Ngày 19.12: Thánh Đaminh Bùi Văn ÚY, TOP (38 Tử đạo gia đình Đaminh)

THÁNH ĐAMINH BÙI VĂN ÚY

Thày giảng dòng Đaminh (1812-1839)
Kính ngày 19 tháng 12

Trong 38 Tử đạo thuộc gia đình Đaminh Việt Nam.
Trích “Uống Nước Nhớ Nguồn”,
Linh mục Px. Đào Trung Hiệu OP, Chân Lý 1988.
Tranh sơn dầu : họa sĩ Phêrô Lê Hiếu OP.

Chối đạo là bất hiếu

“Nếu tôi cả gan bước qua Thánh Giá thì tôi xúc phạm đến Chúa và bất hiếu với cha mẹ. Vì song thân sinh ra tôi đã dạy tôi trung thành với niềm tin cho đến chết.”

Thầy Đaminh Úy đã đặt trọn niềm tin của mình trong truyền thống tiên tổ. Không biết cha mẹ căn dặn thày trung kiên dù phải tử đạo vào lúc nào, khi mới có cuộc bách hại hay khí vào thăm trong tù ? Nhưng rõ rệt là với thày, phản bội đức tin là phản bội lại những người đã nhọc công vun trồng niềm tin cho mình.

tg_uy.jpg

Lê Lai thế mạng

Đaminh Bùi Văn Úy sinh năm 1812 tại họ Tiên Môn, làng Kẻ Rèm, tỉnh Thái Bình. Từ bé cậu đã được gia đình gởi vào nhà xứ sống với cha Tự. Sau khi học thành thày giảng, thày luôn hoạt động bên cha tại xứ Kẻ Đanh rồi Kẻ Mốt (Bắc Ninh) thì bị bắt, lúc đó thày mới 26 tuổi. Bất cứ ai gặp thày Úy đều công nhận thày hiền lành có lòng yêu mến Chúa, đặc biệt là người trợ thủ đắc lực của cha Tự trong công tác, nhất là khi cuộc bách hại của vua Minh Mạng bùng nổ. Ước mơ lớn nhất của thày là được đóng vai “Lê Lai thế mạng” để cha Tự khỏi bị bắt. Khi đào hang trú ẩn, thày đào hai ngăn rồi tình nguyện ở ngăn bên ngoài.

Thày nói với mọi người : “Nếu các quan đến truy lùng, tôi sẽ ra trước nộp mình để cha khỏi bị bắt, hầu cha có thể giúp anh chị em”.

Ngày 29-06-1838, lính đến vây làng Kẻ Mốt, đã bắt thày Úy chung với cha Tự. Cha dự định khai thày chỉ là tín hữu vào làm bếp để đỡ nguy hiểm, nhưng thày nói : “Xin cha cứ nói con là thày giảng, may ra cũng được phúc tử đạo với cha”.

Rồi thày xin xưng tội để chuẩn bị tâm hồn. Một lần tương kế tựu kế quan nói với ngài : “Cha Tự xuất giáo rồi sao anh còn cố chấp thế ?” Thày bình tĩnh trả lời : “Vô lý, cha tôi không bao giờ làm như vậy, mà dù có thực thế tôi không bao giờ xuất giáo đâu”.

Lần khác quan như muốn dạy khôn thày : “Anh còn trẻ hãy nghĩ lại và khôn ngoan một chút, ta chỉ yêu cầu anh bước qua một khúc gỗ mà”. Thày Úy đáp : “Đúng là khúc gỗ thưa quan, nhưng khúc gỗ đó tượng trưng cho Chúa tôi thờ. Quan nghĩ sao nếu tôi đạp lên ảnh vẽ hình cha mẹ tôi ?”.

Hôm khác khi bị dụ dỗ bước qua Thánh Giá, thày khẳng khái nói : “Thưa quan có dám bước qua mặt Đức Vua không, mà lại bảo tôi bước qua mặt Chúa tôi được?”.

Quan nghiêm nghị phán : “Tên phạm thượng ta sẽ chém đầu mi”. Người chiến sĩ đức tin vui vẻ reo lên : “Anh em ơi, tôi sắp được chém đầu rồi”. Nhưng phúc trường sinh đến với thày không quá mau như vậy.

Lời an ủi ấm lòng…

Sau gần một tháng dọa nạt tra khảo bảy chiến sĩ đức tin nhưng vô hiệu, quan tỉnh Bắc Ninh đệ án vào triều đình. Vua Minh Mạng ra sắc lệnh xử chém cha Tự và cụ Cảnh, các vị còn lại sẽ bị xử giảo sau một năm nếu không chịu thay đổi ý kiến.

Ngày 5.9.1838, khi biết tin cha Phêrô Tự và ông Trùm Cảnh đã bị chém tại pháp trường Kinh Bắc, năm vị trong ngục buồn bã nhớ thương. Thày Mậu kêu gọi anh em ngồi lại bên nhau cùng đọc kinh, vừa khích lệ nhau, vừa ôn lại những lời khuyên của cha mình. Sau đó ba buổi tối, như chính các vị thuật lại, trong lúc họ đang cầu nguyện thì bất ngờ tất cả đều thấy như cha Tự hiện ra ngay bên an ủi họ : “Các con đừng buồn, chắc chắn các con sẽ được chết vì đạo. Tuy nhiên, các con sẽ phải qua một thời gian thử thách nữa, để xứng đáng với phúc trọng này”. Có thể đó chỉ là giấc mơ chứ không phải sự thật, cũng có thể đó là lời nhắn nhủ cuối cùng của vị linh mục, nhưng kể từ ngày đó, họ hết sầu buồn, tìm lại được can đảm để nêu gương ngay trong cảnh quẫn bách ở trong trại giam.

Tuyên khấn trong ngục tù

Ấn tượng ghi nét sâu đậm vào lòng năm vị chứng nhân là lời cha Tự trong ngày lãnh phúc tử đạo. Cha mặc áo dòng và nói với mọi người về chiếc áo đó. Trước đây, bốn vị, đến khi vào tù có thêm anh Vinh, đã mặc áo dòng ba thánh Đaminh, nhưng chưa ai khấn cả. Thày Mậu liền viết thư cho cha Huấn dòng Đaminh để bày tỏ niềm ước nguyện được hiệp thông với dòng cách trọn vẹn. Thày viết :

“Chúng con tất cả là năm tập sinh của dòng ba nhưng chúng con không thể giữ chay đủ các ngày thứ hai, thứ tư, sáu và bảy được, nên chúng con xin cha thương rộng phép chuẩn chước cho sự thiếu sót đó. Qua thư này, chúng con xin tuyên khấn trước mặt cha vậy, xin cha cho phép.

“Để tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa toàn năng, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, chúng con là Phanxicô, Đaminh, Augustinô, Tôma và Stêphanô, trước mặt cha Huấn, đại diện cha Hermosilla, giám đốc dòng Ba Hãm mình Thánh Đaminh, chúng con xin hứa và ước ao giữ lề luật và tập tục của dòng cho đến chết”.

Những chữ “cho đến chết” trong ngục tù khi đó chắc hẳn phải có âm vang đặc biệt đối với các vị. Được nối kết với truyền thống hơn 600 năm truyền giáo của Thánh Phụ và một dòng tu lớn trong Giáo Hội, từ nay năm anh em tích cực hơn với việc tông đồ. Dưới sự điều hành của thày Mậu, năm hội viên chia nhau tiếp xúc gặp gỡ các bạn tù, giới thiệu với họ về Thiên Chúa, cắt nghĩa giáo lý, rồi dẫn họ đến thày Mậu lãnh nhận bí tích rửa tội. Ít ra các vị đã rửa tội được 44 người. Ngục tù giờ đây trở thành nguyện đường, hàng ngày vang lên những lời chúc tụng Thiên Chúa, lời cầu nguyện cho Giáo Hội và cho mọi người, mọi giới đầy tràn ơn lành của Ngài.

