Video: Ngày Ngày Với Mẹ – Tháng 5

Ngày 31: Lễ Đức Mẹ Thăm Viếng

Hôm nay, để tôn vinh Mẹ Maria, chúng ta kết thúc tháng Năm bằng việc kỷ niệm sự kiện Mẹ đi thăm bà Elizabeth, một chuyến đi để lại cho chúng ta nhiều bài học. Mẹ Maria lên đường giúp đỡ người khác. Còn chúng ta thì sao? Mẹ Maria đã loan truyền tin mừng cứu độ. Còn chúng ta thì sao? Thánh Gioan nhảy mừng trong lòng bà Elizabeth vì cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong lòng Mẹ Maria. Còn tha nhân có phản ứng tương tự như thế với chúng ta hay không?

Đức Maria nổi bật như một phụ nữ đầy đức tin, can trường trước những hoàn cảnh gian truân trong cuộc đời. Mẹ vượt qua mọi giới hạn và trở thành một phụ nữ thực sự tự do – không phải nhờ chủ nghĩa cá nhân, tự khẳng định bản thân, hoặc bo bo với các quyền lợi cá nhân, nhưng bằng cách hiến thân hoàn toàn cho Thiên Chúa.

Các Phúc Âm cho chúng ta một trường hợp duy nhất về những chỉ dạy của Mẹ Maria, nhưng một trường hợp ấy đã đủ: “Người bảo gì, hãy làm như vậy” (Ga 2:5). Đó là mệnh lệnh duy nhất cho nhiệm vụ của cả cuộc đời. Mẹ Maria đã xuất sắc làm trọn mệnh lệnh ấy của chính Mẹ. Vì thế, khi xưng tụng Mẹ là người “diễm phúc,” mọi thế hệ Kitô hữu đã làm ứng nghiệm lời Mẹ đã tiên báo.

Lạy Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi, xin cầu cho chúng con.

Lm. Mr. Peter M. Stravinskas.

Ngày 30: Mẹ Tình yêu Xinh Đẹp

Trong ngày lễ tuyệt đẹp này của Đức Mẹ, tự nhiên chúng ta hướng về Mẹ để xin ơn an ủi và nâng đỡ. Chắc chắn, Mẹ sẽ nhớ đến những người con chốn khách đầy đáng thương của Mẹ trên trần gian này.

Lạy Mẹ, chắc Mẹ quá biết chúng con vẫn đang đau khổ, trái tim nhân tính của Mẹ vẫn nghĩ đến và cảm thương cho những đứa con đáng thương của Mẹ nơi thung lũng châu lệ này. Xin Mẹ thương xót những người khóc lóc trong đau thương. Xin Mẹ thương xót những người đã yêu và đã đánh mất tình yêu. Xin Mẹ thương xót những người còn trong tối tăm, mò mẫm kiếm tìm chân lý. Xin Mẹ thương xót những người có trái tim đã chết, bị đầu độc vì thế giới ích kỷ này. Xin Mẹ thương xót những người yếu đuối và mỏi mệt. Xin Mẹ thương xót những người cứng lòng. Xin Mẹ thương xót tất cả chúng con, bởi vì Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu, còn chúng con là những người con hư hỏng đáng thương mà Chúa đã hy sinh cả Máu và cả Mẹ để cứu chuộc lấy.

Lạy Mẹ, quả thật Mẹ yêu thương chúng con. Mẹ là Nữ Vương của chúng con, nên chúng con có quyền gọi Mẹ là Mẹ của chúng con. Hôm nay, xin Mẹ đoái thương ban phúc lành Con Mẹ cho chúng con; và đưa chúng con an lành đến được với Người.

Chào kính Nữ Vương chí thánh, sự sống của chúng con, sự ngọt ngào của chúng con, sự cậy trông của chúng con!

Albert A. Murray, C.S.P.

Ngày 29: Đức Mẹ Thập Giá – Carcassone, Pháp

Khi nghĩ đến thi thể thánh thiện Chúa Giêsu được hạ xuống khỏi thập giá và đặt vào vòng tay của Đức Mẹ, tâm trí chúng ta hồi tưởng về đời sống quá khứ của mình, ở đó, như trong các thương tích của Chúa, chúng ta có thể đọc được câu chuyện về những sa ngã và thất trung của chúng ta đối với ân sủng. Có cái phỉ nhổ khước từ những lời mời gọi sống đạo hạnh. Có những vết bầm còn đó vì chúng ta thiếu nhân ái với tha nhân. Có những vết thương còn há miệng vì những lỗi phạm cố tình xúc phạm đến Thiên Chúa. Gánh nặng kinh khiếp này chúng ta không thể kham nổi; vậy chúng ta hãy đem đến cho Đức Mẹ, trong tinh thần sám hối khiêm tốn như thánh Phêrô.

Một sức sống mới – được sinh ra nhờ ơn tha thứ và sự bình an của Chúa Kitô – sẽ trỗi dậy trong chúng ta và xua đi tất cả những thất vọng. Tất cả chúng ta cần một nơi nghĩ ngơi cho cuộc đời dĩ vãng, với tất cả những tư tưởng nó gợi lên và những ân hận nó gây ra. Trái Tim Mẹ Maria có thể làm dịu vết đau và giúp chúng ta mang vác gánh nặng ấy.

Chiều tối ngày thứ Sáu tuần Thánh, thi thể Chúa đã được tháo khỏi thập giá và trao vào vòng tay của Mẹ Maria. Ước chi lúc chiều tàn của mọi ngày nơi thung lũng nước mắt này, chúng ta cũng hãy sống bên Mẹ Maria, Người Mẹ những Niềm Đau. Bởi vì Đức Maria còn là Người Mẹ của hy vọng lành thánh, nên trong mỗi ngày làm việc của chúng ta, Mẹ sẽ đổ trên chúng ta dầu thơm hoan lạc để sửa chữa mọi sai lỗi, chúc lành và khích lệ chúng ta ngày mai hãy hoạt động hơn nữa cho Thiên Chúa. Như thế, chúng ta có thể tin tưởng mong đợi, sau khi đã gieo trong nước mắt, chúng ta có thể gặt trong hân hoan. Nhờ ơn chữa lành của Máu Thánh Cực Trọng, các tội nhân sẽ được biến đổi thành những vị thánh.

Cuộc khổ nạn Chúa, khí cụ của ơn cứu độ nhân loại, luôn luôn là chủ đề suy tư và cầu nguyện của Mẹ Maria. Con Mẹ đã giao cho Mẹ một nhiệm vụ mới, một danh hiệu mới, một phẩm giá mới khi Người phán với Mẹ từ trên thập giá, “Hỡi bà, này là con bà.” Mẹ Maria giờ đây là mẹ của chúng ta; Mẹ chăm sóc cho chúng ta, tất cả đều là con cái của Mẹ, bởi vì Mẹ lao nhọc để Chúa Kitô được thành hình trong chúng ta.

Lạy Mẹ Maria, niềm cậy trông của chúng con, xin thương xót chúng con!

Đức hồng y Richard J. Cushing

Ngày 28: Lễ Các Thánh Tích Đức Mẹ – Venice, Ý

Bảy niềm đau thương đã xuyên thấu Trái Tim Mẹ Maria! Chắc hẳn ta cũng có thể kể thêm những giờ phút đau đớn và ưu sầu khác nữa, nhưng không ai đã từng trải qua bảy niềm đau thương ấy – bởi vì Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, và nỗi đau thương khiến Mẹ phải chịu đựng chính là vì tội lỗi nhân loại đã xúc phạm đến Con Mẹ…

Lời tiên báo của ông Simêon;
Cuộc trốn sang Ai cập;
Lạc mất Chúa trong đền thờ;
Gặp Chúa Giêsu trên đường Canvê;
Chúa Giêsu chịu đóng đinh;
Tháo xác Chúa khỏi thập giá;
Táng xác Chúa trong huyệt đá.

Nơi Mẹ Maria không có một đau thương ích kỷ nào. Mẹ chỉ nghĩ về Con Mẹ. Chính những biến cố trong cuộc đời Chúa Giêsu, Con Mẹ, máu thịt của Mẹ, đã làm cho Mẹ phải khổ đau… nguyên nhân chỉ vì Mẹ đã muốn trở nên một phần trong cuộc sống cứu độ của Con Mẹ.

Chúng ta đừng phí thời giờ vô ích vì nỗi đau ích kỷ của mình.

Lạy Mẹ Maria, Đấng Trung Gian và Đồng Công Cứu Chuộc, xin cầu cho chúng con.

Đức cha Albert R. Zuroweste.

Ngày 27: Đức Bà de Napoes – Pháp

“Một niềm vui được chia sẻ là một niềm vui nhân đôi; một nỗi buồn được chia sẻ là một nỗi buồn vơi đi một nửa.” Đa số chúng ta đều đã trả qua kinh nghiệm này; chúng ta được tăng lương – một em bé sắp chào đời – những tin vui qua thư từ… dù sao, niềm vui ấy cũng chưa trọn vẹn cho đến khi nào được chúng ta chia sẻ cho một người bạn. Trong những lúc âu sầu, đôi tai cảm thông của một người bạn cũng có thể đem lại sự an ủi; nỗi đắng cay được chia sẻ ấy giờ đây đã có thể kham được.

Thật đáng vui mừng, Đức Maria đã sống rất gần gũi với con người: ngay khi vừa nhận được tin mừng từ sứ thấn, Mẹ đã vội vã lên đường đi chia sẻ với bà Elizabeth. Trong vườn phản bội, cả Chúa cũng cần đến sự cảm thông gần gũi của con người.

Lạy Mẹ Maria, xin giúp con nhớ rằng, “không ai là một hòn đảo.” Tha nhân cần con, con cũng cần tha nhân. Xin đưa con xa khỏi bóng tối của sự cô đơn mà vào ánh sáng của tình yêu.

Lạy Mẹ Maria, Sức Khỏe Bệnh Nhân, chúng con cầu xin Mẹ luôn luôn chăm sóc cho các nhu cầu của chúng con.

Dianne Russell

Ngày 26: Đức Bà de Vaucelles – Pháp; Đức Bà Caravaggio

Tất cả chúng ta đều bị thôi thúc noi theo điều gì chúng ta thán phục, nhưng nói cho cùng, sức mạnh có sức biến đổi mãnh liệt nhất chính là tình yêu. Một tia tình yêu sẽ giúp chúng ta hiểu biết Đức Maria và biến đổi chúng ta nên giống hình ảnh của Mẹ hơn là toàn bộ thư viện gồm những pho sách thần học. Tâm trí chúng ta cần được những chân lý đức tin soi dẫn; nhưng giữa một thời đại không tin, trái tim chúng ta cũng cần được chạm đến. Đức Maria, Mẹ chúng ta, sẽ thực hiện điều ấy.

Điều đáng lưu ý là các thánh không những có lòng sùng kính đối với Mẹ Chúa Giêsu, mà lòng sùng kính ấy còn tăng triển khi sự thánh thiện của các ngài gia tăng. Tình yêu các ngài dành cho Mẹ Maria có thể nói là sánh bước với tình yêu các ngài dành cho Chúa Giêsu, Con Mẹ. Càng hiểu biết Thiên Chúa, các ngài càng yêu mến Người, và càng trân trọng Mẹ Người, và tình yêu đối với Mẹ cũng càng thắm thiết hơn.

Chúng ta không phải là những vị thánh, lẽ nào chúng ta có thể coi thường quyền năng cầu bầu thần thế của Mẹ là điều mà các thánh đã hết lòng cậy nhờ hay sao?

Lạy Mẹ Maria, Hiền Mẫu Khả Ái, xin giúp chúng con gia tăng đức ái đối với mọi người.

Albert A. Murray, C.S.P.

Ngày 25: Đức Mẹ Jerusalem Mới

Trong bài thơ mỹ diệu “Ngục Tổ Tông” của nữ tu Mary Ada có một dòng rất xuất sắc. Khi bản tin cho biết Chúa Kitô Phục Sinh sẽ xuống thăm Ngục Tổ Tông được truyền đến, tất cả các thánh đều hồi hộp. Ông Moses bảo vua Đavít hãy chuẩn bị một bài ca đón chào và “ba trẻ” hãy hát lên bài thánh thi Benedicite. Bỗng nhiên, Chúa Kitô xuất hiện, và “vì vui mừng cuống quít” nên chẳng ai nói được điều gì. Trong số ấy, Thánh Cả Giuse cao niên, một người âm thầm, duy nhất, đã lên tiếng, “Này Con, Mẹ có mạnh khỏe không?”

