1. Các Giám Mục Hoa Kỳ bày tỏ sự hài lòng dè dặt với sắc lệnh tự do tôn giáo của tổng thống Trump
Đức Tổng Giám mục William Lori của Baltimore, chủ tịch ủy ban tự do tôn giáo của hội đồng giám mục Hoa Kỳ, đã bày tỏ sự hài lòng một cách dè dặt với sắc lệnh hành chính của tổng thống Trump về tự do tôn giáo. Ngài nhận xét rằng “vấn đề vẫn chưa đi đến đâu”.
Theo Đức Tổng Giám mục Lori, vẫn còn “nhiều công việc phía trước của chúng ta” trong việc bảo đảm tự do tôn giáo. Liên quan đến việc giải trừ một chính sách dưới thời Obamare trong đó bắt các cơ quan Công Giáo phải mua bảo hiểm ngừa thai, ngài đang chờ đợi sự đảm bảo rằng chính quyền của Trump sẽ đi xa với các quy định cụ thể hơn là chỉ nói chung chung để xoa dịu dư luận. Ngài lập luận rằng vấn đề chỉ có thể được giải quyết bằng cách xác định rằng mang thai không phải là một bệnh tật cần phải ngăn ngừa.
Điểm chủ yếu trong sắc lệnh hành chính của tổng thống Trump về tự do tôn giáo là bãi bỏ “tu chính án Johnson”, trong đó đe doạ tình trạng được miễn thuế của các tôn giáo nào tỏ ra ủng hộ một ứng cử viên cụ thể trong các cuộc tranh cử. Đức Tổng Giám mục Lori không coi đó là một trong những điều quan trọng. Những ủng hộ chính trị phe phái, theo Đức Tổng Giám Mục, “thực sự không phải là công việc của chúng tôi.”
2. Các Giám Mục nghi lễ Syriac kêu gọi đặt vùng bình nguyên Ninivê dưới sự giám sát quốc tế
Ba giám mục nghi lễ Syriac đã lên tiếng kêu gọi Liên Hiệp Quốc bảo vệ cho các khu vực Kitô Giáo ở miền bắc Iraq.
Đức Tổng Giám Mục Công Giáo nghi lễ Syriac tại Mosul, là Đức Cha Boutros Moshe, đã cùng với hai vị Tổng giám mục Chính Thống Giáo là Nicodemus Daud Matti Sharaf và Timotheos Musa al Shamany, kêu gọi Liên Hiệp Quốc đưa quân vào bảo vệ vùng bình nguyên Ninivê, nơi hàng chục ngàn Kitô hữu đã phải trốn khỏi nhà cửa của họ trong cuộc tấn công quân khủng bố Hồi Giáo IS vào tháng 6 năm 2014.
Giờ đây khu vực này đã được giải phóng khỏi Nhà nước Hồi giáo, nhưng dân chúng vẫn tá túc trong thành Erbil không dám hồi cư.
Trước cuộc tấn công của quân khủng bố IS, đời sống của họ đã rất bấp bênh. Họ thường xuyên là nạn nhân của nạn bắt cóc, đòi tiền chuộc mạng. Trong thời gian IS tràn ngập trong khu vực, họ chứng kiến một số đông người Hồi Giáo Sunni nổi lên theo bọn khủng bố. Nên ngày nay họ không dám về nếu không có một sự bảo vệ quốc tế.
3. Phản ứng của Tòa Thượng Phụ Babylon về yêu cầu thiết lập khu tự trị tại vùng bình nguyên Ninivê dưới sự giám sát quốc tế
Liên quan đến lời kêu gọi của các giám mục nghi lễ Syriac về việc thiết lập khu tự trị tại vùng bình nguyên Ninivê dưới sự giám sát quốc tế, Tòa Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Chanđê tại Baghdad đã đưa ra một thông cáo không ủng hộ lời kêu gọi này.
Thông cáo cho biết Hoa Kỳ đã từng tuyên bố bảo vệ các tín hữu Kitô khi mở cuộc tấn công lật đổ chế độ của tổng thống Saddam Hussein vào năm 2003. Tình trạng của các tín hữu Kitô Iraq là thê thảm hơn bao giờ ngay cả trong thời gian người Mỹ còn hiện diện tại Iraq, và cố nhiên là còn bi đát hơn sau khi quân Mỹ rút về nước.
Quan điểm của Đức Hồng Y Louis Raphael Sako là chống lại bất cứ sự hiện diện nào của các thứ quân đội ngoại bang. Ưu tiên hàng đầu hiện nay là xây dựng lại nhà cửa của dân chúng và các nơi thờ tự trong vùng bình nguyên Ninivê. Chỉ sau khi các gia đình Kitô hữu đã trở lại và tái thiết cuộc sống của họ ở đó, vấn đề quản trị hành chính mới nên được nêu ra.
4. Hoa Kỳ sắp có tân đại sứ cạnh Tòa Thánh
Callista Gingrich, phu nhân của phát ngôn viên Quốc Hội Hoa Kỳ Newt Gingrich, sẽ sớm được Tổng thống Trump chỉ định trở thành đại sứ Hoa Kỳ tại Vatican, theo báo cáo của nhiều phương tiện truyền thông.
Tòa Bạch Cung vẫn chưa công bố việc đề cử này. Ông Newt Gingrich nói với tờ New York Times rằng ông và vợ của ông đã “rất thận trọng” về những tuyên bố công khai liên quan đến khả năng này.
Bà Callista Gingrich là người Công Giáo từ bé đã kết hôn với Newt vào năm 2000, ngay sau khi ông này ly dị người vợ thứ hai. Newt Gingrich gia nhập Giáo Hội Công Giáo năm 2009; và các hôn nhân trước đây của ông đã được tiêu hôn đúng phép.
5. Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher hoan nghênh việc đánh bại một dự luật cho phép phá thai tại New South Wales
Với tỷ lệ 25 trên 14, thượng viện của tiểu bang New South Wales đã bác bỏ một dự luật hợp pháp hóa việc phá thai. Dự luật bao gồm 3 điểm. Thứ nhất là bãi bỏ việc coi phá thai là một tội phạm bị pháp luật trừng trị. Thứ hai, buộc các bác sĩ phải giới thiệu các phụ nữ muốn phá thai đến một nơi phá thai. Thứ ba, cấm người biểu tình chống phá thai tụ tập trước các địa điểm phá thai.
Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher của Sydney, Australia đã lên tiếng hoan nghênh kết quả này.
6. Đức Cha Philip Egan nói phẩm giá con người phải là ưu tiên cao nhất khi chọn các ứng cử viên
Trong thư mục vụ gởi cho anh chị em tín hữu nhân mùa bầu cử vào tháng Sáu tới đây, Đức Cha Philip Egan của Portsmouth, bên Anh quốc, đã kêu gọi người Công Giáo đặt phẩm giá của cuộc sống thành ưu tiên cao nhất trong việc đánh giá các ứng cử viên.
Đức Cha Egan đề nghị 10 câu hỏi mà cử tri Công Giáo nên hỏi về một ứng cử viên. Ngài viết:
Thứ nhất, và trên hết, ứng viên này có bảo vệ phẩm giá thánh thiêng của mỗi cuộc sống con người từ lúc thụ thai tới cái chết tự nhiên, có chống lại các hành động hợp pháp luật phá thai, mở rộng thử nghiệm phôi thai và hợp pháp hoá tự tử và trợ tử hay không?
Đức Cha cũng viết rằng cử tri nên lưu tâm đến các Kitô hữu bị khủng bố, tự do tôn giáo, và chăm sóc người nghèo và môi trường.
7. Các giám mục Công Giáo tại Scotland kêu gọi các tín hữu lựa chọn các ứng cử viên có lập trường ủng hộ nền văn hoá sự sống
Trong một lá thư mục vụ về cuộc tổng tuyển cử sắp tới, các giám mục Công Giáo Tô Cách Lan viết: “Bất kỳ luật nào cho phép kết thúc mạng sống con người luôn luôn phải bị bác bỏ vì nó là bất công và vô luân.”
Các giám mục kêu gọi các tín hữu “phải nhắc nhở các chính trị gia của chúng ta rằng phá thai, hỗ trợ tự tử, và an tử tử luôn luôn là không thể chấp nhận được về luân lý”.
Lời tuyên bố của các Giám Mục cũng yêu cầu cử tri phải lưu ý đến “sự thịnh vượng và sức khoẻ của cuộc sống gia đình”, nhu cầu của người nghèo, và “quyền của người dân không bị buộc phải hành động chống lại lương tâm của họ”.
Bức thư mục vụ của các giám mục đã được đọc tại tất cả 500 giáo xứ Công Giáo của Scotland vào ngày 20 và 21 tháng 5.
8. Linh mục Dòng Tên người Ái Nhĩ Lan được phong chân phước
Một linh mục Dòng Tên người Ái Nhĩ Lan đã được phong chân phước tại Nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê ở Dublin hôm 13 tháng 5 vừa qua.
Cha John Sullivan (1861-1933) là con của Sir Edward Sullivan, Thủ tướng đầu tiên của Ái Nhĩ Lan. Cha Sullivan lớn lên như một người Anh giáo tại Dublin, sau đó trở thành một người Công Giáo ở tuổi 35, và được thụ phong linh mục dòng Tên ở tuổi 46.
Trong đời sống linh mục của mình, ngài được biết đến như một người siêng năng cầu nguyện và phục vụ cho người nghèo.
“Sống tại Ái Nhĩ Lan giữa thế kỷ XIX và thế kỷ XX, ngài đã cống hiến cuộc đời mình cho việc dạy dỗ và đào tạo thiêng liêng cho những người trẻ tuổi, và ngài được yêu mến và được xem như là cha của người nghèo và người đau khổ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét như trên trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng hôm Chúa Nhật 14 tháng 5.
Đức Thánh Cha nói thêm:
“Chúng ta cảm ơn Chúa vì chứng tá của ngài”