Làm chứng trước quan quyền

Thấm thoát hơn một năm tù đã trôi qua, triều đình quyết định lại việc xử giảo cả năm người. Ngày 19.8.1839, quan cho điệu tất cả ra tòa, vẫn Thánh Giá một bên, bên kia là dụng cụ tra tấn. quan hỏi : “Các anh bị giam cầm đã lâu ngày, chịu khổ cũng đã nhiều, vậy bỏ đạo đi, ta tha về với vợ con”. Thày Mậu đại diện anh em trả lời : “Chúng tôi đã quyết tâm trung thành với Chúa, nên quan ra lệnh chém đầu hay giết cách nào khác, chúng tôi đều sẵn sàng”.

Rồi cả năm vị quỳ xuống bái lạy Thánh Giá và cầu nguyện : “Lạy Chúa ! Xin cứu chúng con, con xin phó thác hồn con trong tay Chúa”.

Thất vọng, quan cho lính đưa tất cả về ngục và thốt lên : “Bọn này không thể tha thứ được, mà chúng có thèm được tha đâu !”.

Ngày 24.11, năm vị phải ra tòa một lần nữa. Quang cảnh vẫn như lần trước, và các tôi tớ Chúa vẫn một mực cương quyết không chối đạo. Thày mậu thay mặt anh em nói với quan : “Chúng tôi chỉ tôn thờ một Thiên Chúa là cha chung muôn loài, là vua trên hết các vua, là Đấng chúng tôi mong được đổ máu ra để chứng tỏ lòng trung thành và yêu mến”.

Như nai rừng mong tìm về suối nước trong…

Ngày 19.12.1839, trước khi đi xử, quan cho năm vị một cơ hội cuối cùng. Ông nói : “Chỉ cần đi ngang qua phía chân tượng, ta cũng tha”. Sau đó, ông lại nói : “Chỉ cần đi vòng quanh tượng ta cũng tha”. Nhưng các chứng nhân đức tin không để bị mắc lừa, họ bảo nhau quỳ xuống đọc kinh Kính Danh Chúa Giêsu. Thày Mậu trả lời : “Thưa quan, chúng tôi ước mong về với Chúa như nai mong tìm thấy suối vậy. Xin quan cứ thi hành án lệnh của nhà vua”.

Biết không thể làm nao núng ý chí sắt đá của những con người này được nữa, quan liền truyền đem đi xử với bản án như sau : “Bọn gian ác theo Gia Tô tả đạo, mặc dầu đã khuyên răn sửa phạt, vẫn ngoan cố không chịu bước qua Thập Tự, nay chúng bị xử giảo”.

Trên đường ra pháp trường, thày Mậu rảo chân bước đi trước, cho anh em bước theo sau, tất cả đều tỏ ra hân hoan kiên cường. Dân chúng hiếu kỳ xem rất đông và xì xào với nhau là các vị này bị giết oan. Theo gương thày Mậu, các chứng nhân tươi cười nói với mọi người : “Anh em chúng tôi đang tiến về Thiên Đàng đây”.

Khi tới nới xử, mỗi vị bị trói vào một cọc đã chôn sẵn. Rồi cùng một lúc lý hình xiết cổ các vị bằng dây thừng cho đến lúc tắt thở. Các tín hữu đem thi thể các vị về an táng tại họ đạo mình. Thánh Mậu Úy ở Đồng Tiến, thuộc tỉnh Bắc Ninh.

Ngày 27.05.1900, đức Lêo XIII đã suy tôn thày Đaminh Bùi Văn Úy và các vị tử đạo lên bậc Chân Phước. Ngày 19-6-1988, đức Gioan Phaolô II ghi danh các ngài váo sổ các thánh.