1. Đại dịch kinh hoàng vẫn không ngăn được làn sóng sùng bái Satan

Nhà trừ tà cảnh báo rằng những đôi giày thể thao mới chứng tỏ đại dịch kinh hoàng không ngăn được làn sóng sùng bái Satan, người ta vẫn bị mê hoặc bởi cái ác.

Sau khi các đôi giày với một thiết kế “Satanic” được bán hết chỉ trong vài phút, mặc dù chi phí hơn 1,000 Mỹ Kim, rõ ràng là có quá nhiều cám dỗ để các nhà sản xuất đưa ra một cái gì đó tương tự.

Cha Vincent Lampert, một nhà trừ tà, cảnh báo rằng một đôi giày Converse với thiết kế ngôi sao năm cánh có thể khiến bạn say mê những điều huyền bí.

Thật vậy, đôi giày đã bán hết sạch ngay sau khi ra mắt vào ngày 27 tháng 7. Được đặt tên là TURBODRK Chuck 70, đây là tác phẩm của nhà thiết kế thời trang Rick Owens hợp tác với Converse. Thiết kế có hình ngôi sao năm cánh lộn ngược ở cả đế và gót giày – một biểu tượng của Satan.

Tài khoản Instagram của Converse đã đăng một bài viết, trong đó Owens được trích dẫn rằng anh ta đã sử dụng ngôi sao năm cánh trong ngành thời trang “suốt một thời gian dài vì rõ ràng, nó có những liên tưởng huyền bí dành cho tuổi mới lớn”. Anh ta nói rằng nó chỉ là việc “theo đuổi cảm giác” và “theo đuổi niềm vui”.

Nhưng trong một cuộc phỏng vấn với Catholic News Agency, Cha Lampert cảnh báo rằng việc sử dụng biểu tượng Satan trong thiết kế thời trang có thể thúc đẩy việc giới thiệu những điều huyền bí có hại.

“Thoạt nhìn, người ta có thể nghĩ rằng một ngôi sao năm cánh trên một đôi giày thể thao có vẻ như không có gì khác ngoài niềm vui vô hại”, Fr. Lampert nói. “Chúng ta có thể coi nó không chỉ là một hình thức giải trí nhưng ma quỷ có thể sử dụng sở thích này đối với những thứ gắn liền với điều huyền bí như một cửa ngõ để bước vào cuộc sống của một người”.

Cha Lampert nói với CNA rằng việc nhìn thấy ngôi sao năm cánh trên giày thể thao có thể dẫn đến sự tò mò lớn hơn về thế giới ma quỷ, dẫn đến một vòng xoáy đi xuống trong cuộc sống của người đó.

“Sự say mê với cái ác” không phải là điều nên được nuôi dưỡng. Thay vào đó, xã hội nên khuyến khích rằng con người được tạo ra theo hình ảnh Chúa và giống với Chúa và có mong muốn bẩm sinh gần gũi với Chúa.

Loạt giày mới khiến người ta nhớ lại cuộc tranh cãi hồi đầu năm nay, khi đôi giầy Nike Air Max kiểu 1997 được sửa đổi với dòng chữ “Luke 10:18” khâu trên chúng. Đó là một tham chiếu đến câu 18 đoạn 10 trong Phúc Âm Thánh Lu Ca trong đó Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Thầy đã thấy Satan như một tia chớp từ trời sa xuống”. Đôi giày được trang trí với một ngôi sao năm cánh và một giọt máu của con người. Chúng được gọi là “giày Satan”. Với giá $1,018, chúng đã được bán hết trong vòng chưa đầy một phút.


Source:Aleteia

2. Đức Tổng Giám Mục Cordileone ‘đau buồn’ trước những tấn công vào cá nhân Đức Giáo Hoàng sau Tự Sắc Traditionis Custodes

Đức Tổng Giám Mục San Francisco hôm thứ Năm cho biết ngài “đau buồn” vì “những phản ứng thiếu tôn trọng” đối với Đức Thánh Cha Phanxicô liên quan đến Tự Sắc Traditionis Custodes.

Trong một tuyên bố ngày 5 tháng 8, Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone nhấn mạnh rằng Đức Giáo Hoàng đã đưa ra các biện pháp mới trong Tự Sắc Traditionis Custodes vì mối quan tâm đến sự hiệp nhất.

“Kể từ khi Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành Tự Sắc Traditionis Custodes, tôi đã rất đau buồn vì một số phản ứng thiếu tôn trọng nhất định; một số thậm chí đã bao gồm các cuộc tấn công vu khống Đức Giáo Hoàng”, Đức Tổng Giám Mục nói.

“Tôi ủng hộ Đức Thánh Cha Phanxicô, và sự quan tâm của ngài là những người thích các hình thức thờ phượng Công Giáo truyền thống hơn cũng phải khẳng định tính hợp lệ của hình thức Thánh lễ sau Công Đồng và cố nhiên chính Công đồng Vatican II”.

“Là người đứng đầu hữu hình của Giáo hội, Đức Giáo Hoàng có tầm nhìn toàn cầu về đời sống Giáo hội và có thể nhận thức những điều mà chúng ta không thể có từ quan điểm địa phương hơn của mình”.

Tự Sắc Traditionis Custodes, có hiệu lực vào ngày 16, là ngày được công bố, nhấn mạnh rằng một giám mục có “thẩm quyền duy nhất” trong việc cho phép thánh lễ Latinh truyền thống trong giáo phận của ngài.

Tuy nhiên Tự Sắc cũng đặt ra trách nhiệm đối với các Giám Mục mà trong giáo phận của ngài đã có một hoặc nhiều nhóm dâng Thánh lễ dưới hình thức ngoại thường, buộc các Giám Mục phải bảo đảm rằng các nhóm này không phủ nhận hiệu lực của Công đồng Vatican II và Huấn quyền.

Các Giám Mục được hướng dẫn chỉ định một hoặc nhiều địa điểm nơi các tín hữu gắn bó với Thánh lễ Latinh Truyền thống có thể tụ họp để cử hành thánh thể. Tuy nhiên, không phải ở các nhà thờ giáo xứ và không được xây dựng thêm các giáo xứ tòng nhân mới.

Tự Sắc Traditionis Custodes đã gây ra một cuộc tranh luận rất lớn trong Giáo Hội.

Khi các Giám Mục giáo phận xem xét cách thực hiện Tông Thư dưới dạng Tự Sắc của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc sử dụng Thánh lễ Latinh Truyền thống, Đức Tổng Giám Mục San Franciso cho biết Thánh lễ Latinh Truyền thống sẽ được tiếp tục trong tổng giáo phận của ngài.


Source:Catholic News Agency

3. Trước nguy cơ suy giảm dân số vì đại dịch, giáo phận Công Giáo Ấn Độ thưởng nhiều ưu đãi cho các vợ chồng sinh thêm con

Một giáo phận Công Giáo ở Ấn Độ đã thông báo rằng họ sẽ cung cấp các ưu đãi bằng tiền mặt cho các gia đình đã kết hôn từ năm 2000 trở về sau và có từ năm con trở lên.

Giáo phận Syro-Malabar theo nghi lễ Đông phương ở bang Kerala cho biết họ sẽ trả 1,500 rupee, tức là khoảng 21 Mỹ Kim hàng tháng cho các gia đình và sẽ cung cấp giáo dục miễn phí cho những đứa trẻ thứ tư và những đứa trẻ tiếp theo.

Phụ nữ có ba con cũng sẽ được hưởng dịch vụ chăm sóc trước và sau khi sinh miễn phí tại các bệnh viện do Giáo hội điều hành.

Chương trình này là một phần trong “Năm Gia đình” của Giáo Hội Syro-Malabar.

Cha Joseph Kuttianikal, giám đốc ủy ban tông đồ gia đình của giáo phận cho biết:

“Chương trình này không phải là mới. Chúng tôi cổ vũ trở lại một lần nữa trong bối cảnh đại dịch và trong năm gia đình.”

Cha Thomas Thayil, giám đốc giới trẻ của giáo phận, cho biết kế hoạch này nhằm mục đích “củng cố các gia đình Công Giáo của chúng ta,” và nói thêm rằng dân số Kitô Giáo trong tiểu bang đã “giảm đều đặn”.

“Chúng tôi muốn các cặp vợ chồng sinh thêm con”, ngài nói.

Theo điều tra dân số năm 2011 của Ấn Độ, bang Kerala có dân số khoảng 33 triệu người với người theo Ấn Giáo chiếm 54.73 phần trăm, người theo đạo Hồi 26.56 phần trăm và người theo Kitô Giáo là 18.38 phần trăm.

Trong một lá thư mục vụ năm 2019, Đức Tổng Giám Mục Joseph Perumthottam của Changanassery lưu ý rằng dân số Kitô Giáo của Kerala đã giảm dần trong những năm qua, tạo ra một “tình trạng đáng báo động”.

“Trong quá trình hình thành Kerala, các tín hữu Kitô là cộng đồng lớn thứ hai trong tiểu bang, giờ đây bị xuống hàng thứ ba” vị giám mục nói.

Hội đồng Giám mục Công Giáo Kerala bác bỏ những cáo buộc rằng sáng kiến của Giáo phận Palai là một phần của nỗ lực có chủ ý nhằm gia tăng dân số Kitô Giáo và gây bất ổn cho đất nước.


Source:Catholic News Agency