Bài 09 – Sách Xuất hành – Phần 3 || Tổng quan Thánh Kinh

I. DẪN NHẬP

Trong bài học tuần trước, chúng ta đã cùng Phần II của sách Xuất hành nói về hành trình trong sa mạc của Ít-ra-en. Hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu Phần cuối của Sách Xuất hành, đó là Giao ước Xi-nai và hành trình đến Ca-na-an (Xh 19-40). Phần này tập trung mô tả sự kiện duy nhất thực hiện tại núi Xi-nai, đó là việc Thiên Chúa ký kết giao ước với dân Ít-ra-en. Biến cố này là sự kiện trung tâm của toàn bộ Ngũ thư. Để khám phá biến cố trọng đại này, chúng ta cùng tìm hiểu: Giao ước là gì? Tại sao Thiên Chúa lập giao ước với Ít-ra-en? Ai là trung gian của Giao ước Xi-nai? Đâu là nội dung chính của Giao ước Xi-nai? Giao ước Xi-nai có ý nghĩa gì đối với Ít-ra-en? Giao ước Xi-nai nói gì với chúng ta?

II. NỘI DUNG

1. Trước hết, Giao ước là gì?

Trong lãnh vực xã hội và pháp lý, giao ước hàm chứa: các hiệp ước, các khế ước, những cam kết đôi bên bình đẳng, những thoả thuận và cả những lời thề. Tuy nhiện, Giao ước Xi-nai không phải là một hiệp ước giữa hai bên bình đẳng. Ở đây, Thiên Chúa hoàn toàn tự do quyết định lập giao ước với Ít-ra-en và chính Ngài đưa ra các điều kiện. Đối với Ít-ra-en, giao ước là quà tặng của Đức Chúa và là một vinh dự cho họ.

2. Tại sao Thiên Chúa lập giao ước với Ít-ra-en?

Khi tạo dựng con người, ý định của Thiên Chúa là dẫn đưa con người đến đời sống hiệp thông với Ngài. Thế nên, trong bối cảnh con người phạm tội và sống xa Chúa, việc thiết lập giao ước với Ít-ra-en là việc Thiên Chúa mặc khải ý định cứu rỗi. Thiên Chúa nói với Ít-ra-en: “Vậy giờ đây, nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Vì toàn cõi đất đều là của Ta“. (Xh 19,5). Quả thật, vì yêu thương Ít-ra-en một cách đặc biệt, Chúa quyết định gắn bó với họ bằng một giao ước. Chúa đích thân bảo vệ và trợ giúp Ít-ra-en, không chỉ chống lại kẻ thù bên ngoài, mà còn chống lại cả bệnh tật và hỗn loạn. Trên tất cả, Người sẽ luôn hiện diện, dù trong thịnh vượng hay lúc thất bại, vì Người đã chọn dân tộc này làm dân riêng. Chúa là một Thiên Chúa có ngôi vị, đòi hỏi sự trung thành cá nhân.

3. Ai là trung gian của Giao ước Xi-nai?

Qua Mô-sê làm trung gian, Thiên Chúa lập giao ước với Ít-ra-en. Mô-sê là người đại diện Thiên Chúa để truyền lệnh, thông báo ý Chúa cho dân. Nhưng ông cũng đứng về phía dân. Ông can đảm xin chịu chết với dân và cầu thay cho dân. Khi dân sống xa Chúa thì ông tiến lại gần với Chúa. Ông thân thưa với Chúa như hai người bạn. Chúa nghe lời ông cầu xin và tha chết cho dân và còn tái lập giao ước với Ít-ra-en.

4Đâu là nội dung chính của Giao ước Xi-nai?

Nội dung chính của Giao ước Xi-nai tập trung vào Mười giới luật ( Xh 20,3-17) và những bộ luật giao ước như luật về bàn thờ, luật về người nô lệ, giết người, đánh đập và gây thương tích, về bồi thương, luật đạo đức và tôn giáo, về việc dâng của đầu mùa và con đầu lòng, bổn phận đối vơi kẻ thù, về năm Sa-bát và ngày Sa-bát và về các ngày lễ của Ít-ra-en (x. Xh 20,22 – 23,19).

Trong việc thiết lập giao ước còn có một nghi thức đáng lưu ý, đó là việc cử hành nghi lễ giao ước. Sách Xuất hành mô tả nghi thức này như sau: Mô-sê dựng một bàn thờ dưới chân núi và giết bò dâng hy tế. Ông đọc cho dân nghe các điều Đức Chúa đã truyền và dân long trọng hứa: Họ thưa: “Tất cả những gì Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo.” Bấy giờ, ông Mô-sê lấy máu rảy lên dân và nói: “Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em, dựa trên những lời này.” (Xh 24,7-8).

Mặc dù Ít-ra-en cam kết tuân giữ mọi điều Đức Chúa phán với họ, nhưng chẳng bao lâu Ít-ra-en đã vi phạm Giao ước. Xuất hành 31-34 cho biết cách giao ước được thiết lập lại sau khi Mô-sê ném vỡ hai tâm bia của Giao ước ban đầu, do giận dữ vì dân chúng bội ước quay sang thờ bò vàng.

5. Giao ước Xi-nai có ý nghĩa gì đối với Ít-ra-en?

Đối với Ít-ra-en, Giao ước Xi-nai có những ý nghĩa sau đây:

– Thứ nhất, dân Ít-ra-en được ràng buộc vĩnh viễn với Thiên Chúa, qua một giao ước mang tính thống nhất và không thể bị phá vỡ.

– Thứ hai, Thiên Chúa đã tỏ lộ tình yêu và lòng thương xót của Người cho dân.

– Thứ ba, Thiên Chúa ban các giới luật để hướng dẫn đời sống hằng ngày của họ.

Thứ tư, Ít-ra-en có nghĩa vụ phải phụng thờ, trung thành và vâng phục Người.

– Cuối cùng, Ít-ra-en được giao ước này đóng ấn ràng buộc. Giao ước đã tạo ra sự hợp nhất dân tộc Ít-ra-en, không phải dựa trên những quan hệ máu mủ, nhưng qua việc tùng phục Đức Chúa, và tuyên xưng chỉ mình Người là Thiên Chúa.

6. Giao ước Xi-nai nói gì với chúng ta?

Giao ước Xi-nai chuẩn bị cho giao ước mới và vĩnh cửu được kiện toàn nơi Đức Giê-su Ki-tô. Điều này được các tác giả Tân ước trình bày cho chúng ta một cách tỏ tường qua những trình thuật về biến cố khổ nạn và Phục sinh của Đức Giê-su. Thánh Mát-thêu trình bày cho chúng ta trong bữa Tiệc ly, Đức Giê-su đã dâng chén tạ ơn như “máu giao ước đổ ra để chuộc tội muôn dân” (Mt 26,28). Như thế thân xác của Người đã hiến tế và máu của Người đã đổ ra làm cho cái chết của Người thành một hy tế với hai ý nghĩa: hy tế giao ước thay thế giao ước Xi-nai bằng Giao ước mới. Đức Giê-su trở nên hy tế xá tội như sấm ngôn về Người Tôi Tớ của Thiên Chúa trong ngôn sứ I-sai-a. Như thế, máu vô tội đã đổ ra một cách bất công lại trở nên máu cứu chuộc.

Trong cùng một tư tưởng, tác giả Thư gửi Do-thái cho chúng ta thấy Máu Đức Giê-su là máu Tân ước đã được dâng lên để xoá tội con người (Dt 9,18-28). Nhờ máu Người tội nhân được đến gần Thiên Chúa. Còn hùng hồn hơn máu A-ben, máu Người bảo đảm cho việc thánh hoá và việc gia nhập vào đàn chiên của Chúa Chiên Lành (Dt 13,20).

III. KẾT

Sau khi tìm hiểu về Giao ước Xi-nai trong Sách Xuất hành, chúng ta chứng kiến tình yêu Thiên Chúa dành cho dân Ít-ra-en. Tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta còn vĩ đãi hơn gấp bội khi Ngài kết giao với chúng ta bằng Giao ước tình yêu vĩnh cửa. Giao ước được ký kết trong Máu của Người Con Chí Ái, Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Từ cạnh sườn Đức Ki-tô bị lưỡi đòng thâu, nước và máu chảy ra (Ga 19,31-37) là hai bằng chứng tình yêu Thiên Chúa củng cố chứng tá của Thần Khí (1 Ga 5,6). Nhưng nước và máu này vẫn tiếp tục thực hiện khả năng làm sống động trong chúng ta. Nước là dấu chỉ Thần Khí tái sinh và giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi (Ga 3,5). Máu được phân chia cho chúng ta trong việc cử hành Thánh Thể: “Ai ăn thịt Ta và uống Máu Ta sẽ sống đời đời … kẻ ấy ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy” (Ga 6,53-56).

Lm. An-tôn Trần Văn Phú

https://www.tonggiaophanhanoi.org/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *