Tình trạng bất ổn ở Pháp: Các nhà lãnh đạo tôn giáo kêu gọi đối thoại và bình tĩnh

1. Tình trạng bất ổn ở Pháp: Các nhà lãnh đạo tôn giáo kêu gọi đối thoại và bình tĩnh

Các giám mục của Pháp đã cùng với các nhà lãnh đạo tôn giáo khác vào cuối tuần qua đáp lại tình trạng bất ổn đang diễn ra ở đất nước của họ bằng lời kêu gọi hòa bình, đối thoại và bình tĩnh trở lại.

Hàng giáo phẩm Giáo Hội Công Giáo cũng đưa ra lời cầu nguyện cho hòa bình vào ngày 1 tháng Bảy.

Các cuộc bạo loạn, bắt nguồn từ vụ cảnh sát bắn chết một thanh niên 17 tuổi gốc Bắc Phi tên là Nahel M. khi đang dừng giao thông ở Nanterre /non/, ngoại ô Paris, đã dẫn đến nhiều ngày cướp bóc, tấn công vào các tòa nhà công cộng và đám đông phá hoại, bạo lực ở một số thành phố.

Khoảng 45.000 sĩ quan đã được triển khai trên khắp đất nước trong mấy đêm qua, theo BBC. Hơn 150 người đã bị bắt vào tối Chúa Nhật, giảm so với hơn 700 người vào đêm hôm trước. Toàn bộ mức độ tàn phá và số người bị thương vẫn chưa được biết.

Trong một tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo tôn giáo ở Pháp bày tỏ sự đau buồn trước cái chết và bạo lực. Đồng thời, họ kêu gọi tái lập hòa bình. “Chúng tôi đồng lòng khẳng định rằng bạo lực không bao giờ là đúng đắn,” tuyên bố cho biết, đồng thời chỉ trích các cuộc tấn công vào trường học, doanh nghiệp, tòa thị chính và phương tiện giao thông; và lưu ý rằng cư dân, gia đình và trẻ em của những khu dân cư này là những người đầu tiên phải gánh chịu hậu quả.

Văn bản được ký bởi Đức Tổng Giám Mục Éric de Moulins-Beaufort của Reims, chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp.

Các bên ký kết khác bao gồm các nhà lãnh đạo của Hội nghị các nhà lãnh đạo tôn giáo của Pháp.

Trước các cuộc tấn công vào cảnh sát và chính quyền, các bên ký kết kêu gọi tăng cường “lòng tin cần thiết” giữa các bộ phận dân chúng và các cơ quan thực thi pháp luật. Họ khuyến khích các chính trị gia làm việc cùng nhau một cách có trách nhiệm để khôi phục lại công lý và hòa bình.

“Ngày nay hơn bao giờ hết, cầu mong tất cả các tín hữu trở thành những người phục vụ hòa bình và lợi ích chung. Tất cả chúng ta đều sẵn sàng đóng góp cho điều này,” tuyên bố kết luận.

Các giám mục Pháp cũng đã đề xuất một lời cầu nguyện cho việc khôi phục hòa bình trong nước, vốn đã được cung cấp cho các giáo xứ và cộng đồng Công Giáo ở Pháp.

Lời cầu nguyện có nội dung như sau:

Chúng con cầu xin Chúa, Lạy Chúa xin cho yên hàn được trở lại và hòa bình cho đất nước của chúng con.

Chúng con giao phó Nahuel cho Chúa và cầu nguyện cho những người thân yêu của anh ta. Cầu mong tinh thần ánh sáng và bình an đồng hành cùng họ.

Chúng con giao phó cho Chúa những người bị thương trong những đêm bạo lực này, bao gồm cả những người có nhà cửa và nơi làm việc đã bị phá hủy hoặc hư hại.

Lạy Chúa, chúng con cầu nguyện cho những người làm việc trong ngành thực thi pháp luật và dịch vụ công cộng, những người đang phải chịu nhiều áp lực và đôi khi bị tấn công.

Xin Chúa truyền cảm hứng cho chúng con biết thúc đẩy đối thoại và hòa bình với các tín hữu của các giáo phái Kitô giáo và các tôn giáo khác, và với tất cả các công dân của chúng con.

Một lần nữa chúng con cầu xin Chúa cho xã hội chúngcon, thoát ra ngoài sự bùng nổ hiện tại, và có thể nhận ra rõ ràng nguồn gốc của bạo lực và tìm cách khắc phục chúng.

Amen.


Source:National Catholic Register

2. Nhìn vào các con số một tháng trước Ngày Giới Trẻ Thế Giới,

Hơn 600.000 người đã bắt đầu quá trình ghi danh.

Gần 3 triệu bữa trưa và bữa tối đã được đặt hàng.

Mười ngàn lễ phục linh mục đang được thực hiện. Và ít nhất 7.000 gia đình chủ nhà đã tình nguyện mở cửa đón khách hành hương.

Đây là một trong những số liệu thống kê mới nhất được ban tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới công bố, sẽ diễn ra ở tại Lisbon, Bồ Đào Nha trong thời gian một tháng kể từ bây giờ.

Lễ kỷ niệm quốc tế của đức tin Công Giáo diễn ra từ ngày 1 đến ngày 6 tháng 8 quy tụ những người trẻ tuổi và những người khác từ khắp nơi trên thế giới để gặp gỡ và cầu nguyện với Đức Thánh Cha Phanxicô.

Bản cập nhật về việc chuẩn bị cho sự kiện được phát hành vào ngày 30 tháng 6 cho thấy:

663.000 người đã bắt đầu quá trình ghi danh và 313.000 từ 151 quốc gia đã hoàn tất ghi danh.

Ba quốc gia có số lượng ghi danh đông đảo nhất cho đến nay là Tây Ban Nha (58.531), Ý (53.803), Pháp (41.055) và Bồ Đào Nha (32.771).

14.435 người Mỹ đã ghi danh.

214.500 người tức là 70% những người đã ghi danh đầy đủ, yêu cầu chỗ ở. Cho đến nay, thông qua các giáo xứ trong các giáo phận đăng cai bao gồm thủ đô Lisbon, và các vùng lân cận Santarém và Setúbal, 7.138 gia đình đã ghi danh và sẵn sàng chào đón các bạn trẻ hành hương tại nhà của họ, và hơn 470.000 chỗ ở qua đêm đã được xác định, cụ thể là trong trường học và câu lạc bộ thể thao.

289.000 người hành hương, tức là 90%, những người đã ghi danh đầy đủ đã yêu cầu bữa ăn. Tổ chức WYD Lisbon 2023 đã ký hợp đồng với hàng nghìn nhà hàng tham gia và các cơ sở khác để cung cấp gần 3 triệu bữa trưa và bữa tối.

32.717 người đã bắt đầu quá trình ghi danh làm tình nguyện viên cho sự kiện này, với 22.282 hoàn thành ghi danh cho đến nay. Trong số này, 500 là bác sĩ, y tá hoặc sinh viên hoàn thành bằng cấp trong lĩnh vực y tế và sẽ sơ cứu cho tất cả những người hành hương trong suốt tuần diễn ra cuộc họp.

698 giám mục và 29 Hồng Y đã ghi danh tham dự Đại hội Giới trẻ Thế giới. Các quốc gia gửi nhiều giám mục nhất là Ý (113), Tây Ban Nha (77), Hoa Kỳ (76), Pháp (75) và Bồ Đào Nha (45).

10.000 lễ phục đang được may cho các Hồng Y và giám mục này cùng hàng ngàn linh mục.

2.600 linh mục đã tình nguyện đến “Công viên Hòa giải”, nơi sẽ thiết lập 150 tòa giải tội từ ngày 1 đến ngày 4 tháng 8. Xưng tội sẽ được cung cấp bằng năm ngôn ngữ chính thức của Ngày Giới trẻ Thế giới này: tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ý.

Hiệp hội các nhà sản xuất protein, hạt có dầu và ngũ cốc quốc gia của Bồ Đào Nha đã tặng hai tấn lúa mì Bồ Đào Nha để sản xuất bánh thánh, đang được sản xuất bởi các Nữ tu Clarisse thuộc Tu viện Trái tim Vô nhiễm Đức Mẹ ở Lisbon.

Cho đến nay, các nhà tổ chức đã nhận được 2.069 yêu cầu từ các ký giả đưa tin về sự kiện này.


Source:National Catholic Register

3. Giám mục Tân giáo ở Âu Châu phản ứng trước bạo lực của cảnh sát đối với một thiếu niên Pháp-Algeria

Hàng ngàn người biểu tình đã bị bắt giữ kể từ khi Nahel Merzouk, một cậu bé 17 tuổi gốc Algeria, bị một sĩ quan cảnh sát bắn chết trong một vụ chặn xe ngày 27 tháng 6 ở Nanterre /non/, ngoại ô Paris, Pháp.

Trong một thông điệp gửi cho các giáo đoàn Tân giáo ở Âu Châu, Đức Cha Mark Edington, giám mục phụ trách Hội Đồng các Giáo hội Tân giáo ở Âu Châu, nói rằng cái chết của Merzouk phản ánh những vụ sát hại người da màu khác dưới bàn tay của cảnh sát.

“Đó là một câu chuyện đã diễn ra lặp đi lặp lại ở rất nhiều quốc gia nơi chúng ta sống; một thanh niên da màu, một cuộc chạm trán với cảnh sát, một phát súng và một cái chết oan uổng,” Edington nói. “Quyền lực tối cao của người da trắng có nhiều thứ, nhưng ít nhất đó là điều này: sự chiều theo, trên quy mô xã hội và rộng lớn, của một nỗi sợ hãi đã được di truyền từ lâu, được truyền qua nhiều thế hệ và được củng cố một cách hợp pháp – một nỗi sợ hãi tuyệt vọng, bệnh hoạn. Đó là một nỗi sợ hãi quyến rũ đến mức nó đội lốt sự công bình và đội lốt sự khôn ngoan.”

Merzouk, một tài xế giao bánh pizza, đã bị hai cảnh sát chặn lại vì cáo buộc chạy quá tốc độ và vượt đèn đỏ, gây nguy hiểm cho người đi bộ và người đi xe đạp. Một trong những sĩ quan, hiện chưa được nêu tên, sau đó đã bắn Merzouk với lý do tự vệ. Viên cảnh sát hiện phải đối mặt với cáo buộc ngộ sát.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã lên án vụ sát hại Merzouk.

Các cuộc biểu tình nổ ra trên khắp nước Pháp và các quốc gia khác sau khi đoạn video về vụ xả súng lan truyền trên mạng xã hội, dẫn đến bạo loạn ở Paris và các vùng ngoại ô.

Pháp đã chứng kiến sự gia tăng bạo lực của cảnh sát kể từ khi một đạo luật được thông qua vào năm 2017 cho phép cảnh sát bắn vào các phương tiện bỏ chạy khỏi các điểm dừng nếu họ gây nguy hiểm cho người qua đường. Ngoài ra, những thanh niên da đen và Ả Rập có nhiều khả năng bị cảnh sát Pháp lập hồ sơ và chặn lại, theo một nghiên cứu từ năm 2017.

Edington nói: Con người thường bị thúc đẩy bởi nỗi sợ hãi “người khác – người da màu, người nước ngoài, người tị nạn”.

Ông nói: “Sợ hãi là con rắn mê hoặc biện minh cho việc lựa chọn con đường hủy diệt sự sống. “Sẽ có công lý cho Nahel, Michael, Makomé, Breonna, Patrick, George, và rất nhiều, rất nhiều người khác chỉ khi chúng ta cuối cùng mạo hiểm sống theo cách mà Chúa Kitô kêu gọi chúng ta sống — với sự dũng cảm bắt nguồn từ tình yêu thương, cuối cùng, đó là nền tảng mà chúng ta phải dựa vào và là tinh thần mà chúng ta sống.


Source:episcopalnewsservice.org

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *