1. Đức Thánh Cha Phanxicô thăm Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16
Chiều thứ Ba 27 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 tại tu viện Mater Ecclesiae trong nội thành Vatican và chúc mừng Lễ Phục Sinh, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết như trên trong một bản thông cáo đưa ra sáng hôm sau.
Sáng sớm thứ Ba, Đức Giáo Hoàng đã viếng thăm Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nơi có khoảng 300 người đang làm việc. Cùng với Đức ông Paolo Borgia, ngài viếng thăm và ban phép lành trong Khu Ba của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, được thành lập vào Tháng Mười Một năm ngoái cho các nhân viên ngoại giao của Toà Thánh. Đức Thánh Cha sau đó đã đích thân chào đón tất cả các quan chức và nhân viên, chúc mừng Phục Sinh và cám ơn vì sự tận tụy trong công việc của họ.
Lần cuối cùng Đức Thánh Cha Phanxicô gặp các quan chức và nhân viên của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh là vào tháng 4 năm 2013, sau khi ngài vừa lên ngôi Giáo Hoàng.
2. Tây Ban Nha treo cờ rũ để tưởng niệm Chúa chịu chết
Trong thông cáo được công bố hôm thứ Ba 27 tháng Ba, 2018 bà Maria Dolores Cospedal, Bộ Trưởng Quốc Phòng Tây Ban Nha ra lệnh cho tất cả các cơ quan của Bộ Quốc phòng nước này, các doanh trại quân đội và các cơ sở khác của lực lượng vũ trang tại quốc nội và hải ngoại treo cờ rũ để tưởng niệm Chúa chịu chết.
Trong thông cáo, Bộ Quốc Phòng cho biết tất cả các cơ quan, đơn vị, căn cứ, doanh trại bao gồm tòa nhà Bộ Quốc phòng ở Madrid sẽ hạ cờ từ 2 giờ chiều ngày Thứ Năm Tuần Thánh đến 0h01 sáng Chúa Nhật Phục Sinh “như truyền thống” tưởng nhớ cái chết của Chúa Kitô trong Tuần Thánh này.
Bộ Quốc Phòng giải thích rằng thực hành này đã bắt đầu từ vài thập kỷ qua và “là một phần trong truyền thống thế tục của lực lượng vũ trang”.
Quân đội Tây Ban Nha sẽ tham dự 152 cuộc diễu hành và lễ kỷ niệm trong Tuần Thánh tại 80 thành phố trên khắp đất nước trong năm nay, bao gồm Seville, Granada, Madrid và quần đảo Canary.
Bộ Quốc phòng nhấn mạnh rằng Bộ tôn trọng quyền tự do tôn giáo của các quân nhân, và sự tham gia của các thành viên lực lượng vũ trang vào các sự kiện này là hoàn toàn tự nguyện.
3. Thông tri của Bộ Phụng Tự và Kỷ luật các Bí tích về lễ Nhớ Ðức Trinh Nữ Maria Mẹ Hội Thánh.
Tiếp theo Sắc lệnh về việc cử hành trong lịch chung Rôma lễ kính nhớ Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh, do Bộ Phụng Tự và Kỷ luật các Bí tích ký ngày 11 tháng 02 năm 2018, và sau đó được Toà thánh công bố vào ngày 03 tháng 03 năm 2018, Bộ Phụng Tự lại ra một Thông tri hướng dẫn cụ thể việc cử hành lễ này.
Thông tri do Ðức Hồng Y Robert Sarah, Tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Ðức Tổng Giám mục Arthur Roche, Thư ký của Bộ, ký ngày 24 tháng 03 năm 2018.
Bộ Phụng Tự Và Kỷ Luật Các Bí Tích
Văn thư số 138/18
Thông Tri về lễ Nhớ Ðức Trinh Nữ Maria Mẹ Hội Thánh
Sau khi đã đưa vào Lịch chung Rôma lễ Ðức Trinh Nữ Maria Mẹ Hội Thánh với bậc lễ Nhớ buộc, được cử hành hằng năm vào thứ Hai sau lễ Hiện xuống, chúng tôi thấy cần phải đưa ra một số hướng dẫn sau đây.
Trong Sách lễ Rôma, sau bản văn lễ Hiện xuống có ghi: “Tại những nơi các tín hữu buộc hoặc có thói quen dâng lễ vào thứ Hai và thứ Ba sau lễ Hiện xuống, có thể lấy bản văn lễ Chúa Nhật Hiện xuống hoặc lễ về Chúa Thánh Thần”, phần chữ đỏ ấy vẫn còn hiệu lực vì vẫn áp dụng đúng thứ tự ưu tiên giữa các ngày phụng vụ cùng với việc cử hành lễ theo ngày, được quy định thống nhất trong Bảng các ngày phụng vụ (x. Quy chế tổng quát về Năm phụng vụ và Niên lịch, số 59). Tương tự như thế, thứ tự ưu tiên của lễ ngoại lịch được quy định như sau: “Không được cử hành lễ ngoại lịch trong những ngày có lễ nhớ bắt buộc, những ngày mùa Vọng cho đến hết ngày 16 tháng 12, các ngày trong mùa Giáng sinh từ ngày 2 tháng Giêng, trong mùa Phục sinh sau tuần Bát nhật Phục sinh, nhưng nếu vì lợi ích mục vụ, tùy theo thẩm định của linh mục quản thủ thánh đường hay của chính linh mục chủ tế, có thể cử hành lễ ngoại lịch thích hợp trong thánh lễ có dân chúng tham dự (Sách lễ Rôma, ghi chú về lễ ngoại lịch; x. Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma, số 376).
Tuy nhiên, nếu không có lý do đặc biệt hơn, phải chọn lễ nhớ Ðức Trinh Nữ Maria Mẹ Hội Thánh, và các bản văn phụng vụ kèm theo Sắc lệnh và các bài đọc được chỉ định, phải được xem là phần riêng dành cho lễ này, vì cho thấy rõ nét mầu nhiệm về thiên chức Thánh Mẫu. Trong các ấn bản sau này của tập Mục lục các bài đọc, phần chữ đỏ của số 572bis sẽ ghi rõ các bài đọc ấy là phần riêng, và dù đây là lễ Nhớ, nhưng vẫn phải đọc thay vì các bài đọc theo ngày (x. Sách bài đọc, Những điều cần biết trước, số 83).
Trong trường hợp lễ Nhớ này trùng với một lễ Nhớ khác, phải giữ các nguyên tắc tổng quát của quy định chung về Năm phụng vụ và Niên lịch (x. Bảng các ngày phụng vụ, số 60). Tuy nhiên, vì lễ Nhớ Ðức Trinh Nữ Maria Mẹ Hội Thánh được gắn liền với lễ Hiện Xuống, giống như lễ Trái Tim vẹn sạch Ðức Mẹ gắn liền với lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, nên trong trường hợp lễ này trùng với lễ nhớ một vị thánh hay một chân phước khác, theo truyền thống về thứ bậc giữa các thánh, lễ nhớ Ðức Trinh Nữ Maria phải được kể là ưu tiên.
Từ trụ sở Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích, ngày 24 tháng 3 năm 2018.
Hồng Y Robert Sarah
Tổng trưởng
Tổng Giám mục Arthur Roche
Thư ký
Bộ Phụng Tự và Kỷ luật các Bí tích
4. Đức Thánh Cha ca ngợi viên sĩ quan cảnh sát Pháp hy sinh tính mạng để bảo vệ một con tin
Đức Thánh Cha Phanxicô đã hiệp cùng các nhà lãnh đạo thế giới ca ngợi một viên sĩ quan cảnh sát Pháp “hy sinh mạng sống của mình vì mong muốn bảo vệ nhân dân” trong một cuộc tấn công khủng bố.
Trung úy Cal Arnaud Beltrame, 44 tuổi, đã thuyết phục tên khủng bố, được xác định là Redouane Lakdim, để anh ta thế chỗ cho một người phụ nữ mà Lakdim đang bắt giữ làm con tin hôm 23 tháng Ba trong một cửa hàng tạp hóa tại Trebes, một thị trấn nhỏ ở miền nam nước Pháp.
Lakdim đã giết một người đi trên một chiếc xe hơi bị hắn cướp ở thị trấn Carcassonne lân cận và đã bắn vào một nhóm cảnh sát đang chạy bộ gần doanh trại của họ, làm bị thương một người. Sau đó, hắn lái xe đến cửa hàng tạp hóa và được tường trình đã la hét rằng hắn ta là một phần tử của bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Lakdim giết chết người bán thịt của cửa hàng và một người khách đang mua sắm trong cửa tiệm.
Mặc dù cảnh sát có thể giải thoát được những người đang có mặt trong cửa hàng, Lakdim bắt giữ một người phụ nữ để làm bia đỡ đạn cho mình. Trung úy Beltrame đề nghị thế chỗ cho người phụ nữ này, anh mở điện thoại di động của mình và cố ý để lại trên bàn để cảnh sát bên ngoài có thể nghe thấy những gì đang xảy ra bên trong. Khi nghe thấy nhiều tiếng súng nổ, cảnh sát xông vào siêu thị và giết chết Lakdim. Beltrame bị thương nghiêm trọng và đã chết sau đó tại một bệnh viện địa phương.
Trung úy Cal Arnaud Beltrame là một người Công Giáo được mô tả là rất ngoan đạo.
Đức Giám Mục Jean Planet của Carcassonne và Narbonne đã tổ chức một thánh lể cầu nguyện cho viên sĩ quan cảnh sát vào ngày 25 Tháng Ba tại Trebes. Theo BBC, Đức Cha đã ví Beltrame với Thánh Maximilian Kolbe, người đã qua đời tại trại tử thần Auschwitz của Đức Quốc xã sau khi tình nguyện chết thế cho một tù nhân khác.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp chia buồn đến Đức Cha Jean Planet, bày tỏ nỗi buồn của mình trước những gì xảy ra, ủy thác các nạn nhân cho lòng thương xót Chúa và cầu nguyện cho gia đình các nạn nhân.
“Tôi ghi nhận đặc biệt hành động quảng đại và anh hùng của Trung úy Beltrame Arnaud, người hiến mạng sống mình vì mong muốn bảo vệ người dân,” Đức Giáo Hoàng viết trong điện văn gởi vị Giám Mục Pháp.
“Một lần nữa tôi lên án hành vi bạo lực bừa bãi gây ra quá nhiều đau khổ,” Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh, và cầu nguyện xin Thiên Chúa ban cho nhân loại ân sủng hòa bình.
5. Phản ứng của Hội Đồng Giám Mục Pháp về vụ tấn công khủng bố tại Trebes
“Một lần nữa bạo lực đã ảnh hưởng đến nước ta. Bất kể vì động lực gì, hành động này là không thể chấp nhận và không thể biện minh được.”
Cha Olivier Ribadeau Dumas phát ngôn viên kiêm Tổng thư ký của Hội Đồng Giám Mục Pháp, đã cho biết như trên về những gì đã xảy ra ở Trèbes, nơi một tay súng đã bắt giữ các con tin trong một siêu thị. Ngài đặc biệt lên án chiến thuật mới của những tên khủng bố Hồi Giáo bắt người vô tội làm bia đỡ đạn cho mình.
Theo thông tấn xã AP, tên khủng bố tự nhận mình là một thành viên của bọn khủng bố Hồi Giáo IS, và điều này cũng đã được khẳng định bởi Thủ tướng Edouard Philippe, người đã nói rằng: “Tất cả những thông tin chúng tôi có được cho thấy rằng đây là một cuộc tấn công khủng bố”
“Chúng tôi cầu nguyện cho các nạn nhân”, cha Ribadeau Dumas cho biết thêm Hội Đồng Giám Mục Pháp ca ngợi hành động quả cảm của Trung úy Cal Arnaud Beltrame, 44 tuổi, đã thế chỗ cho một người phụ nữ bị tên khủng bố bắt giữ làm con tin. Anh đã qua đời trong sự thương tiếc của mọi người.
6. Một Giám Mục Ái Nhĩ Lan có thể sẽ lãnh đạo Vụ Truyền Thông Tòa Thánh
Việc bổ nhiệm lãnh đạo mới của Vụ Truyền Thông Tòa Thánh có lẽ là một trong những ưu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô hiện nay. Theo lịch làm việc của ngài, Đức Thánh Cha sẽ tiếp Đức Cha Paul Tighe trong tuần này, và có lẽ một thông báo bổ nhiệm sẽ sớm được công bố.
Đức Cha Paul Tighe sinh ngày 12 tháng Hai năm 1958 tại Navan, thuộc quận Meath, Ái Nhĩ Lan. Ngài tốt nghiệp cử nhân Luật Khoa tại Đại học Dublin vào năm 1979. Sau đó ngài gia nhập chủng viện Thánh Giá tại Clonliffe và học tiếp tại Đại Học Giáo Hoàng Ái Nhĩ Lan tại tại Rome, trước khi được thụ phong linh mục tại tổng giáo phận Dublin vào năm 1983.
Ngài được bổ nhiệm làm linh mục tuyên úy tại Đại Học Ballyfermot, nơi ngài cũng dạy học như một giáo sư. Sau đó, ngài sang Rôma dọn tiến sĩ thần học luân lý tại Đại học Giáo hoàng Gregoriô. Sau khi tốt nghiệp, từ năm 1990, ngài là giảng viên thần học luân lý tại trung tâm đào tạo Mater Dei – Mẹ Thiên Chúa – của tổng giáo phận Dublin. Từ năm 2000, ngài được bổ nhiệm làm khoa trưởng phân khoa thần học.
Trong thời gian xảy ra các tai tiếng lạm dụng tính dục tại Ái Nhĩ Lan, năm 2004, ngài được giao trách vụ giám đốc Văn phòng Truyền thông của tổng giáo phận Dublin. Ngài đã có sáng kiến thành lập văn phòng Dịch vụ Công cộng, nhằm thiết lập và cổ vũ một cuộc đối thoại lành mạnh và xây dựng giữa tổng giáo phận, chính quyền dân sự, và các tổ chức phi chính phủ ở Ái Nhĩ Lan và châu Âu.
Vào ngày 30 tháng 11 năm 2007, Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 bổ nhiệm ngài làm Tổng thư ký Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội, dưới quyền của Đức Tổng Giám Mục Claudio Maria Celli.
Trong một tiểu luận nhan đề “Thách thức đối với Giáo Hội trong một nền văn hóa kỹ thuật số,” Cha Tighe viết: “Việc xã hội đón nhận chung chung một cách thiếu phê phán những nguyên lý của chủ nghĩa tương đối được thể hiện một cách đặc biệt trong thế giới kỹ thuật số nơi người ta phải đối diện với một khối lượng quá lớn các thông tin và ý kiến, phần lớn là mâu thuẫn với nhau. Điều này có thể dẫn đến sự mặc nhiên chấp nhận rằng thật là vô nghĩa để nói về sự thật và tính khách quan. Khi đối mặt với rất nhiều khẳng định, lập luận và tranh luận đối kháng nhau, rất khó để quyết định đâu là thẩm quyền hợp pháp và chuyên môn.”
Nhận xét này của cha Tighe được nhiều người đánh giá là ngài có khả năng khái quát hóa cao độ các thực tại đang diễn ra trong xã hội. Có lẽ vì thế, ngày 09 tháng Bảy năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm ngài làm thư ký cho Uỷ ban truyền thông Vatican, một ủy ban được thiết kế để tìm hiểu xem nên cấu trúc lại các nỗ lực truyền thông của Vatican như thế nào. Sau khi kết thúc công việc của ủy ban, cha Tighe đã trình bày các kết luận của ngài cho Đức Thánh Cha Phanxicô và Hội đồng các Hồng Y cố vấn.
Không rõ lý do tại sao, sau khi đã được nghe các đề xuất của cha Tighe, vào ngày 27 tháng 6 năm 2015, Đức Thánh Cha lại bổ nhiệm Đức Ông Dario Edoardo Viganò làm Vụ trưởng Vụ Truyền Thông Tòa Thánh với một chương trình hành động mới – trong đó có nhiều điều gây tranh cãi như chuyện sa thải một số lớn các nhân viên làm việc trong đài Vatican cùng với việc bỏ hàng loạt các chương trình phát trên sóng ngắn – trong khi nhiều người trông đợi cha Paul Tighe sẽ được giao trách vụ này.
Vài tháng sau đó, ngày 19 Tháng 12 năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm cha Tighe làm đồng phó tổng thư ký của Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa. Ngày 27 tháng Hai, 2016, ngài được tấn phong giám mục. Ngài được thăng chức tổng thư ký của Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa ngày 28 Tháng Mười 2017.
7. Tông Huấn của Đức Thánh Cha về sự thánh thiện sẽ được công bố vào tháng Tư
Những tin đồn về việc Tòa Thánh sắp công bố một tài liệu của Đức Thánh Cha Phanxicô về sự thánh thiện đã được xác nhận. Trong một thông cáo báo chí đưa ra hôm 20 Tháng 3 năm 2018, nhà xuất bản Pháp Tequi nói họ có kế hoạch in và xuất bản tại Pháp Tông Huấn này vào tháng Tư.
Trước đó một tháng, hôm 28 tháng Hai, Đức Hồng Y Oscar Rodriguez Maradiaga, Tổng Giám Mục Tegucigalpa, Honduras, một trong 9 vị Hồng Y cố vấn của Đức Thánh Cha cho biết việc chuẩn bị văn bản này đang diễn ra trôi chảy.
Tài liệu này sẽ được công bố dưới dạng một Tông huấn và sẽ tập trung vào chủ đề sự thánh thiện.
8. Giám mục Quách tích Kim cuả Mân đông đã được thả nhưng cấm không được cử hành lễ Truyền Dầu.
Đức Giám Mục Vincent Quách tích Kim (Guo Xijin) đã được thả ra sau khi bị chính quyền giam giữ qua đêm. Ngài bị an ninh bắt giữ vào tối ngày 26 tháng ba, cùng với vị linh mục chưởng ấn.
Đức Giám Mục Quách, 59 tuổi, là vị giám mục “chui” của Mân đông, được công nhận bởi Tòa Thánh nhưng chính quyền thì không cho phép và hỗ trợ một giám mục bất hợp pháp là Giám Mục Chiêm tư Lỗ (Zhan Silu,) hiện nay vẫn còn mắc vạ tuyệt thông.
Theo nhiều tin đồn cho là “sắp xảy ra” một thỏa thuận giữa Trung Quốc và Vatican, thì Đức Giám Mục họ Quách đã được yêu cầu bước sang một bên nhường chỗ cho Giám Mục họ Chiêm, đã ngầm đệ đơn xin hoà giải với toà thánh Vatican, nhưng cho đến nay vẫn chưa có một tuyên bố chính thức nào là đã được tha.
Theo nguồn tin cuả AsiaNews thì Đức Giám Mục Quách đã từ chối không đồng tế với Giám Mục Chiêm tại Thánh lễ Truyền Dầu vào ngày mai, vì Giám Mục Chiệm vẫn còn chính thức ở trong tình trạng tuyệt thông.
Lý do ngài bị bắt đi vì cộng đồng chui cuả Mân đông đã dự tính tổ chức một Lễ Dầu sớm hơn, do đó cảnh sát bắt ngài để ngăn chặn không cho chủ trì buổi lễ. Họ cho phép ngài về nhà ngày hôm nay, nhưng cấm không được cử hành bất kỳ nghi lễ nào trong cương vị là giám mục.
Trước viễn ảnh của cái gọi là một thỏa thuận “lịch sử” giữa Trung Quốc và Vatican, một số giám mục và cộng đồng chui đang trở thành mục tiêu cuả một âm mưu bởi Hiệp Hội Yêu Nước nhằm ve vãn và kếp nạp họ để xoá bỏ phần nào cái khối lượng cuả giáo hội ngầm.
Cũng như thế vào đầu tháng ba vừa qua, Đức Giám Mục Julius Giả trị Quốc (Jia Zhiguo) cuả giáo phận Hà Bắc đã bị bắt đi để ngăn cản ngài không thể đưa ra bình luận về cuộc đối thoại giữa Trung Quốc và Vatican với các nhà báo nước ngoài, là những người đang theo dõi Hội nghị nhân dân quốc gia tại Bắc Kinh vào lúc đó. Trong thời điểm đó, thậm chí ở một nơi xa như Hắc Long Giang, các linh mục chui, cùng với vị giám quản điạ phận Cáp Nhĩ Tân là Giám Mục Giuseppe Triệu (Zhao) cũng đã bị bắt giam suốt thời gian.