Vị Linh Mục gần như cả đời ở tù đã an nghỉ trong Chúa

“Khi Chúa thương gọi con về, hồn con hân hoan như trong một giấc mơ. Miệng con nức vui tiếng cười, lưỡi con vang lời ca hát. Ngàn dân tung hô: con thật vinh phúc. Khi dân Sion qua khỏi kiếp lưu đày, con vẫn cứ như còn sống hoài giấc mơ triền miên…”

Phải chăng đó chính là tâm tình của linh mục đoàn Giáo Phận Vĩnh Long, của gia đình thân bằng quyến thuộc của Cha G.B. Dương Văn Quai (Oai) khi cùng nhau dâng Thánh Lễ tạ ơn với Cha lần cuối tại ngôi thánh đường thân thương Mẹ Giáo Phận. Và như vậy, tâm tình này được ca đoàn cất lên đón đoàn đồng tế bước vào Thánh Lễ tạ ơn sáng hôm nay.

Trước khi đoàn đồng tế cất bước, Cha Matthêu Nguyễn Tấn Thụy đã gợi lại cho cộng đoàn đôi nét về cuộc đời Cha G.B. Dương Văn Oai.

Chú bé Oai cất tiếng khóc chào đời năm 1935 nơi mảnh đất truyền thống Công Giáo Cái Nhum. Nghe tiếng gọi của Chúa, “cậu Oai” đã lên đường dấn thân theo con đường ơn gọi. 28 tuổi, “cậu Oai” đã bước lên bàn Thánh và dâng trọn vẹn đời mình cho sứ vụ linh mục.

Sau khi lãnh sứ vụ linh mục, miệt mài phục vụ tại các họ đạo và rồi với biến cố 1975, cha Oai không còn “oai” nữa mà phải “ủ tờ” tận miền Bắc. Gần 10 năm ăn cơm tù cũng chưa xong, Cha phải về ở tại gia đình với mức án “tù treo” cũng 10 năm. Mãi đến 1994 Cha mới thoát khỏi thân phận ở tù để rồi bước chân ra ánh sáng để phục vụ họ đạo nghèo Cái Tắc.

Miệt mài không mệt mỏi, Cha G.B. đã cố gắng hết sức có thể để xây dựng một Cái Tắc.

2016, tuổi già sức yếu, Cha đã về nhà hưu tịnh dưỡng chờ ngày đoàn tụ với những bậc tiền bối.

Cha ra đi, Cha không còn ở Cái Tắc nữa nhưng lòng Cha vẫn hướng về Cái Tắc và nguyện cầu nhiều cho Cái Tắc để rồi ngày hôm nay Cái Tắc không “tắt” mà là thông. Với nhiệt huyết của Cha Andre Huỳnh Ngọc Lâm đã tiếp nối chương trình của Cha Cố G.B. Cái Tắc và Cái Hàng của Cha vẫn phát triển như lòng Chúa mong muốn.

Với tất cả tâm tình và niềm tin tưởng phó thác vào lòng thương xót của Chúa, vị chủ chăn – chàng “Giám Mục Chăn Vịt” Phêrô Huỳnh Văn Hai – cùng với linh mục đoàn, tu sĩ nam nữ và cộng đoàn dâng Lễ tạ ơn Chúa với Cha lúc 9 g 30 tại nhà thờ Chính Tòa Vĩnh Long.

Tình thương nối tiếp tình thương được diễn tả qua tang Lễ của Cha. Điều này được diễn tả qua sự hiện diện rất đông đảo mọi thành phần dân Chúa dù rằng Cha đã về nhà hưu dưỡng của Giáo Phận để nghỉ hưu.

Trước khi bước vào Thánh Lễ, Đức Cha Phêrô mời gọi cộng đoàn nhìn lại thực tại sống và chết của con người. Sự chết làm cho nhiều người lo sợ, nhiều người đau buồn. Cha G. B. chết đi làm cho người thân, chúng ta đau buồn nhưng chúng ta xin Chúa lấy lòng nhân từ cho Cha G.B. sống gần Chúa, sống gần bên Ngài … chúng ta hãy nhìn nhận tội lỗi chúng ta để xứng đáng cử hành mầu nhiệm Thánh.

Trong bài chia sẻ, Đức Cha Phêrô mời gọi cộng đoàn suy nghĩ về lòng thương xót của Chúa … Trong thế giới hôm nay, có nhiều người nổi tiếng về nhiều lãnh vực khác nhau … nổi tiếng cho lãnh vực của mình, Chúa Giesu, Chúa chúng ta nổi tiếng cho hết mọi người, nổi tiếng long thương xót, vang đi mọi nơi suốt 20 thế kỷ qua được nhiều người đón nhận. Chúa Giesu nổi tiếng trong lời nói hành động của Người đối với nhiều thành phần trong xã hội. Với những người Biệt Phái bị người ta cho là tội lỗi thì Chúa nói Ta không muốn nó phải chết … Chúa nói với người phụ nữ ngoại tình, với tên trộm lành, với những người hại mình: Xin Chúa tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm. Qua hành động rất nhiều, Chúa Giesu chữa bệnh cho người mù thấy, què được đi, người nghèo khó được rao giảng Tin Mừng … được hòa nhập xã hội đang sống. Với Bà quá thành Naim trong phúc âm hôm nay, Chúa thấy tâm trạng của bà. Bà là người phụ nữ chết chồng và còn sống với người con trai duy nhất, Với bà, cuộc sống bây giờ là vô nghĩa, không còn ai là người thân. Chúa thấy cảnh tang thương của người đàn bà này và ra tay cứu bà. Làm thế nào người mẹ đáng thương này sống cuộc đời còn lại. Và Chúa đã làm cho con bà sống lại. Trong câu chuyện, chúng ta không thấy bà góa, người nhà nhưng chính Chúa Giesu đến với họ. Người không cần ai đưa Người đến nhưng Người đến do sáng kiến của mình, là Đấng giàu long thương xót, Chúa đến với họ để an ủi, ban lại sự sống cho con người. chúng ta luôn luôn khẩn cầu xin Chúa cho Cha G.B và cho chúng ta để chúng ta không bị sa chước cám dỗ …

Đức Cha gợi đến con đường ơn gọi, tìm sự sống của Cha G.B. Dù bệnh hoạn nhưng Cha không chậm trễ sứ vụ linh mục của Cha. Cha thấy sự suy giảm sức khỏe của Cha. … Cha mang nhiều thứ bệnh, mong chữa trị để lành bệnh nhưng Chúa con cho Cha sống ngày hôm nay là sự lạ. Cha sẽ được hưởng phần đời sau để bù đắp những đau khổ của Cha. Hôm nay Cha chết với cơ thể vật lý nhưng linh hồn Cha sẽ sống lại với Chúa là Đấng sống đời đời. Trên Thiên Quốc, Cha gặp ông bà anh chị em. Những mối tương quan của Cha được biểu hiện rõ rang … nhờ long thương xót của Chúa, khi còn sống Cha hy vọng vào Chúa, tin tưởng vào Chúa trong 57 năm linh mục của Cha … xin Chúa luôn quảng đại với những ai theo Người … ở nơi đây, Chúa đã ban cho Cha được tham dự vào chức vụ tư tế của Người, được tham dự Đại gia đình Giáo Hội, chắc chắn Cha được sống với Chúa. Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa đầy long thương xót ban cho Cha G.B và xin Chúa chúc lành cho Cha.

Trước khi từ biệt cộng đoàn, Cha G.B. Lê Đình Bạch – Quản Hạt cũng là cha Sở Cái Mơn đã đã cử hành nghi thức tiễn biệt Cha G.B. Sau nghi thức tiễn biệt, Cha G.B. sẽ tạm nghỉ tại phần đất Thánh mà các anh em linh mục ra đi trước Cha đã an nghỉ để chờ đợi ngày Chúa Phục Sinh.

Từ nay, Cha không còn ám ảnh cảnh cơm tù canh rạc nữa. Cha được giải thoát hoàn toàn để thuộc về Chúa. Xin Cha G.B. thương khi gần Chúa nhớ chuyển cầu cho giáo phận nhà, cho họ đạo Cái Nhum, Cái Tắc và những người thân thương mà Cha đã suốt đời gần gũi. Cha cũng nhớ cầu nguyện cho những bạn tù và những người cai tù ngày xưa của Cha nữa, Cha nhé !

 

Người Giồng Trôm – Vietcatholic

 

Xem thêm hình ảnh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *