(1381 – 1447)
Thánh Colette không muốn được mọi người biết đến, nhưng trong khi thi hành thánh ý Thiên Chúa, ngài đã gây được sự chú ý của rất nhiều người.
Thánh Colette là con của người thợ mộc tên DeBoilet ở Tu Viện Corby trong thành phố Picardi, nước Pháp. Ngài sinh ngày 13 tháng Giêng, khi rửa tội lấy tên là Nicolette, và thường được gọi là Colette. Năm mười bảy tuổi ngài mồ côi cha mẹ, và đã chia bớt di sản cho người nghèo. Ngài gia nhập dòng Ba Phanxicô, và sống cô độc ở Corby trong một căn phòng mà lối mở ra thế giới bên ngoài chỉ là cánh cửa sổ sát vách với nhà thờ.
Sau bốn năm, với sự chấp thuận và khuyến khích của Đức giáo hoàng, ngài từ bỏ cuộc sống cô độc, gia nhập dòng Thánh Clara Nghèo Hèn và cải tổ dòng theo như quy tắc ban đầu của Thánh Clara. Bất kể sự chống đối dữ dội, ngài kiên trì theo đuổi ý định, thành lập mười bảy tu viện sống theo quy tắc này và cải tổ một vài tu viện cũ. Các nữ tu của ngài nổi tiếng là nghèo hèn – họ từ chối bất cứ lợi tức nào – và thường xuyên chay tịnh.
Thánh Colette nổi tiếng vì sự thánh thiện, sự xuất thần, và các lần thị kiến sự Thương Khó, và ngài đã tiên đoán đúng về cái chết của ngài trong tu viện ở Ghent, nước Bỉ.
Phong trào cải cách của thánh nữ đã lan tràn sang các quốc gia khác. Cho đến ngày nay, một nhánh của dòng Thánh Clara Nghèo Hèn thường được gọi là các nữ tu Colette.
Thánh nữ được phong Thánh năm 1807.
Lời Bàn
Thánh Colette bắt đầu cuộc cải cách trong thời kỳ Ðại Ly Giáo Tây Phương (1378-1417), là thời kỳ có đến ba Giáo hoàng và bởi đó đã chia cắt Giáo Hội Tây Phương. Một cách tổng quát, Giáo Hội phải trả một giá rất đắt cho sự nhũng lạm của các giáo sĩ trong thế kỷ 15; lời cầu nguyện và sự hy sinh của Thánh Colette và các nữ tu của ngài có lẽ đã vơi bớt những khốn khó cho Giáo Hội trong thời gian ấy. Trong bất cứ trường hợp nào, sự cải tổ của Thánh Colette cho thấy Giáo Hội luôn luôn cần theo sát Ðức Kitô.
Lời Trích
Trong chúc thư tinh thần, Thánh Colette viết cho các nữ tu: “Chúng ta phải trung tín với những gì đã hứa. Nếu vì sự yếu đuối con người mà chúng ta sa ngã, một cách mau mắn chúng ta phải chỗi dậy luôn qua sự thành tâm sám hối, và chú ý đến một đời sống tốt lành, cũng như một cái chết thánh thiện. Xin Thiên Chúa là Cha của lòng thương xót, xin Ðức Chúa Con qua sự thống khổ thánh thiện, và xin Chúa Thánh Thần, nguồn mạch của bình an, nhân hậu và tình yêu, luôn tràn lấp chúng ta với ơn an ủi của các Ngài. Amen”.