Ngày 1 tháng 12 Chân phước Gio-an Véc-xe-li Linh mục (1203-1284)

Ngày 1 tháng 12
Chân phước Gio-an Véc-xe-li
Linh mục (1203-1284)

Tiểu sử
Chân phước Gio-an Véc-xe-li là một trong những nhân vật vĩ đại ở thế kỷ XIII. Người sinh tại Véc-xe-li, lớn lên theo học tại đại học Pa-ri. Sau khi tốt nghiệp, người mở trường luật khi mới 23 tuổi. Người làm chứng rằng chính chân phước Rê-gi-nan-đô là người thiết lập tu viện thánh Gia-cô-bê. Người là một trong những sinh viên đã bị lôi cuốn gia nhập Dòng khi nghe những lời giảng đầy nhiệt tình của cha Giô-đa-nô Xa-xô-ni-a. Vì yêu mến lý tưởng của các anh em dòng Thuyết giáo, người xin lãnh tu phục của Dòng trên đường trở về Véc-xa-li.

Sử gia Giê-ra đờ Phơ-ra-sê đã kể lại câu chuyện về hành động quyết liệt của chân phước Gio-an : “Ở Véc-xe-li có một nhân vật đáng kính rất thông thạo về luật. Ngày nọ, khi hay tin trong số những học trò của mình có người xin nhập Dòng Anh em Thuyết giáo. Rất lấy làm cảm kính trước hành động này, sau một hồi suy nghĩ, thình lình, người bỏ lại tất cả sách vở trên bàn, thậm chí chẳng còn bận tâm đến những vật dụng ở trong nhà, người chạy hối hả như một kẻ mất trí đến nơi cư ngụ của các anh em Dòng Thuyết giáo. Trên đường đi, người bắt gặp một người bạn, anh này rất ngạc nhiên khi thấy người chạy một mình như vậy mà không biết là đuổi theo ai. Anh ta liền hỏi người đang đi đâu : “Tôi đến với Chúa” người trả lời mà chẳng buồn dừng lại. Khi đến nơi cư ngụ của các tu sĩ, người tiến lại gần cha Giô-đa-nô, lúc ấy cha đang ở giữa các tập sinh. Chân phước Gio-an lột bỏ chiếc áo khoác bằng lụa đắt tiền mà người đang mặc rồi phủ phục trước mặt các anh em. Như bị ngây ngất bởi ân sủng của Thiên Chúa, người chỉ biết lặp đi lặp lại “Con ở trong Chúa ! con thuộc về Chúa !” Cha Giô-đa-nô nói : “Nếu như con muốn thuộc về Chúa, cha sẽ đặt con trong tay Người”. Nghi thức thu nhận kết thúc mà không phải cần đến một cuộc sát hạch, thầy Gio-an được trao tu phục Dòng Ða Minh.

Năm 1250, cha Gio-an được giao nhiệm vụ đối thoại với các kẻ thù của Tòa thánh. Lúc bấy giờ đang diễn ra cuộc chiến tranh giữa hàng giáo sĩ và các hoàng đế. Các tỉnh dòng ở miền bắc nước Ý đang trong tình trạng hỗn loạn. Các tỉnh dòng này gây bất hòa và không phục quyền đức giáo hoàng nên đã rơi vào tình trạng khủng hoảng. Cha Gio-an đến gặp bề trên giám tỉnh của tỉnh dòng Lom-bác-đi-a để chỉ thị cho các anh em tại đây đi loan truyền đức tin chống lại các bè rối và xin anh em rời bỏ các đô thị do đế quốc Ðức cai trị. Tu sĩ Gio-an Véc-xe-li nhận nhiệm vụ nguy hiểm này và đã thành công mỹ mãn. Tháng 7 năm 1251, đức giáo hoàng có thể an tâm tiến vào Mi-lăng.

Năm 1254, người được bầu làm tu viện trưởng ở Bô-lô-ni-a và năm sau làm giám tỉnh tỉnh dòng Lom-bác-đi-a với 30 tu viện. Ðó là thời cực thịnh của Dòng Ða Minh : khi cha Hum-bê-tô Rô-man làm Bề trên tổng quyền. Các tu viện đông đảo những người có thế giá và ảnh hưởng của các tu sĩ Ða Minh lan rộng khắp nơi.

Năm 1262, cha Gio-an tham dự tổng hội Va-len-xi-a, tại đây các tu sĩ An-be-tô Cả, Tô-ma A-quy-nô, Phê-rô Ta-răng-te và nhiều vị khác đã trình bày quy chế học vấn mới được cải biên. Ðể hưởng ứng quy chế học vấn này, cha Gio-an đã xây dựng trường luận lý tại Mi-lăng và thánh Tô-ma A-quy-nô đã đến viếng thăm trường này.

Cha Gio-an còn là một nhân vật quan trọng của tòa án dị giáo ở Lom-bác-đi-a. Lúc bấy giờ, hoàn cảnh của những nhà giảng thuyết thật bi đát vì phải làm trung gian cho những cuộc đối đầu giữa đức giáo hoàng và phe thân hoàng đế. Ðức In-nô-xen-tê IV yêu cầu các tu sĩ Ða Minh giữ vai trò điều tra ở tòa án dị giáo và người cũng đặt ra những luật lệ rất khắt khe. Thế nhưng, các anh em ở tòa tra đã làm tất cả những gì có thể hầu nới lỏng những biện pháp bị bắt buộc phải tuân theo. Dân chúng bị giật dây bởi những người theo Hắc đảng (Gibelin) và Dị giáo, đã bao vây các tu viện. Cha Gio-an là một thành viên dè dặt và ôn hòa nên đã không làm cho đức giáo hoàng vừa ý. Cuối cùng, đức giáo hoàng giải nhiệm chức vụ nhân viên tòa tra của cha Gio-an và bổ nhiệm người làm tuyên úy cho đội binh thánh giá trong cuộc Thập tự chinh. Nhân cơ hội này, cha Gio-an quen biết vua thánh Lu-i, và vua đã dâng tặng cha Gio-an Véc-xe-li hai chiếc gai trên vòng gai đội đầu của Ðức Giê-su.

Năm 1264, cha Gio-an đến tu viện thánh Gia-cô-bê ở Pa-ri để tham dự tổng hội dưới sự điều khiển của cha Phê-rô Ta-răng-te là bề trên giám tỉnh tỉnh dòng Pháp. Tại đây, cha Gio-an Véc-xe-li đã đắc cử bề trên tổng quyền, kế nhiệm cha Hum-bê-tô Rô-man vừa mới từ chức.

Trong suốt 20 năm quản trị Dòng, cha bề trên tổng quyền Gio-an đã không ngừng rảo bước khắp các nẻo đường châu Âu cùng với vị phụ tá là tu sĩ Ba-tô-lô-mê-ô Pha-en-da.

Sử gia Béc-na Ghi đã phác lại chân dung cha Gio-an như sau : “Một con người đầy kiên nhẫn, giàu kinh nghiệm mà danh tiếng lan rộng khắp nơi. Cha có một trí nhớ siêu phàm đến nỗi dù chỉ một lần nhìn thấy khuôn mặt của ai đó, hoặc nghe nói đến tên một người nào đó, thì cha không bao giờ quên được người ấy. Cha có thể nói về hoàn cảnh cá nhân và những điểm nổi bật của từng người. Khả năng này giúp cha biết cư xử khéo léo với hết mọi người.

Cha Gio-an thuộc mẫu người năng động, nghiêm khắc và kỷ luật. Về thể chất, cha có vóc dáng tầm thước, khuôn mặt dễ mến và ít uống rượu. Cha thích đến các tu viện cách bất ngờ để có được nhận định trung thực về đời sống các tu sĩ. Thật vậy, điều này được minh họa qua câu chuyện nổi tiếng về các “tu sĩ Lom-bắc-đi”.

Một ngày nọ, cha đến thăm một tu viện ở Ðức cùng với vị phụ tá. Vị tu sĩ gác cổng tu viện vì không biết cha Gio-an nên chỉ thông báo đơn giản rằng, có hai tu sĩ người Lom-bắc-đi-a đến xin tá túc và vị tu viện trưởng truyền xếp chỗ cho hai vị khách vào chỗ rốt hết trong phòng ăn. Mọi người trong tu viện đều được ăn cá, nhưng hai vị khách thì không. Cha Gio-an Véc-xe-li mạo muội ngỏ ý xin tu viện trưởng món cá vì cha và vị phụ tá đã mệt lả. Thấy vậy, vị tu viện trưởng liền lên giọng : “Không cá mú gì cho người Lom-bác-đi-a cả !” (Non habemus pisces pro Lombardis !). Cha Gio-an không phản ứng gì cả, đến khi mọi người rời bàn ăn, các anh em khác tháp tùng cha bề trên tổng quyền mới đến.

“Các thầy là ai ?” – Các tu sĩ thuộc đơn vị sở tại hỏi,
“Chúng tôi tháp tùng cha bề trên tổng quyền.”
“Thế cha bề trên tổng quyền đâu ?”
“Vậy suốt một giờ qua, các các ngài đã không tiếp đón vị tu sĩ già chống gậy à ?”

Thật là khốn đốn cho vị tu viện trưởng ! Cha Gio-an liền ra lệnh đổ chuông triệu tập công hội, trong một bài diễn văn cha đã lặp lại lời của vị tu viện trưởng : “Không cá mú gì cho người Lom-bác-đi-a cả !” (Non habemus pisces pro Lombardis). Ðoạn người tiến đến vị tu viện trưởng thiếu lòng bác ái, tuyên bố giải nhiệm ông và tổ chức lại tu viện.

Cha Gio-an hết sức tôn trọng kỷ luật, sống thanh bần và giữ sự thinh lặng một cách nghiêm ngặt. Cha ghi nhận rằng, lời giảng phải thực sự chứa đựng nội dung Tin Mừng và mang tính khoa học thì mới có sức thuyết phục, nhờ đó, cha đã tích cực góp phần thăng tiến công việc giảng thuyết. Cha không ngừng rao giảng về việc tái lập hòa khí giữa các tu sĩ và các giáo sĩ triều, chủ trương vận dụng những biện pháp ôn hoà hơn là các sách lược đối đầu.

Khi làm tu viện trưởng ở Bô-lô-ni-a, rồi bề trên giám tỉnh ở Lom-bác-đi-a, cha đã đề xướng xây dựng lại ngôi mộ của thánh Ða Minh, một tuyệt tác nghệ thuật do tu sĩ Ni-cô-la Pi-xa đảm trách. Lễ cải táng thi hài thánh Ða Minh đã diễn ra long trọng vào ngày 5 tháng 6 năm 1267 với một đoàn rước đông đảo giáo dân tham dự.

Năm 1272, khi vừa đắc cử giáo hoàng, Ðức Ghê-gô-ri-ô X lại giao cho cha Gio-an một vụ việc đầy khó khăn, đó là tái lập hoà bình cho các thành phố ở Ý đang lâm vòng chiến tranh. Các thành phố Xi-ê-na, Pi-xa, Phi-ren-xê nổi lên chống lại giáo hoàng ; bên trong các thành phố, người Vơ-ni-dơ gây chiến với người Giơ-noa và Bô-lô-ni-a, các cuộc đụng độ giữ hai phái Bạch đảng (Gueffes) và Hắc đảng (Gibelin) liên tục xảy ra. Cha Gio-an đã thành công khi quy phục được thành Xi-ê-na và Pi-xa, nhưng thất bại ở Phi-ren-xê. Người đến giải hoà Vê-nê-di-a với các phe đối thủ.

Năm 1274, tại Công đồng Li-ông, vấn đề hòa giải giữa Giáo hội Ðông phương và Giáo hội Công giáo đạt được kết quả mỹ mãn. Các tu sĩ Ða Minh hiện diện tại công đồng đã góp phần đáng kể cho quyết định đưa đến sự hoà giải này. Dù thánh Tô-ma đã về với Chúa trên đường đến dự Công đồng, nhưng chính sách hoà ước của người vẫn góp phần cho quyết nghị của các anh em Hy-lạp. Cha Gio-an Véc-xe-li cũng tham dự công đồng và tại đây người đã gặp cha Phê-rô Ta-răng-te vừa được bổ nhiệm hồng Y và chẳng bao lâu sau sẽ trở thành giáo hoàng. Chính cha Phê-rô Ta-răng-te là người đứng ra hướng dẫn các cuộc thảo luận với các anh em thuôc Giáo hội Ðông phương. Cùng với thánh Bô-na-ven-tu-ra, các ngài cố gắng khỏa lấp những hố cách biệt giữa hàng giáo sĩ triều và các tu sĩ vốn đã trở nên nghiêm trọng. Tầm ảnh hưởng của cha Gio-an Véc-xe-li đã chiếm giữ một ưu thế cực kỳ quan trọng cho vấn của đề này. Chính sự ảnh hưởng đó đã dẫn đến cuộc hòa giải và tái lập hoà bình.

Cha Gio-an luôn nhiệt tình cổ võ việc học trong Dòng. Người đã cương quyết bảo vệ triết lý của thánh Tô-ma, chống lại sự tấn công của các tôn sư ở Pa-ri, nhất là giám mục Tê-pha-nô – một tu sĩ dòng Ðền thờ – vị này lên án 20 luận điểm trích dẫn từ tài liệu thánh Tô-ma. Hơn nữa, cha Gio-an còn chống lại một số tu sĩ Ða Minh thiên về trường phái thánh Âu Tinh hơn là A-rít-tốt, và cả đến tổng giám mục Can-tơ-bơ-ri. Các vị này đã bị cha Gio-an công kích dữ dội vì chống đối học thuyết của thánh Tô-ma.

Khi cha Gio-an được 75 tuổi, đức giáo hoàng tấn phong người làm thượng phụ Giê-ru-sa-lem để giao vùng thánh địa cho sự điều hành khôn khéo của Dòng. Cha Gio-an Véc-xe-li từ chối vì lý do tuổi cao và thấy mình không xứng đáng. Ðức giáo hoàng tuy không hài lòng nhưng đành nhượng bộ một năm. Sau đó, đức thánh cha cử người làm sứ thần toà thánh đi thương thuyết hoà bình giữa vùng Cát-ti-lê với Pháp. Thế nhưng, cha Gio-an đã thất bại trong vụ này.

Dường như người làm việc mà không biết mệt mỏi, người đã cống hiến những năm cuối đời cho việc điều hành Dòng. Năm 1282, người chủ toạ tổng hội Vi-ê-na và gợi ý tổng hội kế tiếp sẽ được triệu tập ở Môn-pơ-li-ê. Người rời Áo để kinh lý các tu viện ở Ðức bằng cách đi bộ như người vẫn quen làm. Khi người kiệt sức, các anh em dùng cáng khiêng người đi. Ngày 6 tháng 6 năm 1283, người khai mạc tổng hội Mông-pơ-li-ê, điều hành các cuộc thảo luận, và nhấn mạnh đến vấn đề đào tạo tập sinh. Trong khi viết bức thư cuối cùng cho toàn Dòng, người muốn đi Bô-lô-ni-a, nhưng ngã bệnh gần Mông-pơ-li-ê và qua đời ngày 30 tháng 11 năm 1283, thọ 80 tuổi. Lễ an táng của người được tổ chức rất long trọng. Người được mai táng dưới chân bàn thờ của tu viện. Thế nhưng, vào năm 1562, những người theo phái Can-vanh đã cướp phá tu viện và hài cốt của người cũng biến mất.

Lời nguyện :
Lạy Thiên Chúa toàn năng và giàu lòng thương xót, Chúa đã biến đổi chân phước Gio-an thành nhà cải cách vĩ đại của Dòng anh em thuyết giáo. Nhờ lòng nhiệt thành, khôn ngoan, can cảm và lời khẩn nguyện tha thiết của người, xin cho Hội Thánh của Ngài luôn được nhận lãnh sự hướng dẫn khôn ngoan qua mọi thời đại. Chúng con cầu xin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *