt Sechin vào đầu tuần này, mô tả ông là một trong những “cố vấn đáng tin cậy nhất và thân cận nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cũng như là người bạn thân của hắn.”
Du thuyền, có tên “Amore Vero” – tiếng Ý nghĩa là “Tình yêu đích thực” – đã cập cảng La Ciotat, Địa Trung Hải của Pháp vào tháng Giêng.
Theo dự kiến nó sẽ rời cảng vào ngày 1 tháng 4, nhưng nó đã bị Pháp tịch thu.
“Cảm ơn các nhân viên hải quan Pháp đang thực thi các lệnh trừng phạt của Liên minh Âu Châu đối với những người thân cận với chính phủ Nga,” Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết trong một tweet.
Sechin là Phó thủ tướng Nga từ năm 2008 đến năm 2012.
Liên minh Âu Châu cho biết mối quan hệ của Sechin với Putin là “lâu dài và sâu sắc”, và hai người đàn ông này duy trì liên lạc hàng ngày.
Đầu tuần này, Bộ trưởng Le Maire thông báo rằng Pháp đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm để hoàn thành một cuộc điều tra tài sản tài chính và hàng hóa xa xỉ thuộc sở hữu của những người Nga nằm trong danh sácch trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu.
Đại công ty xăng dầu BP cho biết Chúa Nhật rằng họ sẽ rút 19.75% cổ phần của mình trong Rosneft và từ bỏ hai ghế trong hội đồng quản trị của công ty này.
Source:Nine News
11. Thượng phụ đại kết: Cả thế giới chống lại Nga
“Cả thế giới đang chống lại Nga”. Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã đưa ra lập trường trên trong số những phát biểu khác – trong một cuộc phỏng vấn liên quan đến cuộc xâm lược Ukraine của Nga, với mạng truyền hình CNN của Thổ Nhĩ Kỳ,
Phát biểu với CNN Turk, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô bày tỏ sự tiếc nuối khi cuộc chiến tiếp tục diễn ra.
Đức Thượng Phụ nhận định:
“Cả thế giới đang chống lại Nga. Chúng ta đang bước vào một thời kỳ mới của Chiến tranh Lạnh. Khoảng cách giữa Nga và thế giới phương Tây ngày càng rộng hơn.”
Đức Thượng Phụ đã nhấn mạnh “người có đầu óc suy nghĩ và hành động theo lý trí, không muốn tình trạng này, thời kỳ Chiến tranh Lạnh mới này”.
Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã đề cập đến mối quan hệ của ngài với Tổng thống Ukraine Zelensky, nhấn mạnh rằng “chúng tôi có quan hệ rất tốt với Tổng thống Zelensky. Ông ấy đã hai lần đến Tòa Thượng phụ, và mời tôi đến Ukraine, tại lễ kỷ niệm diễn ra vào tháng 8 năm ngoái cho 30 năm độc lập của Ukraine. Tôi đã nhận lời mời của ông ấy và đến đó, rất vui”.
Đức Thượng Phụ Đại Kết cho biết trong chuyến thăm Ukraine vào mùa hè, ngài đã thấy “một quốc gia vô cùng hài lòng và tự hào về nền độc lập của mình. Việc họ có thể ly khai khỏi Liên bang Xô Viết và thành lập đất nước độc lập cho riêng mình là một vinh dự đối với họ. Chúng tôi đã cho một quốc gia độc lập một Giáo hội độc lập”.
Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô nói tiếp rằng “trong hoàn cảnh hiện tại, chúng ta thấy rằng Tòa Thượng Phụ của chúng tôi đã hành động từ rất sớm và chúng tôi đã làm một công việc rất tốt. Chúng tôi đã khiến những người anh em Nga của chúng tôi khó chịu, nhưng điều đó phải xảy ra. Ukraine xứng đáng với điều đó”.
Trong cuộc phỏng vấn của mình, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô cũng tuyên bố rằng trái với các tuyên bố của Thượng Phụ Kirill, Thượng phụ Đại kết Constantinope có quyền ban cấp Tomos, tức là quy chế tự trị, và đã làm như vậy cho Ukraine.
“Bây giờ chúng tôi thấy rằng một số giáo sĩ Ukraine không muốn nhắc đến Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa. Họ coi ông là người lãnh đạo tôn giáo của đất nước kẻ thù. Họ đang dần rời bỏ Giáo hội này và gia nhập Giáo hội Tự trị mới”.
“Chúng tôi không hài lòng lắm về điều này, vì nó là hậu quả của chiến tranh. Chúng tôi muốn Giáo hội Nga không thể hiện thái độ thù địch như vậy đối với tôi và chấp nhận quyết định giáo luật của chúng tôi”.
“Tuy nhiên, thật không may, họ đã không chấp nhận nó,” Đức Thượng Phụ Đại Kết nhấn mạnh và tuyên bố rằng “Tòa Thượng Phụ Đại Kết và cá nhân tôi đã trở thành mục tiêu của họ”.
Cuối cùng, Thượng phụ Đại kết kết luận rằng với tư cách là một Giáo Hội, Tòa Thượng Phụ Đại kết luôn ủng hộ hòa bình và thống nhất, và tiếp tục làm như vậy.
Source:Orthodox Times