Thánh Cả Giuse đã yêu thương Mẹ Maria và Mẹ Maria đã thương yêu Thánh Cả Giuse. Nếu các ngài không yêu nhau, có lẽ đó không phải là gia đình thánh. Đó là tình yêu biết chăm sóc ngọt ngào (như tại Bêlem), đầy tin tưởng (như tại Nazareth) và quan tâm thường xuyên đến nhau (như tại Ai cập). Các ngài đã yêu thương nhau, và điều này làm cho sự hy sinh – tức là đời sống thanh sạch – của các ngài trở nên tuyệt vời và xinh đẹp hơn trước nhan thánh Chúa.

Không gia đình nào có thể thánh thiện nếu thiếu tình yêu. Nhưng không tình yêu nào có thể thánh thiện nếu không dành chỗ cho Thiên Chúa trước nhất.

Lạy Mẹ Chúa Kitô; lạy Mẹ Chúa Kitô: Con sẽ kêu xin gì cùng Mẹ đây?

Đức cha Paul J. Hallinan.

Ngày 24: Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu; Đức Mẹ Các Con Đường

Từ khi được thành lập, Giáo Hội Công Giáo luôn chiến đấu chống lại Satan và các lực lượng đen tối của nó. Tất cả các tín hữu phải cậy nhờ sự hộ phù của Đức Maria trong việc chiến đấu chống lại những thế lực đả phá chân lý, lũng đoạn luân lý, và bách hại những người vô tội.

Bao lần trong quá khứ, Đức Maria đã “Phù Hộ Các Giáo Hữu” khi những lực lượng đen tối ra sức hủy diệt Giáo Hội. Trước thế lực cầu bầu thiêng liêng của Mẹ, các sức mạnh xảo quyệt, dã man và vô nhân đạo cuối cùng đều bị tan tành.

Đức Maria vừa là Người Mẹ của Chân Lý Vĩnh Cửu vừa là Đấng Chiến Thắng thế gian tội lỗi. Con Mẹ có thể giúp đỡ chúng ta đón nhận công lý, tình yêu và hòa bình. Đức Maria đã ban nhiều dấu chỉ về quyền năng, và sự phù trợ của Mẹ luôn sẵn sàng ban cho con cái thiêng liêng của Mẹ.

Lạy Mẹ Maria, Đấng Phù Hộ các giáo hữu, xin soi sáng cho thế giới mù tối vì ích kỷ của chúng con.

John Julius Fisher.

Ngày 23: Đức Mẹ Các Phép Lạ – St. Omer, Bỉ

Theo lời đức Hồng y Leo Josef Suenens người Bỉ, “Lòng sùng kính chân thực đối với Đức Maria biến chúng ta thành những khí cụ và cộng tác viên của Mẹ trong việc sinh hạ thiêng liêng Chúa Giêsu Kitô và biểu thị sự sống của Người trong các linh hồn” (viết trong quyển The Marian Era). Đức hồng y cho rằng Đức Maria còn muốn nhiều hơn là lòng sùng kính suông. Mẹ muốn chúng ta cộng tác vào các nỗ lực tông đồ. Các truyền thống Giáo Hội từ lâu đã tin rằng Đức Maria đã hợp tác với các thánh Tông Đồ trong việc xây dựng Giáo Hội được Chúa Giêsu thiết lập. Đức Maria không phải là một người bàng quan. Chúa Giêsu đã đặt Đức Maria làm mẹ của toàn thể nhân loại, và qua đó, ban cho Mẹ một sứ mạng phổ quát mọi thời mọi nơi.

Như mọi người mẹ, Đức Maria muốn phù giúp chúng ta. Nhưng Mẹ cũng chờ đợi sự hỗ trợ của con cái Mẹ. Chúng ta có thể cộng tác trong việc thực hiện những chương trình huyền nhiệm của Mẹ – chẳng hạn chăm chú lắng nghe những sứ điệp của Mẹ. Những ai để tâm lắng nghe thường ngạc nhiên trước những công việc Mẹ muốn thực hiện, và cho dù những công việc ấy khó khăn đến đâu, nhưng nếu biết vâng theo sự hướng dẫn của Mẹ, chúng ta đều có thể hoàn thành những sứ mạng ấy.

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin cầu cho chúng con là kẻ chạy đến cùng Mẹ.

Anne Tansey

Ngày 22: Đức Mẹ Đỉnh Núi Trinh Nữ – Naples

Tháng Năm xứng đáng được coi là tháng đẹp nhất trong năm. Dường như tháng này được lập ra cho các họa sĩ, thi nhân, nhạc sĩ và nhiếp ảnh gia, bởi vì những niềm vui chứa chan của tháng này đã trở thành chủ đề của vô số những bức tranh, bản nhạc, bài ca và bức hình.

Vì một lý do nào đó, từ “May” (tháng Năm trong Anh ngữ) cũng là một trong những từ đầu tiên trong kho từ vựng của một đứa trẻ. Có lẽ khi phát âm từ này lên, nó tương tự như những âm như mama-mamae, hoặc Mary. Vì thế, những thanh âm làm nên thánh danh Maria có một vẻ đẹp tự nhiên. Sự hồn nhiên và vẻ đẹp tinh thần của một con trẻ, nam hoặc nữ, có thể phát hiện ra tính chất ấy. Dù sao, tháng Năm cũng là tháng của Đức Mẹ, là thời gian chúng ta “đội cho Mẹ triều thiên những đóa hoa” – Nữ vương các thiên thần, Nữ Vương của tháng Năm.

Lạy Mẹ Maria yêu dấu, xin hãy là mẫu gương và sự phấn khích cho con!

Patrick R. Moran.

Ngày 21: Đức Mẹ Wladimir – Nga; Đức Mẹ Nhà Tiệc Ly

Ngày thứ Bảy đầu tháng được dành riêng để tôn vinh Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ Maria. Đây là kết quả từ các lần hiện ra tại Fatima, khi Đức Mẹ nói đến việc hiệp lễ đền tạ Mẹ muốn được thực hiện vào các thứ Bảy đầu tháng.

Đền tội là điều chúng ta ít khi nghĩ đến. Khi lãnh nhận bí tích Xá Giải, chúng ta giục lòng ăn năn vì những sai phạm, sau đó, thực hiện một việc sám hối sơ sài, rồi quên mất. Chúng ta quên rằng xưng tội để được tha thứ là một chuyện, còn việc xóa bỏ hình phạt tạm vì tội lỗi chúng ta là một chuyện khác.

Chúng ta có thể đền tội bằng nhiều phương cách: thánh lễ, các nhiệm tích, cầu nguyện, các hành vi đức ái và bỏ mình. Chúng ta đừng giới hạn trong việc chỉ đền các tội của mình, Thiên Chúa còn chấp nhận những hành vi đền bù tội lỗi của tha nhân nữa. Đức Maria, vì biết nhu cầu đền tạ này, nên đã kêu gọi chúng ta. Chúng ta lại nỡ từ chối Mẹ hay sao?

Lạy Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria, xin hãy là nơi nương ẩn cho con khi con sám hối, sức mạnh cho con khi con bị cám dỗ và sự hướng dẫn cho con trên đường về trời.

William J. Neihart, C.S.C.

Ngày 20: Nữ Vương Hàng Giáo Sĩ

Đức Maria không phải là giáo sĩ cũng chẳng phải là giám mục. Mẹ là Nữ Vương hàng giáo sĩ mặc dù không ban phép tha tội hoặc cử hành thánh lễ. Đúng hơn, Mẹ là một con chiên lý tưởng của Hội Thánh.

Vội vã đi thăm bà Elizabeth, Mẹ đầy lòng cảm thông. Quan tâm đến hoàn cảnh khó xử của cô dâu chú rể tại tiệc cưới Cana, Mẹ hết sức ân cần. Trong sách Tông Đồ Công Vụ, chúng ta tìm được một dòng mô tả Mẹ trong giáo xứ tông đồ đầu tiên ấy: “Các tông đồ đồng tâm tiếp tục cầu nguyện cùng với các phụ nữ và Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu.” Sự hòa hợp về các lời cầu nguyện công và lòng nhân ái tư, đó là điều chúng ta phải tìm kiếm.

Lạy Mẹ Thiên Đàng, xin dạy chúng con đừng thèm muốn được ca tụng hoặc để ý đến, nhưng chỉ biết trở nên những khí cụ ơn cứu độ.

Tổng giám mục Paul. J. Hallinan.

Ngày 19: Đức Bà de Flines – Pháp

Khi thực hiện chương trình của Người cho nhân loại, Thiên Chúa đã đặt vào lịch sử một số nhân vật, họ là những tấm gương phần nào phản ảnh về tâm trí và thân vị của Thiên Chúa. Moses, David, các ngôn sứ, Phaolô – mỗi vị hàm chứa một phần nào sự vĩ đại và cao cả của Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành.

Không có gì ngạc nhiên khi các họa sĩ, các điêu khắc gia, các thi nhân đã ra sức nắm bắt và diễn tả một cái gì đó nói lên tầm ý nghĩa phong phú của Đức Maria, chẳng hạn, Mẹ là tổng hợp của Cựu và Tân Ước. Nơi Mẹ, trước tiên và cá biệt, những lời hứa xa xưa của Thiên Chúa đã được thực hiện, và Thiên Chúa còn ban thêm những lời hứa khác. Đức Maria hàm chứa trong mình, trong con người Mang Thiên Chúa của Mẹ, ý nghĩa về tư tế, ngôn sứ, và tông đồ và là một đài kỳ niệm rạng ngời về hoạt động của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại.

Lạy Mẹ Maria, Nơi Nương Ẩn của tội nhân, xin cho chúng con được cộng tác vào công cuộc của Mẹ.

Lm. Clifford Stenens

Ngày 18: Đức Bà de Bonport – Pháp

Đức Maria, Người sẽ trở nên Mẹ Chúa Kitô, được gìn giữ khỏi những hệ quả tai hại tội Ađam đã truyền lại cho nhân loại là điều phải lẽ. Thi sĩ William Wordsworth đã ca tụng Đức Maria là “niềm tự hào độc nhất của bản tính bị ô nhơ của chúng ta,” tức là chỉ có một mình Mẹ Maria là người được gìn giữ khỏi tì ố tội Ađam.

Các tín hữu Công Giáo tin rằng, những thành quả ơn cứu độ đã được áp dụng cho Đức Maria khi Mẹ được tạo dựng – và do đó, chúng ta tôn vinh Mẹ là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội. Thật bất xứng nếu như Con Thiên Chúa lại chịu sinh ra bởi một người mẹ ô nhơ vì tội lỗi. Đấng Cứu Thế được các tín hữu tôn thờ, còn Mẹ Người thì lại chẳng đáng được tôn vinh hay sao? Hôm nay, chúng ta tôn vinh Đức Maria vì Mẹ thực sự là “niềm tự hào độc nhất của bản tính ô nhơ của chúng ta.”

Lạy Mẹ Maria, Mẹ cực tinh cực sạch, xin giúp chúng con sống cuộc đời thanh sạch.

John M. Martin, M.M.

Ngày 17: Đức Mẹ Khóc – Spoleto, Ý

Đức Maria đã chia sẻ những xúc cảm của Chúa Giêsu khi Người chịu treo trên thập giá; tha thứ cho những tội nhân không biết việc họ làm; tha thứ cho người trộm lành đã kêu xin; chịu cơn khát thể lý và thiêng liêng đối với phần rỗi các linh hồn; chịu ruồng bỏ để đền bù sự dữ của tội xua trừ Thiên Chúa khỏi đời sống nhân loại và làm cho đời sống ấy trống vắng và hoang phế; ý thức cơn thống khổ cuối cùng đã qua; và phó thác trọn vẹn mạng sống cho Chúa Cha.

Đức Maria cảm nghiệm không chỉ những cảm tình của Chúa Giêsu mà còn nỗi đau đớn mà một người mẹ có thể cảm nhận được vào giờ chết của con bà. Đó là cái giá phải trả vì thiên chức làm mẹ. Lưỡi gươm sắc bén ông già Simêon đã tiên báo sánh được với lưỡi đòng thâu qua Trái Tim Chúa Giêsu.

Lạy Mẹ Maria, Đấng An Ủi kẻ âu lo, xin hãy là sự ủi an cho chúng con.

Felician A. Foy, O.F.M.

Ngày 16: Thị Kiến cho Thánh Nữ Catherine Alexandria

Khi mới chín tuổi, Jacinta, một trong ba thị nhân trẻ tuổi của biến cố Fatima, đã chết cô độc tại một bệnh viện xa gia đình. Đức Trinh Nữ đã cho biết trước như vậy và hứa sẽ đến đón Jacinta vào một ngày giờ như thế. Trước khi rời Fatima để đi bệnh viện, Jacinta đã tâm sự với Lucy và tỏ dấu hoang mang vì phải chết cô độc. Để trấn an, Lucy đã nói với Jacinta: “Này Jacinta, em có gì phải lo lắng khi Đức Mẹ sẽ đến đón em?”

Chúng ta rất được an ủi vì không phải chết cô độc, cho dù chết tại đâu và trong trường hợp nào đi nữa, nếu như chúng ta có tập quán than thở sáng chiều lời này, “Giêsu, Maria, Giuse, xin cho con được chết trong tay ba Đấng.” Được ba Đấng ở bên cạnh, chúng ta còn phải sợ hãi gì nữa?

Lạy Mẹ Maria, Hoa Hường Nhiệm, chúng con cầu xin sao giữa chúng con có được những vị thánh.

Robert J. Leuver, C.M.F.

Ngày 15: Đức Mẹ Thông Ơn Thiên Chúa –  Nước Anh và Xứ Wales; Đức Mẹ, Quan Thầy Nước Pháp

Tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu sự thực là tôn vinh tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta; lòng tôn sùng này liên kết mật thiết với cuộc Khổ Nạn. Tương tự, tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria là tôn nhận tình yêu của Mẹ dành cho chúng ta; và lòng sùng kính ấy cũng gắn liền với cuộc Khổ Nạn. Nhiệm vụ Mẹ Maria giờ đây là nhiệm vụ cầu thay nguyện giúp. Đó là điều bất cứ bà mẹ tốt lành nào cũng thực hiện – dùng thâàn thế của mình – để can thiệp cho con cái. Chúng ta tìm đâu được lời thần thế trước ngai Thiên Chúa Toàn Năng cho bằng lời của Đấng mà Con Thiên Chúa khi còn thơ ấu trên dương thế đã vâng phục? Khi nghe lời phán từ trên thập giá, “Hỡi bà, đây là con bà,” Đức Maria biết rằng Mẹ đã được đặt làm hiền mẫu cho toàn thể những môn đệ của Chúa Kitô.

Điều chúng ta nài xin Mẹ và điều Mẹ khẩn cầu Thiên Chúa ban cho chúng ta chính là ơn thánh. Vì vậy, ơn thánh là từ ngữ được nhắc lại nhiều lần trong những kinh nguyện của ngày lễ hôm nay.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ được diễm phúc nhờ Chúa Thánh Thần, xin giúp chúng con gặp được Người.

Đức ông James I. Tucek

Ngày 14: Đức Mẹ, Quan Thầy Xứ Bavaria – Munich

Trong số những ký ức đầu tiên của tôi về ngày Bà Mẹ, có một bức tượng Đức Mẹ được đặt trên chiếc bàn bên cạnh giường. Bức tượng chỉ bằng cỡ búp bê này được tô điểm bằng những bông hoa vừa mới cắt – hoa đinh hương, hoa tu lip, hoa huệ. Triều thiên Đức Mẹ được làm bằng những bông hoa đổng thảo, do người mẹ tật nguyền của tôi vừa đọc kinh vừa đan kết.

Chúng tôi đã học được từ các nữ tu thánh thiện tận tụy của dòng Đức Bà những bài hát về Đức Mẹ, họ giúp chúng tôi kết những bó hoa thiêng liêng tương tự để dâng kính các người mẹ trong ngày Bà Mẹ. Tại giáo xứ chúng tôi, ngày Bà Mẹ cũng là ngày truyền thống các học sinh lớp hai được rước lễ lần đầu. Các con của tôi cũng giữ truyền thống ấy.

Đức Gioan Phaolô II có lần đã nói: “Làm mẹ là một ơn gọi của phụ nữ – mãi mãi và hiện tại – như đã dành cho Mẹ Maria, người mẹ của mọi người.” Vì thế, không có gì là lạ khi các bà mẹ được dành riêng  một ngày đặc biệt.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ cực tinh cực sạch, xin giúp chúng con biết tôn trọng thiên chức làm mẹ.

Patrick R. Moran

Ngày 13: Đức Mẹ Fatima

Ngày 13 tháng 5 năm 1917, trong thời kỳ thế chiến I, Đức Mẹ đã hiện ra với ba con trẻ tại làng Fatima, Bồ đào nha. Đức Mẹ trao cho ba em một sứ điệp gửi cho thế giới để chấm dứt chiến tranh. Sứ điệp kêu gọi lần chuỗi Mân Côi hằng ngày, dâng thánh lễ, hiệp lễ các thứ Bảy đầu tháng và sám hối hằng ngày. Nước Bồ đào nha và nước Ái nhĩ lan đã nghe và giữ sứ điệp ấy. Họ không bị lôi cuốn vào cuộc thế chiến II.

Đức Trinh Nữ còn nói với ba trẻ, “Nếu sứ điệp của Mẹ không được nghe theo, một cuộc đại chiến kinh khủng khác sẽ nổ ra, nhiều quốc gia bị hủy diệt, chủ nghĩa vô đạo sẽ bành trướng; nhưng sau cùng, Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ sẽ toàn thắng, nước Nga sẽ trở lại và sẽ có một thời kỳ hòa bình.”

Phải chăng cuộc toàn thắng của Mẹ Maria đã gần kề? Phải chăng đã số người lần chuỗi Mân Côi đã đủ? Nhiều thập niên đã đến và đã đi qua. Có một điều cần phải suy tư.

Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương Bình An, xin cho chúng con được trở nên một thành phần trong phong trào kiến tạo hòa bình trên thế giới của Mẹ.

Tom Martin, S.J.

Ngày 12: Đức Khiêm Nhượng của Mẹ Maria

Trên bàn thờ nguyện đường của Đại Học Hoa Kỳ “cũ” tại Roma (để phân biệt với đại học “mới,” được xây dựng sau chiến tranh), có treo một bức hình “Đức Mẹ Khiêm Nhượng.” Về mặt nghệ thuật, có lẽ bức hình không có gì trỗi vượt; nhưng các sinh viên lại yêu thích và cầu nguyện rất sốt sắng với Đức Mẹ Khiêm Nhượng.

Đức khiêm nhượng đích thực là sự chân thật toàn vẹn. Nó có nghĩa là dành cho Thiên Chúa địa vị của Người trong đời sống chúng ta, và nhìn nhận những ân huệ chúng ta được là từ Người mà ra. Mẹ Maria đã có một nhân đức khiêm nhượng chân chính. Mẹ ý thức mình được nhiều ân sủng; và Mẹ còn nói, “Mọi thế hệ sẽ khen tôi diễm phúc.” Tuy nhiên, quan trọng hơn nữa là việc Mẹ tin rằng mình chỉ là hư vô và Thiên Chúa là tất cả.

Những kẻ lòng trí kiêu căng không thể biết được sự bình an bền vững của tâm hồn. Họ đánh mất bản thân giữa bóng tối của thói tìm mình. Tuy nhiên, sự bình an đích thực lại ngự trị nơi linh hồn khiêm nhượng.

Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, chúng con luôn luôn cần sự phù trợ và giúp đỡ cầu bầu của Mẹ.

Đức hồng y John J. Carberry.

Ngày 11: Thị Kiến cho Thánh Philip Neri – Năm 1594

Nơi nào Chúa Kitô được tôn kính, nơi ấy Đức Maria cũng được tôn kính. Trải qua bao nhiêu năm, lòng sùng kính Mẹ Thiên Chúa đã mặc nhiều hình thức phong phú tại những miền đất và trong những thời kỳ khác nhau. Tuy nhiên, có một việc sùng kính đã trải qua cuộc thử thách thời gian và hầu như ở đâu cũng thấy, đó là Chuỗi Mân Côi.

“Chuỗi kinh Mân Côi của thánh Đaminh gồm mười lăm chục, liên kết Mẹ Maria với công trình cứu độ của Con Mẹ, từ cuộc Truyền Tin cho đến các biến cố vui mừng trong thời thơ ấu và niên thiếu của Chúa Giêsu; trải qua các mầu nhiệm đau thương trong cuộc khổ nạn và tử giá; rồi đến việc Chúa sống lại, lên trời, sai Chúa Thánh Thần hiện xuống với các Tông Đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần, và kết thúc bằng sự kiện Đức Maria được tái hợp với Con Mẹ trong các mầu nhiệm lên trời và được tôn vinh.

“Thật là thiếu khôn ngoan khi chê bỏ kinh Mân Côi mà chưa thử qua đơn giản vì cho đó là lời kinh cổ lỗ, lặp đi lặp lại và không phù hợp với tâm thức con người thời đại. Sự phong phú về Thánh Kinh trong kinh Mân Côi có một giá trị trường cửu” – Thư mục vụ của hội đồng giám mục Hoa Hỳ về Đức Trinh Nữ Maria(tháng 11 năm 1973).

Lạy Mẹ Maria, Tấm Gương Công Bình, xin giúp chúng con sống một đời Kitô hữu hoàn hảo.

Thomas M. Brew, S.J.

Ngày 10: Đức Mẹ Saussai – gần Paris

Thánh Louis de Montfort có lần đã kể ra mười nhân đức của Mẹ Maria:

Khiêm nhượng thẳm sâu;
Đức tin sống động;
Đức vâng phục trọn hảo;
Tinh thần cầu nguyện liên lỉ;
Khổ chế trong mọi sự;
Trinh khiết thánh;
Đức ái nồng nàn;
Nhẫn nại anh hùng;
Dịu hiền như thiên thần;
Và khôn ngoan thượng trí.

Nguyên việc đọc tên các nhân đức này cũng đem lại cho linh hồn một niềm bình an, một khát vọng noi gương, một mơ ước thực hành ít là một nhân đức nào đó. Vậy chúng ta sẽ làm gì? Chúng ta hãy nài xin Mẹ Maria chỉ dẫn cho chúng ta. Trong tinh thần cầu nguyện và thành tâm, chúng ta hãy hướng về Mẹ là Hiền Mẫu dấu ái của chúng ta và chọn lấy một trong những nhân đức ấy để thực tập và phát triển trong linh hồn chúng ta. Tình yêu đối với Mẹ, nếu chân thật, sẽ đưa chúng ta đến chỗ noi gương và bước theo những lý tưởng Mẹ đặt nêu lên cho chúng ta.

Lạy Mẹ Maria, Nguyên Nhân Niềm Vui của chúng con, xin giúp chúng con biết phụng sự Con Mẹ với tâm hồn tràn đầy hân hoan.

Đức hồng y John J. Carberry.

Ngày 9: Đức Maria, Mẹ Đồng Trinh Mọi Ơn; Đức Mẹ Loreto

Đức Maria là Mẹ Nữ Vương, tinh tuyền và thanh khiết, đáng yêu và vẹn sạch, đáng phục và khôn ngoan, đáng kính và thần thế. Trên hết, Mẹ là Mẹ Thông Ơn Thiên Chúa. Đức Pius IX đã nói: Thiên Chúa đã ban tràn cho Mẹ kho tàng của Người, vượt trên mọi thần thánh – đến độ chúng ta hầu như “không thể tưởng tượng” được mức độ các hồng ân Thiên Chúa đã ban cho Mẹ.

Nhờ ơn thánh, chúng ta được làm con cái Thiên Chúa. Nhờ ơn thánh, chúng ta tìm được sự sống đời đời. Mẹ Maria rất thánh ân cần chia sẻ cho chúng ta những phương pháp thánh thiện của Mẹ để đắc thủ những ơn được hứa ban cho mọi linh hồn.

Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương Các Thánh, xin giúp chúng con tìm được một chỗ giữa hàng các thánh.

John Julius Fisher

Ngày 8: Đức Mẹ Pompeii

Chúng ta thường quên rằng Mẹ Maria cũng đã tự hiến cho Thiên Chúa bằng chính tinh thần đã thôi thúc Người Con Chí Thánh của Mẹ. “Xin hãy nên trọn nơi tôi theo lời ngài truyền.”

Lạy Chúa Giêsu, chúng con cám tạ vì Chúa đã ban Mẹ Maria cho chúng con khi Chúa chịu treo trên thập giá. Chúng con muốn thuộc trọn về Chúa. Mẹ Maria sẽ dạy cho chúng con. Được củng cố nhờ tấm gương của Mẹ, chúng con sẽ tin tưởng cố gắng sống theo tinh thần tự hiến của Chúa. Nhờ lời cầu bầu của Mẹ Maria, chúng con mỗi ngày sẽ được trở nên giống Chúa hơn.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu, với sự phù trợ của Mẹ, chúng con có thể sống theo lời Con Mẹ đã mời gọi. Mẹ đã nêu cho chúng con tấm gương của một người mẹ với tình yêu vô vị kỷ, xin hãy hun đốt nơi chúng con ngọn lửa tình yêu Chúa.

Lạy Mẹ Maria, Cửa Thiên Đàng, xin đổ đầy tâm hồn chúng con ánh sáng hồng phúc của Mẹ.

Linus Merz, S.C.J.

Ngày 7: Đức Mẹ Haut – Hainault, Pháp

Thánh thiện là gì? Cha Walter J. Burghardt, dòng Tên, đã diễn giải thế này: “Thánh thiện là sự kết hiệp với Thiên Chúa – sự kết hiệp với Thiên Chúa tùy thuộc vào hai nhân tố: Thiên Chúa và con người – sáng kiến của Thiên Chúa và sự cộng tác của con người. Tất cả sự thánh thiện, tất cả sự kết hiệp với Thiên Chúa, đều bắt nguồn từ Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng gìn giữ linh hồn Mẹ Maria không vương nhơ tội lỗi ngay từ giây phút hiện hữu đầu tiên. Thiên Chúa là Đấng đã đặc tuyển Đức Maria làm Mẹ Đồng Trinh cho Con Một của Người. Thiên Chúa đã đưa hồn xác Đức Maria vào nơi kết hợp muôn đời với Người. Tất cả sự kết hiệp với Thiên Chúa đều bắt đầu từ Thiên Chúa.

Nhưng Thiên Chúa luôn luôn nêu một câu hỏi: “Con có đồng ý không?” Vì thế Người đã hỏi Đức Maria: “Con có đồng ý làm Mẹ Thiên Chúa không?” Và trong khi thế giới hồi hộp đợi chờ, Đức Maria đã trả lời, “Xin hãy nên trọn nơi tôi theo lời ngài truyền” (Lc 1:38). Ước chi Mẹ Maria soi động cho chúng ta được hứng khởi đáp lại lời Thiên Chúa mời gọi nên thánh.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ Đấng Cứu Thế, xin giúp đỡ tất cả chúng con như lời Mẹ đã hứa.

Đức hồng y John J. Carberry.

Ngày 6: Đức Mẹ Các Phép Lạ; Đức Mẹ Đức Bác Ái

Chúng ta có thể quên được những tháng ngày thơ ấu, khi chúng ta nằng nặc nài nỉ cho bằng được những đặc ân nào đó hay không? Thái độ kiên trì của một đứa trẻ khi xin xỏ cha mẹ một vật gì rất đáng khâm phục và bắt chước. Một đứa trẻ không bao giờ đầu hàng trước tiếng “không” thẳng thừng. Nó biết mỗi lần xin thêm là cơ hội đắc thủ lại càng rõ rệt thêm.

Mẹ Maria lại có thể làm ngơ trước sự kiên trì của con cái khi họ sốt sắng lần chuỗi Mân Côi hay sao? Và nếu như ơn chúng ta xin không được chấp thuận, chúng ta lại không tin Mẹ Maria sẽ tưởng thưởng cho sự kiên trì của chúng ta bằng cách nài xin Con Mẹ ban một ơn khác lớn lao hơn cho lợi ích thiêng liêng của chúng ta hay sao?

Nếu trong quá khứ, chúng ta đã chưa trung thành lần chuỗi Mân Côi, thì chúng ta vẫn có thể làm lại ngay bây giờ. Còn nếu chúng ta đã trung thành với kinh nguyện ý nghĩa này, thì chúng ta có thể an tâm rằng chúng ta là những người con của Mẹ Maria.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành, xin giúp chúng con tìm thấy ơn cứu độ cho cuộc đời.

Lm. Leon Mc Kenzie

Ngày 5: Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ

Chúa Giêsu có lần đã dạy các Tông Đồ: nếu muốn làm lớn trên Nước Trời, phải học để trở nên đầy tớ cho mọi người. Khi sứ thần Gabriel hiện đến và loan báo cho Đức Maria biết Mẹ sẽ sinh hạ Con Thiên Chúa, Đức Maria đã đáp lại, “Này tôi là tôi tớ Chúa, xin hãy nên trọn nơi tôi điều ngài truyền.”

Khi tưởng nghĩ đến Đức Maria là Nữ Vương hiển vinh các thánh tông đồ và Đấng Cứu Giúp các tội nhân, chúng ta cũng hãy nghĩ rằng: Mẹ vẫn là đầy tớ của mọi người.

Khi rửa chân cho các môn đệ trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã nêu cho chúng ta một tấm gương phục vụ. Sau đó, Chúa hỏi các ngài có hiểu biết việc Người đã làm cho họ không. Chúa Giêsu dạy rằng Người là Thiên Chúa mà còn phục vụ, vậy các môn đệ – và cả chúng ta nữa – hãy noi theo tấm gương của Người.

Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương các thánh Tông Đồ, xin giúp chúng con gặp thấy những người được Chúa Thánh Thần đánh động.

Ann Hill

Ngày 4: Đức Mẹ Cứu Giúp – gần Caen, Normandy

Tháng Đức Mẹ là một thời gian thuận tiện để suy tư về địa vị Đức Mẹ trong đời sống chúng ta.

Một đấng cứu giúp. Hiện nay, Đức Mẹ chắc chắn cũng lắng nghe và trợ giúp như xưa Mẹ đã làm tại Cana, xứ Galilê.

Một tấm gương. Đức Mẹ đã nghe và vâng giữ lời Chúa.

Một khởi hứng. Đức Mẹ đã nếm chịu đau thương và cảm nhận lưỡi gươm oan khổ xuyên qua tâm hồn.

Một mục đích. Mọi thế hệ sẽ khen ngợi Mẹ Maria diễm phúc; niềm hạnh phúc hiện tại của Mẹ còn hơn cả sự bù đắp cho những thập giá Mẹ đã chịu trên dương thế.

Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con theo gương thánh thiện của Mẹ.

Lm. Joseph M. Champlin

Ngày 3: Đức Mẹ Jasna Gora, Nữ Vương Ba Lan; Đức Mẹ Calvary – Zabrzydowska, Ba Lan

Đất nước Ba Lan đã quen với những rừng người tại đền thánh Đức Mẹ gần Jasna Gora. Nhưng trước kia, người ta chưa bao giờ đươọc chứng kiến điều đã xảy ra tại đó vào tháng Tám năm 1956. Một triệu tín hữu hành hương đã đến. Mọi người đều có một thỉnh nguyện duy nhất. Họ khẩn cầu Đức Mẹ Tổ Quốc ban tự do cho hồng y giáo chủ Stefan Wyszinsky bấy giờ đang bị giam cầm trong lao tù của chế độ vô đạo.

Họ đặt chiếc ngai đặc biệt cùng với biểu hiệu của đức hồng y bên cạnh bàn thờ trong đền thánh. Trên ngai chất đầy hoa và những sắc màu của đất nước. Họ đồng thanh nài xin Mẹ Maria đưa vị hợp pháp ngồi trên chiếc ghế ấy trở về. Khi làm như thế, họ không quan tâm đến những người cho rằng họ đang làm những điều bất khả. Âm vang lời kinh của họ được những ngọn gió mang đi, vọng khắp đền thánh và các khu vực lân cận.

Năm ấy chưa kết thúc, đức hồng y Wyszynski đã được trả tự do khỏi lao tù. Ngài thực hiện cuộc hành hương tạ ơn đến “ngọn núi Đức Mẹ” tại Jasna Gora. (Ngày 28 tháng 5 năm 1981, ngài đã được giải thoát khỏi đời này).

Lạy Mẹ Maria, xin cho chúng con đáng được những lời Chúa Kitô đã hứa.

Anne Tansey

Ngày 2: Đức Mẹ Ovieo – Tây ban nha

Đối với mỗi người chúng ta, tháng Năm này mang ý nghĩa thế nào là tùy vào ý thức của chúng ta đối với Mẹ Maria trong cuộc sống cũng như khát vọng của chúng ta muốn hiểu biết và yêu mến Mẹ. Ngay khi vừa thức giấc, chúng ta hãy hướng tâm trí về Mẹ với lời cầu nguyện để có thể sống trọn một ngày tôn vinh Mẹ. Nếu có thể, hãy tham dự thánh lễ và hiệp lễ. Trong ngày, dù lúc bận rộn, chúng ta vẫn có thể hướng tâm trí về Mẹ Maria, nài xin Mẹ trợ giúp, chia sẻ với Mẹ những nỗi buồn vui như một đứa trẻ với mẹ nó.

Việc trưng hoa trước tượng ảnh Đức Mẹ trong gia đình là một tập quán lành thánh. Hãy đọc về Mẹ Maria, hãy nói về Mẹ Maria, hãy tìm cách noi gương Mẹ Maria. Nhưng trước hết, hãy lần chuỗi Mân Côi hằng ngày. Khi nghỉ ngơi, hãy phó mình cho sự chăm sóc từ mẫu của Mẹ. Tình yêu Mẹ Maria sẽ đem lại sự bình an êm đềm cho cuộc sống của chúng ta.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ Hay Làm Phép Lạ, xin giúp chúng con tìm được ơn Chúa.

Hồng y John J. Carberry

Ngày 1: Thánh Giuse Lao Công, Bạn Đức Trinh Nữ Maria

Những lời sau đây của Đức Lêô XIII (1878-1903) cho chúng ta nhiều điều để suy gẫm về Thánh Cả Giuse:

Thánh Cả Giuse đã trở nên người bảo vệ, quản lý và giữ gìn hợp pháp của thánh gia (gia đình Nazareth) vì ngài là gia trưởng. Suốt cuộc đời, ngài đã chu toàn những nhiệm vụ và phận sự ấy. Ngài ân cần bảo vệ Bạn mình và Chúa Hài Nhi bằng tình yêu thắm thiết và sự tận tụy hằng ngày; thông thường qua công việc, ngài đã kiếm được những thứ cần thiết cho nhu cầu ăn mặc của hai đấng; ngài bảo bọc Chúa Hài Nhi khỏi bị giết hại vì cơn thù hận của bạo vương và tìm cho Người một nơi nương ẩn; trong những mầu nhiệm của cuộc hành trình và sự cay đắng của thời lưu lạc, ngài luôn luôn là người đồng hành, giúp đỡ và hỗ trợ cho Đức Nữ Đồng Trinh và Chúa Giêsu.

 

Hãy đọc về Thánh Cả Giuse. Hãy cầu nguyện cùng thánh nhân và bạn sẽ cảm nghiệm ngay được sự can thiệp của ngài trong đời sống của bạn.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ Hằng Cứu Giúp, xin đừng để chúng con mất đức tin.

Hồng y John J. Carberry

 

***

QUA MẸ MARIA ĐẾN VỚI CHÚA GIÊSU là chủ đề chính của hợp tuyển tuyệt vời này, gồm các bài viết và tư tưởng thiêng liêng về Đức Trinh Nữ Maria, Hiền Mẫu của chúng ta. Với 366 bài suy niệm hằng ngày của các văn sĩ, tác giả và học giả hàng đầu thế giới, Ngày Ngày Với Mẹ Maria đem đến những đề mục hay nhất tuyển lọc từ sưu tập 25 năm của tập san My Daily Visitor (Khách Mỗi Ngày của Tôi). Ở đây, chúng tôi chỉ xin đan cử một số cộng tác viên: Đức Tổng Giám Mục Fulton J. Sheen, Dale Francis, Đức Hồng Y John Carberry, Đức Hồng Y Richard Cushing, Đức Pius XI, Eileen T. Duffy và cha Patrick Peyton. Một điểm đặc biệt nữa là “Lịch Thánh Mẫu” với 366 tựa đề riêng biệt qui về Đức Mẹ Maria, và được cẩn thận liên kết với mỗi đề mục. Ngày Ngày Với Mẹ Maria đem đến cho độc giả một nhãn giới tân kỳ hấp dẫn về văn chương Thánh Mẫu.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *