Thảm trạng kinh hoàng ở Ấn Độ. Tòa Thánh nghiên cứu vạ tuyệt thông cho những ai dính líu đến Mafia

 

1. Đức Thánh Cha âu lo về tình trạng căng thẳng Palestine và Do Thái

Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha nói:

Với mối quan tâm đặc biệt, tôi đang theo dõi các sự kiện đang xảy ra ở Giêrusalem. Tôi cầu nguyện rằng Thánh Địa có thể là một nơi gặp gỡ và không xảy ra các cuộc đụng độ bạo lực, một nơi cầu nguyện và hòa bình. Tôi mời mọi người tìm kiếm các giải pháp được tán đồng ngõ hầu bản sắc đa tôn giáo và đa văn hóa của Thành phố Thánh được tôn trọng và tình anh em được đề cao. Bạo lực sinh ra bạo lực. Những cuộc đụng độ đã quá đủ.

Tình trạng căng thẳng vẫn tiếp tục dâng cao trong những ngày qua.

Video từ một nhân chứng, mà quý vị và anh chị em đang xem thấy đây, cho thấy các vệt màu trắng của hệ thống phòng thủ bằng hoả tiễn của Israel cắt ngang bầu trời, để đánh chặn tên lửa của Palestine bắn từ Dải Gaza hôm thứ Hai.

Các chiến binh Hồi giáo đã bắn một loạt tên lửa về phía Giêrusalem và miền nam Israel, vào những nơi mà nhóm Hamas của Palestine cho là nhằm trừng phạt các cuộc đối đầu bạo lực giữa cảnh sát Israel và người biểu tình Palestine.

Tại Gaza, Bộ Y tế cho biết ít nhất 20 người, trong đó có 9 trẻ em, đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel vào lãnh thổ Palestine.

Một số người bị thương đã được đưa đến một bệnh viện ở phía bắc Gaza, nơi một đứa trẻ khóc thét trong đau đớn và một người phụ nữ mất chồng hét lên khi đưa thi thể anh ra khỏi bệnh viện.

Quân đội Israel cho biết họ đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các nhóm vũ trang, các bệ phóng tên lửa và các chốt quân sự ở Gaza sau khi các chiến binh ở đó vượt qua điều mà Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gọi là “ranh giới đỏ” bằng cách bắn vào khu vực Giêrusalem lần đầu tiên kể từ sau cuộc chiến năm 2014.

“Các tổ chức khủng bố đã vượt qua lằn ranh đỏ vào Ngày Giêrusalem và tấn công chúng tôi, ở ngoại ô Giêrusalem. Israel sẽ đáp trả rất mạnh mẽ. “

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm thứ Hai kêu gọi tất cả các bên thực hiện các bước để giảm căng thẳng.

“Không cần phải nói rằng chúng tôi đang tập trung chú ý vào tình hình ở Israel, Bờ Tây, và Gaza. Rất lo ngại về các cuộc tấn công bằng tên lửa mà chúng ta đang thấy hiện nay, cần phải ngăn chặn, cần phải dừng lại ngay lập tức”.

Căng thẳng đã gia tăng trong nhiều tuần ở Giêrusalem.

Các nhóm Do Thái đang cố gắng đuổi các cư dân Palestine khỏi một khu phố ở phía đông thành phố.

Khi Israel kỷ niệm “Ngày quốc tế Giêrusalem” vào hôm thứ Hai với các cuộc tuần hành đánh dấu việc chiếm được các khu vực phía đông của thánh địa trong cuộc chiến giữa Ả Rập và Israel vào năm 1967, bạo lực đã nổ ra tại nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa, địa điểm linh thiêng thứ ba của thế giới Hồi giáo.

Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine cho biết hơn 300 người Palestine đã bị thương trong các cuộc đụng độ khi cảnh sát bắn đạn cao su, lựu đạn gây choáng và hơi cay.


Source:Reuters

2. Các trường hợp COVID ở Ấn Độ vẫn tiếp tục ở mức rất cao

Các trường hợp nhiễm bệnh và tử vong do coronavirus ở Ấn Độ vẫn tiếp tục ở mức rất cao. Điều này làm gia tăng lời kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi phải đóng cửa ngay đất nước đông dân thứ hai thế giới.

Từ đầu tuần đến nay, trung bình có 366,161 ca nhiễm bệnh mới trong 24 giờ, và 3,754 trường hợp tử vong, nâng con số nhiễm bệnh của Ấn Độ lên 22.66 triệu người với 246,116 trường hợp tử vong. Các bệnh viện hết oxy và giường bệnh, trong khi nhà xác và nhà hỏa táng tràn ngập các tử thi tạo thành một cảnh hết sức kinh hoàng. Các lò hỏa táng được thiết lập ngay tại các công viên. Mùi khét của các tử thi hoả táng bao trùm các khu phố ở New Delhi.

Các chuyên gia cho biết số liệu thực tế của Ấn Độ có thể cao hơn nhiều so với báo cáo.

Nhiều bang đã áp dụng lệnh khóa cửa nghiêm ngặt từ tháng trước trong khi những bang khác đã hạn chế việc di chuyển và đóng cửa các rạp chiếu phim, nhà hàng, quán rượu và trung tâm mua sắm.

Tuy nhiên, áp lực đang đè nặng lên Modi đòi ông ta phải tuyên bố đóng cửa trên toàn quốc như những gì ông đã làm trong đợt lây nhiễm đầu tiên vào năm ngoái.

Ông ta đang phải đối mặt với những lời chỉ trích vì cho phép tụ tập đông người tại một lễ hội tôn giáo và tổ chức các cuộc biểu tình bầu cử lớn trong suốt hai tháng qua ngay cả khi các trường hợp nhiễm bệnh đang gia tăng.

Bộ trưởng Y tế Delhi cho biết thành phố sắp hết vắc-xin. Tính đến hôm thứ Hai, quốc gia sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới đã tiêm chủng cho hơn 34.8 triệu người, tương đương khoảng 2.5%.


Source:Reuters

3. Vatican thành lập nhóm làm việc về “vạ tuyệt thông mafia”

Nhằm tôn vinh ông Rosario Angelo Livatino, thẩm phán được phong chân phước đầu tiên trong lịch sử Giáo hội, người đã can đảm thi hành nghề nghiệp như là một sứ vụ của người giáo dân, Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện đã thành lập một Nhóm làm việc về “vạ tuyệt thông mafia”.

Mục đích hoạt động của nhóm là đào sâu chủ đề mafia, cộng tác với các Giám mục trên thế giới, thúc đẩy và hỗ trợ các sáng kiến. Thông báo về việc thành lập nhóm được đưa ra vào Chúa nhật 09 tháng 5 năm 2021, có liên quan đến việc phong chân phước cho thẩm phán chống mafia, Rosario Angelo Livatino.

Cũng vào Chúa nhật 9 tháng 5 năm 2021, tại buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng, Ðức Thánh Cha đã nhắc đến vị thẩm phán này và ca ngợi ông là “vị tử đạo của công lý và đức tin”, một chứng nhân của Tin Mừng “đã chết một cách anh hùng”. Ngài mời gọi mỗi người, đặc biệt là các thẩm phán theo mẫu gương của chân phước, bằng cách trở thành “những người bảo vệ trung thành cho tính hợp pháp và tự do”.

Nhóm làm việc gồm tám người, tất cả đều đang ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống mafia, như Đức Cha Michele Pennisi, Giám mục Sicilia, ông Giuseppe Pignatone, Chủ tịch tòa án Quốc gia thành Vatican, ông Ioan Alexandru Pop, thành viên của Hội đồng Tòa thánh về các văn bản luật.

Ông Vittorio V. Alberti, điều phối viên của nhóm làm việc cho biết, sáng kiến này là một bước tiến trong sự dấn thân về vấn đề mafia của Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện, đã được khai sinh cách đây bốn năm. Thực tế, vào năm 2018, Ðức Hồng Y Peter Turkson đã lập một mạng lưới toàn cầu chống tham nhũng, tội phạm có tổ chức và mafia. Vì vậy, nhóm làm việc này sẽ tiếp tục công việc đã được khởi xướng.

Ông Vittorio giải thích thêm: “Mục đích của chúng tôi là nhằm nâng cao nhận thức về chủ đề này và tạo dựng một tâm thức phản đối nghiêm túc. Khía cạnh văn hóa, huấn giáo và giáo luật sẽ là trọng tâm của những suy tư cho quá trình làm việc. Ðây là một vấn đề dứt khoát trong việc loại bỏ mọi thỏa hiệp có thể có của Công Giáo đối với mafia. Ðiều căn bản là sự khẳng định một lần cho mãi mãi, đó là không thể thuộc về mafia và đồng thời là một phần của Giáo hội. Sau đó, chúng tôi muốn xây dựng một sự chăm sóc mục vụ mới, một con đường văn hóa trước hết liên quan đến các nạn nhân, làm việc với các tù nhân, bằng cách đồng hành với họ trên con đường hy vọng”.

Tiếp nối lập trường của các vị tiền nhiệm, Ðức Thánh Cha Phanxicô cương quyết lên án hoạt động của mafia. Gần đây nhất vào năm 2016, trong bài giảng Thánh lễ tại Giáo phận Cassano, một vùng bị mafia hoành hành, ngài đã tuyên bố “những kẻ mafia, họ không ở trong tình hiệp thông với Thiên Chúa: họ bị tuyệt thông”.


Source:Vatican News

4. Vụ xả súng trong trường học tại Nga gây ngỡ ngàng

Những công dân Nga trẻ tuổi, bao gồm 7 trẻ em, đã thiệt mạng hôm thứ Ba 11 tháng 5 và nhiều người khác bị thương nặng sau khi một tay súng thiếu niên đơn độc nổ súng tại một trường học ở thành phố Kazan của Nga. Chính quyền địa phương cho biết như trên, trong khi Điện Kremlin kêu gọi kiểm soát súng chặt chẽ hơn nữa.

Hai đứa trẻ có thể được nhìn thấy nhảy từ tầng ba của ngôi trường bốn tầng để trốn thoát khi tiếng súng vang lên, trong một đoạn video do một người xem quay được cung cấp cho hãng thông tấn RIA của Nga.

Tatar Inform, một phương tiện truyền thông địa phương, dẫn lời một giáo viên cho biết:

“Chúng tôi nghe thấy tiếng nổ vào đầu giờ học thứ hai. Tất cả giáo viên đều nhốt trẻ trong lớp. Vụ nổ súng xảy ra ở tầng ba”.

Rustam Minnikhanov, người đứng đầu khu vực Tatarstan rộng lớn, gọi vụ tấn công là một thảm kịch đối với đất nước, và cho biết thêm không có bằng chứng cho thấy bất kỳ ai khác có liên quan.

“Chúng ta đã mất bảy đứa trẻ – bốn trai và ba gái. Chúng ta cũng mất một giáo viên. Và chúng ta mất thêm một nhân viên nữ”, ông nói trong một diễn văn truyền hình.

“Kẻ khủng bố đã bị bắt. Anh ta 19 tuổi, người đã được đăng ký chính thức là chủ sở hữu súng”. Ông cho biết các nạn nhân đang học lớp tám, mà ở Nga thường là khoảng 14 hoặc 15 tuổi.

Ủy ban Điều tra của Nga, cơ quan điều tra các tội phạm lớn, trong một tuyên bố cho biết họ đã mở một vụ án hình sự về vụ xả súng và danh tính của kẻ tấn công bị giam giữ đã được xác định.

Đoạn phim được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy một nam thanh niên bị cảnh sát đè xuống đất bên ngoài trường học.

Đài truyền hình nhà nước sau đó đã phát một đoạn video khác cho thấy nghi phạm là một thanh niên bị lột quần áo đến thắt lưng và bị khống chế, đang được các nhà điều tra thẩm vấn.

Vụ việc là vụ xả súng trường học chết người nhất ở Nga kể từ năm 2018 khi một sinh viên tại một trường cao đẳng ở Crimea sáp nhập vào Nga đã giết chết 20 người trước khi tự sát.

Minnikhanov, lãnh đạo khu vực, cho biết 18 trẻ em đã phải nhập viện với một loạt vết thương, bao gồm vết thương do đạn bắn và gãy xương. Ông nói, ba người lớn với vết thương do đạn bắn cũng đang nằm trong bệnh viện và cho biết các bác sĩ đang làm tất cả những gì có thể để cứu sống những người bị thương.

Nga có những hạn chế nghiêm ngặt đối với quyền sở hữu súng dân dụng, nhưng một số loại súng có thể mua cho mục đích săn bắn, tự vệ hoặc thể thao, một khi chủ sở hữu vượt qua các bài kiểm tra và đáp ứng các yêu cầu khác.

Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh cho người đứng đầu lực lượng vệ binh quốc gia đưa ra các quy định chặt chẽ hơn về súng.

Nghi phạm chỉ mới được cấp giấy phép sử dụng súng ngắn vào ngày 28 tháng 4.

Kazan là thủ phủ của vùng Tatarstan cách Mạc Tư Khoa 725 km về phía Đông, nơi người Hồi Giáo chiếm đa số.


Source:Reuters

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *