Bệnh viện Nhân Ái, Bình Phước: Những trái tim héo hon mong chờ

  1. Mong manh phận người

Nhiều người nói rằng, Nhân Ái là bệnh viện duy nhất ở Việt Nam không có bệnh nhân xuất viện. Một nhận định có lẽ vừa đúng với thực tế, vừa lột tả số phận cay nghiệt của những người đã trót một lần lầm lỡ. Không chỉ có vậy, nỗi đau gắn liền với bi kịch của cuộc đời bởi vì giờ đây, những sai lầm ấy hầu như không còn nhiều cơ hội để sửa chữa. Quả vậy, những ai bị giam mình nơi đây thì hẳn sẽ mường tượng ra được tương lai của mình ra sao. Hiện tại, dẫu họ ở bất cứ nơi đâu – khu A, B, hay C – thì chặng tiếp theo sẽ là khu cấp cứu, và rồi… nhà vĩnh hằng.

Tiếp xúc với các bệnh nhân, đôi khi chúng ta bắt gặp những thái độ khác hẳn nhau trong lúc đối diện với lưỡi hái tử thần. Khá nhiều người cảm thấy hoảng sợ khi nghĩ rằng, mình là nạn nhân tiếp theo của tử thần; trong khi đó, một số khác tỏ ra trầm ngâm tư lự, không để lộ cảm xúc của mình và dường như cố chôn chặt niềm đau không nói thành lời. Thế nhưng, vẫn còn đó những con người tỏ ra khá bình thản. Nét mặt có thể kém tươi nhưng nếu như được hỏi về cảm giác của họ ra sao thì chẳng cần suy nghĩ nhiều, họ an nhiên và biểu lộ cảm xúc đợi chờ giây phút tử thần đến gõ cửa. Câu trả lời thường gặp nơi cửa miệng những người này: “Bình thường, mình làm mình chịu. Dẫu thế nào thì cũng đã lường trước được hậu quả như ngày hôm nay từ rất lâu rồi”. Hai chữ “Bình thường” mà nghe sao chẳng bình thường chút nào. Nhân sinh ai chả rõ: Sinh – Lão – Bệnh – Tử, ấy là quy luật muôn đời vậy. Tuy nhiên với những con người này, giai đoạn “Lão” bỗng trở nên quá xa vời, bởi chẳng thể còn giờ để sống tới ngày đó. Ngắn ngủi thật, xót thương thật nhưng rồi “cũng đành ôm trọn một mối tình câm”.

  1. Như chưa từng được… SỐNG

Nhà thơ Xuân Diệu từng chia sẻ triết lý sống của mình một cách đầy ngẫu hứng và không kém phần mãnh liệt trong bài Vội Vàng:

Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất;

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi.

Thi nhân đa cảm đa sầu, say đắm trong tình yêu, say đắm cảnh đất trời nên chi sống vội, sống cuống quýt. Âu đó cũng là cách để con người ta thể hiện mình, nhất là khi họ tự hiểu mình cách chân xác và rõ nét nhất. Cuộc sống thường nhật trôi qua trong bình lặng, nhịp thời gian hết khoan lại nhặt, nhưng lòng người chẳng chút lặng yên. Các bệnh nhân của Nhân Ái cũng vậy, đã qua rồi những ngày tháng vẫy vùng trong ảo giác, giờ chỉ còn lại tấm thân tàn, ngồi đếm tháng ngày vút qua trong nỗi u buồn, chán chường và đôi khi tuyệt vọng. Thế nhưng, cánh cửa cuộc đời vẫn chưa khép kín và tương lai tươi sáng vẫn mời chào, nhất là với những ai kịp nhận ra cuộc sống này đáng quý biết bao. Điều đó sẽ thôi thúc người ta nhận ra vấn đề đó là, sống chuỗi ngày còn lại thế nào chứ không phải là sống thêm được bao lâu. “Thật đáng tiếc!”, đó là cảm nhận chung về những hoàn cảnh đáng thương mà chúng tôi đã từng tiếp  xúc.

Họ  còn quá trẻ, từng bồng bột, từng si mê nhưng giờ không hề ủ rũ tiếc thương mà thay vào đó, họ đang nỗ lực thể hiện những gì thuộc về bản năng sống ở mức độ cao nhất có thể; dẫu biết rằng những cố gắng ấy cũng chỉ hạn hữu trong chút hơi tàn, mong manh và dễ rạn vỡ. Dẫu thế nào đi chăng nữa thì những gì họ đang thể hiện cũng chính là cơ hội để làm lại cuộc đời, một khúc quanh để tái khám phá ý nghĩa của sự sống, mang lại niềm vui cho chính bản thân cũng như cho những người đồng cảnh ngộ.

Những câu chuyện gây xúc động về tình đời, tình người bên “Cánh cửa tình yêu” đã được hai tác giả Hải Hà và Băng Nhân đề cập trước đây, giờ không lạm bàn nhưng chỉ xin phép nhắc lại một điều, đó quả là một hình ảnh rất đẹp, lãng mạn mà ta không dễ gì bắt gặp ở bất kì một nơi nào khác. Những câu nói thều thào không tròn vạnh; những cánh tay run run không đủ sức nắm giữ tay người; những muỗng thức ăn lùa vội không đủ để cứu vãn một thân thể đã rơi vào trạng thái suy kiệt; bức tường kiên cố và thậm chí cánh cổng sắt lạnh lùng ấy cũng không đủ mạnh để có thể làm nghẽn mạch cầu nối giữa những trái tim. Những thứ tưởng chừng bình dị và mong manh ấy lại tiềm ẩn một sức mạnh vô cùng lớn lao; và cũng có thể nói được rằng, sức mạnh ấy mãnh liệt hơn bất kì một loại thuốc tạo ảo giác nào mà bản thân họ từng sử dụng trong đời. Tất cả góp phần tạo ra những xung năng giúp sưởi ấm lòng người, đồng thời cũng tạo ra những cảm quan về cuộc đời cách tích cực hơn.

H. là một cô gái tuổi đời còn quá trẻ. Gương mặt xinh xắn bất chấp những vạ vật của cuộc đời phiêu dạt. Nhìn ánh mắt biết nói và khuôn mặt cân đối, ai cũng có thể đoán được rằng, đây là một cô gái rất dễ thương và có lẽ chung quanh không thiếu những chàng trai luôn sẵn lòng vì người đẹp. Thế nhưng, đằng sau sự khả ái ấy lại là một tâm hồn đầy xao động và nổi loạn. Nghề nghiệp ổn định – một cô thợ cắt tóc chuyên nghiệp – không đủ sức níu chân trước những mời gọi khó cưỡng của ma túy. Sự nổi loạn vốn có nơi cô bùng phát dữ dội khi hay tin mình vướng phải căn bệnh thế kỷ. không một lời khuyên can nào phát huy tác dụng. Các cha Dòng Cát Minh là những người cưu mang cô cũng đành bất lực. Giải pháp khả dĩ nhất là tìm đến bệnh viện Nhân Ái. Quả nhiên, đó là một quyết định hợp lý. Khi vừa gia nhập Nhân Ái, sức đề kháng của cô gái trẻ bỗng nhiên tuột dốc thảm hại, đồng thời đẩy cô rất gần tới cuộc bàn giao vào tay thần chết. Chẳng ai hiểu được chuyện gì đã xảy ra bởi vì không lâu sau đó, cô dần hồi tỉnh và thực sự trở về từ trạng thái thập tử nhất sinh. Sau biến cố ấy, cô như lột xác hoàn toàn và trở nên một con người “rất mới” trong mắt những người chung quanh. Những ai từng biết cô trước đây ít lâu, giờ gặp lại hẳn đều phải ngạc nhiên về sự thay đổi kì lạ này. H. giờ đã biết sống cho người khác. Sức khỏe được cải thiện cách tích cực. Cô dần trở nên thân thiết và chiếm được cảm tình của những bạn đồng cảnh ngộ. Tài nghệ hôm nao, giờ được dịp phô bày. Một tay cô cắt tóc và làm đẹp cho tất cả các bệnh nhân nữ của khu C. Ngoài ra, cô luôn là một cộng tác viên rất nhiệt tình trong việc chăm sóc những bệnh nhân mà chính bản thân họ không thể tự thực hiện những hành vi tối thiểu cần có như là: đứng lên, nằm xuống, đi lại, thậm chí là ăn uống hoặc vệ sinh cá nhân… Tất cả tiếp thêm nghị lực cho cô gái trẻ, giúp cô nhận ra giá trị của sự sống, đồng thời cũng góp chút sức lực của mình để cây đời thêm tươi mãi, hy vọng được nhóm lên và ngày đời còn lại của mình dài ra.

Tương tự như H., M.P có thể coi là một trường hợp đặc biệt chúng tôi từng gặp và cũng có nhiều ấn tượng với bệnh nhân nam này. Một thân hình còm cõi, thiếu sức sống nhưng bên trong lại chất chứa một niềm đam mê âm nhạc khó diễn tả thành lời. Xuất thân trong một gia đình khá giả, điều kiện học hành hơn người; và cũng có thể nói, tuổi thơ của anh luôn được bao bọc bởi những giấc mơ thần tiên. Ngay khi gia đình gửi gắm cho các sơ dạy dỗ, năng khiếu âm nhạc nơi anh bộc lộ rõ nét và dĩ nhiên được các sơ định hướng cách bài bản. Tốt nghiệp phổ thông trung học, anh tiếp tục theo thiên hướng của mình và tốt nghiệp loại ưu sau 7 năm theo học tại nhạc viện thành phố, chuyên ngành Piano và Organ. Không dừng lại ở đó, anh tự nâng cấp chính mình bằng việc hoàn tất khóa học bốn năm rưỡi chuyên ngành DJ (Disc Jockey). Như thế, tài năng hội tụ, việc còn lại là chấp cánh cho những ước mơ.

Rủi thay, áp lực công việc dưới ánh đèn mờ ảo của sân khấu đã khiến chàng trai trẻ hẫng bước. Hầu hết các vũ trường lớn bé tại thành phố này đều biết đến anh như một tài năng thực thụ. Nhưng cũng chính trong môi trường ấy, bên cạnh những chiếc loa công suất lớn luôn được bật ở mức gần như cực đại thì theo như anh nói, chỉ có thuốc lắc mới giúp người ta giữ được cân bằng. Làm bạn với thuốc lắc không hề đơn giản, nhu cầu cần được đáp ứng không bao giờ dừng lại; và cứ thế, anh bị cuốn hút vào trò chơi ảo giác ấy, đồng thời mất khả năng kháng cự. Thu nhập mỗi tháng từ 60 đến 70 triệu cũng không đủ “chi tiêu” cho riêng mình.

“Đô” mỗi ngày một tăng, sức khỏe mỗi ngày một giảm, điều này cũng đồng nghĩa với việc tiền bạc làm ra cũng eo hẹp hơn. Giải pháp tình thế là chuyển sang chích ma túy cho đỡ phần tốn kém. Chắc chắn là vậy, nhưng rồi tai họa cũng từ đấy đổ xuống trên đầu anh. Như một người hết sức bình thản, anh chia sẻ: “Nhiễm HIV là một điều tất yếu vốn đã được dự liệu ngay từ khi bước chân vào con đường ma quái này, chỉ có điều sớm hay muộn mà thôi”. Khi biết mình bị nhiễm HIV, anh tự nguyện đến đây cai nghiện và điều trị. Dù biết điều tồi tệ sắp xảy đến cho mình nhưng anh vẫn giấu nhẹm chuyện này với người vợ yêu dấu của mình. Vợ vẫn thường xuyên đến thăm nom nhưng cũng chỉ nghĩ anh đến đây điều trị. Anh lừa phỉnh chị rằng, những người nhiễm HIV được cách ly ở những khu khác. Thực tế minh chứng điều anh nói là khả tín, bởi chung quanh anh toàn những người tương đối khỏe mạnh và không dấu hiệu nào chứng tỏ họ là những người bị suy kiệt trong giai đoạn cuối. Thế nhưng, chị không thể hình dung ra rằng, chính mình cũng đã vướng phải căn bệnh quái ác từ người chồng từng tay ấp gối kề. Trả lời cho câu hỏi: Khi nào thì anh sẽ nói cho vợ anh biết về điều đó? Thinh lặng đôi chút, anh trải lòng: “Chắc chắn là trong đợt về phép sắp tới thầy ạ”. Chúng tôi tiếc cho anh và cho cả vợ anh nữa. Suốt buổi nói chuyện, anh như người quên hết bệnh tật, nhất là khi nói đến những đề tài liên quan đến âm nhạc hoặc các nhạc cụ anh vẫn thường sử dụng. Hiện tại, anh đang dành thời giờ để tập đàn Guitar cho những ai ham thích. Anh truyền lại cho người khác tất cả những gì là kinh nghiệm chứ không phải là những mớ lý thuyết suông, cứng nhắc. Có lẽ đó là niềm vui duy nhất của anh lúc này và niềm vui ấy cũng được lan tỏa đến cả những ai đang được anh truyền thụ. Chia tay anh, chúng tôi thầm mong anh luôn có được những giây phút bình an trong suốt những tháng ngày còn lại.

* * *

Chia tay Nhân Ái, chia tay những con người vẫn khát khao được sống, khát khao được làm lại cuộc đời, làm mới lại chính mình dẫu biết rằng chẳng ai trong số họ có thể làm khác đi được; thế nhưng, mỗi người trong chúng tôi có lẽ cũng nghiệm ra nhiều bài học bổ ích cho riêng mình. Mai đây trên nẻo đường thi hành sứ vụ, chắc chắn nhiều anh em sẽ nhớ về chuyến đi này; và biết đâu, những mảnh đời từng chứng kiến sẽ trở thành những dẫn chứng sống động cho người khác, nhất là với những ai đồng hành cùng giới trẻ. Một lần nữa xin được mượn lời của nhà thơ Xuân Diệu để kết thúc bài viết ngắn này, dẫu biết rằng cuộc sống quanh mình còn đó những ngổn ngang, oan trái và cả những điều dang dở dở dang…

Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,

Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,

Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất.

Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,

Không cho dài thời trẻ của nhân gian;

Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,

Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại.

Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi,

Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;

Mùi tháng, năm đều rớm vị chia phôi

Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt.

Hoahuyenminh

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *