Đức Thánh Cha Lêô XIV: Phát triển trí tuệ nhân tạo cần đi đôi với việc tôn trọng các giá trị nhân bản và xã hội

Đức Thánh Cha Lêô XIV: Phát triển trí tuệ nhân tạo cần đi đôi với việc tôn trọng các giá trị nhân bản và xã hội

Edoardo Giribaldi –  Vatican News

Trong sứ điệp do Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh ký thay mặt Đức Thánh Cha Lêô XIV gửi đến Hội nghị Thượng đỉnh “AI for Good 2025” đang diễn ra tại Genève, Đức Thánh Cha nhấn mạnh sự cần thiết của một “quản trị phối hợp, cả ở cấp địa phương lẫn toàn cầu” đối với các công nghệ mới. Ngài ghi nhận khả năng “nhanh chóng” và “hiệu quả” của trí tuệ nhân tạo (AI), nhưng cũng khẳng định rằng AI không thể thay thế “sự phân định luân lý” và sự phong phú của các mối tương quan nhân linh đích thực.


Nhân loại trước một ngã rẽ

Đức Thánh Cha nhận định rằng nhân loại hôm nay đang đứng trước một “ngã rẽ”: một bên là tiềm năng của AI – có thể thực hiện các nhiệm vụ với “tốc độ và hiệu quả phi thường”; bên kia là giới hạn của nó – không thể thay thế được “sự phân định luân lý” và không có khả năng tạo nên các mối tương quan nhân bản đích thực. Lối đi đúng đắn là quản trị các công nghệ mới một cách phối hợp, trên cả phương diện địa phương và toàn cầu, trong sự tôn trọng các giá trị xã hội chân chính.


Thông điệp gửi Hội nghị Thượng đỉnh về AI

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Lêô XIV được gửi ngày 10/7 nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh “AI for Good 2025”, diễn ra từ ngày 7 đến 11 tháng Bảy tại Genève, do Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) tổ chức, phối hợp với một số cơ quan của Liên Hiệp Quốc và dưới sự bảo trợ của chính phủ Thụy Sĩ. Sự kiện này quy tụ các bài diễn văn, hội thảo, tọa đàm và trình diễn công nghệ nhằm thúc đẩy việc tích hợp AI vào các giải pháp phát triển toàn cầu.


“Kết nối đại gia đình nhân loại”

Mở đầu sứ điệp, Đức Thánh Cha chúc mừng ITU nhân dịp kỷ niệm 160 năm thành lập và ghi nhận những nỗ lực không ngừng của tổ chức này trong việc thúc đẩy “hợp tác toàn cầu” để mang các lợi ích của công nghệ truyền thông đến mọi dân tộc. Việc “kết nối đại gia đình nhân loại” qua các phương tiện truyền thông càng trở nên cấp thiết tại những khu vực “nông thôn và thu nhập thấp” – nơi khoảng 2,6 tỷ người vẫn chưa thể tiếp cận với các hệ thống công nghệ hiện đại.


Một cuộc “cách mạng kỹ thuật số”

Đức Thánh Cha cảnh báo về tác động sâu rộng của cuộc cách mạng kỹ thuật số do AI dẫn đầu – ảnh hưởng đến giáo dục, việc làm, y tế, quản trị, quân sự và truyền thông. Trước một “thay đổi thời đại”, cần có trách nhiệm và phân định, để xây dựng “những chiếc cầu đối thoại”, thúc đẩy tình huynh đệ, và bảo đảm AI luôn phục vụ toàn thể nhân loại.

Ngài lưu ý: các công nghệ đang không ngừng phát triển, có thể tự động thích nghi và đưa ra các lựa chọn “thuần kỹ thuật dựa trên thuật toán”. Do đó, điều thiết yếu là cần xem xét kỹ lưỡng các hệ quả “nhân học” và “luân lý” của AI, các giá trị liên quan, cũng như các nghĩa vụ và khung pháp lý cần thiết để bảo vệ các giá trị ấy.


Trách nhiệm con người và ý nghĩa hiện sinh

Dù AI có thể “mô phỏng một phần lý trí con người” và thực hiện công việc một cách hiệu quả, nhưng nó không thể thay thế “sự phân định luân lý đích thực” hay kiến tạo “các mối tương quan chân thành”. Do đó, tiến bộ công nghệ phải luôn đi kèm với việc tôn trọng các giá trị nhân bản, lương tâm trong sáng, và sự trưởng thành về mặt trách nhiệm của con người.

Đức Thánh Cha cũng nhận định rằng chính thời đại này đang thúc đẩy con người suy tư sâu xa hơn về câu hỏi “thế nào là con người?” và “vai trò của nhân loại trong thế giới này là gì?”.


Vượt trên “hiệu năng” và “lợi ích”

Đức Thánh Cha khẳng định: trách nhiệm sử dụng công nghệ một cách “luân lý” trước hết thuộc về những người phát triển, điều hành và giám sát hệ thống. Tuy nhiên, mỗi người dùng cũng phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, cần thúc đẩy “các khung quy định” đặt con người vào trung tâm, vượt qua các tiêu chí thuần túy của “hiệu năng” hay “lợi ích”.

Ngài khuyến khích các nỗ lực tìm kiếm ánh sáng của luân lý và thúc đẩy một nền quản trị đặt nền tảng trên việc công nhận “phẩm giá” và “tự do cơ bản” của con người.


“Sự bình an của trật tự”

Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhắc đến khái niệm  “sự bình an của trật tự” – theo thánh Augustinô trong tác phẩm Thành Đô Thiên Chúa. Đây là một định hướng không bao giờ được bỏ quên trong nỗ lực kiến tạo một trật tự xã hội nhân bản hơn, xây dựng các xã hội công bằng và hòa bình, phục vụ cho sự phát triển toàn diện và lợi ích chung của đại gia đình nhân loại.

https://www.vaticannews.va/it/papa/news/2025-07/papa-leone-xiv-messaggio-ai-for-good-ginevra.html

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *