Lúc 12h trưa Chúa Nhật, như những tuần trước đây, buổi Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng diễn ra tại Thư viện điện Tông toà và được truyền hình trực tiếp. Đức Thánh Cha đã có một bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh. Ngài nói:
Trong Tin Mừng hôm nay (x. Ga 14,1-12), chúng ta lắng nghe phần mở đầu “Diễn từ ly biệt” của Chúa Giêsu. Đây là những lời Ngài nói với các môn đệ vào cuối Bữa Tiệc Ly, ngay trước khi đối diện với Cuộc Khổ Nạn. Trong thời khắc kịch tính như vậy, Chúa Giêsu đã bắt đầu bằng những lời: “Anh em đừng xao xuyến” (c. 1). Ngài cũng nói điều đó với chúng ta trong các thảm kịch của cuộc sống. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể giữ cho tim mình khỏi xao xuyến? Vì sao lại sao xuyến?
Chúa chỉ ra hai phương thuốc cho sự xao xuyến, xáo trộn. Trước hết là: “Hãy tin vào Thầy” (c. 1). Lời khuyên này có vẻ đôi chút lý thuyết và trừu tượng. Nhưng đúng hơn, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta một điều cụ thể. Ngài biết rằng, trong cuộc sống, sự lo lắng tồi tệ nhất, nỗi xao xuyến, phát sinh từ cảm giác không làm được, từ cảm giác đơn độc và không có điểm tham chiếu trước những gì xảy ra. Nỗi thống khổ này, trong đó khó khăn chồng khó khăn, không thể vượt qua một mình. Chúng ta cần sự giúp đỡ của Chúa Giêsu, và đây là lý do tại sao Chúa Giêsu đòi phải tin vào Ngài, nghĩa là không dựa vào sức riêng mình, nhưng dựa vào Ngài. Bởi vì sự xao xuyến được giải thoát nhờ sự tin tưởng. Tín thác vào Chúa Giêsu làm chúng ta được vực dậy. Đây là điều giải phóng khỏi sự xao xuyến. Chúa Giêsu sống lại và hằng sống chính vì để luôn ở bên cạnh chúng ta. Do đó, chúng ta có thể nói với Ngài: “Lạy Chúa Giêsu, con tin rằng Ngài đã sống lại và rằng Ngài đang ở bên cạnh con. Con tin rằng Ngài lắng nghe con. Con mang đến với Ngài những gì làm con phiền muộn, những lo lắng của con: Con tin tưởng vào Chúa và con tín thác vào Chúa.”
Kế đến, Chúa Giêsu có một phương thuốc thứ hai cho sự xao xuyến, qua những lời này: “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở. […] Thầy đi dọn chỗ cho anh em” (câu 2). Đây là những gì Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta: Ngài đã đặt sẵn một chỗ cho chúng ta trên Thiên đàng. Ngài mang nơi mình nhân tính của chúng ta để vượt qua cái chết, đến một nơi mới trên Thiên Đàng, để Ngài ở đâu chúng ta cũng ở đó. Đây là điều chắc chắn an ủi chúng ta: có một nơi dành riêng cho mỗi người. Cũng có một chỗ cho tôi. Mỗi người chúng ta có thể nói: có một chỗ cho tôi. Chúng ta không sống theo kiểu không mục đích và không có đích đến. Chúng ta được mong đợi, chúng ta quý giá. Thiên Chúa yêu chúng ta, chúng ta là con của Ngài. Và Ngài đã chuẩn bị một nơi xứng đáng và đẹp nhất cho chúng ta: Thiên đàng. Chúng ta đừng quên: ngôi nhà mong đợi của chúng ta là Thiên đàng. Nơi trái đất này chỉ là trạm dừng chân. Chúng ta được dựng nên cho Thiên đàng, cho cuộc sống vĩnh cửu, để sống mãi mãi. Mãi mãi: đó là điều thậm chí chúng ta không thể tưởng tượng được. Nhưng còn đẹp hơn nữa khi nghĩ rằng sự mãi mãi này sẽ là tất cả trong niềm vui, trong sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa và với những người khác, không còn nước mắt, không còn hận thù, chia rẽ và xao xuyến.
Nhưng làm thế nào để đến được Thiên đàng? Đâu là con đường? Đây là câu quyết định của Chúa Giêsu hôm nay: “Thầy là đường” (c. 6). Để lên Thiên đàng thì con đường chính là Chúa Giêsu: là có một mối tương quan sống động với Ngài, là bắt chước Ngài trong yêu thương, và bước theo những gì Ngài làm. Và tôi, với tư cách là Kitô hữu, có thể tự hỏi: “Tôi theo con đường nào?”. Có những con đường không dẫn đến Thiên đàng: con đường thế gian, con đường tự khẳng định mình, con đường quyền lực ích kỷ. Và con đường của Chúa Giêsu là con đường của tình yêu khiêm nhường, của cầu nguyện, của dịu dàng, của tin cậy và phục vụ người khác. Đó không phải là con đường đặt mình là trung tâm, nhưng là con đường Giêsu là trung tâm của đời sống tôi. Hãy bước đi mỗi ngày và hỏi Ngài: “Lạy Chúa Giêsu, Ngài nghĩ gì về sự lựa chọn này của con? Ngài sẽ làm gì trong tình huống này, với những người này?” Sẽ thật tốt cho chúng ta khi hỏi Chúa Giêsu, Đấng là con đường, dẫn lên Thiên đàng. Xin Đức Mẹ, Nữ vương Thiên Quốc, giúp chúng ta bước theo Chúa Giêsu, Đấng mở cửa Thiên đàng cho chúng ta.
—-
Như thường lệ, sau Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha chào và nhớ đến những người đặc biệt. Ngài nói:
Hôm nay tôi nghĩ đến Châu Âu và Châu Phi. Nghĩ đến châu Âu, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Tuyên bố của Schuman, ngày 9 tháng 5 năm 1950. Nó truyền cảm hứng cho quá trình hội nhập châu Âu, cho phép hòa giải các dân tộc của lục địa này sau Chiến tranh thế giới thứ hai, và thời kỳ ổn định lâu dài và hòa bình chúng ta tận hưởng ngày hôm nay. Tinh thần Tuyên bố của Schuman không ngừng truyền cảm hứng cho những người có trách nhiệm trong Liên minh châu Âu, được kêu gọi để đối diện với hậu quả xã hội và kinh tế do đại dịch trong tinh thần hòa hợp và cộng tác.
Tôi cũng nhìn về Châu Phi, bởi vì vào ngày 10 tháng 5 năm 1980, bốn mươi năm trước, trong chuyến viếng thăm mục vụ đầu tiên của mình đến lục địa này, Thánh Gioan Phaolô II đã lên tiếng cho tiếng kêu của các dân tộc miền Sahel, bị hạn hán nghiêm trọng. Hôm nay tôi xin chúc mừng những người trẻ đang làm việc với sáng kiến “Cây xanh Laudato Sì”. Mục tiêu là trồng ít nhất một triệu cây xanh trong khu vực Sahel, và sẽ trở thành một phần của “Vạn Lý Trường Thành Xanh của Châu Phi”. Tôi hy vọng rằng nhiều người có thể theo gương liên đới của những người trẻ này.
Hôm nay, tại nhiều quốc gia, mừng Ngày của Mẹ. Tôi muốn nhớ tất cả các bà mẹ với lòng biết ơn và tình cảm. Tôi phó thác họ dưới sự bảo vệ của Đức Maria, Mẹ Thiên Quốc của chúng ta. Tôi cũng nghĩ đến những người mẹ đã bước qua một đời sống khác và họ đồng hành cùng chúng ta từ Thiên đàng.
Trước khi kết thúc, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người dành đôi chút thinh lặng để nhớ về mẹ của mình.
Văn Yên, SJ – Vatican News