Từ huấn luyện viên trượt băng trở thành linh mục truyền giáo vì người nghèo ở Nam Sudan

Từ huấn luyện viên trượt băng trở thành linh mục truyền giáo vì người nghèo ở Nam Sudan

Điều gì đã đưa một người trẻ đang được sống hạnh phúc với ước mơ từ thời niên thiếu, giã từ những đường trượt tuyết để đến Nam Sudan, sống giữa những ngôi làng thiếu thốn mọi thứ, nơi mà giấc mơ của người dân chỉ là có thể có những thứ thiết yếu để sống? Câu trả lời là một mầu nhiệm, như chính trái tim con người, và đó là mầu nhiệm hành trình linh mục truyên giáo của cha Stefano Trevisan.

Ngày 28/06/2020, tại nhà thờ chính tòa giáo phận Bressanone ở miền bắc nước Ý, Đức Cha Ivo Muser đã chủ sự lễ phong chức linh mục cho thầy Stefano Trevisan, 36 tuổi, thừa sai dòng Comboni. Hành trình ơn gọi linh mục và truyền giáo của cha Stefano bắt đầu từ năm 2009, hành trình đã đưa cha từ phong cảnh lạnh giá và vùng núi Dolomiti của Val Badia đến nước Nam Sudan khô cằn. Một lựa chọn sống đã đưa cha Stefano bắt đầu một cuộc sống ngược lại với cuộc sống trước đó: cha đã từ bỏ nghề huấn luyện viên trượt tuyết tại nơi lạnh giá và quyết định tuyên khấn để trở thành người mang Tin Mừng đến một đất nước ở Phi châu nắng cháy da.

Nỗi băn khoăn khắc khoải

Cha Stefano chia sẻ với nhật báo Tương lai của Hội đồng giám mục Ý: “Từ khi là một thiếu niên tôi đã rất thích trượt tuyết và thi đấu trong Câu lạc bộ trượt tuyết của thị trấn quê tôi. Năm 18 tuổi, tôi đã tham gia kỳ thi để trở thành một huấn luyện viên trượt tuyết và nhờ sự huấn luyện của chú tôi, tôi đã vượt qua được kỳ thi. Đó là một niềm vui lớn và tôi thích công việc đó và vẫn hiện nay vẫn còn rất thích nó. Tôi đã trải qua những năm tháng tuổi trẻ của mình ở thị trấn quê hương của mình, trừ những năm ở trường trung học nội trú ở đan viện Novacella, gần Bressanone.”

“Sau khi tốt nghiệp trung học ở Brunico và Bolzano, tôi đăng ký vào trường đại học ở Bologna, nhưng sau một năm tôi trở về nhà vì tôi thấy đó không phải là con đường của mình. Vào mùa hè, tôi đã làm một số công việc lặt vặt như một nhà thiết kế đồ họa, thợ nề, nhân viên cứu hộ, thư ký, làm việc trong một nhà máy mì ống; các hoạt động khác nhau đã làm cho tôi phát triển và trưởng thành”.

Tóm lại, mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp với Stefano; anh không thiếu cơ hội, mảnh đất quê hương của anh đã cho anh việc gì đó để sống và nuôi dưỡng ước mơ của mình. Nhưng có điều gì đó đang hoạt động bên trong anh. Cha Stefano chia sẻ: “Tôi đã có công việc, bạn bè, tiền bạc, niềm vui, mọi thứ tôi cần để cảm thấy thoải mái nhưng tuy nhiên tôi cảm thấy khắc khoải và không hoàn toàn thỏa mãn”.

Kinh nguyện thiện nguyện viên ở Nam Sudan

Thường suy tư về thế giới, Stefano không vô cảm trước những hình ảnh anh nhìn thấy trên các phương tiện truyền thông. Cha nói: “Tôi nhìn thấy và nghe nói về nhiều người buộc phải sống trong những điều kiện thực sự khó khăn, nghèo đói và không xứng đáng với con người, những hoàn cảnh cùng cực của con người. Và tôi đã quyết định sống kinh nghiệm làm thiện nguyện viên ở châu Phi. Tôi đã liên lạc với trung tâm truyền giáo của giáo phận Bolzano-Bressanone và vị phó giám đốc lúc đó là bà Paola Vismara đã cho tôi cơ hội đến Nam Sudan, đến Lomin, sát biên giới với Uganda, nơi Erich Fischnaller, một nhà truyền giáo dòng Comboni xuất thân từ Rio di Pusteria đang hoạt động.”

Trong ba tháng Stefano sống ở trung tâm châu Phi, châu Phi đã đi vào trái tim của anh: cuộc sống ở giữa người nghèo đã mở ra một chân trời mới với anh. Anh bắt đầu cảm thấy những dấu hiệu đầu tiên về ơn gọi và ý tưởng về truyền giáo như một lựa chọn sống xuất hiện trong cuộc đời anh. Nhưng ngay cả điều này trong thực tế vẫn chưa đủ, vì tại Nam Sudan, ngoài việc gặp gỡ mọi người, anh còn gặp “một Người cụ thể”, người mà anh cảm thấy được yêu mến và được mời gọi, như cha Stefano chia sẻ: “Chúa Giê-su hiện diện khi tôi ít chờ đợi Người. Đó là một cuộc gặp gỡ đã thay đổi hướng đi trong cuộc đời tôi và khi trở về nhà, tôi đã nói với bố mẹ rằng tôi muốn trở thành một nhà truyền giáo.”

Bước vào hành trình ơn gọi linh mục truyền giáo

Cuộc hành trình bắt đầu như thế, dần dần; bước khởi đầu không có quá nhiều va chạm, nhưng trong đó có một lựa chọn triệt để cho tương lai. Cha giải thích với báo Tương lai của Hội đồng giám mục Ý: “Mùa đông năm đó tôi vẫn làm công việc hướng dẫn trượt tuyết và mỗi tháng một lần tôi đến Padua để gặp các nhà truyền giáo dòng Comboni. Tôi đã thực hiện hành trình giới trẻ dấn thân truyền giáo trong một năm tại đó.” Đó là kinh nghiệm đầu tiên nâng cao nhận thức về các vấn đề truyền giáo, ơn gọi và dấn thân vì những người rốt cùng trong xã hội. Cha Stefano chia sẻ tiếp: “Tôi đã sử dụng thời gian này để đào sâu kinh nghiệm của mình tại châu Phi và suy tư về lời mời gọi sống đời truyền giáo. Năm sau đó, ở tuổi 26, tôi vào Thỉnh viện của dòng Comboni ở Padua và hoàn thành chương trình triết học trong hai năm tại đó. Hai năm Nhà Tập tại Bồ Đào Nha giúp đào sâu đời sống cầu nguyện, lịch sử đấng sáng lập dòng, thánh Daniele Comboni và đặc sủng của dòng”. Ngày 24/05/2014, Stefano được tuyên khấn lần đầu trong dòng Comboni.

Bên cạnh việc học hành, thầy Stefano còn hoạt động mục vụ ở Castel Volturno, nơi có đông người nước ngoài, đặc biệt là từ Nigeria và Ghana. Công việc khó khăn nhất, trên thực tế, là đồng hành với con cái của những người di dân châu Phi, thế hệ thứ hai. Cha Stefano nhận định: “Họ chưa từng đến châu Phi nhưng họ không thể không đối mặt với nguồn gốc của chính mình”. Ở vùng ngoại ô Campania này, Stefano đã tìm thấy một mảnh đất châu Phi của mình, nhưng cuộc hành trình không thể dừng lại, vì những người nghèo nhất trong số những người nghèo tiếp tục muốn được thế giới nghe tiếng nói của họ và các yêu cầu của họ.

Đã tìm thấy câu trả lời

Ngày 21/07/2019, Stefano được tuyên khấn trọn đời và một tuần sau đó, thầy được lãnh nhận chức phó tế. Đó là những dấu chỉ cụ thể và vĩnh viễn thuộc về Thiên Chúa. Sự băn khoăn khắc khoải nảy sinh giữa những sườn núi trượt tuyết, giữa vẻ đẹp vô biên của núi rừng Val Badia, cuối cùng cũng đã tìm ra câu trả lời, câu trả lời của Stefano và cho Stefano. Vị linh mục trẻ đã biết biến sự đa dạng về văn hóa và ngôn ngữ của quê hương mình thành kho báu khi trao tặng nó cho những người rốt cùng nhất trong những người rốt cùng, mặc dù cha biết rằng cuộc hành trình trong trái tim của Chúa luôn có những điều bất ngờ. Giống như sự cố bị hoãn truyền chức linh mục do tình trạng khẩn cấp vì virus corona.

Cuối cùng, vào ngày 28/06 vừa qua, thầy Stefano đã được thánh hiến trở nên linh mục. Một giấc mơ trở thành sự thật? Có lẽ tốt hơn nên xác định đó là một giấc mơ tiếp tục và cha Stefano Trevisan, sau một thời gian huấn luyện ở Ai Len, sẽ chia sẻ cuộc sống của mình với những người nghèo khổ rốt cùng ở Nam Sudan.

Hồng Thủy – Vatican News

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *