Thực hiện lời hiệu triệu “Thống hối và Cầu nguyện” theo ý chỉ của Bề Trên Tổng Quyền Dòng Gerald Timoner OP, Huynh Đoàn Bình Đại đã tổ chức Tam Nhật Tĩnh Tâm cho anh chị em đoàn viên tại Giáo xứ (03/10/2020) và tại Đan viện Thánh Mẫu dòng Xi-tô Phước Vĩnh, Trà Vinh (05 và 06/10/2020) trong tâm tình thống hối TRỞ VỀ VỚI CHA.
XEM THÊM HÌNH ẢNH
Khai mạc Tam Nhật Tĩnh Tâm, cha linh hướng kiêm chánh xứ Giuse Trần Quốc Bảo mời gọi mỗi đoàn viên hãy đặt mình trước Thánh Thể Chúa trong giờ Chầu để xét mối tương quan bản thân mình với Giáo hội, với xã hội, với tình huynh đệ trong Huynh đoàn, và với chính bản thân mỗi người. Để trong các mối tương quan đó, mình nhìn rõ con người mình cùng với những thiếu sót, sai lầm, sự ích kỷ và kiêu căng của bản ngã để nài xin Lòng Thương Xót Chúa bao dung, thêm sức mạnh, can đảm nhìn nhận tội lỗi của mình dứt khoát xưng thú, sám hối, và quyết tâm thay đổi hoàn toàn nếu không quyết tâm sửa đổi thì nguy cơ quay lại với lỗi phạm trước đây là không tránh khỏi. Đời sống của đoàn viên phải sống có trách nhiệm với môi trường mình đang sống, và cộng đoàn mình đang sinh hoạt. Chúng ta không thể là chính mình khi mình sống thờ ơ, lãnh đạm, vô trách nhiệm với anh chị em mình. Mỗi đoàn viên phải mạnh dạn dứt khoát với óc bè phái, lòng đố kỵ, sự ích kỷ và tánh nết kiêu căng, ương ngạnh để thật sự sống hiệp thông tình huynh đệ với nhau.
Hãy thật lòng sám hối để nhận ra ân ban của Thiên Chúa tuôn đổ cho anh chị em hàng ngày, hàng giờ.
Hãy mau mắn sám hối để nhận thấy bản thân mình còn nhiều thiếu sót, và lỗi phạm phải cậy nhờ sự bao dung tha thứ của Thiên Chúa cũng như của anh chị em mình.
Hãy siêng năng sám hối để nhận ra tình yêu của Thiên Chúa đối với cá nhân mình và sám hối để ta biết tha thứ cho anh chị em mình, như Chúa đã tha thứ cho ta vậy.
Bên không gian yên tĩnh và thanh thoát của Đan viện dòng Xi-tô. Thầy Phê-rô Nguyễn Công Khanh, OP hướng dẫn chia sẻ tâm tình thật lòng thống hối lỗi lầm; được khắc họa rõ nét qua hình ảnh Đứa Con Hoang Đàng trong Tin Mừng thánh Lu-ca (x. Lc. 15,11-21). Trên hành trình đức Tin – Cuộc sống của đoàn viên Đa Minh – Lắm lúc chính ta là những Đứa Con Hoang Đàng và Thiên Chúa là Người Cha giàu lòng thương xót luôn chờ đón con cái của Người trở về để được tha thứ và phục hồi tư cách làm con Thiên Chúa.
Thiên Chúa đã yêu thương loài người nên khi dựng nên loài người thì đã ban cho họ quyền tự do tối thượng. Vì thế, loài người đã lạm dụng sự tự do Chúa ban mà sử dụng sai quyền tự do của mình, để trở nên bất tuân, không vâng lời Thiên Chúa. Cũng như Đứa Con Hoang Đàng muốn thoát khỏi sự quan tâm chăm sóc, bảo ban của cha mình. Anh ta không muốn phụ thuộc vào cha của mình nữa nên đã xin cha chia gia tài, đã quyết định bỏ nhà đi hoang, ăn chơi xa xỉ… Bởi vì nó muốn được tự do quyết định sự thành – bại của cuộc đời mình. Và vì muốn được thỏa mãn ý riêng và những suy nghĩ ích kỷ của mình, người con thứ đã phải trả giá: sau khi tiêu sạch hết tài sản được chia; Đứa Con này phải đi chăn heo. Tệ hơn nữa là muốn ăn thức ăn của heo mà còn không được. Nghĩa là tình trạng đời sống xuống dốc đến tột cùng.
Tất cả chúng ta, dù nhiều hay ít, đều là những người tội lỗi. Nhưng chính trong tội lỗi và qua tội lỗi mà chúng ta cảm nhận được lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu chúng ta không bao giờ phạm tội thì chúng ta cũng không bao giờ cảm nhận được niềm vui được tha thứ. Nói thế không có nghĩa là khuyến khích chúng ta cứ phạm tội. Nhưng nói như thế là để chúng ta càng hiểu được tình thương vô biên của Thiên Chúa.
Thống hối cũng là hành vi đức tin căn bản nhất về thái độ đáp trả của con người trước tình yêu, và lòng xót thương vô biên của Thiên Chúa.
Lòng thống hối là cánh cửa thiêng liêng mở khóa cho tâm hồn ta, để có thể gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa. Đức Giê-su đã làm gương cho chúng ta về lòng thống hối khi Ngài đã từ bỏ địa vị Thiên Chúa, mặc lấy kiếp phàm nhân, sống như một người phàm.
Trong đời sống tâm linh, lòng thống hối là tiêu chí cần thiết giúp ta ý thức thân phận tội lỗi của mình trước Thiên Chúa, để có thể đón nhận sự tha thứ và sức mạnh siêu nhiên Ngài ban cho ta. Đồng thời, việc thành tâm sám hối còn giúp ta vượt qua cửa ải của “cái chết linh hồn”; vì Đức Kitô đã cảnh báo: nếu không sám hối, thì tất cả sẽ chết hết (x. Lc. 13, 3b).
Lòng thành tâm thống hối có liên hệ khăng khít với đời sống cầu nguyện. đây chính là điểm nhấn của Tin Mừng Lu-ca. Thánh Lu-ca cho chúng ta thấy đời sống cầu nguyện liên lỉ của Đức Giê-su trong suốt hành trình sứ vụ. Trước mỗi biến cố quan trọng, như khi chịu Phép Rửa, khi tuyển chọn 12 tông đồ, khi bước vào cuộc khổ nạn…, Đức Giês-su đều cầu nguyện; nhờ đó, Ngài có thể lắng nghe tiếng Chúa Cha và chu toàn trọn hảo Chương trình Cứu độ. Ngài cũng dạy chúng ta cầu nguyện cách khiêm tốn, xứng hợp; cầu nguyện cho Nước Chúa trị đến; cầu nguyện cho Danh Chúa cả sáng; cầu nguyện cho ý Chúa được tỏ hiện (x. Lc. 11, 1 – 4; 18, 9 – 14). Đức Giê-su cũng mời gọi chúng ta hãy kiên trì trong cầu nguyện (x. Lc. 18, 6 – 8), và đặc biệt là mời gọi mỗi người “hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc. 21, 36). Với Tin Mừng thánh Lu-ca, việc cầu nguyện giúp tăng trưởng và là men muối sự sống thần linh cho chúng ta.
Lòng thống hối, song song cùng lúc với việc cầu nguyện sẽ đơm hoa kết trái thiêng liêng khi nó được gắn kết với sự từ bỏ mọi dính bén làm thương tổn đến linh hồn chúng ta. Tin mừng thánh Lu-ca chỉ cho chúng ta một thái độ sống để có thể trở nên môn đệ đích thực của Đức Ki-tô. Đó chính là “từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (x. Lc 9, 23). Xuyên suốt Tin mừng Luca, chúng ta thấy vấn đề “từ bỏ” được nhắc đến nhiều lần (9, 3; 9, 57 – 61; 14, 33…), Chúng ta được kêu gọi từ bỏ mọi sự bất lợi cho sự sống linh hồn, để tín thác và sống trọn vẹn cho Thiên Chúa.
Chủ đề “thống hối, cầu nguyện” để rồi đi đến “từ bỏ” có ý nghĩa đặc biệt đối với anh chị em đoàn viên Đa Minh hôm nay. Để có thể trở nên nhân chứng cho Đức Ki-tô trước một thế giới có nguy cơ lãng quên Thiên Chúa, chứng nhân giữa một thế giới đầy hận thù, thích bạo lực, ghen tương, tranh chấp, sống vô cảm dửng dưng trước nạn nghèo đói, bệnh tật, đang mất dần ý thức sự tội… thì mỗi đoàn viên cần phải lưu tâm nghiệm xét lại thái độ sống của bản thân mình trong mối tương giao với Thiên Chúa và tha nhân.
Đời sống cầu nguyện là nền tảng và là sự sống cho anh chị em, khi chúng ta khi tiếp nhận xung lực thần linh mới trong Chúa Thánh Thần.
Đứa Con Hoang Đàng, nói được là hình ảnh phổ biến trong Huynh đoàn chúng ta, khi ai đó muốn sống theo ý riêng của mình, bất kể những nỗ lực của Ban Phục Vụ, và anh chị em đoàn viên khuyên nhủ, ngăm đe, dìu dắt họ từng bước lớn lên trong Luật Sống Giáo Dân Đa Minh, cùng những lời cầu nguyện thấm đẫm tình yêu dành cho những suy nghĩ lệch lạc, ích kỷ của họ. Nhưng cộng đoàn được đáp lại bằng những lời hằn học, hiếu chiến, bằng thái độ vô kỷ cương, phá bĩnh… của họ mà thôi
Vâng, TRỞ VỀ VỚI CHA cũng chính là về với anh em, con cùng một Cha Trên Trời. Nhưng TRỞ VỀ VỚI CHA trong bộ dạng tả tơi, hai bàn tay trắng, và một con tim tan nát vì mặc cảm tội lỗi là một điều khó vô cùng. Phải khiêm nhu nguyện cầu và xin Thánh Thần Chúa trợ giúp thì trở về mới thành công.
Ai đó nói rằng: Các vị thánh làm chứng về ân sủng và lòng trung thành của Thiên Chúa; còn những người tội lỗi thì làm chứng về tình thương và lòng thương xót của Chúa. Đúng là như vậy !
Đỉnh cao của những ngày “Thống Hối và Cầu Nguyện” chính là Thánh Lễ do cha Đặc Trách Huynh Đoàn Gp. Cần Thơ và Vĩnh Long cử hành hiệp dâng lên Chúa với tất cả anh chị em Huynh đoàn trong nguyện đường tĩnh tâm của Đan Viện: Cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong Giáo hội và trong cộng đoàn ở Bình Đại; cầu cho những anh chị em đang đau khổ bởi các thứ bệnh hoạn tật nguyền; cầu nguyện cho những anh chị em đã qua đời trong cơn đại dịch Covid-19; hiệp ý cùng tang quyến của họ; và cầu nguyện cho những ai san sẻ đau khổ của họ.
NGƯỜI BÌNH ĐẠI