Tổng hợp Thông tin Ngày Quốc tế Giới trẻ ở Lisboa 2023

1. Thánh lễ khai mạc Ngày Quốc tế Giới trẻ ở Lisboa

2. ​​​​​​​Đức Thánh cha đến Lisboa, Bồ Đào Nha

3. Đức Thánh cha gặp gỡ chính quyền Bồ Đào Nha


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Diễn từ của Đức Thánh cha

Trong diễn văn đầu tiên của chuyến viếng thăm, Đức Thánh cha đề cập đến những vấn đề lớn mà Âu châu và thế giới đang phải đương đầu và ngài kêu gọi có thái độ cởi mở, tìm kiếm những con đường mới, đi từ hình ảnh Lisboa, “thành phố của đại dương nhắc nhở về tầm quan trọng của sự cộng tác, cùng nhau, nghĩ đến các biên giới như những vùng tiếp xúc, chứ không phải như những biên cương chia cách.” Ngài kêu cầu hòa bình và cầu mong Ngày Quốc tế Giới trẻ này là một động lực thúc đẩy Âu châu chu toàn vai trò kiến tạo hòa bình tại vùng Địa Trung Hải cũng như tại Phi châu và Trung Đông.

Những vấn đề của thế giới và Âu châu

Đức Thánh cha nói: “Chúng ta biết rằng ngày nay những vấn đề lớn đều có tính cách hoàn cầu, nhưng nhiều khi chúng ta cảm thấy sự thiếu hiệu năng trong việc đáp ứng những vấn đề ấy. Chính vì thế giới chia rẽ đứng trước những vấn đề chung, hoặc ít là không liên kết đủ với nhau, nên không có khả năng cùng nhau đương đầu với những gì làm cho mọi người bị khủng hoảng. Dường như những bất công hoàn cầu lan nhanh hơn khả năng và ý chí cùng nhau giải quyết các thách đố ấy”.

Về điểm này, Đức Thánh cha nhắc lại Lisboa là nơi đã ký kết, hồi năm 2007, Hiệp ước cải tổ Liên hiệp Âu châu, được coi là một giai đoạn mới trong tiến trình thành lập một Liên hiệp ngày càng chặt chẽ hơn giữa các dân tộc Âu châu, trong đó những quyết định được đề ra một cách minh bạch bao nhiêu có thể và hết sức gần gũi với các công dân” (Hiệp ước, số 1).

“Lisboa là thủ đô ở miền cực tây của Âu châu. Vì thế, nó nhắc nhở sự cần thiết phải mở ra những con đường gặp gỡ rộng rãi hơn, như Bồ Đào Nha đã làm, nhất là với những nước thuộc các đại lục khác có chung ngôn ngữ. Tôi cầu mong Ngày Quốc tế Giới trẻ là một sự thúc đẩy đối với đại lục cổ kính để có sự cởi mở đại đồng. Lý do vì thế giới đang cần Âu châu, một Âu châu đích thực: thế giới đang cần vai trò bắc cầu và kiến tạo hòa bình ở phía đông trong Địa Trung Hải, ở Phi châu và Trung Đông. Chỉ như thế, Âu châu mới có thể mang lại trong bàn cờ quốc tế, đặc tính của mình được hình thành trong thế kỷ qua, từ cái lò những xung đột thế giới, làm nảy sinh tia sáng hòa giải, thực hiện giấc mơ xây dựng ngày mai cùng với những kẻ thù hôm qua, mở ra những con đường đối thoại và bao gồm, phát triển một nền ngoại giao hòa bình, dập tắt những xung đột và làm bớt những căng thẳng, có khả năng đón nhận những tín hiệu hòa dịu yếu nhất và đọc được, giữa những điều quanh co nhất”.

Âu châu cần những con đường dũng cảm

Đức Thánh cha cũng nhận xét rằng “trong đại dương của lịch sử, chúng ta đang hải hành giữa một thời điểm bão tố mà thiếu những con đường dũng cảm dẫn đến hòa bình. Nhìn Âu châu với tâm tình quý mến tha thiết, trong tinh thần đối thoại vốn là đặc biệt của đại lục này, người ta có thể hỏi: Âu châu đang đi về đâu nếu Âu châu không cống hiến những con đường hòa bình cho thế giới? Và nói rộng hơn: đâu là con đường mà Tây phương đang đi theo? Kỹ thuật của Âu châu, vốn đã đánh dấu sự tiến bộ và hoàn cầu hóa thế giới, tự nó không đủ, và những võ khí tối tân của Âu châu càng không đủ. Chúng không phải là một sự đầu tư cho tương lai, nhưng trái lại chúng cho vốn liếng của con người trở nên nghèo hơn, vốn liếng về giáo dục, y tế, và tình trạng xã hội. Thật là điều gây lo âu khi ta đọc thấy tại nhiều nơi, người ta liên tục đầu tư vào võ khí, thay vì vào tương lai của con cái. Tôi mơ ước một Âu châu, con tim của Tây phương, tận dụng tài năng của mình để dập tắt những lò chiến tranh và khơi lên những lò hy vọng; một Âu châu biết tìm lại tâm hồn trẻ trung của mình, mơ ước sự cao cả của cuộc sống chung, đi xa hơn những nhu cầu nhất thời; một Âu châu bao gồm các dân tộc và con người, không sử dụng những lý thuyết và sự thực dân hóa ý thức hệ”.

Bênh vực sự sống

Đức Thánh cha cũng tố giác việc bảo vệ sự sống bị lâm nguy vì những sai trái duy thực dụng, xài sự sống con người rồi vứt bỏ. Ngài nói: “Tôi nghĩ đến bao nhiêu hài nhi không được sinh ra và người già bị bỏ mặc cho chính mình, người ta khó đón nhận, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập những người từ xa đến gõ cửa; tôi nghĩ tới nỗi cô đơn của nhiều gia đình khó sinh sản và nuôi dưỡng con cái. Cả trong lãnh vực này, ta cần hỏi: Âu châu và Tây phương đang đi về đâu, với sự gạt bỏ những người già, với những bức tường kẽm gai, những thảm trạng trên biển cả và những chiếc nôi trống rỗng? …

Động lực để hy vọng

Đức Thánh cha nhận xét thêm rằng: “thành Lisboa được đại dương bao bọc, mang lại cho chúng ta động lực để hy vọng. Một đại dương người trẻ đang đổ dồn về thành phố thân thiện này, và tôi muốn cám ơn vì công trình to lớn và quảng đại Bồ Đào Nha thực hiện để đón tiếp và điều hành một biến cố khó khăn nhưng đầy hy vọng, là những Ngày Quốc tế Giới trẻ đây. Như người ta vẫn nói ở đây: “Ở cạnh người trẻ, ta sẽ không già”. Những người trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới, họ vun trồng những mong ước hiệp nhất, hòa bình và huynh đệ. Họ thách thức chúng ta hãy thực thi những giấc mơ thiện hảo của họ. Họ không xuống đường để kêu gào giận giữ, nhưng để chia sẻ hy vọng. Trong khi từ nhiều nơi, ngày hôm nay người ta thấy có bầu không khi phản đối và bất mãn, một môi trường thuận lợi cho trào lưu mị dân và âm mưu, thì Ngày Quốc tế Giới trẻ là cơ hội để cùng nhau xây dựng. Nó trẻ trung hóa ước muốn kiến tạo những gì mới mẻ, ra khơi và cùng nhau tiến về tương lai…

Và Đức Thánh cha nhắc đến ba công trình mà tất cả chúng ta có thể cùng nhau làm việc, đó là môi trường, tương lai và tình huynh đệ.

Về môi trường, Đức Thánh cha nhắc đến những thách đố to lớn và nghiêm trọng trong lãnh vực này trên thế giới: các đại dương bị hâm nóng và từ đáy biển đang nổi lên bề mặt sự xấu xa, qua đó chúng ta làm ô nhiễm căn nhà chung. Chúng ta đang biến những nguồn dự trữ lớn của sự sống thành bãi rác thải nhựa (plastic). Đại dương nhắc nhớ chúng ta rằng cuộc sống con người được kêu gọi hòa hợp với một môi trường lớn hơn chúng ta, cần được ân cần bảo tồn, nghĩ đến các thế hệ mai sau”.

Công trình thứ hai là tương lai, là những người trẻ. Nhưng bao nhiêu nhân tố đang làm cho họ nản chí, như thiếu công ăn việc làm, nhịp sống ồ ạt mà họ bị kéo vào, vật giá leo thang, khó tìm được nhà ở, và một điều đáng lo hơn nữa là sợ lập gia đình và sinh sản con cái. Đức Thánh cha kêu gọi đối phó với tình trạng này, sửa chữa những chênh lệch kinh tế của một thị trường sản xuất sự giàu có, nhưng không phân phối, làm cho nhiều người nghèo về tài nguyên và những xác tín chắc chắn.

Sau cùng, tình huynh đệ là công trình thứ ba cần xây dựng chung. Đức Thánh cha ghi nhận tại nhiều nơi ở Bồ Đào Nha, có cảm thức gần gũi láng giềng và liên đới mạnh mẽ, nhưng trong bối cảnh chung của sự hoàn cầu hóa làm cho chúng ta trở nên gần nhau, nhưng không mang lại cho chúng ta sự gần gũi huynh đệ. Tất cả chúng ta được kêu gọi vun trồng cảm thức cộng đoàn, đi từ sự tìm kiếm những người ở gần chúng ta. Thật là đẹp đẽ khi chúng ta tái khám phá mình là anh chị em với nhau, hoạt động cho công ích, bỏ qua những xung khắc và khác biệt quan điểm!

Sau cuộc gặp gỡ đầu tiên trên đây, Đức Thánh cha về Tòa Sứ thần Tòa Thánh, cách đó 11 cây số để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi.

 

4. ĐTC chủ sự giờ Kinh Chiều với các Giám mục, Linh mục, tu sĩ, chủng sinh và nhân viên mục vụ Bồ Đào Nha

Chiều 2/8/2023, trong bài giảng trong giờ Kinh Chiều với các Giám mục, Linh mục, tu sĩ, chủng sinh và nhân viên mục vụ Bồ Đào Nha, Đức Thánh Cha khuyến khích họ khuyến khích họ vượt qua chủ nghĩa bi quan và thả lưới một lần nữa với niềm hy vọng.

Vatican News

Đến Đan viện Thánh Giêrônimô, Đức Thánh Cha được Đức Hồng y Manuel Clemente, Thượng phụ Lisbon, Đức cha José Ornelas Carvalho, Giám mục giáo phận Leiria-Fatima và cũng là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Bồ Đào Nha, và cha sở của giáo xứ Đức Maria ở Belém chào đón ở cửa nhà thờ. Sau khi hôn Thánh Giá và rảy nước thánh ở cửa vào nhà thờ, Đức Thánh Cha nhận hoa từ hai em bé và sau đó tiến lên phía bàn thờ.

ĐTC chủ sự giờ Kinh Chiều với các Giám mục, Linh mục, tu sĩ, chủng sinh và nhân viên mục vụ Bồ Đào Nha

Trong lời chào mừng Đức Thánh Cha, Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Bồ Đào Nha, nói rằng trong giờ Kinh Chiều, họ sẽ cùng Đức Thánh Cha cầu nguyện “để cuộc tập hợp những người trẻ này, được đánh dấu bằng cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, có thể dẫn họ hiểu và mơ giấc mơ của chính Thiên Chúa, tìm ra những cách tham gia vui tươi, quảng đại và biến đổi vào Giáo hội và toàn thể nhân loại.”

ĐTC chủ sự giờ Kinh Chiều với các Giám mục, Linh mục, tu sĩ, chủng sinh và nhân viên mục vụ Bồ Đào Nha

“Vâng lời Thầy con xin thả lưới”

Bài chia sẻ của Đức Thánh Cha bắt đầu từ khung cảnh xinh đẹp của Bồ Đào Nha, nơi có những bãi biển vàng nhìn ra đại dương rộng lớn. Chúa Giêsu đã gọi các môn đệ đầu tiên trên bờ biển hồ Galilê. Khi các môn đệ rời thuyền đi giặt lưới thì Chúa đã lên thuyền và sau khi dạy dỗ đám đông, Người đã thay đổi cuộc đời của những ngư dân đó bằng cách mời họ đi ra chỗ nước sâu và thả lưới.

Đức Thánh Cha phân tích hai sự tương phản: các môn đệ ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu lên thuyền; họ muốn cất lưới của mình, Chúa muốn họ lại quăng lưới xuống biển lần nữa để bắt cá.

ĐTC chủ sự giờ Kinh Chiều với các Giám mục, Linh mục, tu sĩ, chủng sinh và nhân viên mục vụ Bồ Đào Nha
Tin tưởng rằng Chúa Giêsu luôn sẵn sàng đưa tay ra và nâng đỡ chúng ta

Các môn đệ ra khỏi thuyền để giặt lưới của họ. Chúa Giêsu thấy cảnh này và Người dừng lại. Đức Thánh Cha nhận định: “Chúa Kitô muốn mang sự gần gũi của Thiên Chúa đến chính những nơi và hoàn cảnh mà con người đang sống, làm việc và hy vọng, đôi khi bám lấy những thất bại và thiếu sót của họ, giống như những người đánh cá đã làm việc suốt đêm và không bắt được gì.”

Chúa thông cảm với Simon và các bạn đồng hành, những người mệt mỏi và thất vọng, đang giặt lưới như thường lệ, cam chịu sẽ trở về nhà tay không. Đức Thánh Cha nói rằng đây cũng là thái độ của chúng ta trong hành trình của Giáo hội, khi chỉ có những mẻ lưới trống rỗng. “Ngài giải thích: “Đó là một tâm tình khá phổ biến ở các quốc gia có truyền thống Kitô giáo cổ xưa, trải qua nhiều thay đổi xã hội và văn hóa và ngày càng được đánh dấu bởi chủ nghĩa thế tục, bởi sự thờ ơ đối với Thiên Chúa, bởi việc ngày càng rời bỏ thực hành đức tin. Và điều này thường được nhấn mạnh bởi sự thất vọng và tức giận của một số người đối với Giáo hội, đôi khi do chứng tá tồi tệ của chúng ta và những vụ bê bối đã làm biến dạng khuôn mặt của Giáo hội, và kêu gọi chúng ta thực hiện một sự thanh tẩy khiêm tốn và liên tục, luôn bắt đầu từ tiếng kêu đau đớn của các nạn nhân, những người luôn phải được đón nhận và lắng nghe. Nhưng khi chúng ta cảm thấy bị tấn công thì chúng ta có thể cảm thấy bị cám dỗ rời bỏ thuyền, bị mắc vào mạng lưới cam chịu và bi quan. Ngược lại, chúng ta cần dâng lên Chúa những nỗ lực và nước mắt của mình, để rồi cùng nhau đáp ứng những nhu cầu mục vụ và thiêng liêng, với tâm hồn rộng mở và tìm ra những con đường mới để theo Người, tin tưởng rằng Chúa Giêsu luôn sẵn sàng đưa tay ra và nâng đỡ Hôn Thê yêu dấu của Người.”

ĐTC chủ sự giờ Kinh Chiều với các Giám mục, Linh mục, tu sĩ, chủng sinh và nhân viên mục vụ Bồ Đào Nha

Chúng ta có để Chúa lên thuyền và cầm lái con thuyền cuộc đời của chúng ta?

Nhưng Chúa Giêsu lên thuyền rồi mời họ thả lưới lần nữa. Đức Thánh Cha nói tiếp: “Cũng thế, Người đến tìm chúng ta trong sự cô đơn và khủng hoảng của chúng ta để giúp chúng ta bắt đầu lại. Ngay cả hôm nay Người vẫn đứng trên bờ của cuộc sống của chúng ta để đánh thức lại niềm hy vọng của chúng ta và cũng để nói với chúng ta, như đã nói với Simon và những người khác: ‘Hãy chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá’ (Lc 5,4).”

Hôm nay Chúa đang hỏi chúng ta có muốn để Người lên thuyền cầm lái cho chiếc thuyền cuộc đời của chúng ta, để rồi lại hăng hái quăng lưới bắt cá. Nghĩa là “Chúa đang yêu cầu chúng ta: làm sống lại lòng nhiệt thành không ngơi nghỉ đối với việc truyền bá Tin Mừng.” “Thả lưới lần nữa và ôm lấy toàn thế giới với niềm hy vọng của Tin Mừng: đây là điều chúng ta được mời gọi!

Theo Đức Thánh Cha, chúng ta cần đưa ra những chọn lựa để có thể mạnh dạn dong buồm ra biển khơi rao giảng Tin Mừng và sứ vụ và ngài chỉ ra ba lựa chọn.

ĐTC chủ sự giờ Kinh Chiều với các Giám mục, Linh mục, tu sĩ, chủng sinh và nhân viên mục vụ Bồ Đào Nha

Chèo thuyền ra chỗ nước sâu: rời bỏ sự thất vọng ù lì

Trước hết là chọn lựa chèo thuyền ra chỗ nước sâu. Đức Thánh Cha nói: “Để quăng lưới xuống biển lần nữa, chúng ta cần rời bỏ bến bờ của những thất vọng và ù lì, tránh xa nỗi u sầu mờ nhạt và sự hoài nghi và mỉa mai có thể bủa vây chúng ta khi đối mặt với khó khăn. Cần phải chuyển từ mặc cảm thất bại sang thái độ của đức tin, như ông Simon, dù đã vất vả suốt đêm vô ích, vẫn nói: ‘Theo lời Thầy con sẽ thả lưới’ (Lc 5,5).” Và để tin cậy Chúa và Lời của Người mỗi ngày, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng cần phải cầu nguyện nhiều hơn nữa. “Chỉ trong sự thờ lạy, chỉ trước mặt Chúa, chúng ta mới thực sự lại tìm thấy sự yêu thích và lòng nhiệt thành rao giảng Tin Mừng. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể vượt qua cám dỗ thực hiện một ‘hoạt động mục vụ mang tính hoài niệm và tiếc nuối’ và có can đảm ra chỗ nước sâu mà không mang theo các ý thức hệ hay các hình thức thế tục, được thúc đẩy bởi một ước muốn duy nhất: đó là Tin Mừng được rao giảng cho mọi người.”

ĐTC chủ sự giờ Kinh Chiều với các Giám mục, Linh mục, tu sĩ, chủng sinh và nhân viên mục vụ Bồ Đào Nha
Cùng nhau tiến hành chăm sóc mục vụ: Giáo hội đối thoại, đồng trách nhiệm

Lựa chọn thứ hai: cùng nhau tiến hành chăm sóc mục vụ. Đức Thánh Cha lưu ý rằng mọi người trên thuyền đều được mời thả lưới. Và khi bắt được nhiều cá, họ gọi các bạn đồng nghiệp ở thuyền khác đến giúp. Do đó, “Giáo hội là số nhiều, đó là sự hiệp thông, hỗ trợ lẫn nhau, một hành trình chung. Trên thuyền phải có chỗ cho tất cả mọi người: tất cả những người đã được rửa tội đều được mời gọi lên thuyền và thả lưới, trực tiếp dấn thân loan báo Tin Mừng.”

Đức Thánh Cha nhận xét rằng đây là một thách đố lớn, nhất là trong những bối cảnh mà các linh mục và những người tận hiến đang mệt mỏi bởi vì trong khi nhu cầu mục vụ gia tăng thì họ ngày càng ít đi. Tuy nhiên, ngài nhắc nhở, “chúng ta có thể xem tình huống này như một cơ hội để giáo dân tham gia với lòng nhiệt thành huynh đệ và sự sáng tạo mục vụ lành mạnh. Do đó, các tấm lưới của các môn đệ đầu tiên trở thành hình ảnh của Giáo hội, vốn là một ‘mạng lưới các tương quan’ nhân bản, thiêng liêng và mục vụ.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Nếu không có đối thoại, đồng trách nhiệm và tham gia, Giáo hội sẽ già đi.” “Giáo hội, không bao giờ không có những người khác, không có thế giới. Trong Giáo hội không có chủ nghĩa thế tục, nhưng không có nghĩa là không có thế giới. Trong Giáo hội, chúng ta giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau và chúng ta cũng được mời gọi lan tỏa bầu khí huynh đệ xây dựng ra bên ngoài.”

ĐTC chủ sự giờ Kinh Chiều với các Giám mục, Linh mục, tu sĩ, chủng sinh và nhân viên mục vụ Bồ Đào Nha
Trở thành những ngư phủ lưới người: Giáo hội được ủy thác sứ vụ mang đến cho con người sự sống của Chúa Giêsu

Cuối cùng, lựa chọn thứ ba: trở thành những ngư phủ lưới người. Chúa Giêsu trao phó cho các môn đệ sứ vụ dấn thân vào biển thế gian. Đức Thánh Cha nói: “Lưới người và kéo họ lên khỏi mặt nước có nghĩa là giúp họ đi lên khỏi nơi họ đã chìm đắm, cứu họ khỏi sự ác có nguy cơ nhấn chìm họ, hồi sinh họ khỏi mọi hình thức chết chóc. Thật vậy, Tin Mừng là một lời loan báo về sự sống trong biển của sự chết, về sự tự do trong những vòng xoáy nô lệ, về ánh sáng trong vực thẳm bóng tối.”

Đức Thánh Cha lưu ý rằng “ngày nay có nhiều bóng tối trong xã hội. Chúng ta dường như đánh mất ý nghĩa của lòng nhiệt huyết, dũng khí dám ước mơ, nghị lực đương đầu với thử thách, thiếu niềm tin vào tương lai; và vì thế chúng ta dong buồm trong sự bấp bênh, bấp bênh về kinh tế, trong sự nghèo nàn tình bạn xã hội, thiếu hy vọng.” Nhưng Giáo hội, Đức Thánh Cha giải thích, “được ủy thác sứ vụ chèo thuyền vào dòng nước của đại dương này và thả tấm lưới Tin Mừng, không chỉ tay lên án, nhưng mang đến cho con người thời đại chúng ta một đề xuất về một sự sống mới, đó là sự sống của Chúa Giêsu. Chúng ta được mời gọi đem sự cởi mở của Tin Mừng đến một xã hội đa văn hóa; đem sự gần gũi của Chúa Cha đến với những hoàn cảnh bấp bênh và nghèo đói đang gia tăng, nhất là nơi giới trẻ; mang tình yêu của Chúa Kitô đến nơi gia đình mong manh và những mối quan hệ bị tổn thương; trao truyền niềm vui của Chúa Thánh Thần vào nơi bị thống trị bởi sự thất vọng và thuyết định mệnh.”

Kết thúc giờ Kinh Chiều Đức Thánh Cha lên xe trở về Tòa Sứ thần cách đó khoảng 10 km, dùng bữa tối và nghỉ đêm, kết thúc ngày thứ nhất trong chuyến viếng thăm Bồ Đào Nha.

ĐTC chủ sự giờ Kinh Chiều với các Giám mục, Linh mục, tu sĩ, chủng sinh và nhân viên mục vụ Bồ Đào Nha

5. ĐTC gặp gỡ giới trẻ tại “Đại học Công giáo Bồ Đào Nha”

ĐTC và bà hiệu trưởng

Trong cuộc gặp gỡ các sinh viên của “Đại học Công giáo Bồ Đào Nha”, Đức Thánh Cha mời gọi các bạn trẻ tiếp tục tìm kiếm và sẵn sàng mạo hiểm, nhấn mạnh rằng học vị không chỉ được coi là bằng cấp để theo đuổi hạnh phúc cá nhân, nhưng còn là nhiệm vụ cống hiến cho một xã hội công bằng và bao gồm hơn, tức là tiến bộ hơn.

Vatican News

Sáng thứ Năm, ngày 03/8/2023, ngày thứ hai trong chuyến tông du đến Bồ Đào Nha và chủ sự Đại hội Giới trẻ Thế giới tại Lisbon, vào lúc 8 giờ 45’ giờ địa phương, từ Toà Sứ thần Đức Thánh Cha đến Đại học Công giáo Bồ Đào Nha cách đó khoảng 3 km để gặp gỡ các sinh viên.

Đại học Công giáo Bồ Đào Nha

Đại học Công giáo Bồ Đào Nha

Đại học Công giáo Bồ Đào Nha nằm trong Khuôn viên Palma de Cima, ở trung tâm Lisbon. Trường được thành lập vào năm 1967 với sắc lệnh Lusitanorum Nobilissima Gens của Tòa Thánh, theo thỉnh cầu của Hội đồng Giám mục Bồ Đào Nha. Đại học Công giáo được chính phủ chính thức công nhận vào năm 1971, là đại học Bồ Đào Nha hiện đại đầu tiên không do nhà nước thành lập, kết quả Thoả hiệp giữa chính phủ Bồ Đào Nha và Vatican.

Đại học có văn phòng tại Lisbon, Braga, Porto và Viseu, nhằm mục đích thúc đẩy giáo dục chất lượng và đào tạo toàn diện cho sinh viên. Bắt đầu từ các nguyên tắc nhân văn Kitô giáo, tôn trọng sự đa dạng và tự do tư tưởng, Đại học Công giáo Bồ Đào Nha theo đuổi sứ vụ, hướng hoạt động hàn lâm tới sự xuất sắc trong giảng dạy và nghiên cứu, trong đào tạo sinh viên và phục vụ xã hội. Đại học được công nhận là một trong những trường đại học tốt nhất ở Bồ Đào Nha. Hiệu trưởng hiện nay của trường là nữ Giáo sư Isabel Capeloa Gil.

ĐTC gặp gỡ sinh viên

Những người hành hương: tìm kiếm và mạo hiểm

Buổi gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và sinh viên Đại học Công giáo Bồ Đào Nha được bắt đầu bằng lời chào mừng của hiệu trưởng, sau đó là một số chứng từ của các bạn trẻ với nội dung liên hệ đến thông điệp Laudato si’,  Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu, Nền Kinh tế Phanxicô và văn hoá gặp gỡ.

Trong bài nói chuyện với các sinh viên, trước hết Đức Thánh Cha cám ơn bà hiệu trưởng vì những lời tốt đẹp dành cho ngài, và đề cập đến những lời của bà nói về “những người hành hương”, ngài nói: “Trở thành một người hành hương theo nghĩa đen là gác lại những thói quen hàng ngày của chúng ta và chọn bắt đầu một con đường khác, rời khỏi vùng an toàn để hướng tới một chân trời ý nghĩa mới. Khái niệm ‘hành hương’ mô tả thân phận con người chúng ta, giống những người hành hương, chúng ta thấy mình đối diện với những câu hỏi lớn không có câu trả lời đơn giản hoặc ngay lập tức, nhưng thách đố chúng ta tiếp tục hành trình, vượt lên trên chính mình để tiến xa hơn. Đó là một quá trình quen thuộc đối với mọi sinh viên đại học, bởi vì đây là cách khoa học được sinh ra. Và đó cũng là cách hành trình thiêng liêng bắt đầu. Chúng ta thận trọng với những câu trả lời nhanh chóng và dễ dàng, những giải pháp đơn giản giúp giải quyết mọi vấn đề nhưng không để lại chỗ cho những câu hỏi sâu sắc hơn. Một trong những dụ ngôn của Chúa Giêsu sử dụng là về viên ngọc quý, chỉ những người khôn ngoan và sáng tạo mới tìm được, bởi vì ai sẵn sàng cho đi tất cả và mạo hiểm tất cả những gì mình có thì mới có được nó (Mt 13, 45-46). Tìm kiếm và mạo hiểm: đây là những động từ diễn tả hành trình của những người hành hương”.

ĐTC gặp gỡ sinh viên

Người hành hương không bao giờ cảm thấy yên lòng

Trích lời nhà văn Pessoa “Không hài lòng là con người”, Đức Thánh Cha khích lệ, không phải lo sợ khi cảm thấy bồn chồn, khi nghĩ rằng những gì chúng ta đang làm là chưa đủ. Không hài lòng, theo nghĩa này và ở mức độ phù hợp, là một liều thuốc giải độc tốt cho tính tự mãn và tự ngưỡng mộ mình. Thân phận chúng ta, những người tìm kiếm và hành hương có nghĩa là chúng ta sẽ luôn cảm thấy không yên, vì như Chúa Giêsu nói với chúng ta, chúng ta ở trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian (Ga 17,16). Chúng ta sẽ không bao giờ có thể bay lên trừ khi chúng ta thực hiện chuyến bay đầu tiên. Vì vậy, đừng hoảng hốt nếu chúng ta cảm nhận một cơn khát bên trong, một khao khát không ngừng nghỉ, khao khát ý nghĩa và một tương lai. Chúng ta đừng để mình bị hôn mê, nhưng luôn sống! Chúng ta chỉ nên lo lắng khi bị cám dỗ từ bỏ con đường phía trước để đến một nơi nghỉ ngơi mang lại ảo giác thoải mái, hoặc khi chúng ta thấy mình thay thế những khuôn mặt bằng những màn hình, thay thế thật bằng ảo, hoặc bằng lòng với những câu trả lời dễ dàng gây mê chúng ta trước những câu hỏi xé lòng.

Đến đây, Đức Thánh Cha khích lệ các sinh viên: “Các bạn hãy tiếp tục tìm kiếm và sẵn sàng mạo hiểm. Tại thời điểm này, thế giới của chúng ta phải đối diện với những thách đố lớn, và chúng ta nghe thấy lời cầu xin đau đớn của rất nhiều anh chị em của chúng ta. Nhưng chúng ta hãy can đảm để nhìn thế giới không phải trong cơn hấp hối, nhưng là trong một quá trình sinh nở, không phải ở phần cuối, nhưng là ở phần đầu của một chương mới tuyệt vời của lịch sử”. Và ngài nói thêm: “Tự bảo vệ luôn là một cám dỗ, một phản ứng tức thời trước nỗi lo sợ, khiến chúng ta nhìn thực tế một cách sai lệch. Nếu hạt giống tự bảo vệ nó thì nó sẽ hoàn toàn lãng phí sức mạnh sản sinh và khiến tất cả chúng ta chết đói. Nếu mùa đông kéo dài, chúng ta không thể có sự ngạc nhiên trước mùa xuân. Vì vậy, hãy can đảm thay thế những nghi ngờ bằng ước mơ. Hãy bắt tay thực hiện mục tiêu của mình”.

Sinh viên

Đại học phải có sứ vụ làm cho xã hội công bằng và tiến bộ

Đức Thánh Cha nhắc lại sứ vụ của Đại học, theo đó sẽ là lãng phí nếu nghĩ về một trường đại học cam kết đào tạo các thế hệ mới chỉ để duy trì hệ thống tinh hoa và bất bình đẳng hiện tại của thế giới, trong đó giáo dục đại học vẫn là đặc quyền của một số ít. Nếu tri thức không được đón nhận như một trách nhiệm, thì nó sẽ trở nên cằn cỗi. Nếu những người đã nhận được một nền giáo dục đại học – mà ngày nay, ở Bồ Đào Nha và trên thế giới, vẫn là một đặc ân – không nỗ lực để đáp lại những gì họ đã được hưởng, thì họ đã không hiểu hết những gì họ đã nhận được.

Theo ngài, văn bằng học vị không chỉ được coi là bằng cấp để theo đuổi hạnh phúc cá nhân, nhưng còn là nhiệm vụ cống hiến cho một xã hội công bằng và bao gồm hơn, tức là tiến bộ hơn. Và ngài đặt câu hỏi: “Các bạn sinh viên thân mến, những người hành hương tri thức, các bạn muốn thấy điều gì được thực hiện ở Bồ Đào Nha và trên thế giới? Thay đổi gì, biến đổi gì? Và làm thế nào trường đại học, đặc biệt là trường Công giáo, có thể đóng góp vào đó?”

ĐTC gặp sinh viên

Chăm sóc ngôi nhà chung

Đức Thánh Cha tiếp tục bài nói chuyện đề cập đến việc bảo vệ môi trường, điều đã được các bạn trẻ nói trong phần chứng từ. Theo ngài, việc chăm sóc ngôi nhà chung không thể thực hiện được nếu không có sự hoán cải con tim và sự thay đổi tầm nhìn nhân học làm nền tảng cho kinh tế và chính trị. Cần phải tái xác định những gì chúng ta gọi là tiến bộ và phát triển. Bởi vì, nhân danh sự tiến bộ, đã có quá nhiều sự thụt lùi.

Đức Thánh Cha nói: “Các bạn có thể đảm nhận thách đố này. Các bạn có những công cụ khoa học và công nghệ tiên tiến nhất, nhưng đừng rơi vào cái bẫy của những cái nhìn cục bộ. Các bạn đừng quên rằng chúng ta cần một hệ sinh thái toàn diện, lắng nghe những đau khổ của hành tinh cùng với đau khổ của người nghèo. Chúng ta cần đặt thảm kịch sa mạc hóa song song với thảm kịch của người tị nạn; vấn đề di cư cùng với tỷ lệ sinh giảm; và nhìn chiều kích vật chất của cuộc sống vào tổng thể với chiều kích tâm linh. Không phải sự phân cực, nhưng là tầm nhìn tổng thể”.

Nhắc lại lời của một sinh viên “không thể có một hệ sinh thái toàn diện đích thực nếu không có Chúa, không thể có tương lai trong một thế giới không có Chúa”, Đức Thánh Cha mời gọi các sinh viên làm cho đức tin trở nên đáng tin qua những lựa chọn. Bởi vì nếu đức tin không tạo ra lối sống thuyết phục, thì nó sẽ không phải là men trong thế giới. Một Kitô hữu xác tín là chưa đủ, Kitô hữu phải là người có sức thuyết phục.

Hơn nữa, Kitô giáo không thể sống như một pháo đài có tường bao quanh, dựng thành lũy chống lại thế gian. Trong mọi thời đại, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất đối với các Kitô hữu là phục hồi ý thức nhập thể. Không có nhập thể, Kitô giáo trở thành một ý thức hệ; chính sự nhập thể cho phép người ta kinh ngạc trước vẻ đẹp mà Chúa Kitô tỏ lộ qua mỗi anh chị em, mỗi người nam và nữ.

ĐTC gặp sinh viên

Dành không gian cho nữ giới trong nền kinh tế

Đề cập đến phân khoa mới của trường Đại học “Kinh tế Phanxicô” với việc thêm hình ảnh Thánh Clara, Đức Thánh Cha khẳng định: “Sự đóng góp của nữ giới thực sự cần thiết. Kinh thánh cho thấy kinh tế gia đình phần lớn nằm trong tay phụ nữ. Họ là những người chủ thực sự của gia đình, với sự khôn ngoan không chỉ lấy lợi nhuận làm mục tiêu, nhưng là quan tâm, chung sống, hạnh phúc vật chất và tinh thần của mọi người, cũng như chia sẻ với người nghèo và khách lạ. Thật thú vị khi tiếp cận các nghiên cứu kinh tế từ góc độ này: với mục đích trả lại cho nền kinh tế phẩm giá xứng đáng, để nó không trở thành con mồi cho thị trường không thể kiểm soát và đầu cơ”.

Để có thể thực hiện được điều này, Đức Thánh Cha cho rằng cần phải nghiên cứu Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu. Bởi vì Hiệp ước với bảy nguyên tắc, bao gồm nhiều chủ đề, từ việc chăm sóc ngôi nhà chung đến sự tham gia đầy đủ của phụ nữ, đến sự cần thiết tìm ra những cách hiểu mới về kinh tế, chính trị, tăng trưởng và tiến bộ. Một trong những điểm Hiệp ước nói đến là giáo dục để đón nhận và hòa nhập.

Kết thúc bài nói chuyện, Đức Thánh Cha nhắc lại trường Đại học Công giáo trước hết có nghĩa là: mỗi yếu tố đều liên quan đến tất cả và tất cả được tìm thấy trong các bộ phận. Và ngài khích lệ: “Các bạn hãy tiến lên xa hơn, cao hơn. Cố gắng lên, hãy tiến lên hơn nữa. Các bạn thân mến, đó cũng là lời chúc và lời cầu nguyện chân thành của tôi dành cho tất cả các bạn”.

Đức Thánh Cha làm phép Viên đá

Buổi gặp gỡ kết thúc bằng kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh Cha. Trước khi rời Đại học, Đức Thánh Cha làm phép lành cho Viên đá Đầu tiên của Khuôn viên mới của Đại học Campus Veritatis.

6. Đức Thánh Cha chào đón các bạn trẻ đến với Đại hội GTTG Lisbon

Chủ sự nghi lễ chào đón của Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 37 tại Lisbon, Bồ Đào Nha, Đức Thánh Cha nhắc nhở các bạn trẻ trên toàn cầu rằng Thiên Chúa gọi đích danh mỗi người chúng ta vì Người yêu thương mọi người.

Vatican News

ĐTC chào đón các bạn trẻ đến Đại hội GTTG Lisbon 2023

Chiều thứ Năm 3/8, tại Công viên Eduardo VII, một công viên cây xanh rộng 25 mẫu tây nằm ở trung tâm Lisbon, đã diễn ra nghi thức chào đón Đức Thánh Cha tại Đại hội Giới trẻ Thế giới Lisbon 2023. Đây là khoảnh khắc gặp gỡ đầu tiên giữa những người hành hương của Đại hội Giới trẻ và Đức Thánh Cha Phanxicô.

Chiều nay cũng là lần đầu tiên trong chuyến tông du Bồ Đào Nha Đức Thánh Cha sử dụng chiếc xe papamobile của ngài. Từ Tòa Sứ thần cách công viên 600 m, Đức Thánh Cha đi dọc theo đại lộ Tự do, vòng quanh công viên Gặp gỡ để chào các bạn trẻ giữa những tiếng hát, tiếng reo hò hân hoan của họ.

Nghi thức chào đón của Đại hội GTTG Lisbon

Hiện diện chào đón Đức Thánh Cha tại công viên là hàng trăm ngàn bạn trẻ tay cầm những lá cờ đủ màu sắc của các nước trên thế giới vẫy chào Đức Thánh Cha.

Nghi thức chào đón của Đại hội GTTG Lisbon

Sau lời chào mừng Đức Thánh Cha của Đức Thượng phụ Giáo chủ Lisbon Manuel Clemente, các bạn trẻ bắt đầu chương trình chào đón Đức Thánh Cha với các bài hát và những lời chia sẻ.

Nhóm “Ensemble 23”, gồm 50 bạn trẻ thuộc 22 quốc gia trò chuyện với Đức Thánh Cha dựa trên những lá thư được lấy từ hàng ngàn lá thư các bạn trẻ đã gửi Đức Thánh Cha.

Nghi thức chào đón của Đại hội GTTG Lisbon

Trong khi một thành viên của nhóm HMB trình diễn một ca khúc, 180 lá cờ của 180 quốc gia được các bạn trẻ đại diện diễu hành tiến vào phía lễ đài và sau đó một số bạn trẻ đã rước hai biểu tượng của Ngày Giới trẻ Thế giới là Thánh giá và Ảnh Đức Mẹ lên lễ đài.

Nghi thức chào đón của Đại hội GTTG Lisbon

Trong diễn văn chia sẻ với các bạn trẻ, Đức Thánh Cha nhắc họ rằng tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa gọi vì Người yêu thương chúng ta. Ngài mời các bạn trẻ thực hiện hai việc: gọi nhau bằng tên riêng và nhắc nhớ nhau về vẻ đẹp của việc được yêu; và hãy đặt câu hỏi với Chúa Giêsu và hãy nối kết với Người.

Mở đầu bài diễn văn Đức Thánh Cha cho biết ngài hạnh phúc khi gặp gỡ các bạn trẻ, nghe những tiếng reo hò dễ thương của họ, và để cho mình được vui lây với niềm vui của họ. Ngài mời các bạn trẻ cám ơn những người mời gọi họ đến Đại hội Giới trẻ và trên tất cả là tạ ơn Chúa Giêsu bởi vì chính Người đã gọi họ đến đây.

Nghi thức chào đón của Đại hội GTTG Lisbon

Thiên Chúa gọi chúng ta bằng tên

Cuộc gặp gỡ ở Lisbon không phải là tình cờ bởi vì chính Thiên Chúa đã kêu gọi các bạn, gọi các bạn bằng tên riêng, “những chữ ấy được ghi khắc bên trong các bạn, trong chính con tim của mình, như là những chữ làm nên cuộc đời của mình, làm nên ý nghĩa của những gì mà mình là”. Và các bạn được gọi bởi vì các bạn được yêu thương. ” Trong ánh mắt của Thiên Chúa, chúng ta là những đứa con quý giá. Mỗi ngày, Thiên Chúa không ngừng gọi chúng ta để ôm lấy chúng ta và khích lệ chúng ta, để biến chúng ta thành một kiệt tác độc nhất vô nhị.”

Và Đức Thánh Cha muốn rằng trong Đại Hội Giới Trẻ này, mọi người giúp nhau nhận ra điều căn cốt nền tảng này: “Ước gì những ngày này làm vang vọng cách sống động tiếng gọi yêu thương của Thiên Chúa, bởi vì chúng ta đều quý giá trong mắt của Thiên Chúa”. “Ước gì những ngày này ghi khắc trong tim của chúng ta rằng chúng ta là những người được yêu, được yêu như chúng ta là. Đây là điểm khởi hành của Đại Hội Giới Trẻ, và cũng là điểm khởi hành của cuộc đời chúng ta”.

“Được gọi bằng tên riêng”, Đức Thánh Cha giải thích, có nghĩa là “đối với Thiên Chúa bạn không phải chỉ là một con số nhưng là một gương mặt.” Đức Thánh Cha nhận xét rằng ngày nay nhiều người biết bạn nhưng họ không gọi tên riêng của bạn, nhưng liên kết với các thị hiếu và sở thích. Ngài nói: “Tuy nhiên, điều ấy đâu có nói lên được tính độc nhất vô nhị của chính bạn, đúng hơn, chúng chỉ phản ánh tính hữu ích của bạn đối với việc nghiên cứu thị trường mà thôi.” Ngài cảnh giác rằng nhiều người nói rằng họ biết bạn nhưng thực tế họ không yêu thương bạn, họ hứa hẹn rồi sau đó bỏ bạn lại một mình khi bạn chẳng còn giá trị lợi dụng nữa. Đó là những ảo ảnh của thế giới ảo. Nhưng Đức Giêsu thì không. Người tin tưởng nơi bạn. Đối với Người, bạn rất quan trọng.

Nghi thức chào đón của Đại hội GTTG Lisbon

Giáo hội có chỗ cho tất cả mọi người

Trả lời những băn khoăn của các bạn trẻ về việc liệu Giáo hội có chỗ cho những người sai lỗi không, Đức Thánh Cha khẳng định rằng “Chúng ta là Giáo Hội. Chúng ta là cộng đoàn của những người được gọi. Chúng ta không phải là những người tốt nhất… Chúng ta là cộng đồng những anh chị em với Đức Giêsu, là con cái của cùng một Cha.” Ngài khẳng định rằng trong Giáo hội luôn có chỗ cho mọi người, cho những người đã phạm sai lầm, những người đã sa ngã, những người đang vất vả chiến đấu.

Thiên Chúa không phải là người đứng chỉ tay, nhưng là người dang rộng vòng tay. Chính Đức Giêsu trên Thập Giá minh chứng cho điều đó. Người không đóng sập cánh cửa, nhưng luôn mời chúng ta bước vào. Người không đứng xa giữ khoảng cách, nhưng luôn chào đón chúng ta.” “Hãy loan truyền cho nhau sứ điệp yêu thương của Thiên Chúa” là lời Đức Thánh Cha mời gọi các bạn trẻ trong những ngày Đại hội Giới trẻ. “Hãy gọi tên người khác bằng tất cả tình yêu, và đừng sợ nói thêm với họ: “Thiên Chúa yêu bạn. Thiên Chúa gọi bạn. Hãy nhắc nhớ nhau rằng mỗi người chúng ta đều có một giá trị quý giá.”

Nghi thức chào đón của Đại hội GTTG Lisbon

Thiên Chúa làm chúng ta ngạc nhiên

Đức Thánh Cha nói rằng mỗi người chúng ta đều có những ưu tư riêng trong lòng mình. Chúng ta mang theo những lo lắng này bên mình và chúng ta mang chúng trong cuộc đối thoại của mình, chúng ta mang chúng khi cầu nguyện trước Chúa, những câu hỏi mà với cuộc sống trở thành câu trả lời, mà chúng ta phải chờ đợi. Thiên Chúa yêu thích sự bất ngờ, không được lên chương trình sẵn, và tình yêu của Thiên Chúa thì bất ngờ. Nó là điều ngạc nhiên. Nó luôn làm chúng ta ngạc nhiên, nó luôn làm chúng ta tỉnh thức và làm chúng ta ngạc nhiên.

Đừng sợ! Hãy can đảm tiến bước

Đức Thánh Cha kết thúc bài diễn văn bằng cách mời các bạn trẻ suy nghĩ về điều rất đẹp này: Thiên Chúa yêu thương chúng ta, Thiên Chúa yêu thương chúng ta như chính con người chúng ta, không phải như chúng ta muốn trở thành hay như xã hội muốn chúng ta trở thành. Người yêu chúng ta với những khiếm khuyết chúng ta mắc phải, với những hạn chế chúng ta có và với mong muốn chúng ta phải tiến lên trong cuộc sống. Thiên Chúa kêu gọi chúng ta như thế: các con hãy tin tưởng bởi vì Thiên Chúa là một người cha, và Người là một người cha yêu thương chúng ta, một người cha yêu thương chúng ta. Điều này không dễ dàng lắm, và vì thế, chúng ta có sự giúp đỡ rất lớn của Mẹ của Chúa: Mẹ cũng là Mẹ của chúng ta. Mẹ là Mẹ của chúng ta. Cha muốn nói với các bạn – đừng sợ, hãy can đảm, hãy tiến bước vì biết rằng chúng ta được tình yêu của Thiên Chúa che chở.

Nghi thức chào đón của Đại hội GTTG Lisbon

Cuối nghi thức phụng vụ Đức Thánh Cha đã chúc lành cho các bạn trẻ và gửi các bạn đi thi hành sứ vụ.

Kết thúc cuộc gặp gỡ Đức Thánh Cha trở về Tòa Sứ thần để dùng bữa tối và nghỉ ngơi, kết thúc ngày thứ hai trong chuyến viếng thăm Bồ Đào Nha.

Nghi thức chào đón của Đại hội GTTG Lisbon

7. ĐTC giải tội cho một số bạn trẻ tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới

Sáng thứ Sáu, ngày 04/8/2023, ngày thứ ba trong chuyến tông du đến Bồ Đào Nha và chủ sự Đại hội Giới trẻ Thế giới, vào lúc 8 giờ 45’ giờ địa phương, từ Toà Sứ thần Đức Thánh Cha đến Vườn Vasco da Gama cách đó 8 km, để giải tội cho một số bạn trẻ tham dự Đại hội Giới trẻ Thế giới.

Vatican News

Vườn Vasco da Gama

Vasco da Gama là một khu vườn công cộng ở Belém, gần với quảng trường Praça do Império. Quảng trường được xây dựng vào năm 1940, trong dịp Triển lãm Thế giới Bồ Đào Nha, kỷ niệm lịch sử quốc gia. Quảng trường lớn nhất của bán đảo Iberia, nằm gần tuviệnJerónimos và Trung tâm Văn hoá Belém. Khu vườn hình vuông với kích thước 175 x 175 m, gồm nhiều ô vuông, tạo nên một không gian rộng 3.300 m² với các lối đi. Những khu vườn hội tụ về trung tâm hướng tới một đài phun nước lớn được chiếu sáng.

Đức Thánh Cha giải tội cho một số bạn trẻ

Đây là lần thứ hai Đức Thánh Cha giải tội cho các bạn trẻ trong kỳ Đại hội Giới trẻ Thế giới. Lần đầu tiên ngài giải tội cho các bạn trẻ trong sự kiện tương tự tại Panama năm 2019.

Khi đến nơi, Đức Thánh Cha được rất nhiều người chào đón bằng những tràng vỗ tay và lời ca hò reo. Đức Thánh Cha đã giải tội cho ba người: một người Tây Ban Nha, 21 tuổi, một người Guatemala 33 tuổi và một người Ý 19 tuổi.

Sau khi giải tội ngài lên xe đi đến “Trung tâm Giáo xứ Serafina” cách đó khoảng 8,7 km để gặp gỡ đại diện của một số trung tâm trợ giúp và bác ái.

150 toà giải tội do các tù nhân thực hiện

150 tòa giải tội dành cho khách hành hương và linh mục trong dịp Đại hội Giới trẻ ở Lisbon được thực hiện bởi các tù nhân của các nhà tù Bồ Đào Nha.

Vào tháng 02, ban tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới Lisbon 2023 đã ký một văn bản hợp tác với Ban Giám đốc các nhà tù Bồ Đào Nha, để thực hiện 150 tòa giải tội này. Các tòa giải tội được làm bằng vật liệu tái chế, có thể tái sử dụng sau Đại hội. Do đó, Đại hội Giới trẻ ở Bồ Đào Nha mong muốn tái khẳng định cam kết đối với sự hòa nhập và tính bền vững môi trường, theo yêu cầu của Đức Thánh Cha Phanxicô trong các thông điệp Fratelli tutti và Laudato si’.

8. Đức Thánh cha gặp gỡ và nói chuyện với 15 bạn trẻ Ucraina

12. Đức Thánh cha chủ sự buổi canh thức với 1,5 triệu bạn trẻ

Hoạt động cuối cùng của Đức Thánh cha Phanxicô trong ngày thứ Bảy, 05 tháng Tám là buổi canh thức ngài chủ sự lúc 8 giờ tối, tại Công viên Tejo, cũng ở thủ đô Lisboa, nhưng cách trung tâm Lisboa hơn 10 cây số. Ngài mời gọi các bạn trẻ hãy trở thành những sứ giả của niềm vui, bất luận họ đi tới đâu.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Từ ban sáng, dưới trời nắng, các bạn trẻ đã di chuyển bằng nhiều phương tiện, kể cả đi bộ, để đến Công viên này. Họ nhận chỗ tại đây và chuẩn bị để có thể qua đêm, sau buổi canh thức cầu nguyện với Đức Thánh cha, và tham dự thánh lễ bế mạc sáng Chúa nhật hôm sau.

Công viên Tejo rộng 90 hécta, gấp đôi quốc gia thành Vatican, nằm ở bờ bên phải của khu Tago, ở cửa sông, gồm nhiều khu đồi nhân tạo, và được hình thành cách 25 năm (1998), nhân dịp Hội chợ Quốc tế Lisboa, Expo 98.

Các giới chức an ninh địa phương cho biết có khoảng một triệu rưỡi người đến tham dự buổi canh thức này. Chính quyền thành Lisboa cũng bố trí ở trung tâm thành phố, gọi là Terreiro do Paxo, có gần 3.000 chỗ ngồi và những màn hình lớn, để những người cao niên không thể tới công viên Tejo, có thể ngồi tham dự buổi canh thức này cũng như thánh lễ bế mạc sáng hôm sau.

Đón tiếp

Từ sông Trancao chia công viên thành hai phần, hai biểu tượng Ngày Quốc tế Giới trẻ, là Thánh giá và ảnh Đức Mẹ là Phần rỗi của dân Roma, được rước tới. Có hai con thuyền khác được trang trí bằng Logo của Ngày Quốc tế Giới trẻ, tháp tùng, trong khi phản lực của không quân Bồ Đào Nha bay qua trên bầu trời để chào mừng.

Thánh ca “Felizes” của ngày này được xướng lên.

Đức Thánh cha đến Công viên Tejo lúc 8 giờ 15 phút tối và dành 30 phút đồng hồ để đi xe mui trần, tiến qua các lối đi chào thăm mọi người, tại khu vực Campo da Graxa, gần cầu Vasco de Gama, nơi có lễ đài rộng 3.250 mét vuông được kiến thiết với hàng triệu Euro.

Hiện diện trong dịp này, có 20 hồng y, 700 giám mục và hàng ngàn linh mục từ các nước, cùng với nhiều khách mời.

Buổi canh thức dài một giờ rưỡi đồng hồ, được chia thành hai phần chính: phần đầu có tính cách trình diễn, chuẩn bị cho phần hai, dành cho việc Chầu Thánh Thể.

Diễn xuất

Các diễn viên trình bày các hoạt cảnh là nhóm “Ensemble23”, gồm 50 bạn trẻ nam nữ, thuộc 21 quốc tịch, trong đó có một người Việt Nam. Ngoài ra, có sự đóng góp của Ca đoàn Ngày Quốc tế Giới trẻ, gồm 210 ca viên, với 100 nhạc công thuộc tất cả 21 giáo phận tại Bồ Đào Nha. Thêm vào đó có sáu người khiếm thính thuộc dự án “Các bàn tay hát”, dưới sự điều khiển của ca trưởng Sergio Peixoto, trình bày các bài ca bằng ngôn ngữ dấu hiệu cho những người khiếm thính.

Buổi canh thức kể lại lịch sử một cuộc gặp gỡ đổi đời, qua âm nhạc và các vũ điệu hiện đại: đó là câu chuyện của một người đã để cho mình được Chúa gọi hỏi và bắt đầu thay đổi cuộc sống, ảnh hưởng tới những người mà anh gặp.

Cuộc gặp gỡ được trình bày trong phần đầu buổi canh thức sẽ trở nên thời sự và cụ thể trong phần thứ hai, qua việc chầu Mình Thánh Chúa.

Hai chứng từ

Xen lẫn giữa các hoạt cảnh và điệu vũ, có hai chứng từ được trình bày. Trước tiên là cha Antonio Ribeiro de Matos, nói về sự dấn thân mang cho tha nhân niềm vui không phù du, niềm vui tìm kiếm Chúa Kitô và được Chúa tìm thấy.

Khi Antonio còn là thanh niên, Chúa Giêsu luôn hiện diện trong cuộc sống của anh. Nhưng một tai nạn giao thông, vì buồn ngủ và sợ chết, đã làm cho cha hiểu rằng cuộc sống của anh cho đến bấy giờ thật là không bõ công. Vì thế, Antonio đã xin vào chủng viện năm sau đó, và hồi năm 2019 đã chịu chức linh mục. Cha giải thích: “Trong sự mong manh yếu đuối của tôi, tôi đã nhận ra được Chúa Giêsu và Giáo hội yêu mến tôi dường nào và đồng hành với tôi, từ đó tôi gia tăng ước muốn mang kinh nghiệm này chia sẻ cho tha nhân.”

Chứng từ thứ hai là của cô Marta, 18 tuổi, đến từ Capo Delgado ở miền bắc nước Mozambique, miền nam Phi châu, nơi mà từ 5 năm nay diễn ra những cuộc xung đột tàn ác do các nhóm võ trang và cực đoan. Sau khi mồ côi cha, Marta cùng với mẹ và ba chị em gái phải chạy trốn vào rừng vì bạo lực của các nhóm cực đoan khủng bố. Marta kể: “Ở trong rừng, chúng tôi đã cầu nguyện rất nhiều. Chúng tôi không bao giờ mất niềm tin. Tôi cầu xin Chúa giúp chúng tôi và xóa bỏ mọi gian ác trên trần thế và làm cho những người đang gây ra bạo lực chiến tranh này thay đổi cuộc sống.” Marta kết luận rằng “Chưa bao giờ, giữa bao nhiêu đau khổ như thế, chúng tôi bị mất niềm hy vọng rằng một ngày kia chúng tôi sẽ làm lại cuộc đời”.

Ý hướng của ban tổ chức

Đối với mỗi người trẻ tham dự Ngày Quốc tế Giới trẻ này, những hoạt cảnh được trình diễn có thể khơi lên lòng biết ơn vì tương quan với Thiên Chúa và lòng khao khát củng cố tương quan ấy. Mục đích buổi canh thức là để đào sâu nơi mỗi người ước muốn chúc tụng Thiên Chúa và phục vụ tha nhân khi họ trở về nhà.

Cuộc gặp gỡ này cũng phản ánh cuộc gặp gỡ của Mẹ Maria qua biến cố Truyền tin, đã thay đổi cuộc sống của Mẹ, và lịch sử của nhân loại. Lời thưa “Xin Vâng” của Mẹ Maria đối với kế hoạch tình thương của Thiên Chúa khích lệ chúng ta cũng làm như vậy, hoàn toàn tín thác vào Chúa, từ bỏ những dự phóng riêng và những an ninh của mình, trở thành dụng cụ Của Chúa trong lịch sử tình thương của Thiên Chúa đối với mỗi người chúng ta.

Huấn từ của Đức Thánh cha

Trong huấn từ, Đức Thánh cha quảng diễn chủ đề của Ngày Quốc tế Giới trẻ lần này, đề cập đến việc Đức Maria đứng lên và mau lẹ lên đường thăm thăm bà chị họ Elisabeth. Ngài đặt câu hỏi tại sao?

Đức Thánh cha nói: Mẹ Maria không chờ đợi, nhưng đưa ra sáng kiến: đi giúp bà chị họ, nhất là mau lẹ trao cho bà một điều quý giá hơn, đó là niềm vui. Mẹ Maria làm thừa sai của niềm vui, vì thế Mẹ mau mắn.

Mẹ Maria đứng dậy và đi. Bước đi mau lẹ, được thúc đẩy bằng lời mà thiên thần đã nói: “Hãy vui lên, Chúa ở cùng Maria, đừng sợ”. Chính những lời ấy đưa Đức Maria đến với bà Elisabeth. Các bạn thân mến, sở dĩ chúng ta ở đây vì có người đã mang lại cho chúng ta sự gần gũi của Thiên Chúa, đã gõ cửa chúng ta, không phải để hỏi chúng ta điều gì đó, nhưng vì nhu cầu tràn đầy muốn chia sẻ niềm vui của Chúa. Vậy chúng ta hãy nghĩ đến người đã làm cho mặt trời tình thương của Thiên Chúa chiếu sáng trên cuộc đời chúng ta. Tất cả chúng ta có những người đã là những tia sáng: cha mẹ, ông bà, linh mục, nữ tu, giáo lý viên, những người linh hoạt, thầy cô, các vị thánh ở bên cạnh. Họ là những căn cội niềm vui của chúng ta”.

Đức Thánh cha nhận định rằng cả chúng ta cũng có thể là những căn cội niềm vui cho những người khác. Nhưng làm thế nào trở thành căn nguyên niềm vui? Mẹ Maria đã chứng tỏ điều đó cho chúng ta: Mẹ vun trồng niềm vui trên đường. Mẹ nói với chúng ta rằng để tăng trưởng và bảo tồn niềm vui, cần học nghệ thuật hành trình. Nó đòi một nhịp bước, đều đặn, trong khi ngày nay người ta sống những cảm xúc mau lẹ, nhất thời theo bản năng, nhưng nó chỉ kéo dài trong chốc lát. Mẹ Maria dạy chúng ta cần phải kiên trì trong hành trình, sự kiên trì mà các bạn đã chứng tỏ để tới đây.

Đức Thánh cha cũng đặt câu hỏi: ở đây chúng ta đã trải qua những ngày tươi đẹp và nồng nhiệt với nhau, nhưng khi trở về nhà, làm thế nào để tiến bước, từ đâu phải khởi hành mỗi ngày? Chúng ta hãy để tấm gương của Mẹ Maria giúp đỡ: Mẹ đứng dậy và ra đi. Đó là hai điều để tiến bước mỗi ngày: đứng dậy và bước đi.

Đứng dậy, vì chúng ta được dựng nên cho Trời Cao; để đứng trước cuộc sống, chứ không để ngồi trên ghế bành. Đứng dậy khỏi buồn sầu, để hướng nhìn lên cao…

Đứng dậy để bước đi. Nếu cuộc sống là một hồng ân, thì tôi không thể không biến nó thành hồng ân, và trở nên hồng ân. Các bạn thân mến, ngày nay tất cả dường như không chắc chắn, nhưng sự bấp bênh không phải là cái cớ để đứng yên: chúng ta không ở trần thế để sống thoải mái cho mình, nhưng để cố gắng đáp ứng nhu cầu của người đang cần chúng ta. Và như thế, chúng ta tìm lại được chính mình. “Các bạn có biết tại sao nhiều khi chúng ta lạc đường? Thưa, vì chúng ta cứ xoay chung quanh mình. Trái lại, ai ra khỏi quĩ đạo của mình, xả thân cho người khác, thì tìm lại được chính mình, vì chúng ta đạt được sự sống khi cho đi. Như Mẹ Maria, người đã lãnh nhận một hồng ân từ Thiên Chúa và đã trở thành một hồng ân cho bà Elisabeth…

Chúng ta đừng để mình trở thành con tin của cô đơn và bị tê liệt vì tư lự, nhung nhớ, nhưng hãy đi tới người khác.”

Chầu Thánh Thể

Sau huấn từ của Đức Thánh cha, buổi canh thức được tiếp tục với phần Chầu Mình Thánh Chúa và phép lành kết thúc của Đức Thánh cha.

Sau đó, lúc quá 10 giờ đêm, Đức Thánh cha trở về Tòa Sứ thần Tòa Thánh.

13. Thánh Lễ bế mạc Đại hội Giới trẻ Thế giới Lisbon 2023

Lúc 9 giờ sáng Chúa Nhật 6/8, ngày cuối cùng của Đại hội Giới trẻ Thế giới, Đức Thánh Cha đã chủ sự Thánh lễ bế mạc với khoảng 1 triệu 500 ngàn bạn trẻ hiện diện.

Vatican News

Trong bài giảng lễ Chúa Hiển Dung, Đức Thánh Cha nói:

“Lạy Chúa, chúng con ở đây thì thật là hay!” (Mt 17:4). Những lời của Thánh Tông Đồ Phêrô trên Núi Biến Hình là những lời chúng ta cũng muốn lấy làm của mình rằng sau những ngày rất cô đọng này. Thật đẹp những gì chúng ta đã trải qua với Chúa Giêsu, những gì chúng ta đã cùng nhau kinh nghiệm và thật đẹp về cách chúng ta cầu nguyện, và rất nhiều niềm vui trong tâm hồn. Và rồi chúng ta chúng ta tự hỏi: chúng ta mang gì về khi trở lại thung lũng của cuộc sống thường ngày?

Với câu hỏi “Chúng ta mang về những gì?”, Đức Thánh Cha trả lời bằng ba từ: Toả sáng, lắng nghe, đừng sợ.

Toả sáng

Trước tiên, Toả sáng. Chúa Giêsu biến hình và – Tin Mừng nói – “Khuôn mặt Người chói lọi như mặt trời” (Mt 17:2). Vừa mới trước đó, Người đã loan báo cuộc khổ nạn và cái chết trên thập giá, do đó đã phá vỡ hình ảnh một Đấng Thiên Sai quyền năng và thế tục, và làm thất vọng sự mong đợi của các môn đệ. Giờ đây, để giúp họ đón nhận kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta, Chúa Giêsu đem ba ông là Phêrô, Giacôbê và Gioan. Người dẫn họ lên núi và biến hình: dung nhan Người trở nên chói lọi và y phục Người trở nên trắng tinh. Việc “tắm mình trong ánh sáng” này chuẩn bị cho họ trong bước vào cuộc Thương Khó.

Đức Thánh Cha khuyến khích: “Các bạn trẻ thân mến, hôm nay chúng ta cũng cần một vài tia sáng, tia hy vọng để đối mặt với bao nhiêu bóng tối đang tấn công chúng ta trong cuộc sống, bao nhiêu thất bại hằng ngày, để đối diện với chúng bằng ánh sáng Phục Sinh của Chúa Giêsu. Bởi vì, Người là ánh sáng không bao giờ tắt và chiếu sáng ngay cả trong đêm tối. “Thiên Chúa chúng con đã toả ánh sáng làm cho đôi mắt chúng con được rạng ngời” (Er 9,8). Chúa của chúng ta chiếu sáng. Xin thắp sáng đôi mắt chúng con, thắp sáng tâm hồn chúng con, thắp sáng tâm trí chúng con, thắp lên ước muốn trong chúng con cống hiến cho cuộc sống, luôn luôn với ánh sáng của Chúa.

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha cũng nhắc các bạn trẻ: “chúng ta không tỏa sáng dưới ánh gương phản chiếu, nó không làm chúng ta chiếu sáng. Chúng ta không trở nên chiếu sáng khi thể hiện mình với một hình ảnh hoàn hảo, trật tự, hoàn thiện, hay khi chúng ta cảm thấy mình mạnh mẽ và thành công. Không. Chúng ta trở nên tỏa sáng khi chào đón Chúa Giêsu, khi chúng ta học cách yêu như Người. Yêu như Chúa Giêsu: đây là điều làm chúng ta toả sáng, điều này làm chúng ta trở thành những công trình của tình yêu. Đừng để bị lừa dối, bạn hãy trở thành ánh sáng trong việc thực hiện những hành động của tình yêu. Nhưng khi, thay vì làm những công việc yêu thương dành cho người khác, bạn lại nhìn vào bản thân như một kẻ ích kỷ, thì ánh sáng ở đó sẽ mờ đi.”

Lắng nghe

Động từ thứ hai là lắng nghe. Trên núi, một đám mây sáng bao phủ các môn đệ, trong đám mây này, có Chúa Cha, Người đã nói gì? “Hãy nghe lời Người” “Đây là Con Yêu dấu của Ta, hãy lắng nghe lời Người” (Mt 17,5). Tất cả những gì phải làm trong đời sống Kitô hữu nằm trong những lời này: hãy lắng nghe Người. Hãy lắng nghe Chúa Giêsu. Có thể người trẻ nói: “Con không biết Chúa nói gì với con.” Đức Thánh Cha khuyên “Hãy cầm lấy Tin Mừng và đọc những gì Chúa Giêsu nói và lòng của con mách bảo”, vì Người có những lời ban sự sống đời đời cho chúng ta và mặc khải rằng Thiên Chúa là Cha. Tình yêu này, Người chỉ cho chúng ta con đường của tình yêu. Lắng nghe Chúa Giêsu bởi vì chúng ta, ngay cả khi có thiện chí, bắt đầu những con đường có vẻ là tình yêu, nhưng cuối cùng chúng lại ích kỷ trá hình dưới vỏ bọc tình yêu. Hãy coi chừng sự ích kỷ đội lốt tình yêu. Hãy lắng nghe Người vì Người sẽ cho bạn biết thế nào là con đường tình yêu.

Đừng sợ

Cuối cùng là từ thứ ba: đừng sợ. Lời này được lặp đi lặp lại rất nhiều trong Kinh thánh: đừng sợ. Và đây là lời cuối cùng Chúa Giêsu nói với các môn đệ vào lúc biến hình: đừng sợ.

Đức Thánh Cha khuyến khích: Các con, những người trẻ, hãy nuôi dưỡng những ước mơ lớn nhưng thường bị lu mờ bởi nỗi sợ hãi không thấy chúng trở thành hiện thực; Chúa nói với các con, những người đôi khi nghĩ rằng mình không thể làm được, một chút tiêu cực đôi khi xảy đến; Chúa nói với các con, trong thời gian này bị cám dỗ nản lòng, tự cho mình là bất xứng hoặc che giấu nỗi đau của mình qua việc che đậy nó bằng một nụ cười; Chúa nói với các con, những người trẻ muốn thay đổi thế giới và đấu tranh cho công lý và hòa bình; với các con, những người trẻ, những người đã bỏ công sức và trí tưởng tượng của mình vào đó nhưng đối với các con dường như chúng vẫn chưa đủ; với các con, những người trẻ, những người mà Giáo hội và thế giới cần như đất cần mưa; với các con, những người trẻ, hiện tại và tương lai; vâng, chính với các bạn, những người trẻ, Người nói: “Đừng sợ!”. “Đừng sợ!”.

Đức Thánh Cha kết luận: cha muốn nhìn vào mắt mỗi người trong các con và nói rằng: Đừng sợ! Đừng sợ! Nhưng cha nói với các con một điều tuyệt vời hơn nhiều: Không phải là cha, nhưng là Chính Chúa Giêsu đang nhìn con, Người biết lòng mỗi người các con, Người biết cuộc đời của mỗi người, Người biết những niềm vui, Người biết những nỗi buồn, những thành công và thất bại, Người biết trái tim của các con. Và hôm nay Người nói với các con, tại Lisbon, vào Ngày Giới trẻ Thế giới này: đừng sợ, đừng sợ, hãy can đảm lên, đừng sợ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *