Thư Tháng 03/2016 : Trong Vòng Tay Cha Nhân Hậu

Lá Thư Đặc Trách Tháng 03 / 2016

Trong Vòng Tay Cha Nhân Hậu

Anh chị em Huynh đoàn thân mến,

Phúc âm thánh Luca vẫn được mệnh danh là Tin mừng về lòng thương xót. Cách riêng ba dụ ngôn trong chương 15, được coi như đỉnh cao những mạc khải về Chúa Cha, Đấng giàu lòng thương xót, được hội thánh gửi đến cho chúng ta trong mùa chay. Đó là dụ ngôn “con chiên lạc”, dụ ngôn “đồng bạc mất”, và dụ ngôn tuyệt đẹp về “người Cha nhân hậu”, hay dụ ngôn “người con hoang đàng”. Trong tông sắc “chân dung lòng thương xót”, đức thánh cha Phanxicô đã dành trọn chương IV để triển khai các dụ ngôn này, đặc biệt là dụ ngôn người cha nhân hậu.

Bi kịch nhân loại xa lìa Thiên Chúa

Nơi người con thứ đã nhận phần gia sản rồi bỏ nhà ra đi, phung phá tất cả tại vùng đất xa lạ, chúng ta nhận thấy chân dung của nhân loại qua mọi thời, đã làm tiêu tan gia tài ân sủng của mình. Phạm tội là cắt đứt giao ước yêu thương, chiều theo những sở thích đam mê, rời xa Thiên Chúa, và lìa xa hội thánh. Sẽ có ngày đương sự “ăn tiêu hết sạch”, khi đó họ mới cảm thấy mình túng thiếu, cố thu quén bất cứ thì gì để lấp đầy sự trống vắng trong tâm hồn, kể cả loại thực phẩm dành cho gia súc. Thế mà tiếc thay, họ vẫn như không thực hiện được.

Gia sản người cha chia chỉ là của cải vật chất, nhưng người con bỏ nhà ra đi, đã đánh mất “điều quan trọng hơn nhiều, đó là phẩm cách làm con trong nhà”. (1) Đến khi của cải vật chất đã hết, người con thứ mới ý thức mình đã mất tư cách của làm con trong nhà. Khởi đầu cậu chỉ hối tiếc vì nhớ đến gia nhân trong nhà cha được cơm dư gạo thừa. Nhưng rồi cậu nhận thức được sự mất mát lớn lao ấy, nên dự tính chỉ dám năn nỉ với cha : “Xin coi con như một người làm công cho cha vậy”.

Trong cùng một căn nhà quen thuộc, người con nay trở thành đầy tớ, thực tế ấy quả là đáng sỉ nhục và xấu hổ. Nhưng cậu nghĩ mình không có quyền đòi hỏi gì hơn. Dầu sao trong tâm thức của cậu, đã xuất hiện một nhận thức về phẩm giá đã mất, về tư cách làm con trong nhà của cha.

nguoicha.jpg

Niềm vui trong nhà cha

Tư duy người con thứ lúc này dựa theo lẽ công bình. Kẻ phá tan sản nghiệp cha đã chia, đâu có quyền gì để đòi hỏi. Cậu ý thức mình đã xúc phạm đến cha thế nào và đã khiến cha buồn khổ biết bao, nên đã chuẩn bị lời xưng thú : “Con đã đắc tội với trời và với cha, nên chẳng đáng là con cha nữa”. Điều cậu định nói, cho thấy cậu ý thức rõ hơn về phẩm giá mình đánh mất. Vì xét cho cùng, không gì có thể phá hủy được mối tương quan cha con, và anh nại vào tương quan đó để xin một ân huệ.

Phân tích tâm trạng người con thứ trong dụ ngôn, giúp ta hiểu rõ hơn lòng thương xót của Chúa, qua cách cư xử và hành động kỳ lạ của người cha. Dù con cái có tệ bạc, dù con trở về để kiếm cơm ăn chứ không phải vì nhớ cha già, thì tình cha thương con bao giờ cũng vẫn dạt dào. Một lời nói “thưa cha” là đủ. Người con không kịp thêm lời nào nữa, vì ngay lập tức, cha cho cậu “mặc áo mới, xỏ nhẫn và mang dép”, nghĩa là trả lại cho cậu vinh dự làm con, làm cậu chủ trong nhà. Và hơn thế, ông còn biểu lộ niềm vui bằng mở tiệc thật lớn để khao mừng.

Cảm động biết bao hình ảnh người cha già mỗi ngày đứng đợi, để có thể sớm nhìn thấy con từ đằng xa, “chạy ra ôm chầm lấy con và hôn lấy hôn để”. Lối diễn tả thật sống động và thân ái, cho thấy sự thắm thiết của tình cha dành cho con. Quả thế, tình yêu vượt qua những lô-gích bình thường. Tình thương dạt dào của người cha nhân hậu, được tích lũy qua bao ngày chờ mong con trở về. Giờ đây, không một lời than thở hay khiển trách, ông quyết định phải bắt con bê đã vỗ béo để ăn mừng : “Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”.

Nối kết với dụ ngôn chiên lạc và đồng bạc đánh mất được kể liên tục với dụ ngôn người cha nhân hậu, chúng ta có thể hiểu lời của Chúa Giêsu khẳng định : “Tôi nói cho các ông hay : trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (Lc 15, 7).

Bi kịch những người tự coi là công chính

Phần kế tiếp của dụ ngôn là một diễn tiến khá bất ngờ, khi người anh cả nổi giận không chịu vào nhà. Anh tự hào kể lể công lao của mình : “Cha coi, bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh”. Anh từ chối người em và gọi nó là “thằng con của cha”. Anh ghen tức với đứa em “đã nuốt hết của cải của cha với bọn đĩ điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng !”.

Hóa ra cậu em bỏ nhà ra đi, nay được đón vào nhà, còn người anh bấy lâu ở với cha, nay lại tự chọn đứng ở bên ngoài. Người cha kiên nhẫn nhắc nhở anh thông cảm mối tình cha, và nhắc anh vẫn còn tương quan với em, vì tất cả đều là con một cha : “Chúng ta phải ăn mừng, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”.

Bối cảnh Chúa Giêsu kể ba dụ ngôn cho ta thấy rõ ràng ngài ám chỉ người anh với các kinh sư và Pharisêu. Những người này đang xầm xì với nhau về việc Ngài đón tiếp và ăn uống với phường tội lỗi (Lc 15,1). Nội dung làm ta liên tưởng đến đoạn tin mừng tương tự về người biệt phái và người thu thuế. Cả hai người cùng lên đền thờ cầu nguyện. Người thu thuế đấm ngực thú tội và khẩn nài lòng thương xót thì trở về và được nên công chính. Còn người biệt phái khoe khoang về thành tích mình đã làm thì không (Lc 9, 9-14).

Quả thực, Chúa “muốn lòng nhân từ chớ không phải là hy lễ”. Và Ngài “không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9, 13).

Cử Hành Sám Hối Chung

Đến đây, tôi nhớ đến một cách diễn tả khá đặc biệt của đức hồng y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận: “Không vị thánh nào không có quá khứ, và không tội nhân nào không có tương lai”.

Chớ gì không có ai trong chúng ta kiêu ngạo hay thất vọng về quá khứ mình, để luôn tin tưởng vào tình thương khoan dung của Thiên Chúa. Nhờ đó chúng ta cương quyết tránh xa tội lỗi và cám dỗ trần gian, để luôn sống trong vòng tay nhâu hậu của Cha trên trời, mời gọi bạn bè và những người thân quen đến với tình yêu Thiên Chúa, cùng tham dự bàn tiệc Thánh mà Ngài hiến thân để thết đãi chúng ta.

Trong bầu khí đặc biệt cùa năm thánh lòng thương xót, xin nhắc anh chị em nhớ lại một gợi ý của Ban tổ chức Năm thánh Dòng Đa Minh, về việc tổ chức cử hành sám hối trong mùa chay năm nay.

Ước mong mỗi huynh đoàn sắp xếp được thời gian hòa giải với nhau, để canh tân và chữa lành những mối tương quan huynh đệ. Nhờ đó, mọi nghi ngờ hiểu lầm nếu có, sẽ được xóa tan, mối hiệp thông huynh đệ được củng cố thêm chặt chẽ, hầu mọi người cùng hợp tác với nhau, làm chứng cho tình thương và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Lm. Phanxicô X. Đào Trung Hiệu OP

(1) Đức Phanxicô : Tông sắc “Chân dung lòng thương xót”, số 5.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *