Kính gửi: Quý Anh/chị/em đoàn viên Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh Việt Nam,
Đầu thư, tôi nguyện xin ơn lành và bình an của Đức Kitô Phục Sinh luôn đồng hành và ở cùng quý đoàn viên, thân hữu, quý vị ân nhân, thân nhân của Huynh đoàn trong mọi công việc.
Thưa Anh/chị/em, chủ đề chính của tập san kỳ này là “Thánh Tôma Aquinô, gương sống bác ái Kitô giáo”. Do vậy, tôi xin được chia sẻ đôi dòng về ý nghĩa của bác ái, và cách thể hiện bác ái sao cho xứng hợp với ơn gọi của người đoàn viên.
Chúng ta đều biết rằng, trong quan niệm của người Việt Nam, từ “bác ái” thường đồng nghĩa với từ “nhân ái”, cùng chỉ về lòng thương yêu rộng lớn. Hễ ai có tấm lòng, và thể hiện sự bác ái thông qua lời nói, hành động yêu thương người khác cách rộng rãi, hoặc hay làm từ thiện, thì được xem là người có tấm lòng nhân ái. Trong tiếng Latin, “bác ái” có nguồn gốc từ “caritas”, là từ diễn tả về một tình yêu cao cả, rộng khắp. Đôi khi, “caritas” còn được gọi là đức mến. Trong thần học Kitô giáo, bác ái hay đức mến được hiểu là “tình cảm để giữ mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa”.
Với thánh Tôma Aquinô, bác ái “không chỉ là tình cảm đối với Thiên Chúa, mà còn là tình cảm dành cho những người xung quanh“. Vì thế, thánh nhân cho rằng, trong ba nhân đức đối thần gồm: Đức Tin, Đức Cậy, và Đức Mến, thì Đức Mến (hay bác ái) là nhân đức cao đẹp nhất.
Tôi đã từng chứng kiến một lần làm từ thiện tại khu phố nọ. Được biết, tờ mờ sáng, Ban Tổ chức đã cho bày rất nhiều phần quà, từ đủ loại rau, củ, quả đến nhu yếu phẩm, trên khoảng đất trống, cạnh ngã tư đường. Hơn 8 giờ, bà con khu phố và nhiều người đi đường đã xếp hàng rất đông. Chiếm đa số là các cụ lớn tuổi và trẻ em. Kẻ đứng, người ngồi đợi đến lượt nhận quà. Lúc tôi đi qua khoảng hơn 11 giờ trưa, vậy mà mọi người vẫn còn đứng đợi. Ai cũng mồ hôi nhễ nhại. Tôi nghe có tiếng ho khan, tiếng thở dài, mệt mỏi của những người cao tuổi, xen lẫn tiếng trẻ em khóc mếu. Tôi hỏi vài người đứng gần, vì sao vẫn chưa phát quà. Tôi nhận được câu trả lời rằng, phải đợi một vị quan chức bên trên xuống làm nghi thức khai mạc rồi mới phát quà (!) Gần đó, tôi nhận ra một vài nhà báo, phóng viên cũng đang đứng chờ sẵn. Các nhóm rau củ quả xanh tươi lúc mới bày ra, giờ dường như đang khô héo dần.
Kính thưa Anh/chị/em, chắc không ít lần chúng ta đã chứng kiến những cảnh làm bác ái tương tự. Phải có đủ nghi thức, thủ tục; phải được quay phim, chụp hình, quảng bá đủ kiểu rồi mới cho bà con nhận quà. Như thế, phải chăng từ thiện là dịp để chúng ta lấy danh, lấy tiếng hay đánh bóng thương hiệu (?). Xin thưa, bác ái theo tinh thần Kitô giáo, cụ thể là theo quan điểm của thánh Tôma Aquinô, thì không phải thế.
Với thánh Tôma, bác ái là tình cảm dành cho Thiên Chúa và tha nhân. Thế nên, mục đích của việc bác ái là nhằm thể hiện lòng yêu mến Chúa và yêu mến tha nhân. Thực thi bác ái là để cho danh Chúa được cả sáng, tình thương của Chúa được lan toả. Do đó, phương tiện để làm bác ái không chỉ là vật chất, tiền của mà là tất cả những gì chúng ta có. Vì xét cho cùng, những gì chúng ta thủ đắc được đều từ hồng ân Chúa ban. Cho nên, khi chúng ta dành cho người khác thời gian, sức khoẻ của mình cũng là làm bác ái. Thậm chí, chỉ cần chúng ta dành một chút quan tâm, như cái bắt tay, hay vài cái vỗ vai nhẹ nhàng dành cho người đang gặp đau khổ, tang chế, bệnh tật… cũng là làm bác ái. Chúng ta làm bác ái không khó. Chỉ cần có Chúa ở cùng, luôn dành mọi ưu tiên cho người chung quanh, là chúng ta sẽ tìm ra được phương tiện hữu ích, kịp thời để thể hiện lòng bác ái và sống bác ái. Đây cũng chính là căn cốt của ơn gọi mà chúng ta đang lãnh nhận.
Xin thánh Đa Minh chúc lành và trợ lực, giúp anh/chị/em sẵn sàng theo Đức Kitô, đem Tin mừng tình thương của Ngài đến với tha nhân. Và khi theo Đức Kitô như Tin mừng dạy, chính là chúng ta đang thực thi đức ái trọn hảo của ơn gọi người đoàn viên Huynh đoàn Đa Minh.