Thư tháng 03.2021 : Trên hành trình cuộc đời

Người ta thường nói rằng cha mẹ không ở mãi với con, con cái cũng không ở mãi với cha mẹ, chỉ có người bạn đời mới ở với ta trọn cuộc đời. Nhận xét đó có phần đúng nếu như ta giới hạn ý nghĩa của khái niệm “ở với” trong tính chất hữu hình, qua sự kiện hai người cùng hiện diện hoặc liên kết với nhau trong một gia đình, trong một ngôi nhà hoặc trong những mối liên hệ cụ thể của đời sống gia đình.

Tuy nhiên, nếu chúng ta hiểu “ở với” như là một mối tương quan sâu xa của lịch sử, trong dòng sự sống, trong bề dày nghĩa tình, cũng như trong sự liên đới trách nhiệm… thì những người “ở với ta” suốt cả cuộc đời, thiết yếu phải bao gồm cha mẹ và con cái.

Nếp sống “gia đình hạt nhân” (cha mẹ và con cái) trở thành xu thế tất yếu của thế giới hiện đại. Quả thật gia đình hạt nhân có nhiều ưu điểm, không phải chỉ là sự năng động để sống và phát triển, nhưng cũng hàm chứa nhiều giá trị về ý nghĩa và phẩm giá con người…. Gia đình hạt nhân bình thường sẽ làm phai lạt ít nhiều tình nghĩa gia tộc. Tuy nhiên, nếu trong khía cạnh tổ chức, gia đình hạt nhân trái ngược với nếp sống “tam/tứ đại đồng đường”(ba hoặc bốn thế hệ cùng sống trong một nhà), thì trong bình diện ý nghĩa, những giá trị của gia đình hạt nhân không hề mâu thuẫn với giá trị trong nếp sống đại gia đình. Đúng hơn, đối diện với trào lưu hiện đại, khi gia đình hạt nhân càng ngày càng mở rộng, thì con người lại càng phải trân trọng nhiều hơn, khám phá sâu xa hơn, tìm những phương cách khác hơn để nuôi dưỡng giá trị của tình nghĩa gia tộc, ơn nghĩa ông bà tổ tiên…

Hơn hết mọi ý nghĩa nhân bản, đời sống đức Tin cung cấp cho người tín hữu một giá trị nền tảng của việc kính nhớ ông bà tổ tiên. Theo tín lý Kitô giáo, vận hành của thế giới này, một cách chính yếu, không phải là nguyên lý công bằng, sòng phẳng, và cũng không phải chỉ là “trách nhiệm xã hội” trong giới hạn những mối liên hệ trực tiếp; nhưng vận hành của thế giới con người được hướng dẫn theo “nguyên lý phúc” (được cho-không và hãy cho-không), được thúc đẩy từ động lực mắc nợ nghĩa tình, và mở ra chiều kích trách nhiệm. Mỗi con người được sinh ra, được nuôi dưỡng, giáo dục là đã được lãnh nhận ân huệ cho-không của Thiên Chúa qua tổ tiên, ông bà, cha mẹ; đồng thời, mỗi người cũng mang lấy trách nhiệm đối với con cái của mình và với cộng đồng nhân loại.

Như thế, tâm tình tri ân với tổ tiên, cha mẹ vừa thực sự là một đòi buộc luân lý, vừa là nguyên lý mang lại ý nghĩa nhân sinh chân thực, vừa là động lực sâu xa giúp con người có sức mạnh để đối diện với những thách đố của cuộc sống.

Như thế, tình nghĩa của cha mẹ trong tâm hồn con cái chắc chắn không phải là điều dư thừa, không phải là một tâm tình lỗi thời, và cũng không phải chỉ là một đòi buộc thuần tuý luân lý; nhưng tình nghĩa ấy luôn là một động lực chân chính và mạnh mẽ đối với con người, trên suốt hành trình cuộc đời, dù người ta có thành đạt hay trở nên ông nọ bà kia trong xã hội. Tâm tình tri ân đối với tổ tiên, cha mẹ càng sống động, càng mạnh mẽ, thì con người càng có nhiều cơ may sống một đời người tốt đẹp. Bài hát “Cầu cho cha mẹ 2“ cho thấy ý nghĩa ấy : ”…Mai con lớn lên rồi, ra đi tung cánh trong đời; dù xa vô bờ, vẫn nhớ đến tình mẹ cha…”

Quả thật, đời sống đức Tin đón nhận những tâm tình tự nhiên của con người, đón nhận những giá trị sâu xa của đời sống gia đình, rồi thanh lọc những lệch lạc, phục hồi giá trị căn bản và nâng cấp đến sự hoàn bị trong ơn cứu độ của đức Giêsu Kitô. Trong đức Tin Kitô giáo, người Kitô hữu càng biết trung tín với Chúa cách chân chính, sẽ càng biết sống nhân bản đích thực, càng biết hiếu thảo ông bà cha mẹ nhiều hơn.

Các bạn trẻ Đa Minh thân mến,

Thế giới hiện đại đặt các bạn đối diện với nhiều thách đố, những thách đố của tương lai. Tuy nhiên, chính đức Tin sẽ giúp các bạn gìn giữ quá khứ, trân trọng nghĩa tình. Mong sao tâm hồn các bạn luôn mang theo hình ảnh mẹ cha như những kỷ niệm thân thương và như một động lực sống trên con đường đời.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *