1. Các giám mục Nam Hàn tố cáo tình cảnh đổ máu ở Miến Điện
Các giám mục Công Giáo Nam Hàn đã lên án bạo lực chết người ở Miến Điện khi nhiều người tiếp tục bị giết trong cố gắng đàn áp các cuộc biểu tình chống đảo chính trên toàn quốc.
Trong một tuyên bố đưa ra tại cuộc họp gần đây của Hội đồng Giám mục Công Giáo Nam Hàn, gọi tắt là CBCK, các giám mục Nam Hàn bày tỏ sự đoàn kết với nguyện vọng của người dân Miến Điện về việc chấm dứt chế độ quân sự và khôi phục nền dân chủ.
“ Chúng tôi bày tỏ tình đoàn kết với anh chị em, nỗi đau và nỗi buồn đã giáng xuống họ trong bối cảnh Miến Điện đang khủng hoảng. Giáo hội Nam Hàn hết sức lo ngại về tình trạng bạo lực và đổ máu gần đây”, tuyên bố viết.
“Rất nhiều người đã đổ máu và chết chỉ vì họ kêu gọi tự do, dân chủ và hòa bình, và một cuộc sống đàng hoàng không ai có thể xâm phạm, đang bị chà đạp”.
Các giám mục cũng đề cập đến các cuộc đấu tranh của người dân Nam Hàn nhằm chấm dứt chế độ độc tài quân sự và trở lại nền dân chủ vào những năm 1980. Cuộc nổi dậy dân chủ năm 1987 ở Nam Hàn đã chấm dứt chế độ quân phiệt kéo dài 6 năm của tổng thống Chun Doo-hwan.
“Nam Hàn đã trải qua một thời kỳ đau thương như Miến Điện, và chúng tôi đã học được qua lịch sử rằng sự đoàn kết của những người bình thường và giản dị có thể tạo ra một thế giới mới”, các giám mục lưu ý.
Các giám mục cho biết các ngài tiếp tục cầu nguyện cho người dân Miến Điện trong mùa chay thánh. “Trong Mùa Chay, chúng ta suy niệm sâu sắc về mầu nhiệm thập giá và sự phục sinh của Chúa Giêsu, đồng thời chúng ta cũng chia sẻ trong tình liên đới và huynh đệ nỗi buồn đau khôn tả của anh chị em chúng ta ở Miến Điện, những người đang bước trên con đường thập giá”.
Các giám mục cho biết họ hết lòng cầu nguyện rằng nền dân chủ có thể tồn tại thông qua đoàn kết dân tộc và mong muốn của người dân Miến Điện thành hiện thực càng sớm càng tốt thông qua đối thoại cởi mở.
Tuyên bố của các giám mục Nam Hàn được đưa ra sau lời kêu gọi của Đức Hồng Y Charles Maung Bo của Yangon, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Miến Điện, gửi đến Giáo hội Nam Hàn để được giúp đỡ.
Cảnh sát và binh lính Miến Điện đã tiến hành một cuộc đàn áp tàn bạo bằng vũ khí bao gồm đạn thật và hơi cay vào những người biểu tình khiến ít nhất 149 người chết và hàng trăm người bị thương trên khắp đất nước.
CBCK đang thu xếp để gửi viện trợ cho người dân ở Miến Điện.
Source:UCANews
2. Cái chết thương tâm của một em bé Miến Điện
Trong số ra ngày 20 tháng Ba, tờ National Catholic Register của hệ thống truyền hình Công Giáo Hoa Kỳ có bài tường thuật sau. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Hiền Hòa.
Tôi có nhiệm vụ buồn phải nói với các bạn rằng một cậu bé 14 tuổi mà bạn chưa từng nghe nói đến, đã chết vì một viên đạn vào đầu.
Tên chú bé ấy là Zin Ko Ko Zaw. Tên của em là Zin Ko Ko Zaw, tiếng Miến Điện có nghĩa là “Ca sĩ nổi tiếng”, phản ánh hy vọng của cha mẹ em khi họ đặt tên cho em lúc vừa mới chào đời.
Em qua đời vào ngày 3 tháng 3 lúc 11:58 sáng theo giờ địa phương trong khi phản đối một cách hòa bình chống lại chế độ quân phiệt Mácxít đang đưa Miến Điện trở lại thời kỳ hỗn loạn và đẫm máu.
Em đang biểu tình cùng bạn bè trên đường phố Myingyan – khu phố dành cho tầng lớp lao động nghèo ở Mandalay. Em đã theo học trường Trung học cơ sở và có lẽ đang học lớp 9 – nếu đại dịch COVID-19 quỷ quái này không cắt ngang việc học của em một năm trước.
Tôi nhìn thấy em ở gần phía trước đám đông biểu tình. Em đang đứng ở nơi mà lẽ ra không ai nên đứng, vì không có gì che chắn. Tôi đã mất dấu em trong đám đông hoảng loạn. Về phần em, em đang rất vui – đó là cái vô tư hồn nhiên của những em bé ngốc nghếch tin rằng bản thân mình bất tử, kiên cường, bất khả xâm phạm. Vài giây sau, chúng tôi nghe thấy phát súng giết chết em.
Tiếng những phụ nữ ré lên. Mẹ của Zin Ko Ko Zaw ngã vật xuống đất. Những người đàn ông không chạy nữa, khuỵu gối xuống, nước mắt tuôn rơi. Bạn bè của em đứng chết trân, không thể rời mắt khỏi cái xác nằm gục, mà trước đó chỉ vài giây vẫn còn là một đứa trẻ còn sống, hồn nhiên, và sôi nổi.
Zin Ko Ko Zaw đã ở đó và lặp lại bất cứ lời ca, nhịp điệu nào mà em nghe thấy những người lớn hát – bằng tiếng Miến Điện hoặc tiếng Anh. Thật trùng hợp, hầu hết các khẩu hiệu chống chế độ quân phiệt Mácxít này ở khắp nơi trong thị trấn đều được viết bằng tiếng Anh – một số trong đó có ngữ pháp và chính tả tốt một cách đáng ngạc nhiên.
Tôi chưa bao giờ thấy ai đó bị bắn và tôi cầu xin Chúa cho tôi không bao giờ phải chứng kiến điều đó nữa. Em là một đứa trẻ với toàn bộ cuộc sống của mình phía trước, nhưng những cụm từ đầy hy vọng này mất hết ý nghĩa khi bạn nhìn thấy một đứa bé đã chết. Em đến với cuộc tuần hành vì em biết có điều gì đó không ổn với cách thức chính phủ đang hành động nhưng chúng ta không thể mong đợi em hiểu rõ hoàn toàn hậu quả của những kẻ gian ác đang có súng trong tay.
Cái chết của Zin Ko Ko Zaw xảy ra hai ngày sau khi nữ tu Ann Rosa Nu Tawng gây xôn xao dư luận trên mạng khi sơ quỳ gối trước một hàng binh lính vũ trang. Họ đang hò hét giận dữ. Quyết tâm lạnh lùng, cứng rắn của sơ là bảo vệ đồng bào của mình tại bệnh viện miễn phí mà sơ điều hành. Là một nhà báo và một người nước ngoài, tôi có thể là một con bò thiêng, nhưng một nữ tu Miến Điện thì có là gì đối với họ? Họ sẽ không ngần ngại nghiền nát sơ ấy để làm gương cho tất cả những ai dám thách thức họ. Tôi đã hứa với Chúa rằng nếu ai đó trong số những binh lính dữ dằn này chạm vào sơ ấy, tôi sẽ cố bảo vệ sơ, bất kể điều gì có thể xảy ra. Chúa lòng lành vô cùng, Ngài vượt thắng mọi sự và những người lính đã phớt lờ người nữ tu. Tôi chỉ còn là một người quan sát bên ngoài, không có cơ hội để kiểm tra dũng khí của mình.
Tôi nhìn những người lính, nhiều người trong số họ hầu như chưa qua tuổi thiếu niên.
“Tôi sẵn sàng chết để cứu Myanmar”, Sơ Ann Rosa van xin, nhắc đến tên gọi mới của đất nước mà chính quyền quân sự đã đặt cho Miến Điện. “Nhưng xin đừng làm tổn thương những thường dân này. Họ đã không làm gì các anh em. Họ không có vũ khí. Họ không thể là mối nguy hiểm cho các anh em”.
Sơ Ann Rosa là Nữ tu của dòng Thánh Phanxicô Xaviê và là anh hùng mới của tôi. Có lẽ, một ngày nào đó, tôi sẽ tìm cách bắt tay sơ ấy.
Zin Ko Ko Zaw không may mắn như sơ Ann Rosa. Chỉ trong tích tắc của cái bóp cò, em đã biến mất. Không có logic nào mà tôi có thể dựa vào đó để giúp chúng ta hiểu những gì đã xảy ra với Zin Ko Ko Zaw. Nó chỉ đơn giản là không nên xảy ra. Trẻ con không thể bị giết vì bất cứ lý do gì. Một người lính bắn chết đứa trẻ tội nghiệp này và tước đoạt đi khỏi những bậc cha mẹ yêu thương em, những người thầy và những người bạn yêu quý của em này, thì điều này là bất chấp lý trí. Nó bất chấp Luật Tự nhiên. Nó thách thức Chúa.
Tôi loạng choạng về nhà các đó 8km vì không có xe taxi trong những ngày này. Và khi tôi đi bộ một mình qua đám đông hoang mang, khuôn mặt tôi phản ánh sự kinh hoàng và bối rối mà tôi thấy ở họ.
Source:National Catholic Register
3. Đức Tổng Giám Mục Gomez kêu gọi người Công Giáo tin tưởng vào Thánh Giuse trong hoàn cảnh đại dịch coronavirus kinh hoàng hiện nay
Vào ngày lễ Thánh Giuse, Đức Tổng Giám Mục José Gomez của Los Angeles đã khuyến khích người Công Giáo suy ngẫm về những tính cách đơn sơ nhưng mạnh mẽ của phu quân Đức Maria này.
“Chúng ta mừng kính Thánh Giuse hôm nay vì trong câu chuyện của ngài, chúng ta thấy câu chuyện của chúng ta”, Đức Tổng Giám Mục Gomez nói trong bài giảng của ngài tại Thánh lễ ngày 19 tháng Ba tại Nhà thờ Đức Mẹ Nữ Vương Các Thiên thần.
“Anh chị em và tôi thuộc về đại gia đình của Chúa. Với Thánh Giuse, chúng ta là một phần của gia đình các anh hùng và các thánh kéo dài từ thời sơ khai đến nay!”
Đức Thánh Cha Phanxicô dành năm phụng vụ này để kính Thánh Giuse. Đức Tổng Giám Mục Gomez nhấn mạnh vai trò quan trọng của vị thánh này khi thế giới phải đối mặt với đại dịch COVID-19.
Ngài nhận xét rằng Thánh Giuse là một người đàn ông bình thường nhưng cũng là cha nuôi của Con Thiên Chúa và là người cầu bầu đầy quyền thế của Giáo hội. Ngài khuyến khích những người Công Giáo hãy suy ngẫm về tấm gương của thánh nhân.
“Chúng ta thực hiện sứ mệnh của mình, giống như Thánh Giuse đã làm. Bằng cách phục vụ Chúa Giêsu qua công việc bình thường trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Trong các khu phố, nhà thờ và trường học của chúng ta. Và cách riêng, trong ngôi nhà và gia đình của chúng ta”, Đức Tổng Giám Mục Gomez nói.
“Hôm nay, như anh chị em biết, cũng là ngày đánh dấu sự bắt đầu của ‘Năm Amoris Laetitia gia đình’, và Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu chúng ta phải suy nghĩ về niềm vui của tình yêu trong gia đình chúng ta. Và thật phù hợp khi chúng ta tổ chức lễ mừng gia đình trong năm Thánh Giuse này. Vì Thánh Giuse đã phục vụ kế hoạch của Thiên Chúa với tư cách là một người chồng và một người chu cấp cho gia đình mình”.
Đức Tổng Giám Mục chỉ ra các biểu tượng gia đình và quan hệ họ hàng thiêng liêng trong suốt Kinh thánh. Ngài nói rằng, như Thiên Chúa đã hứa với Tổ Phụ Áp-ra-ham, toàn thể Giáo hội đã trở thành con cái đức tin qua Chúa Kitô.
Trước tình hình đại dịch đang diễn ra, ngài đã mời gọi những người Công Giáo tìm kiếm sự bảo vệ của Thánh Giuse, cầu xin sự chuyển cầu của ngài và noi gương nhân đức của ngài.
“Vào thời điểm này trong lịch sử của Giáo hội – khi chúng ta sắp đến Lễ Phục sinh thứ hai dưới đám mây đen của đại dịch này, trong thời điểm vẫn còn quá nhiều rắc rối và sợ hãi – Đức Thánh Cha Phanxicô đang kêu gọi chúng ta ‘hãy đến với Thánh Giuse’”.
“Thánh Giuse là người bảo trợ của Giáo hội Hoàn vũ, và vì vậy ngài cũng là cha của chúng ta. Thiên Chúa đã giao phó cho ngài việc bảo vệ Chúa Giêsu và Mẹ Maria, và Người cũng giao cho thánh nhân sự chăm sóc Hội Thánh của Người”.
Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng Thánh Giuse đặt niềm tin vào những lời hứa của Thiên Chúa và thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa với sự khiêm nhường và can đảm. Đức Cha Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục nhận xét rằng Thánh Giuse là người không nói tiếng nào trong Tin Mừng, và là một người đơn sơ đáp lại tiếng Chúa bằng sự vâng phục.
Chúa tin cậy vào những người có bản tính khiêm tốn, Người giao cho họ nhiệm vụ xây dựng lại xã hội sau những tác động tiêu cực của đại dịch. Đức Cha nói rằng ngài không chắc thế giới sau đại dịch sẽ như thế nào, nhưng chắc chắn sẽ khác.
“Bài học cho chúng ta là Thiên Chúa hoạt động trên thế giới này, không phải nhờ những người giàu có và quyền thế, mà là ‘từ bên dưới.’ Thiên Chúa hoạt động qua những người thấp kém và khiêm nhường, qua những người nam nữ bình thường như Thánh Giuse và Đức Maria, sống cuộc đời của họ với lòng trung thành và tình yêu thương”.
“Bất cứ nơi nào chúng ta ở, là nơi Chúa kêu gọi chúng ta phục vụ. Đây là ‘lãnh thổ truyền giáo’ của chúng ta, đây là nơi chúng ta đóng vai trò của mình trong lịch sử cứu rỗi”.
“Thiên Chúa đang kêu gọi mỗi người chúng ta theo Ngài và phục vụ Ngài – thông qua tình yêu thương mà chúng ta chia sẻ trong gia đình và cộng đồng của mình. Bằng lòng tốt và lòng trắc ẩn của chúng ta, bằng những hy sinh mà chúng ta thực hiện để yêu thương nhau.
Source:Catholic News Agency
4. Nhiều người chết, hàng nghìn ngôi nhà bị cháy rụi trong một trận hỏa hoạn kinh hoàng tại trại tạm cư Rohingya
Một đám cháy lớn quét qua một trại tị nạn Rohingya ở miền nam Bangladesh hôm thứ Hai, phá hủy hàng nghìn ngôi nhà và giết chết một số người, các quan chức và nhân chứng cho biết đây là vụ hỏa hoạn tồi tệ nhất tấn công khu tạm cư trong những năm gần đây.
Video và hình ảnh cho thấy một ngọn lửa xé toạc trại Balukhali ở Cox’s Bazar. Khói đen cuồn cuộn bao trùm lên những mái nhà và những căn lều đang cháy khi mọi người tranh nhau tháo chạy với ít tài sản nhanh tay thu gom được.
“Lính cứu hỏa, những người cứu nạn và các tình nguyện viên đang ở hiện trường để cố gắng kiểm soát ngọn lửa và ngăn chặn nó lan rộng hơn nữa”, Louise Donovan, phát ngôn viên của cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc UNHCR tại Bazar Cox cho biết.
Mohammed Shamsud Douza, quan chức chính phủ Bangladesh phụ trách về người tị nạn, cho biết các nhà chức trách đang cố gắng kiểm soát ngọn lửa.
Những người tị nạn Rohingya trong các trại cho biết nhiều ngôi nhà đã bị thiêu rụi và một số người đã chết, nhưng cả chính quyền và UNHCR đều không thể xác nhận số người chết. Nguyên nhân của vụ cháy vẫn chưa được xác định.
Hơn một triệu người Rohingya sống trong các trại ở miền nam Bangladesh, phần lớn đã chạy trốn khỏi Miến Điện vào năm 2017 sau một cuộc đàn áp do quân đội lãnh đạo mà các nhà điều tra Liên Hợp Quốc cho rằng đã được tiến hành với “ý định diệt chủng”.
Zaifur Hussein, một người tị nạn 50 tuổi đã thoát khỏi đám cháy nhưng mất nhà và đang trú ẩn cùng bạn bè, cho biết ông tin rằng hàng chục người có thể đã thiệt mạng và hàng rào xung quanh các trại khiến việc chạy trốn rất khó khăn.
“Khi chúng tôi ở Miến Điện, chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều vấn đề… chúng đã phá hủy mọi thứ”, ông nói. “Bây giờ nó đã xảy ra một lần nữa”.
Snigdha Chakraborty, giám đốc Bangladesh của Dịch vụ Cứu trợ Công Giáo, cho biết bà lo lắng về việc thiếu các cơ sở y tế trong khu vực.
“Có nhiều khả năng sẽ có rất nhiều người tử vong vì đám cháy quá lớn”.
Một thủ lĩnh người Rohingya ở Cox’s Bazar, một vùng đất giáp ranh với Miến Điện ở đông nam Bangladesh, cho biết ông đã nhìn thấy một số xác chết.
“Hàng nghìn túp lều đã bị thiêu rụi hoàn toàn”, Mohammed Nowkhim nói với Reuters.
Một ngọn lửa lớn khác đã xé toạc khu trại vào tháng Giêng, phá hủy nhà cửa nhưng không gây thương vong.
Onno Van Manen, Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em ở Bangladesh cho biết nguy cơ hỏa hoạn ở các trại đông dân cư là rất cao và vụ cháy hôm thứ Hai là vụ cháy lớn nhất cho đến nay.
“Đó là một đòn tàn khốc khác đối với những người tị nạn Rohingya sống ở đây. Chỉ vài ngày trước, chúng tôi đã mất một trong những cơ sở y tế của mình trong một vụ hỏa hoạn khác”, ông nói.
UNHCR cho biết các đối tác nhân đạo đã huy động hàng trăm tình nguyện viên từ các trại gần đó cho các hoạt động hỗ trợ, cũng như các phương tiện và thiết bị phòng cháy và chữa cháy.
Source:Reuters