Video: Ngày Ngày Với Mẹ – Tháng 1

Ngày 31: Đời Sống Mai Ẩn của Đức Maria

Trong quyển Cuộc Đời Chúa Giêsu, tác giả Francois Mauriac đã nêu câu hỏi: Đức Maria và Chúa Giêsu đã nói gì khi các ngài dùng bữa với nhau trong gian nhà nhỏ bé tại Nazareth? Dĩ nhiên, không ai biết được. Nhưng bạn hãy nghĩ đến vấn đề đức tin Đức Maria đã phải đối diện.

Có lẽ Mẹ đã không quên những lời của sứ thần Gabriel, cuộc chiêm bái của các nhà đạo sĩ, hoặc những biến cố “tôn vinh” thần tính của Người Con của Mẹ. Người là Vua Israel, hiển trị trong nhà Đavít đến muôn đời.

Nhưng gần ba mươi năm trôi qua, Con Mẹ vẫn chẳng làm gì. Rõ ràng Người chỉ là một anh thợ mộc lành nghề; không hành quyền như một ông vua gì cả. Người chẳng tỏ ra một dấu hiệu nào về những khát vọng vương quyền gì cả.

Sau ba mươi năm, liệu Đức Maria có hoài nghi về lời tiên báo của sứ thần không? Ba mươi năm, không một dấu hiệu nào của sự ứng nghiệm! Đức Maria đã mưu tìm ơn cứu rỗi của Mẹ trong bóng tối đức tin, như tất cả chúng ta.

Đức Bà như hòm bia Thiên Chúa vậy – cầu cho chúng con.

Đức ông J. William Mc Kune

Ngày 30: Đức Mẹ Hoa Hồng – Lucca, Ý

“Đức Maria là bông hoa xinh đẹp nhất chưa từng thấy trên thế giới thiêng liêng. Chính nhờ quyền năng ân sủng Thiên Chúa mà từ trái đất cằn cỗi và hoang tàn này đã trổ sinh những bông hoa thánh thiện và vinh quang. Đức Maria là Nữ Hoàng của những bông hoa. Mẹ là Nữ Hoàng những bông hoa siêu nhiên; và do đó, Mẹ được xưng tụng là Hoa Hồng, vì loài hoa này đáng được gọi là loài hoa xinh đẹp nhất trong tất cả những loài hoa…

“Mẹ được gọi là Hoa Hồng mầu nhiệm hoặc ẩn khuất, vì mầu nhiệm có nghĩa là ẩn khuất. Có lẽ nào có những người tôn trọng kính cẩn thân xác các vị thánh và các vị tử đạo mà lại thờ ơ với Đức Maria – Nữ Vương các thánh Tử Đạo và Nữ Vương Các Thánh, Đấng chính là Mẹ Thiên Chúa, hay sao? Không thể có như thế. Vì vậy, tại sao Đức Maria lại được gọi là Hoa Hồng ẩn khuất? Đơn giản chỉ vì thân xác thánh thiện của Mẹ hiện đang ở trên trời, chứ không phải dưới trần gian” – hồng y Henry Newman đã viết như thế trong quyển Chiêm Niệm (Meditations).

Đức Bà như đền vàng vậy – cầu cho chúng con.

Hồng y John J. Carberry

Ngày 29: Đức Bà de Chatillon-sur-Seine – Pháp

Chúng ta không thể mừng các ngày lễ của Mẹ Maria mà không biết ơn vì Mẹ là một hiền mẫu đáng yêu như thế đối với chúng ta. Hồi tâm về lòng biết ơn của chúng ta đối với người mẹ (và người cha) của chúng ta cũng là một điều tốt đẹp.

Cha mẹ chúng ta phải chịu trách nhiệm rất nhiều về tất cả những gì chúng ta có và chúng ta là. Trong cuộc đời chúng ta, các ngài đã chu cấp cho chúng ta các nhu cầu, chăm sóc thâu đêm khi chúng ta đau ốm, và buồn phiền vì không ít những lần lỡ lầm dại dột của chúng ta.

Chúng ta nợ cha mẹ về tất cả lòng yêu mến chúng ta có được, việc ấy đâu có khó khăn đối với chúng ta. Chúng ta nợ lòng tôn kính đối với các ngài – cho dù các ngài có bao nhiêu tiền bạc, cho dù các ngài ăn vận thế nào, hoặc tiếng Anh của các ngài ra sao đi nữa. Các ngài là cha mẹ của chúng ta, bấy nhiêu đã đủ rồi.

Thiên Chúa đã cho chúng ta mượn các ngài. Khi công việc các ngài đã hoàn tất, Thiên Chúa sẽ gọi các ngài về. Vậy hãy quí trọng các ngài khi chúng ta vẫn còn được chung sống bên cạnh các ngài.

Đức Bà như tháp ngà báu vậy – cầu cho chúng con.

Richard Madden, O.C.D.

Ngày 28: Đức Mẹ Hộ Phù – Rouen

Trong những giờ phút tĩnh mịch đằng đẵng của một đêm dài, những người yếu bệnh thường quằn quại trong nỗi cô đơn và chán chường. Tại một bệnh viện Công Giáo lớn, một cô y tá đã thử đề nghị các bệnh nhân mất ngủ hãy liên lỉ than thở chậm rãi câu, “Mẹ ơi, niềm tin của con.” Việc này không làm kiệt sức bệnh nhân, mà cô còn thường nhận thấy họ được hưởng một giấc ngủ an lành.

Ngay khi còn bé bỏng, chúng ta đã biết mẹ chúng ta vẫn ở gần bên để được giúp đỡ từng người chúng ta trong những đêm trằn trọc. Sự hiện diện của Người Mẹ trên trời của chúng ta còn hiệu quả hơn nữa, nếu như chúng ta mời gọi Mẹ đến bên giường chúng ta. Được xưng tụng là “Đấng An Ủi Người Khốn Khó,” Mẹ Maria sẽ tỏ cho chúng ta thấy Mẹ xứng đáng với tước hiệu ấy.

Khi đi qua một bệnh viện, bạn đừng bao giờ quên dâng lên Mẹ một lời kinh, xin Mẹ trợ giúp tất cả những ai đang ở bên trong những bức tường của bệnh viện, nhất là những người đang hấp hối.

Đức Bà như lầu đài Đavít vậy – cầu cho chúng con.

Robert J. Leuver, C.M.F.

Ngày 27: Đức Mẹ Sự Sống – Provence, Pháp

Đức Maria có một nữ tính tuyệt hảo. Như chúng ta biết, Mẹ luôn luôn ở bên đúng lúc, đúng lời, đúng việc và hiểu đúng.

Mẹ luôn luôn sẵn sàng trợ giúp: “Xin hãy nên trọn nơi tôi như lời ngài truyền.” Mẹ đã bọc Chúa Hài Nhi trong khăn tã. Mẹ đã tìm được Người trong đền thờ. Mẹ đã nhận ra cô dâu chú rể không còn rượu. Mẹ đã ân cần theo bước Chúa trong sứ vụ công khai của Người. Mẹ đã đứng bên cạnh Người cho đến cùng, với tấm lòng cảm thông sâu sắc nhất. Mẹ đã chăm sóc Giáo Hội non trẻ như Mẹ đã chăm sóc cho Chúa Hài Nhi Giêsu (Cv 1:12-14).

Ngày nay chúng ta lại chẳng cần những phụ nữ đầy nữ tính như thế giữa chúng ta hay sao?

Đức Bà như hoa hường mầu nhiệm vậy – cầu cho chúng con.

Conrad Louis, O.S.B.

Ngày 26: Đức Mẹ Những Cánh Đồng Bát Ngát – Pháp

Lắng nghe là một kỹ năng cần được phát triển nơi những người trẻ – và cả những người không còn trẻ – trong thời đại của chúng ta. Khi kỹ năng này trở nên một phần trong cuộc sống thường nhật của chúng ta, người ta có thể áp dụng nó cả trong lãnh vực thiêng liêng.

Đức Maria là tấm gương cho chúng ta trong nhiều lãnh vực. Trong đó, có cung cách lắng nghe của Mẹ. Đức Maria đã lắng nghe Thiên Chúa trong lời cầu nguyện và trong những truyền thống của dân tộc Mẹ. Mẹ đã lắng nghe và đã nghe được lời Chúa nói trong Thánh Kinh, như đã thể hiện rõ ràng trong đời sống của Mẹ. Lời kinh Magnificat của Mẹ lấy nền tảng từ Thánh Kinh, bởi vì Mẹ đã lắng nghe và đem lời Chúa áp dụng vào cuộc sống của mình. Đức Maria cũng lắng nghe tha nhân, và qua đó, đã học biết yêu mến Thiên Chúa một cách thắm thiết hơn.

Đức Maria tận dụng mọi cơ hội để sống thường xuyên trước thánh nhan Thiên Chúa. Mẹ là gương mẫu về sự chăm chú lắng nghe cho chúng ta, để chúng ta cũng ý thức hơn về Thiên Chúa và những điều Người phán dạy chúng ta trong lời Người và trong dân Người.

Đức Bà là Đấng sốt mến lạ lùng – cầu cho chúng con.

Nữ tu Mary Maureen, S.S.J

Ngày 25: Cuộc Chuyển Khăn Liệm
và Mộ Phần Đức Maria đến Constantinople vào Năm 455

Sau khi Đức Maria được lên trời, Chúa Kitô giới thiệu Mẹ Người trước ngai Thiên Chúa: “Lạy Cha Hằng Hữu, Mẹ của Con thật xứng đáng được ban phần thưởng của một Người Mẹ. Vì suốt cuộc sống và trong mọi công việc của Mẹ, Mẹ đã nên giống như Con, theo khả năng tận cùng của một thụ tạo, vậy xin Cha hãy ban cho Mẹ được nên giống như Con trong vinh quang và trên Ngai Tòa Uy Linh của Chúng Ta.”

Chúa Cha Hằng Hữu tuyên bố: “Theo lòng sủng ái của Chúng Ta, Nữ Tử Maria đã được thánh ý Chúng Ta ưu tuyển trước nhất giữa mọi thụ tạo, và chưa từng đánh mất địa vị của một người con đích thực. Vì vậy, Nữ Tử của Chúng Ta có toàn quyền trên vương quốc của Chúng Ta, nơi mà Nữ Tử của Chúng Ta sẽ được công nhận và tôn vinh quyền hiển trị hợp pháp và là Nữ Vương.”

Ngôi Lời Nhập Thể tuyên bố: “Mọi thụ tạo Con đã tạo dựng và cứu chuộc đều thuộc về Người Mẹ đích thực và tự nhiên của Con. Mẹ xứng đáng là Nữ Vương trên tất cả những gì thuộc vương quyền của Con.”

Sau đó, Chúa Thánh Thần phán: “Triều thiên Nữ Vương muôn đời cũng sẽ được ban cho Maria, theo tước vị Hiền Thê duy nhất được đặc tuyển của Ta, tước vị mà Maria đã trung thành đáp ứng.”

Đức Bà là Đấng đáng tôn trọng – cầu cho chúng con.

Marie Layne

Ngày 24: Nữ Vương Bình An

Lời cầu đơn sơ “Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương Bình An” vẫn thường tỏ ra là một sức mạnh hộ phù cho các linh hồn gặp khốn khó. Chúng ta được trấn an không nên lo lắng hoặc ưu tư về quá khứ; nhưng dù vậy, khi ít ngờ nhất, thì một rầy rà nào đó lại đến quấy quất chúng ta. Ngày nào cũng có những tân toan này khác. Trong những lúc như thế, chúng ta hãy khiêm nhượng kêu lên, “Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương Bình An.” Đang khi thầm thĩ lời ấy, chúng ta hãy lặng lẽ hướng tâm trí về Hiền Mẫu đầy yêu thương, quên đi nguyên nhân nỗi âu lo, và xin Mẹ trào đổ ơn an bình cho tâm hồn chúng ta.

Cho dù căn cớ nỗi ưu phiền là tương lai, mất tự tin, hối hận, ngại ngùng – hay gì gì đi nữa, môi miệng chúng ta hãy cứ thốt lên, “Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương Bình An.” Mẹ Maria sẽ đến bên chúng ta với sự chăm sóc và dầu thơm của tình Mẹ.

Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương Bình An, xin đổ đầy linh hồn con ơn bình an của Chúa Kitô. Xin Mẹ ban cho các gia đình chúng con phúc lành bình an quí báu ấy và đưa thế giới đến một nền hòa bình trường cửu duy nhất đích thực, đó là nền hòa bình trong Chúa Kitô.

Đức Bà là Đấng trọng thiêng – cầu cho chúng con.

Hồng y John J. Carberry

Ngày 23: Đức Bà d’Ambronay – Pháp

Chúng ta biết quá ít về những chi tiết cuộc đời dương thế của Mẹ Maria, tuy nhiên, không cần phải nói, chúng ta quá biết tất cả những ai quen biết Mẹ đều quí mến Mẹ. Các bạn hữu và láng giềng của Mẹ mong được gặp gỡ Mẹ; họ vui sướng khi Mẹ hiện diện; họ trân trọng những lời từ môi miệng của Mẹ thốt ra – mặc dù rất hiếm; khi ra về, họ cảm thấy sung sướng và mạnh sức hơn khi đến; họ đầy thiện cảm đối với Mẹ, sẵn lòng làm bất cứ gì để phục vụ Mẹ; và ngay việc nghĩ tưởng đến Mẹ – nghĩ rằng đã có một con người như thế – cũng đem lại cho cuộc sống họ một niềm vui mới.

Và rồi, ngay trong những thời gian gần đây, cũng có những người được đặc ân chiêm ngưỡng Mẹ Maria bằng con mắt trần, chẳng hạn trẻ Bernadette; và có thể nói, họ luôn luôn yêu mến Mẹ khi vừa được nhìn thấy Mẹ, ngay cả trước khi biết Mẹ là ai.

Đức Bà làm cho chúng con vui mừng – cầu cho chúng con.

Đức cha Leo A. Pursley

Ngày 22: Đấng Phu Quân của Đức Mẹ

Thánh Cả Giuse và Đức Trinh Nữ Maria đã dành cho nhau một tình yêu hôn ước, như chồng và vợ. Đức Maria đã giúp Thánh Cả Giuse đạt được thiên đàng, và Thánh Cả Giuse cũng đã giúp Đức Maria đạt được thiên đàng.

Thánh Cả Giuse đã nghĩ gì và làm gì khi biết Đức Maria mang thai? Là một “người công chính,” thánh nhân quyết định không làm gì thiệt hại cho Mẹ, “thầm lặng bỏ đi” để khỏi tố giác “lỡ lầm” của Mẹ. Nhưng sứ thần Thiên Chúa đã can thiệp kịp thời cho Thánh Cả Giuse.

Đức Maria không thể tự bào chữa, bởi vì không ai sẽ tin câu truyện của Mẹ về lời sứ thần loan báo Mẹ sẽ trở thành Mẹ của Ngôi Lời nhập thể.

Có những giờ phút trong cuộc đời, chúng ta lâm cảnh hoang mang cực độ, không sao giải thích được. Khi ấy, chúng ta phải hướng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa là Đấng thấu hiểu mọi sự. Chúng ta phải thân thưa với Người, “Lạy Chúa, con chẳng biết phải làm gì nữa. Xin Người thương giúp con.” Nếu như chúng ta cầu xin lời khuyên nhủ, Thiên Chúa sẽ nói với chúng ta qua các linh mục của Người.

Đức Bà là tòa Đấng Khôn Ngoan – cầu cho chúng con.

Tom Martin, S.J.

Ngày 21: Đức Mẹ Ủi An

Trong những thử thách, gian truân, tang thương của chúng ta, Chúa Giêsu và Mẹ Người là những Đấng có thể cảm thông trọn vẹn với chúng ta. Các ngài đã biết mỏi mệt, đói khát, đã cảm nghiệm đau đớn, cô đơn và bị hiểu lầm là gì. Dù vậy, những điều ấy vẫn có một cái gì đó đặc biệt đối với các ngài. Các ngài không hề biết sự yếu đuối của tội lỗi.

Thay vì thở than những nỗi đau đớn do tội lỗi gây ra cho chúng ta, chúng ta hãy dành một vài phút để suy tư về nỗi đau đớn kinh khủng mà tội lỗi của chúng ta đã gây ra cho Chúa Giêsu và Mẹ Maria vô tội. Bất kỳ sự đau đớn và nỗi gian khổ nào các ngài đã chịu trên trần gian này đều hoàn toàn vì tội lỗi của nhân loại! Chúng ta sẽ không bao giờ ý thức đầy đủ về sự độc dữ của tội lỗi trừ phi chúng ta hiểu được tội lỗi đã gây ra những gì cho Chúa Giêsu và Mẹ chí thánh của Người.

Đức Bà là gương nhân đức – cầu cho chúng con.

Lm. Donald F.X. Connolly

Ngày 20: Đức Mẹ Những Chiếc Bàn – Montpellier

Có lẽ bài giảng ngắn gọn nhất còn lưu giữ được và dành cho số thính giả đông đảo nhất là bài giảng của chính Mẹ Maria.

Phúc Âm chỉ cho chúng ta biết một đôi lời của Mẹ Maria; trong số đó, những lời tại tiệc cưới Cana là những lời Mẹ đã nói cho toàn thể nhân loại. Mặc dù nói trực tiếp với một vài gia nhân, nhưng lời của Mẹ là dành cho toàn thể nhân loại.

Trong những cuộc linh khải của Đức Maria dài theo các thế kỷ, thực ra Mẹ chẳng nói gì khác ngoài những lời đã được gói gọn trong “bài giảng” tại Cana. Những lời Đức Mẹ chẳng có gì khó nhớ; và việc thực thi lời Mẹ kêu gọi là bằng chứng cho thấy tình yêu chúng ta dành cho Con Mẹ là chân thành. Chúng ta không thể dâng cho Mẹ niềm vui sướng và hoan lạc nào lớn hơn là vâng nghe lời khuyên nhủ đầy tình mẫu tử của Mẹ: “Người bảo gì, các con hãy làm như vậy.”

Đức Nữ trung tín thật thà – cầu cho chúng con.

Đức cha Henry A. Pinger, O.F.M. (Trung Quốc)

Ngày 19: Đức Mẹ Chốn Khách Đầy

Không thế kỷ nào trong lịch sử nhân loại đã từng chứng kiến thảm cảnh nhiều triệu người phải trốn chạy vì những cuộc chiến và những hòa ước như thế kỷ XX. Những cuộc trốn chạy đành đoạn ấy đã hằn lại những vết thương tinh thần và nỗi đau xương máu khôn lường. Những hậu quả thảm thương, tang tóc còn kéo dài qua các thế hệ. Đức Mẹ Fatima đã tuyên bố, “Chiến tranh là một hình phạt vì tội lỗi.” Cuộc thanh tẩy đè trĩu trên nhân loại trong thế kỷ XX nặng nề chưa từng thấy. Tội lỗi nhân loại đã đến mức quá đáng và khiêu khích cơn nghĩa nộ của Thiên Chúa.

Từ xa xưa cũng đã có một cảnh trốn chạy như thế. Thánh Giuse, được thiên thần báo mộng đã đưa Đức Maria và Chúa Hài Nhi Giêsu trốn sang Ai cập. Các ngài đã chấp nhận thánh ý Thiên Chúa. Rồi với thời gian, khi cơn nguy biến đã vơi đi, các ngài lại trở về quê hương.

Bằng lời cầu nguyện, chúng ta có thể hỗ trợ những người lâm cảnh tha hương, và nếu như thánh ý Chúa muốn, có thể giúp họ trở về quê quán.

Đức Nữ có lòng khoan nhân – cầu cho chúng con.

Bruce Riski, O.F.M. cap.

Ngày 18: Đức Mẹ Dijon – Pháp

Lòng sùng kính Đức Maria không nhất thiết phải có những tiếng nhạc du dương, những nghi thức đặc biệt và những đền đài nguy nga. Những điều này có thể kích thích và vun đắp cho lòng sùng kính, nhưng chỉ là ngoại tại và không tạo ra được lòng sùng kính. Cảm tình ngọt ngào và cảm xúc êm đềm cũng thế, đều không tạo ra được lòng sùng kính Mẹ Maria. Chúng đến rồi đi và không bao giờ nằm trong sự kiểm soát của chúng ta. Lòng sùng kính thì tinh tế và bền vững. Nó không đổi thay thay đổi như hứng khởi của chúng ta. Nó không mất đi khi chúng ta đói khát và trở lại sau một bữa no lòng.

Niềm tin là căn bản của lòng sùng kính. Chúng ta tin Đức Maria giữ một vị trí cá biệt trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Niềm tin này biểu lộ không những qua việc chạy đến xin Mẹ phù giúp, mà còn qua việc nghiêm chỉnh noi theo các nhân đức nổi bật trong đời sống của Mẹ Maria – và qua đó, biến sứ mạng Mẹ đã thực hiện trở nên sứ mạng của chính chúng ta. Sứ mạng này không được thực hiện bằng những nỗ lực được chăng hay chớ, theo những ngẫu hứng nhất thời. Nó là một cố gắng bền bỉ, suốt đời.

Đức Nữ có tài có phép –  cầu cho chúng con.

Albert J. Nimeth, O.F.M

Ngày 17: Đức Bà Xứ Pontmain

Lúc đầu, Thiên Chúa tỏ mình ra cho nhân loại chỉ qua lời hứa. Nhưng sau biến cố Sa Ngã, Người đã giáng thế và nắm lấy tay họ. Hạnh phúc và phần rỗi nhân loại bị lụi tàn, nhưng những người sống trong cảnh thê lương ấy đã hướng về xa xăm và nhìn thấy thành thánh Thiên Chúa đang đến. Thiên Chúa đã giáng trên họ một hình phạt nặng nề, nhưng hình phạt ấy đã được giảm thiểu bằng một cơ hội giải hòa rộng lượng. Evà ngồi trước cánh cổng bị khóa chặt của địa đàng mà bà đã đánh mất; nhưng giờ đây, Thiên Chúa cũng đặt Đức Maria trước cánh cổng ấy.

Quả thực, Giáo Hội là vương cung thánh đường của Đức Maria, trong đó, chính Đức Maria là bàn thờ. Giáo Hội như một thánh đường đã được chuẩn bị cho thánh lễ. Bàn thờ sẵn sàng, đèn nến thắp sáng, những tiếng chuông gọi mời các tín hữu mau đến… Chúa Kitô vẫn chưa xuất hiện, nhưng Người sẽ đến!

Sấp mình dưới chân Đức Trinh Nữ, trước cổng thành Thiên Chúa; chúng ta quờ quạng ở đó như một người hành khất đang gõ cửa Trái Tim Mẹ, nài xin Mẹ khai mở những cánh cổng sự sống cho chúng ta được vào. Giám mục Ottokar Prohaszka đã viết như thế trong quyển Suy Niệm Phúc Âm (Meditations on the Gospels).

Đức Nữ rất đáng ngợi khen – cầu cho chúng con.

Joseph E. Manton, C.SS.R.

Ngày 16: Đức Mẹ, Nơi Nương Ẩn của Tội Nhân
– Hội dòng Chúa Thánh Thần và Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria

 Chúa Giêsu đã đến để cứu vớt các tội nhân. Mẹ Maria lúc nào cũng một lòng một dạ với Con yêu dấu của Mẹ. Mẹ được xưng tụng là Nơi Nương Ẩn của Tội Nhân vì Mẹ dành cho tất cả con cái của Thiên Chúa một tình yêu thủy chung.

Mẹ Maria chí thánh vẫn hằng cứu vớt các tội nhân, giúp họ tránh lánh các cạm bẫy tội trọng có thể đưa đến chỗ vĩnh viễn thiệt mất linh hồn. Mẹ biết sự thanh sạch có thể đạt đến được nhờ sự hiểu biết phù hợp. Cho dù tội nhân có sa phạm tội lỗi gì đi nữa, Mẹ vẫn cầu bầu cho họ. Những lời kinh và lòng sùng kính của tâm hồn thành tâm tìm Chúa sẽ đem lại kết quả.

Chúng ta hãy giao phó việc hoán cải tội nhân vào tay Mẹ Maria – cho dù tình cảnh có thảm hại đến đâu cũng đừng bao giờ mất hy vọng, đừng bao giờ ngã lòng. Chúng ta có thể an lòng vì tất cả các thánh trong Giáo Hội đều cộng tác trong sứ mạng cứu vớt của Mẹ Maria vì lợi ích của một linh hồn khốn khó.

Đức Nữ rất đáng kính chuộng – cầu cho chúng con.

John Julius Fisher

Ngày 15: Đức Mẹ Những Vụ Mùa – Syria

Trong triều đại của các vị giáo hoàng gần đây, việc tông du đã trở nên một việc hân hoan thông thường. Trái ngược với những giai đoạn trước kia, vị giáo hoàng đương kim muốn công du bên ngoài lãnh giới Vatican vào nhiều dịp khác nhau. Những chuyến đi này đã chứng tỏ là những biến cố mang ý nghĩa quốc tế.

Vào những năm tháng trong thời kỳ đức giáo hoàng vẫn còn là “tù nhân của Vatican” đã diễn ra một hình thức viếng thăm khác. Đó là những cuộc thăm viếng của Đức Mẹ – những cuộc viếng thăm là cơ hội nói lên niềm quan tâm sâu sắc.

Trước khi đến lúc chúng ta phải minh định cụm từ “Hiệp Chủng Quốc,” người dân Hoa Kỳ phải hướng lên và nài xin vị Quan Thầy cầu bầu cho miền đất “ngũ cốc vàng rộ… núi non thẫm màu… và đồng bằng xanh trái này.” Con đường nước Mỹ đến với phần còn lại của thế giới đã làm cho nó trở nên cá biệt; đó là bà mẹ của những người vô gia cư trên thế giới và là thành quả của những giấc mơ của thế giới. Lạy Mẹ Maria, xin giữ cho đất nước này được mãi như thế!

Đức Nữ cực khôn cực ngoan – cầu cho chúng con.

Lm. Ralph Hartman

Ngày 14: Đức Mẹ Ngôn Từ – Montserrat, Tây Ban Nha
Sinh Nhật Thánh Nữ Bernadette

Những sự kiện lớn lao nhất trong lịch sử đã xảy ra nhờ một lời. Thiên Chúa phán truyền, và những vẻ đẹp tạo vật lập tức hiển lộ. Đức Maria thưa lời “xin vâng…,” và Thiên Chúa đã làm người. Giáo Hội đọc lời tưởng nhớ, và bánh rượu được trở nên Chúa Kitô phục sinh.

Một lời thật mãnh liệt. Một lời có sức sáng tạo hoặc hủy diệt. Trước khi ngày hôm nay chấm dứt, mỗi người chúng ta có lẽ đã nói ra hằng trăm lời. Chúng ta hãy quyết tâm làm cho chúng trở nên những lời yêu thương, nâng đỡ và khích lệ.

Đức Mẹ sinh Chúa Cứu Thế – cầu cho chúng con.

Lm. Mr. Peter Stravinskas

Ngày 13: Đức Nữ Đầy Muôn Nhân Đức – Verdun; Kinh Tiểu Nhật Tụng kính Đức Trinh Nữ*

Thánh Pius V giáo hoàng vốn là một linh mục dòng Đaminh sống vào một thời buổi lịch sử rất khó khăn. Quân Thổ nhĩ kỳ hung hãn tiến hành cuộc xâm lược Âu Châu và thôn tính nền văn minh Kitô Giáo tại đó. Thánh nhân kêu gọi nhân dân Âu Châu hãy quì gối lần hạt Mân Côi để cứu quê hương. Mọi người khắp nơi đều hưởng ứng, và kỳ diệu thay, một hạm đội nhỏ bé của Kitô Giáo đã đủ sức đánh trả cả một lực lượng hải quân hùng hậu của Thổ nhĩ kỳ.

Một vị giáo hoàng thánh thiện như Đức Pius V đã hiểu biết nhu cầu của lời cầu nguyện. Cầu nguyện là điều cao quí nhất trong cuộc sống chúng ta có thể làm được. Cha Thomas Merton – đan sĩ dòng Trappist – đã viết, “Không có gì tốt lành xảy ra trên thế giới này mà không nhờ lời cầu nguyện.” Nhân dân Âu Châu với gối quì đã bảo tồn được Kitô Giáo.

Trong đời sống chúng ta, việc cầu nguyện cũng rất thiết yếu. Đó là điều quan trọng nhất chúng ta làm được. Người nào bận rộn đến độ không thể cầu nguyện được – là những người đã bận rộn thái quá. Chúng ta phải cầu nguyện hoặc là phải chết. Ngày nay có quá ít lời cầu nguyện: đó là cội rễ của rất nhiều vấn đề của chúng ta. Khi chúng ta cầu nguyện, Chúa Kitô ở với chúng ta. Nếu Chúa Kitô ở với chúng ta, chúng ta có thể thắng vượt tất cả.

Đức Mẹ sinh Chúa tạo thiên lập địa – cầu cho chúng con.

Lm. Rawley Myers

*Đã được thánh Pius V giáo hoàng tu chính vào năm 1571

Ngày 12: Đức Mẹ Rue Large – Roma

 Trên một con đường tấp nập tại Roma có một đền thánh Đức Mẹ rất lạ lùng, được xây ẩn vào bức tường của một đan viện Carmelite. Đó là một bức hình Đức Mẹ ghép hợp, với hàng chữ: “Ôi Trinh Nữ Maria, Mẹ Tình Yêu Thiên Chúa, xin làm cho chúng con nên thánh.”

Trong lời nguyện này có rất nhiều chất liệu suy tư. Đức Maria là Hiền Mẫu của Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, Trái Tim Mẹ bừng cháy ngọn lửa tình yêu thần linh dành cho chúng ta.

Lời khẩn cầu – “xin làm cho chúng con nên thánh” – không phải phát xuất một cách dễ dàng trên môi miệng chúng ta. Tuy nhiên, thánh Phaolô đã viết, “Thánh ý Thiên Chúa muốn anh em hãy nên thánh.” Khi xin được nên thánh, chúng ta chẳng tìm kiếm điều gì ngoại thường. Không, chúng ta chỉ xin làm trọn thánh ý Thiên Chúa trong đời sống chúng ta, được sống trong ơn nghĩa Chúa và trái tim chúng ta được tràn đầy tình yêu Chúa Kitô. Sự thánh thiện là hạnh phúc chân thực của cuộc sống.

Đức Mẹ chỉ bảo đàng lành – cầu cho chúng con.

Đức hồng y John J. Carberrry

Ngày 11: Đức Bà de Bessiere – Limousin, Pháp

Các họa sĩ thời xưa thường cố gắng lột tả trên chất liệu vải nội tâm của hai bậc nữ nhân, trinh nữ và hiền mẫu. Qua các thế kỷ, các nghệ nhân đã lao nhọc để phác họa nét thanh xuân và duyên nhị của sự trong trắng trinh nữ, vẻ ngời sáng rạng rỡ của sự tinh tuyền. Và họ cũng nỗ lực không kém để diễn tả phẩm giá và sự ấm áp của mẫu tính. Không có gì lạ lùng đâu khi có rất nhiều họa phẩm về Đức Maria và Chúa Con đến như thế? Các họa sĩ vẫn luôn mô phỏng nghệ thuật siêu vời của Vị Họa Sĩ thần linh.

Nơi Đức Maria, Thiên Chúa đã sáng tạo một kiệt tác nghệ thuật, liên kết được những tương phản giữa sự thanh khiết và chức làm mẹ. Nơi Đức Maria, Thiên Chúa đã diễn tả được vẻ đẹp thanh thoát của sự tinh tuyền vẹn trinh và sự nồng thắm dịu dàng của chức làm mẹ. Nơi Đức Maria, Thiên Chúa đã tóm kết được tất cả những phẩm chất khả ái nhất của nữ tính.

Đức Mẹ cực mầu cực nhiệm – cầu cho chúng con.

Lm. Leon Mc Kenzie

Ngày 10: Đức Mẹ Những Người Hướng Dẫn

Đức Mẹ Đồng Trinh, Đấng đã đem Chúa Kitô đến cho chúng ta và là tấm gương phản ảnh hoàn hảo nhất của Chúa Kitô, là mối liên kết ngoại tại mật thiết nhất của chúng ta với Chúa Kitô, và do đó, cũng ảnh hưởng nhất trong việc giữ chúng ta gắn bó với Chúa Kitô. Đây là vai trò của mẫu tính thần linh của Đức Maria, đã được Thiên Chúa định đặt như phương thế tỏ bày Con Người cho thế giới. Mẹ tỏ cho chúng ta thấy Chúa Kitô, và Mẹ biết chúng ta cần gì để làm cho chúng ta đồng hóa với hình ảnh Chúa Kitô. Không ai có thể hiểu biết hơn Mẹ: vì Mẹ là Mẹ Chúa.

Đức Maria cũng là Mẹ chúng ta. Linh hồn rất cần một người mẹ trên trời mật thiết kết hợp với Chúa hơn là một người mẹ dưới thế trung thành đi tìm Chúa. Linh hồn được trợ giúp hiệu quả nhờ những chức năng của người mẹ ấy, được đồng hóa, được đồng nhất và được biến đổi trên bình diện trời cao. Trong việc đi tìm Chúa Kitô, linh hồn cần đến Hiền Mẫu Chúa Kitô. Trong cuộc chiến để tìm hiểu và thực tập các nhân đức của Chúa Kitô, linh hồn cần đến Hiền Mẫu Mọi Ơn.

Khi lạc mất Chúa Kitô, linh hồn cần đến nương ẩn nơi Hiền Mẫu Nhân Lành. Trong những hy sinh và đau thương phải chịu vì Chúa Kitô, linh hồn cần đến sự nâng đỡ của Hiền Mẫu Sầu Bi. Trong việc hiểu biết và gắn bó với những lý tưởng của Chúa Kitô, linh hồn cần đến sự phản ảnh hoàn hảo những điều ấy nơi Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria – Trinh Nữ, Nữ Vương và Hiền Mẫu.

Đức Mẹ rất đáng yêu mến – cầu cho chúng con.

Đức hồng y Richard J. Cushing

Ngày 9: Đức Mẹ Bên Kia Sông Tiber – Roma

Từ giây phút Đức Maria thưa lên lời fiat, từ ngày Con Thiên Chúa mặc lấy nhân tính để cứu độ nhân loại, Thiên Chúa đã muốn nhân loại được cứu vớt nhờ nhân loại. Như kim cương được đánh bóng nhờ bụi kim cương thế nào, thì con người cũng được hoán cải nhờ con người như thế. Chúa Kitô không có những bàn tay nào khác để cứu trợ ngoài những bàn tay của chính chúng ta.

Bởi vì Chúa cứu độ cả nhân loại, chứ không phải chỉ riêng chúng ta trong đất nước này mà thôi, bởi đó, đức ái của chúng ta cũng phải phổ quát như chúng ta là những tín hữu Công Giáo. “Các con hãy đi khắp thế gian.” Nếu Jerusalem mà nói rằng, “Chúng tôi phải làm cho mọi người ở đây trở thành môn đệ Chúa Kitô trước đã, rồi mới giảng đạo cho Roma,” thì Roma có lẽ chẳng bao giờ có được đức tin. Nếu Roma mà nói rằng, “Chúng tôi phải qui phục mọi lương dân ở đây trước đã, rồi mới phái thánh Patrick sang Ái nhĩ lan, thánh Cyril và thánh Methodius sang các miền đất giáp biển Baltic, và thánh Boniface sang Đức,” thì những quốc gia này có lẽ chẳng bao giờ có đức tin.

Người Công Giáo nào không quan tâm đến thế giới thì không phải là người Công Giáo đích thực, và chỉ bằng cách cứu thế giới cho Chúa Kitô, chúng ta mới có thể cứu được quê hương chúng ta.

Đức Mẹ chẳng dúng bợn nhơ – cầu cho chúng con.

Đức tổng giám mục Fulton J. Sheen

Ngày 8: Đức Mẹ Cứu Trợ Tức Thời – New Orleans, Louisiana

Tại Louisiana, các tín hữu Công Giáo mừng ngày lễ kính Đức Mẹ Cứu Trợ Tức Thời, quan thầy của tiểu bang. Chính nhờ sự can thiệp lạ lùng của Mẹ mà thành phố New Orleans đã được cứu khỏi trận hỏa hoạn và sự chiếm đóng của lực lượng Anh Quốc trong trận chiến New Orleans vào năm 1815.

Tín hữu Công Giáo khắp nơi đều cần đến tấm gương của Đức Mẹ và của thánh Phaolô Tu Rừng – trong việc cầu nguyện thinh lặng chiêm niệm. Chúng ta tất cả đều quá căng thẳng. Trước bản chất tinh thần của con người, chúng ta chỉ là một lời nói dối sống động khi lao theo tiện nghi thân xác, dụng cụ máy móc và tất bật quá độ.

Chúng ta bôn ba đôn đáo, nhưng chẳng lưu tâm đến tinh thần bao nhiêu. Còn Mẹ Maria, Mẹ “ghi nhớ tất cả những sự việc ấy và suy niệm trong lòng.” Thánh Phaolô Tu Rừng đã sống 90 năm trong tịch liêu – chúng ta chỉ có thể thán phục và chiêm ngưỡng, chứ không thể bắt chước ngài được.

Chúng ta cần đối thoại với Chúa Kitô, chiêm niệm, tâm nguyện – hoặc một cái tên nào khác tùy thích. Làm sao chúng ta có thể thực thi công việc của Chúa nếu không biết rõ suy tư của Người? Hôm nay, chúng ta hãy thưa chuyện với Người đi.

Đức Mẹ tuyền vẹn mọi đàng – cầu cho chúng con.

Đức ông Alexander Sigur

Ngày 7: Đức Maria cùng Chúa Giêsu
và Thánh Cả Giuse từ Ai Cập Trở Về

 Lời Chúa đến với Thánh Cả Giuse như một lệnh truyền: “Đừng sợ nhận Maria về nhà làm bạn.” Sau đó: “Hãy chỗi dậy, đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai cập.” Và rồi: “Hãy chỗi dậy, đem Hài Nhi và Mẹ Người trở về đất Israel.” Sau cùng, “Không biết rằng Con phải lo việc trong nhà Cha Con sao?”

Mỗi lần như thế là một hy sinh thật gắt gao đối với Thánh Cả Giuse, nhưng ngài đã khiêm tốn chấp nhận và thực thi từng lệnh truyền. Nếu là một người trẻ, tôi có thực thi những gì cha mẹ truyền cho tôi không? Nếu đã lớn khôn, tôi có làm trọn những bổn phận ơn gọi trong cuộc sống của tôi một cách khiêm tốn và trung thành như Thánh Cả Giuse không? Tôi có đón nhận các giới luật của Thiên Chúa, không phải với thái độ cau có, nhưng một cách vui tươi, vì đó là những ước vọng của Thiên Chúa hay không?

Thánh nữ Têrêxa Avila đã nói: “Theo tôi thấy, đối với các thánh khác, Thiên Chúa dường như ban cho các ngài quyền năng giúp đáp chúng ta chỉ trong một loại nhu cầu nào đó; còn nhờ kinh nghiệm, tôi biết Thánh Cả Giuse quang vinh có thể phù giúp chúng ta trong hết mọi thứ nhu cầu.”

Đức Mẹ cực tinh cực sạch – cầu cho chúng con.

Đức cha Leo R. Smith

Ngày 6: Phép Lạ Đầu Tiên qua Sự Cầu Bầu của Mẹ Maria tại Tiệc Cưới Cana

Tại một tiệc cưới ở Galilê (Ga 2.1-12), rất nhiều điều tùy thuộc vào rượu. Nhưng lúc này, rượu đang cạn dần. Để tránh tình trạng bẽ bàng do những chiếc bình cạn rượu gây ra, Đức Maria đã can thiệp và nói với Chúa Giêsu, Con Mẹ: “Họ hết rượu rồi.” Mẹ không xin phép lạ. Mẹ chỉ nêu lên nhu cầu khẩn thiết và phó mặc phần còn lại cho Chúa định liệu – đó là một cách cầu nguyện đáng học tập.

Mẹ Maria chỉ nói với các gia nhân: “Người bảo gì, các anh hãy làm như vậy.” Đó là những lời cuối cùng của Mẹ Thiên Chúa được ghi lại trong các Phúc Âm. Nước biến thành rượu tại Cana là ơn phúc mở đầu cho một loạt bất tận những ơn phúc nhân loại đã được lãnh nhận theo sự quan phòng của Thiên Chúa, qua lời cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria.

Đức Mẹ cực thanh cực tịnh – cầu cho chúng con.

Thomas M. Brew. S.J.

Ngày 5: Đức Mẹ Thịnh Vượng – Pháp

Lòng sùng kính Đức Mẹ luôn là dấu hiệu của người tín hữu sốt sắng. Nơi nào tình yêu Mẹ Maria rộ nở, nơi ấy luôn có một sự trìu mến sâu xa đối với Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa Làm Người.

Nguyên nhân lòng sùng kính của chúng ta đối với Mẹ Maria thật đơn giản. Thiên Chúa đã đặc tuyển Mẹ trước tiên. Ơn thánh Chúa thật mãnh liệt nơi Mẹ. Mẹ là chiếc bình được ưu tuyển để đem Chúa Kitô đến cho trần gian. Hỏi thử còn vinh dự nào cao sang hơn nữa?

Chúa Thánh Thần đã soi động cho Mẹ nói lên lời tiên tri: “Này đây muôn thế hệ sẽ khen tôi là người diễm phúc.” Mỗi khi áp dụng danh xưng diễm phúc ấy cho Đức Maria, là chúng ta làm trọn điều đã được tiên báo ngay từ khởi đầu của Kitô Giáo. Quả thật – Mẹ Maria là người tín hữu đầu tiên!

Đức Mẹ thông ơn Thiên Chúa – cầu cho chúng con.

Lm. Charles Dollen

Ngày 4: Đức Mẹ Treves – Đức

Khi nói về Đức Mẹ, hồng y John Henry Newman đã phân biệt giữa những gì đức tin dạy về Mẹ và lòng sùng kính của chúng ta đối với Mẹ. Ngài viết:

“Khi nói đến ‘đức tin,’ tôi có ý nói kinh Tin Kính và thái độ thuận hợp với kinh Tin Kính; khi nói đến ‘lòng sùng kính,’ tôi có ý nói… những việc tôn vinh tôn giáo và sự đáp trả những việc tôn vinh ấy.”

Những điều đức tin dạy về Đức Maria bao giờ vẫn trước sau như nhất, vì đó là điều Mẹ Hội Thánh ban cho chúng ta và được truyền lại qua tác phẩm của các vị giáo phụ. Những giáo lý này là những mỏ quí, từ đó chúng ta phát triển kiến thức về Đức Maria; và từ vốn kiến thức ấy, tình yêu và lòng sùng kính của chúng ta sẽ được thể hiện theo cách đáp ứng của từng cá nhân.

Đức tin ban cho chúng ta rất nhiều, nhờ đó lòng sùng kính của chúng ta có thể tăng tiến lành mạnh và sâu xa. Từ cả hai, chúng ta sẽ trở nên những người con đích thực của Mẹ Maria và cảm hưởng được sự bảo bọc đầy yêu thương của Mẹ.

Đức Mẹ Chúa Kitô – cầu cho chúng con.

Hồng y John J. Carberry

Ngày 3: Đức Mẹ Sichem – Trung bộ Palestine

 Có bao giờ bạn nghĩ đến việc cám tạ Thiên Chúa vì những tặng ân tuyệt vời Người đã ban cho Đức Maria không? Một nỗ lực như thế của chúng ta sẽ làm cảm động tâm hồn của Mẹ, rất đẹp lòng Thiên Chúa và Mẹ.

Nói cho cùng, Đức Maria là kiệt tác của Thiên Chúa, và Thiên Chúa xứng đáng với những lời chúc tụng của chúng ta vì công trình của Người. Mẹ không ngừng ra sức cám tạ Thiên Chúa vì những đặc ân trọng hậu Người đã ban cho Mẹ: tình yêu Chúa Thánh Thần dành cho Mẹ, ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội, ơn gọi cao cả, ơn Hồn Xác Lên Trời – vì tất cả.

Mẹ rất cảm kích sự hỗ trợ của chúng ta và sẽ không chịu để nợ lâu ngày mà không đáp trả bội hậu cho chúng ta.

Rất Thánh Nữ Đồng Trinh trên hết cả kẻ đồng trinh – cầu cho chúng con.

Eugene Boylan, O.C.S.O.

Ngày 2: Đức Mẹ Cổ Trụ – Saragossa, Tây Ban Nha

Mẹ chúng ta thật khả ái dường bao! Đôi mắt to và đẹp của Mẹ có thể nói lên cả ngàn câu truyện. Đôi tay của Mẹ có thể phác họa tình yêu thắm thiết nhất của toàn thể địa cầu. Trái Tim Mẹ có thể ấp ủ toàn thể tạo vật. Lời “xin vâng” của Mẹ đã lấp đầy khoảng trống vắng bằng niềm an bình vĩnh hằng.

Phúc cho Mẹ vì đã tin, vì đã nghe được tiếng Chúa Cha gọi tên Mẹ; và chắc chắn Mẹ đã đáp lại. Phúc cho Mẹ vì đã trở nên một người mẹ – và nơi Mẹ là phúc lành cho tất cả những người mẹ khác. Đức Trinh Nữ Maria thật diễm phúc vì Mẹ đã làm xúc động nhịp đập của tình yêu vô tận.

Mẹ đã không miễn cưỡng khi thốt ra lời xin vâng! Mẹ đã không miễn cưỡng khi đáp lại lời mời gọi của Chúa Cha, bởi vì Mẹ đã được chuẩn bị để nên thánh. Mẹ đã chấp nhận nỗi đau thương không phải vì chẳng đặng đừng, nhưng vì tình yêu của Mẹ dành cho Thiên Chúa và vì tình yêu của Thiên Chúa dành cho Mẹ. Mẹ đã tự tình thưa lời “xin vâng.” Mẹ đã tự tình đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa và chấp nhận nỗi đau thương. Và đó chính là điều làm nên sự khác biệt.

Lạy Mẹ khả ái, chúng con nhìn lên Mẹ như một mô phạm cho nữ giới và cho sự thánh thiện. Mẹ là danh dự và vinh quang của dân tộc Mẹ.

Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời – cầu cho chúng con.

Timothy Delaney

Ngày 1: Lễ Trọng Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa 

Hiến chế về Giáo Hội (công đồng Vatican II) dành một chương tuyệt vời có tựa đề: “Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, trong mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội,” để bàn về Đức Maria. Mặc dù không có kỳ vọng đưa ra một giáo thuyết đầy đủ về Đức Maria, nhưng như tựa đề cho thấy, chương này mô tả vai trò của Đức Maria trong Giáo Hội và những bổn phận của chúng ta đối với Mẹ.

“Vì đã cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa Kitô, đã dâng Chúa Kitô lên Chúa Cha trong đền thánh và cùng đau khổ với Con mình chết trên thập giá, Đức Maria đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Đấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy, trên bình diện ân sủng, Ngài thật là Mẹ chúng ta” (LG 61).

Đức Maria đứng tại tâm điểm của Cựu Ước lẫn Tân Ước. Chúng ta có thể trình bày điểm này như sau: Chúa Kitô là sự đáp ứng hoàn hảo của tình yêu Thiên Chúa Cha dành cho nhân loại. Và sau Chúa Kitô, không ai đã cộng tác trọn hảo với chương trình của Thiên Chúa cho bằng Đức Maria. Hiện nay, có lẽ chúng ta cần đến sự cầu bầu của Đức Maria hơn bao giờ hết, vậy chúng ta hãy phó mình trong tay Mẹ, Đấng biểu hiện vẻ mỹ lệ của Giáo Hội, hiền thê Chúa Kitô.

Rất Thánh Đức Bà Maria – cầu cho chúng con.

 Nữ tu Elizabeth Ann Clifford, O.L.V.M.

 

***

QUA MẸ MARIA ĐẾN VỚI CHÚA GIÊSU là chủ đề chính của hợp tuyển tuyệt vời này, gồm các bài viết và tư tưởng thiêng liêng về Đức Trinh Nữ Maria, Hiền Mẫu của chúng ta. Với 366 bài suy niệm hằng ngày của các văn sĩ, tác giả và học giả hàng đầu thế giới, Ngày Ngày Với Mẹ Maria đem đến những đề mục hay nhất tuyển lọc từ sưu tập 25 năm của tập san My Daily Visitor (Khách Mỗi Ngày của Tôi). Ở đây, chúng tôi chỉ xin đan cử một số cộng tác viên: Đức Tổng Giám Mục Fulton J. Sheen, Dale Francis, Đức Hồng Y John Carberry, Đức Hồng Y Richard Cushing, Đức Pius XI, Eileen T. Duffy và cha Patrick Peyton. Một điểm đặc biệt nữa là “Lịch Thánh Mẫu” với 366 tựa đề riêng biệt qui về Đức Mẹ Maria, và được cẩn thận liên kết với mỗi đề mục. Ngày Ngày Với Mẹ Maria đem đến cho độc giả một nhãn giới tân kỳ hấp dẫn về văn chương Thánh Mẫu.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *