Video: Hàng Giáo Phẩm Phi Luật Tân cảnh báo: “Im lặng là đồng lõa”

 

1. Giám Mục Phi Luật Tân nói: “Im lặng là đồng lõa”.

Một giám mục ở thủ đô Manila của Phi Luật Tân đã lên án những gì ngài mô tả là “sự im lặng của người Công Giáo”, đặc biệt là của các linh mục và giám mục, liên quan đến những vụ giết người kinh hoàng trong những ngày gần đây, cũng như vụ truy tố 4 Giám Mục Công Giáo.

Đức Cha Broderick Pabillo, Giám Mục Phụ Tá Manila, than phiền rằng các nhà lãnh đạo Giáo Hội đã im lặng ngoại trừ một số giám mục và các giáo sĩ có đàn chiên bị ảnh hưởng trực tiếp”.

Ngài cảnh báo rằng giữ im lặng như thế, chúng ta đứng về phía những kẻ tấn công, và để cho họ tự do tiếp tục những cuộc tấn công và tuôn ra những luận điệu dối trá.

“Khi chúng ta cho phép một người nào đó tự do làm sai một lần, chúng ta sẽ không ngần ngại để chính y hay một người khác làm điều đó một lần nữa, và sau đó lại một lần nữa khác.”

Đức Cha Pabillo đã đưa ra những lời bình luận trên hôm 12 tháng 8 trong một tuyên bố kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về làn sóng bạo lực trên đảo Negros miền trung Phi Luật Tân.

Ngài nói rằng chúng ta không thể mặc cho chính quyền thực hiện hay không thực hiện các cuộc điều tra theo sở thích của họ, đặc biệt trong các vụ việc có liên quan đến các binh sĩ và cảnh sát chính phủ tham gia vào các cuộc thảm sát bừa bãi.

Ít nhất 15 người đã bị các binh sĩ và cảnh sát giết chết ở tỉnh Negros vào tháng Bẩy, để trả thù cho cái chết của bốn cảnh sát viên trong một cuộc phục kích.

Trước đó, hôm 30 tháng 3, ít nhất 14 người khác đã thiệt mạng trong một vụ được chính quyền Phi mô tả là cuộc chạm trán vũ trang với lực lượng an ninh.

“Một cuộc tắm máu hiện đang diễn ra ở Negros. Điều này không thể tiếp tục. Các vụ giết người phải dừng lại,” Đức Giám Mục Pabillo nói.

Các nhóm nhân quyền đã báo cáo ít nhất 87 vụ giết hại thường dân không có vũ khí ở tỉnh Negros đã xảy ra kể từ khi chính phủ tăng cường những chiến dịch gọi là “chống nổi dậy” vào năm 2017.

Đức Cha Pabillo nói rằng ngay cả cuộc chiến chống ma túy của chính phủ cũng có thể bị hủy bỏ nếu người dân đừng giữ im lặng.

“Nếu ngay từ đầu, những lời tố cáo đã nổi lên từ tất cả các khu vực trong đời sống xã hội, thì nhiều cuộc sống có thể đã không bị đánh mất.”

Các nhóm nhân quyền tuyên bố hơn 20,000 người đã bị giết trong cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Rodrigo Duterte.

2. Vụ truy tố 4 Giám Mục Phi Luật Tân

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Cao điểm của các cuộc hành quân cảnh sát chống ma túy đã diễn ra từ 1 tháng Bẩy 2016 đến 30 tháng Tám 2018 với kết quả là 22,983 người bị giết trong các trường hợp không minh bạch. Đó là con số do chính cảnh sát Phi Luật Tân công bố. Theo Human Rights Watch, con số người bị giết có thể còn cao hơn nhiều.

Nhiều người bị giết trong đêm bởi những kẻ bịt mặt. Nhiều người bị cảnh sát đưa đi và giết chết sau khi tạo dựng các hiện trường giả vu cáo họ chống lại các lực lượng thi hành pháp luật. Hàng chục ký giả cũng bị giết.

Chính vì thế, hàng giáo phẩm Công Giáo kiên quyết chống lại đường lối chống ma túy của tổng thống Rodrigo Duterte. Các ngài tố cáo rằng thực tâm của cuộc chiến này là nhằm làm im tiếng những người đối lập hơn là chống ma túy; và nhiều thường dân vô tội đã bị lạm sát.

Chính vì chống lại chủ trương giết người bừa bãi này, Đức Tổng Giám Mục Socrates Villegas, Đức Tổng Giám Mục Pablo David, Thầy Armin Luistro, Giám Đốc Đại Học De La Salle và cũng là Tổng Thư Ký Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo của Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân đã bị truy tố vào ngày 26 tháng Bẩy vừa qua. Trong những tuần gần đây, còn có thêm Đức Cha Honesto Ongtioco của Cubao, Đức Cha Teodoro Bacani, Cha Flaviano Villanueva Dòng Ngôi Lời, Cha Albert Alejo, Dòng Tên và Cha Robert Reyes, một linh mục triều.

3. Phản ứng yếu ớt trước vụ truy tố 4 Giám Mục Phi Luật Tân và các giáo sĩ

Đức Cha Broderick Pabillo, Giám Mục Phụ Tá Manila, than phiền rằng vụ truy tố 4 Giám Mục Phi Luật Tân và các giáo sĩ tại nước này đã nhận được những phản ứng yếu ớt từ phiá người Công Giáo.

“Phải chăng vụ truy tố các giáo sĩ tội kích động bạo loạn đã gây ra được một sự sợ hãi bao trùm trong toàn xã hội?” Liên quan đến các vụ thảm sát tại Negros, Đức Cha Pabillo lưu ý rằng chỉ có bốn giám mục Công Giáo lên tiếng ngăn chặn sự đổ máu bất tận này.

“Tại sao các giám mục các giáo phận khác lại im lặng? Anh em phải chờ đợi những vụ giết người như thế lan sang các giáo phận khác sao?”

Đức Cha cũng than thở về sự im lặng của công chúng trước các cuộc tấn công vào các nhà phê bình chính phủ, bao gồm một số giám mục và linh mục Công Giáo, bị truy tố tội kích đông bạo loạn.

“Tất cả chúng ta đều biết rằng lời buộc tội này là hoàn toàn không có cơ sở. Chúng ta đều biết rằng đó là việc lạm dụng pháp luật để sách nhiễu. Tất cả chúng ta đều biết rằng đó là một mưu đồ để gây kinh hoàng cho những người dám phê bình chính phủ.”

“Im lặng không phải là một lựa chọn. Chúng ta phải nói – và nói ngay bây giờ! Hãy bảo vệ những người vô tội. Tố cáo những kẻ tấn công. Hãy nêu đích danh những lời buộc tội của họ là những lời nói dối!”

4. Phản ứng của các Giám Mục Hoa Kỳ về các vụ thảm sát gần đây

Phản ứng của các Giám Mục Hoa Kỳ về các vụ thảm sát gần đây rất đa dạng bao gồm việc kêu gọi phải có những luật lệ hiệu quả nhằm kiểm soát việc sử dụng sống trong dân chúng; và thay đổi tận căn thứ văn hóa bạo lực, thác loạn về tình dục, đề cao cá nhân, thù hằn chính trị. Cũng có các vị, như Đức Tổng Giám Mục Gustavo Garcia-Siller của San Antonio, chỉ trích mạnh mẽ chính sách sắc tộc của tổng thống Donald Trump. Trong khi đó, hầu hết, các Giám Mục đều lên tiếng khuyên bảo anh chị em cầu nguyện nhiều cho đất nước.

Đức Hồng Y Daniel DiNardo, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ và Đức Cha Frank J. Dewane, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Phát triển Nhân văn viết:

“Một lần nữa, chúng tôi kêu gọi phải có những luật lệ hiệu quả giải quyết đến nơi đến chốn lý do tại sao những vụ bạo lực súng giết người không thể tưởng tượng như thế này cứ lặp đi lặp lại, và tiếp tục diễn ra trong cộng đồng của chúng ta. Là những người có đức tin, chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân và xin ơn chữa lành cho tất cả các cộng đồng bị ảnh hưởng. Nhưng phải có các hành động cũng là điều cần thiết để chấm dứt những hành động ghê tởm này.”

5. Phản ứng của Đức Cha David Zubik, Giám Mục giáo phận Pittsburgh.

Lúc 1:05 phút sáng Chúa Nhật 4 tháng 8, Connor Betts, 24 tuổi trang bị một khẩu tiểu liên bắn nhanh đã nổ súng thảm sát bừa bãi trong khu vực các hàng quán bán khuya của thành phố Dayton, tiểu bang Ohio.

Chỉ trong vòng 30 giây sau khi y nổ súng, một cảnh sát viên đang có mặt tại hiện trường đã bắn chết y; nhưng khẩu tiểu liên của y bắn với tốc độ quá nhanh đến mức chỉ trong vòng 30 giây ngắn ngủi ấy, y đã có thể bắn chết 9 người, trong đó có em gái mình Megan Betts, 22 tuổi; và làm bị thương 27 người khác. Chính y đã cùng đi đến địa điểm này với em gái mình trước khi bắn chết cô ta. Diễn biến này gây âu lo cho Đức Cha David Zubik của giáo phận Pittsburgh.

Trong tuyên bố hôm 5 tháng Tám, Đức Cha Zubik đã nhắc lại biến cố này và kêu gọi phải có nhiều biện pháp kiểm soát súng ống nhằm “hạn chế quyền truy cập người dân đến các thứ vũ khí bắn nhanh với nhiều băng đạn.”

Ngài đặc biệt nhấn mạnh đến nhu cầu phải đóng cửa và truy tố các trang web khuyến khích các hành vi bạo lực, cũng như để cải thiện việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân và nỗ lực vượt qua não trạng kỳ thị chủng tộc.

Theo các tiết lộ sơ khởi của FBI, một cuộc khám xét nhà tên Connor Betts đã tìm thấy những bài viết cho thấy y hứng thú với việc giết người. Khi còn là học sinh Trung Học tại trường Bellbrook High School, tên sát thủ này đã lập danh sách các nam sinh trong trường mà y muốn giết chết và các nữ sinh y muốn hãm hiếp.

6. Đức Tổng Giám Mục Chaput nói: Cần nhìn sâu xa hơn các triệu chứng để giải quyết tình trạng giết người hàng loạt

Chỉ riêng luật kiểm soát súng mà thôi thì không đủ để ngăn chặn một cách hiệu quả các vụ xả súng giết người hàng loạt, Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput của Philadelphia, cho biết như trên trong một bài xã luận trước các vụ xả súng giết người hàng loạt gần đây ở Gilroy, California; El Paso, Texas; và Dayton, Ohio.

Ngài tin rằng cần phải có sự thay đổi sâu rộng não trạng xã hội để chuyển hoá nền “văn hóa bạo lực” hiện nay.

Trong bài xã luận trên tờ Catholic Philly ngày 05 tháng 8, Đức Tổng Giám Mục Chaput nói rằng ngài hoàn toàn ủng hộ việc kiểm tra lý lịch và các hạn chế khác trong việc xem xét ai là người được quyền mua vũ khí. Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục của Philadelphia nhấn mạnh rằng “chỉ có kẻ ngốc mới có thể tin rằng các luật ‘kiểm soát súng ống’ có thể giải quyết được vấn đề bạo lực xả súng giết người hàng loạt.

“Người dân sử dụng súng trong những vụ bi thảm này là các tác nhân luân lý với một tâm hồn bị biến dạng. Sự biến thái này được thực hiện bởi một thứ văn hóa thác loạn về tình dục, đề cao cá nhân, thù hằn chính trị, không trung thực về trí tuệ và thứ tự do đồi trụy mà chúng ta đã tạo ra một cách có hệ thống trong nửa thế kỷ qua.”

Đức Tổng Giám Mục đã quả quyết như trên từ kinh nghiệm của ngài khi còn là Tổng Giám mục Denver, những lúc ngài an ủi cộng đồng sau vụ nổ súng tại trường trung học Columbine, khi ngài lo việc chôn cất một số nạn nhân, và gặp gỡ gia đình của họ.

Trong buổi tường trình của ngài trước Thượng viện Mỹ một thời gian ngắn sau vụ nổ súng tại trường trung học Columbine, Đức Cha Chaput đã nói về “một nền văn hóa buôn bán bạo lực dưới hàng chục cách thế khác nhau”, là điều đã trở thành “ một phần của cơ cấu xã hội chúng ta.”

“Khi chúng ta xây dựng các chiến dịch quảng cáo đề cao sự ích kỷ và tham lam của người tiêu dùng, và khi tiền bạc trở thành thước đo phổ biến của các giá trị, thì chúng ta đừng ngạc nhiên khi thấy ý thức của chúng ta về cộng đồng bị xói mòn. Khi chúng ta tôn vinh và nhân lên gấp bội số lượng súng ống trong xã hội, thì đừng ngạc nhiên khi thấy trẻ em sử dụng súng.”

Đức Tổng Giám Mục Chaput cũng đề cập đến việc sử dụng án tử hình và việc hợp pháp phá thai như “một số loại giết người được chúng ta coi là nhân quyền và được pháp luật bảo vệ.” Những điều ấy tạo ra những mâu thuẫn xã hội có khả năng hạ giảm ý thức tôn trọng mạng sống con người.

Năm 1999, Đức Cha Chaput đề nghị Hoa Kỳ nên đón nhận một “cam kết không ngừng trong việc tôn trọng sự thánh thiêng của mỗi đời sống con người, từ khi còn trong bụng mẹ đến cái chết tự nhiên,” nếu không vụ nổ súng tại trường trung học Columbine sẽ không phải là vụ xả súng giết người hàng loạt cuối cùng.

“Khi xem xét cách thức và lý do tại sao nền văn hóa của chúng ta đang rao bán bạo lực, tôi yêu cầu các bạn đừng dừng lại với các triệu chứng. Hãy nhìn sâu xa hơn.”

Đức Tổng Giám Mục Chaput lặp đi lặp lại lời kêu gọi này trong bài xã luận, và nói rằng, “điều trị các triệu chứng trong một nền văn hóa bạo lực không có kết quả đâu. Chúng ta cần nhìn sâu xa hơn. Cho đến khi chúng ta sẵn sàng làm điều đó, về cơ bản, sẽ không có gì thay đổi.”

Tập trung vào tâm hồn của những kẻ thực hiện các vụ xả súng giết người hàng loạt, những kẻ mà tâm lý đã bị biến thái bởi nền văn hóa bạo lực được tạo ra trong 50 năm qua, tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Chaput khác biệt rõ rệt so với những tuyên bố của các giám mục Công Giáo khác sau các vụ thảm sát hồi cuối tuần qua.

7. Đức Tổng Giám Mục Dennis Schnurr của tổng giáo phận Cincinnati kêu gọi hướng về Đức Mẹ

Trong bài giảng Chúa Nhật 04 tháng Tám, Đức Tổng Giám Mục Dennis Schnurr của tổng giáo phận Cincinnati cho biết “với một tâm trạng nặng nề chúng ta hãy hướng về Chúa trong lời cầu nguyện vào ngày Chúa Nhật này. Khi những vụ xả súng bi thảm và dữ dội vẫn tiếp diễn ở đất nước chúng ta, tôi cầu xin mọi người có đức tin hãy tham gia trong lời cầu nguyện cho các nạn nhân và người thân của họ. Xin cho chúng ta, những người Công Giáo của Tổng giáo phận Cincinnati này, biết hiệp nhất cầu xin cùng Đức Mẹ thay cho các gia đình và lối xóm của chúng ta cho ơn bình an và chữa lành của Chúa Giêsu, Con của Mẹ tuôn đổ xuống trên đất nước chúng ta.”

Dân chúng Mỹ hiện đang nắm giữ trong tay số vũ khí cá nhân bằng một nửa kho vũ khí cá nhân của toàn thế giới. Chính vì thế, Đức Cha Mark Seitz của El Paso, nơi xảy ra vụ thảm sát sáng thứ Bẩy 3 tháng 8, cho biết ngài không trông đợi nhiều vào việc gia tăng các biện pháp kiểm soát súng. Thay vào đó, Đức Cha kêu gọi người dân El Paso “tái cam kết yêu thương và theo đuổi các hành vi chính đáng để giúp xã hội Hoa Kỳ vượt qua các chia rẽ và xây dựng một xã hội yêu thương nhiều hơn”.

8. Phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô: “Chủ nghĩa cô lập và Chủ nghĩa độc chủng chỉ dẫn đến chiến tranh”

Trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo La Stampa-Vatican Insider của Ý, Đức Thánh Cha Phanxicô nhìn nhận rằng châu Âu cần tôn trọng bản sắc của các dân tộc mà không tự đóng khung chính mình. Ngài đề cập đến một số vấn đề như chính trị, di dân, Thượng hội đồng vùng Amazon, môi trường và sứ vụ truyền giáo của Giáo hội.

Âu Châu phải được tồn vong vì đó là một di sản “không thể và không thể bị giải thể”. Đối thoại và lắng nghe, phải được “khởi đi từ bản sắc riêng của mỗi cá nhân “ và từ các giá trị nhân bản và Kitô giáo, như là những liều thuốc chống lại chủ quyền của chủ nghĩa Duy tôn giáo và chủ nghĩa độc chủng; đây cũng là động lực cho “một quá trình tái khởi động” mà không bao giờ được kết thúc.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ về những vấn đề này và nhiều vấn đề khác với ký giả Domenico Agasso, một chuyên gia và điều phối viên về những vấn đề nội bộ của Tòa Thánh ‘Vatican Insider’, và là một dự án trực tuyến hàng ngày của tờ nhật báo Ý “La Stampa”.

Đức Thánh Cha hy vọng châu Âu sẽ tiếp tục hiện thực giấc mơ của những người hình thành ra nó. Đó là một viễn kiến đã trở thành hiện thực bằng cách thể hiện sự thống nhất về lịch sử, văn hóa và địa lý đây là đặc trưng của lục địa này.

Theo Đức Thánh Cha thì thách đố chính của châu Âu trong việc tái khởi động chính nó phải bắt đầu bằng đối thoại. “Trong Liên minh châu Âu, chúng ta cần phải trao đổi với nhau, ngay cả đối đầu với nhau hầu có thể hiểu biết nhau”, Đức Thánh Cha giải thích làm thế nào thì làm phải đề cao “cái gia sản tinh thần” trước mọi lý luận! Ưu tiên phải là “châu Âu trước rồi mới tới từng quốc gia”.

Đức Thánh Cha đặc biệt bày tỏ mối quan tâm của Ngài trước những ý niệm về “Chủ nghĩa Quốc gia” và “Chủ nghĩa Độc chủng” mà ngài cho là một thái độ cô lập. Ngài bày tỏ mối lo âu của ngài trước những bài phát biểu tương tự như những bài phát biểu của nhà độc tài Hitler vào năm 1934.

Đức Thánh Cha cho hay chủ nghĩa Quốc gia thường là một cường điệu đưa tới một kết thúc tồi tệ là “nó dẫn đến chiến tranh”. Và Chủ nghĩa độc chủng là một cách áp đặt một thái độ dẫn đến chủ nghĩa quốc gia, ở đây chúng ta không nên nhầm lẫn với “chủ nghĩa đa chủng tộc”, đó là một thứ văn hóa cần được cổ súy. Đức Thánh Cha cho hay những chủ thuyết có chữ “ism” ở cuối một chữ trong tiếng Anh, hay chữ “duy” trong tiếng Việt thường có nghĩa không tốt!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *