Giới trẻ Công Giáo “Sống đức tin giữa đời  với linh đạo Đa Minh như một con đường rao giảng trong thế giới hôm nay”

Giới trẻ Công Giáo “Sống đức tin giữa đời  với linh đạo Đa Minh như một con đường rao giảng trong thế giới hôm nay”

NVH

I. LỜI NGỎ

Theo kế hoạch, Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh Việt Nam sẽ tổ chức khóa thường huấn dành cho giới trẻ vào ngày 26-27 tháng 7 năm 2025, người viết từng được sinh hoạt với người trẻ Công giáo, xin có một vài chia sẻ: Giới trẻ Công giáo là ai? Họ cần gì? Và họ sẽ làm gì cho Giáo hội?  

Thế giới hôm nay đang chứng kiến sự phát triển như vũ bão về khoa học, kỹ thuật, văn hóa, và truyền thông. Tuy nhiên, song hành với tiến bộ vật chất là sự rạn vỡ trong đời sống tinh thần, luân lý và các giá trị truyền thống. Trong bối cảnh đó, người trẻ Công giáo được mời gọi sống đức tin không chỉ trong nhà thờ, nhưng giữa xã hội, nơi họ học tập, làm việc và hiện diện.

Thiết nghĩ Linh đạo Đa Minh (cầu nguyện, học hỏi, rao giảng) cung cấp một định hướng thiêng liêng hợp lý và vững chắc, giúp người trẻ sống và loan báo Tin Mừng một cách thuyết phục, hơn bao giờ hết, trong thời đại hôm nay.

II. NGƯỜI TRẺ VÀ SỨ MẠNG TRUYỀN GIÁO TRONG GIÁO HUẤN HỘI THÁNH

1. Người trẻ là ai (tương lai hay hiện tại của Giáo Hội)?

Trong Tông huấn Christus Vivit, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định với giới trẻ: “Các con không chỉ là tương lai của thế giới, các con là hiện tại của Thiên Chúa.” (Christus Vivit, số 178)

Ngài mời gọi người trẻ can đảm làm chứng cho Chúa Kitô giữa lòng thế giới, trở thành nhân chứng sống động của đức tin trong gia đình, trường học, công sở và cả trên mạng xã hội.

Theo Công đồng Vatican II (Sắc lệnh Ad Gentes): “Tự bản chất, Hội Thánh là thừa sai”.

Dựa vào những giáo huấn trên, người trẻ được mời gọi để chia sẻ đức tin bằng lời nói, hành động và cả đời sống của mình

2. Truyền giáo – Căn tính của người Kitô hữu

Công đồng Vatican II trong sắc lệnh Ad Gentes khẳng định: “Giáo Hội được sai đi để chiếu sáng thế giới bằng ánh sáng Tin Mừng.” (Ad Gentes, số 2)

Điều này nhấn mạnh rằng loan báo Tin Mừng không phải là đặc quyền của một đối tượng nhất định, mà là sứ vụ của mọi người đã chịu phép Rửa, trong đó có người trẻ.

3. Kinh Thánh soi sáng sứ mạng truyền giáo:

“Anh em là muối cho đời… là ánh sáng cho trần gian.” (Mt 5,13-14)

“Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15)

III. LINH ĐẠO ĐA MINH – LINH ĐẠO CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

1. Cầu nguyện – Nền tảng đời sống rao giảng

Thánh Đa Minh là người cầu nguyện không ngừng. Theo chân dung Ngài: “ban ngày nói với mọi người về Chúa, ban đêm nói với Chúa về mọi người” và “Hãy cầu nguyện không ngừng.” (1 Tx 5,17)

Ngày nay, người trẻ vẫn có thể thực hành đời sống cầu nguyện qua các hình thức như lần chuỗi Mân Côi, suy niệm Lời Chúa, chầu Thánh Thể, hoặc thậm chí cầu nguyện chung online (như thực tế đã xảy ra trong thời kỳ đại dịch), cầu nguyện bằng chính cuộc sống dấn thân giữa dòng đời với tư cách là người Kitô hữu…

2. Nhu cầu học hỏi – Chiếu sáng đức tin bằng lý trí

Linh đạo Đa Minh coi trọng tri thức: Học để yêu Chúa hơn, để rao giảng đúng đắn và có nền tảng. Thánh Tôma Aquinô, con cái lỗi lạc của Dòng, đã đặt lại nền tảng cho mối tương quan giữa đức tin và lý trí: “Đức tin không sợ hãi lý trí, vì cả hai đều đến từ Thiên Chúa.”

“Hãy luôn sẵn sàng trả lời cho bất kỳ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em.” (1 Pr 3,15)

Việc học hỏi Thánh Kinh, thần học, luân lý… không phải là đặc quyền của các học giả, của Linh mục, Tu sĩ… mà là nhu cầu sống còn của người trẻ Công giáo muốn sống đức tin cách trưởng thành.

3. Rao giảng – Loan báo Tin Mừng bằng lời nói và đời sống

Thánh Đa Minh ra đi với đôi chân trần, không mang theo gì ngoài Lời Chúa. Ngài sống khó nghèo, hoà mình vào đời sống người dân, đối thoại và cảm thông với tội nhân.

“Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1 Cr 9,16)

Người trẻ hôm nay có thể rao giảng bằng những cách cụ thể như:

  • Sống trung thực, yêu thương trong gia đình và xã hội
  • Tham gia hoạt động bác ái, thiện nguyện
  • Sử dụng mạng xã hội để truyền cảm hứng sống đạo
  • Nâng cao trình độ tri thức, văn hóa …

IV. NGƯỜI TRẺ GIỮA ĐỜI – CHỨNG NHÂN CỦA ĐỨC TIN

1. Sống đạo trong môi trường thế tục

Dám sống khác: không gian dối (trong thi cử, trong cuộc sống cơm áo gạo tiền), không chạy theo chủ nghĩa hưởng thụ, không nô lệ cho tiền tài, danh vọng…

Làm chứng cho sự thật: dám lên tiếng bảo vệ lẽ phải, sự sống và công lý, mạnh dạn thể hiện đời sống đức tin Kitô hữu, sẳn sàng làm chứng về Đức Kitô.

Thánh Phaolô đã khuyên nhủ như sau: “Đừng để người ta coi thường anh em vì còn trẻ; nhưng hãy nên gương mẫu trong lời nói, cách ăn ở, đức bác ái, đức tin và lòng trong sạch.” (1 Tm 4,12)

2. Truyền giáo trong môi trường “số”

Giới trẻ ngày nay hiện diện mạnh mẽ trên mạng xã hội. Đây là môi trường truyền giáo rộng mở. Câu chuyện thánh Carlo Acutis, một thanh niên rất trẻ, chết năm 16 tuổi,  Rất giỏi công nghệ và lập trình là một điển hình.

Nhiều nhóm, kênh YouTube, TikTok Công giáo đã xuất hiện để chia sẻ giáo lý, Lời Chúa và những giá trị sống đạo cách sinh động.

V. KẾT LUẬN

Trong thời đại hôm nay, sống đức tin không dễ. Nhưng chính trong thử thách, đức tin được tinh luyện và lớn mạnh. Linh đạo Đa Minh (với sự kết hợp giữa đời sống nội tâm, học hỏi nghiêm túc và sứ mạng loan báo) là hành trang quý giá cho người trẻ bước vào hành trình sống đạo giữa đời.

Nguyện xin thánh Đa Minh, người đã “cháy lên vì lửa rao giảng”, chuyển cầu cho mỗi người trẻ biết đón nhận lời mời gọi của Chúa: “Anh em là ánh sáng cho trần gian.” (Mt 5,14) và sẵn sàng ra đi, sống đức tin không chỉ bằng lời nói, nhưng bằng chính trái tim nhiệt huyết yêu mến Giáo hội, và cả cuộc đời mình.

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *