Đức Thánh Cha nhận định rằng lòng nhiệt thành anh hùng của Thánh Phanxicô Xaviê đối với việc loan báo Tin Mừng là hoa trái của một đời sống cầu nguyện sâu xa và kết hợp chiêm niệm với Chúa. Ngài mong ước rằng gương sáng của thánh nhân truyền cảm hứng cho những nỗ lực của chúng ta để thăng tiến sứ mạng của Giáo hội, như những chứng nhân hân hoan của Tin Mừng cứu độ.
Như thường lệ, sau khi Đức Thánh Cha làm Dấu Thánh Giá và sau lời chào phụng vụ, một đoạn Kinh Thánh, trích từ thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô (2Cr 5,14-15.20), đã được đọc bằng một số ngôn ngữ: Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi, vì chúng tôi nghĩ rằng: nếu một người đã chết thay cho mọi người, thì mọi người đều chết. Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình… Vì thế, chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Kitô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy. Vậy, nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa.
Một nhà truyền giáo vĩ đại khi ra đi truyền giáo
Và Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý như sau:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Chúng ta tiếp tục hành trình các bài giáo lý của chúng ta với một số gương mẫu về lòng nhiệt thành tông đồ. Chúng ta nhớ rằng chúng ta đang nói về việc loan báo Tin Mừng, về lòng nhiệt thành tông đồ, rao giảng Danh Chúa Giêsu, và có nhiều câu chuyện về những người nam nữ đã là tấm gương của việc loan báo Tin Mừng. Ví dụ, hôm nay chúng ta chọn Thánh Phanxicô Xaviê, người được coi là nhà truyền giáo vĩ đại nhất của thời hiện đại. Nhưng chúng ta không thể nói ai là nhà truyền giáo vĩ đại nhất hay là nhà truyền giáo kém nhất… Có rất nhiều nhà truyền giáo âm thầm, ngay cả ngày nay, hoạt động nhiều hơn cả Thánh Phanxicô Xaviê. Và Xaviê là Bổn mạng của hoạt động truyền giáo, như Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Nhưng một nhà truyền giáo vĩ đại khi ra đi truyền giáo. Và có rất nhiều linh mục, giáo dân, nữ tu đi truyền giáo… Ngay cả ở Ý. Ví dụ khi tôi gặp một linh mục ứng viên Giám mục đã truyền giáo 10 năm, ngài đã đi khỏi quê hương để rao giảng Tin Mừng. Đó là lòng nhiệt thành tông đồ. Chúng ta hãy chiêm ngắm những nhà truyền giáo này và học theo gương của họ.
Được thúc đẩy bởi ước muốn mạnh mẽ là làm cho Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người được biết đến
Phanxicô sinh ra trong một gia đình quý tộc nhưng nghèo khó ở Navarre, miền bắc Tây Ban Nha, vào năm 1506. Ngài là một người trẻ thông minh, can đảm nhưng với tinh thần đời, đã theo học tại Đại học Paris. Ở đó ngài đã gặp Thánh Inhaxiô thành Loyola và thánh Inhaxiô đã giúp ngài linh thao và ngài đã thay đổi cuộc sống. Ngài đã từ bỏ danh vọng thế gian để trở thành nhà truyền giáo. Ngài gia nhập dòng tên và khấn dòng. Sau đó trở thành linh mục và đi rao giảng Tin Mừng, được sai đến phương Đông, đến một thế giới chưa được biết đến. Và ngài đã ra đi vì lòng tràn đầy nhiệt huyết tông đồ.
Như thế, người đầu tiên trong một nhóm đông đảo những nhà truyền giáo, những nhà truyền giáo đầy nhiệt huyết của thời hiện đại, đã lên đường, sẵn sàng chịu đựng những khó khăn và nguy hiểm to lớn, để đến những vùng đất và gặp gỡ những người có nền văn hóa và ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ, được thúc đẩy bởi ước muốn duy nhất nhưng rất mạnh mẽ là làm cho Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người được biết đến.
Chỉ trong vòng hơn mười một năm, ngài sẽ thực hiện một công việc phi thường. Các chuyến hành trình thời đó rất vất vả và nguy hiểm. Nhiều người đã chết trên đường đi do đắm tàu hoặc bệnh tật. Ngày nay, thật không may, chúng ta để họ chết ở Địa Trung hải. Xaviê đã ở trên tàu hơn ba năm rưỡi, một phần ba của toàn bộ thời gian ngài thực hiện sứ vụ. Ngài đã ở trên tàu 3,5 năm để đến Ấn Độ, rồi từ Ấn Độ đên Nhật Bản. Ngài di chuyển rất nhiều.
Chấp nhận những khó khăn thử thách
Đức Thánh Cha nói tiếp: Khi đến Goa, thuộc Ấn Độ, thủ phủ của Bồ Đào Nha Phương Đông, thủ đô văn hoá và thương mại, Thánh Xaviê đặt cơ sở ở đó, nhưng không dừng lại ở đó. Ngài đi truyền giáo cho những ngư dân nghèo ở bờ biển phía nam Ấn Độ, dạy giáo lý cho trẻ em và dạy cầu nguyện, rửa tội và chữa lành bệnh tật. Sau đó, trong một buổi cầu nguyện vào ban đêm cạnh mộ của Thánh Tông đồ Báctôlômêô, ngài cảm thấy mình phải đi xa hơn Ấn Độ. Ngài giao phó công việc đã được bắt đầu cho những người tốt lành và can đảm lên đường đến Molucca, những hòn đảo xa xôi nhất của quần đảo Indonesia. Đối với các nhà truyền giáo, không có chân trời, họ đi nữa và đi nữa… Các nhà truyền giáo này can đảm biết bao! Cả những nhà truyền giáo ngày nay cũng thế. Họ không đi trên tàu hàng tháng trời, họ đi bằng máy bay 24 tiếng và chính họ cũng phải đi hàng ngàn cây số, trong các khu rừng rậm. Và khi ở Molucca, ngài viết giáo lý bằng ngôn ngữ địa phương và dạy hát và bằng bài hát ngài đến với họ. Chúng ta hiểu được những tình cảm của ngài qua những lá thư của ngài. Ngài viết: “Những nguy hiểm và đau khổ, được đón nhận một cách tự nguyện và hoàn toàn vì tình yêu và phục vụ Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là những kho tàng phong phú chứa những sự an ủi tinh thần lớn lao. Ở đây trong vài năm nữa, chúng ta có thể bị mù mắt do khóc nhiều vì sung sướng!”(20/1/1548). Họ khóc vì hân hoan khi nhìn thấy hoạt động của Thiên Chúa.
Một ngày nọ, ở Ấn Độ, ngài gặp một người Nhật Bản, người này nói với ngài về đất nước xa xôi của ông ta, nơi chưa có nhà truyền giáo châu Âu nào đặt chân tới. Thánh Phanxicô Xaviê đã có sự thao thức tông đồ, đi xa hơn nữa và đã quyết định lên đường sớm bao nhiêu có thể. Ngài đã đến đó sau một hành trình phiêu lưu trên một chiếc thuyền nan của Trung Quốc. Ba năm ở Nhật Bản rất khó khăn do khí hậu, sự chống đối và thiếu hiểu biết về ngôn ngữ, nhưng ngay cả ở đây những hạt giống được gieo trồng cũng sẽ đơm hoa kết trái.
Mong muốn đến Trung Quốc
Tại Nhật Bản, Thánh Xaviê hiểu rằng quốc gia quyết định cho việc truyền giáo ở châu Á là một quốc gia khác: đó là Trung Quốc. Trên thực tế, với nền văn hóa, lịch sử, sức mạnh của mình, Trung Quốc đã thực hiện sự thống trị đối với khu vực đó của thế giới. Ngay cả ngày nay, Trung Quốc là một cực văn hóa, có một bề dày lịch sử, một trang sử xinh đẹp. Vì vậy, ngài quay trở lại Goa và ngay sau đó lại lên đường với hy vọng có thể vào Trung Quốc. Nhưng kế hoạch của ngài thất bại: ngài qua đời trên hòn đảo nhỏ ở Thượng Xuyên, ngoài khơi bờ biển Trung Quốc, trong khi chờ đợi trong vô vọng để có thể cập bến vào đất liền gần Quảng Tây. Ngày 3 tháng 12 năm 1552, ngài qua đời trong sự cô đơn hoàn toàn, chỉ có một người Trung Quốc ở bên cạnh để trông chừng ngài. Cuộc hành trình trần thế của Thánh Phanxicô Xaviê đã kết thúc như thế. Ngài qua đời khi mới chỉ 46 tuổi, đã cống hiến cuộc đời cho việc truyền giáo, với lòng nhiệt thành. Ngài bắt đầu từ Tây Ban Nha, từ tất cả các nền văn hóa của nó, và đến quốc gia văn hóa nhất thế giới lúc bấy giờ, Trung Quốc, và qua đời trước khi vào Trung Quốc, bên cạnh là một người Trung Quốc. Tất cả là một biểu tượng.
Kết hiệp với Chúa và gần gũi người đau khổ
Và Đức Thánh Cha nhận định: Hoạt động hăng hái nhiệt thành của Thánh Phanxicô Xaviê luôn kết hợp với cầu nguyện, kết hợp với Chúa, thần bí và chiêm niệm. Ngài không bao giờ bỏ cầu nguyện bởi vì ngài biết từ đó ngài kín múc được sức mạnh. Dù ở đâu, ngài cũng tận tình chăm sóc người bệnh, người nghèo và trẻ em. Ngài không phải là một nhà truyền giáo “quý tộc”: ngài luôn đi với những người nghèo khó, những trẻ em cần được giáo dục nhất, cần được học giáo lý. Những người nghèo, người bệnh… Tình yêu của Chúa Kitô là sức mạnh đưa ngài đến những nơi xa nhất, với những gian nan và nguy hiểm liên tục, vượt qua những thất bại, thất vọng và ngã lòng, nhưng đã đem lại cho ngài niềm an ủi và niềm vui khi theo Chúa và phục vụ Người cho đến cùng.
Can đảm lên đường truyền giáo
Nhưng chính Thánh Phanxicô Xaviê đã làm điều vĩ đại này, trong sự nghèo khó và hết sức can đảm. Xin ngài ban cho chúng ta một chút lòng nhiệt thành này, lòng nhiệt thành để sống và loan báo Tin Mừng. Nhiều người trẻ, nhiều người trẻ ngày nay cảm thấy điều gì đó… bất an… và không biết phải làm gì với sự bất an đó… Hãy chiêm ngắm Thánh Phanxicô Xaviê, hãy ngắm nhìn chân trời thế giới, hãy nhìn các dân tộc đang đau khổ, hãy nhìn những người đang đau khổ, nhiều người cần đến Chúa Giêsu. Và hãy ra đi, hãy can đảm. Ngay cả ngày nay cũng có những người trẻ dũng cảm. Tôi nghĩ đến nhiều nhà truyền giáo, ví dụ như ở Papua New Guinea, tôi đang nghĩ đến những người bạn của tôi, những người trẻ sống trong giáo phận Vanimo, và tất cả những người đã lên đường… những người trẻ, để truyền giáo trong hàng ngũ của Thánh Phanxicô Xaviê. Xin Chúa ban cho tất cả chúng ta niềm vui loan báo Tin Mừng, niềm vui loan báo sứ điệp tốt lành, một sứ điệp làm cho chúng ta và mọi người hạnh phúc. Cảm ơn anh chị em!
Hồng Thủy – Vatican News