Bài 38 : Cầu nguyện : ngỏ lời với Thiên Chúa

Bài 38
CẦU NGUYỆN – NGỎ LỜI VỚI THIÊN CHÚA

Lời Kinh thánh

“Đức Giêsu cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông.” Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện anh em hãy nói: “Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến, xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho những người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.” (Lc 11, 1-4)

Chúng ta đi “tìm gặp Chúa” chứ không phải tìm hiểu về Chúa. Thiên Chúa không phải là một lý thuyết, nhưng là một Đấng để chúng ta gặp gỡ. Đi tìm Thiên Chúa và muốn gặp gỡ Người thực sự thì phải biết cầu nguyện.

kinhnguyen.jpg

1.Cầu nguyện là gì ?

Cầu nguyện là thái độ của tâm hồn

Cầu nguyện là hướng tâm hồn lên Chúa, mở rộng lòng đón nhận Ngài, lắng nghe Thiên Chúa và nói với Người là Cha chúng ta. Khi cầu nguyện ta thường dùng những lời nói, cử chỉ bên ngoài nhưng điều quan trọng vẫn là tâm tình bên trong.

Thiếu tâm tình bên trong, tất cả những lời nói, cử chỉ chỉ là hình thức vô nghĩa.

Do đó, cần phân biệt giữa đọc kinh và cầu nguyện. Đọc kinh chỉ là hình thức cầu nguyện, có thể cầu nguyện mà không đọc kinh. Ngược lại, đọc kinh mà không đọc kinh; đọc kinh mà tâm hồn không hướng về Thiên Chúa thì không phải là cầu nguyện. Có hai loại đọc kinh:

– Kinh đọc thông thường: Những kinh được đặt ra để gợi ý và hướng dẫn tín hữu cầu nguyện

– Các giờ kinh phụng vụ: Là lời cầu nguyện của cộng đoàn và chính thức của giáo hội. các giờ kinh này có giá trị đặc biệt, vì đó là những thánh vịnh, được tổ chức do giáo hội, được tiếp diễn không ngừng trong tòan thể Hội Thánh, cũng như trong mọi thành phần, để cầu nguyện nhân danh toàn thể nhân loại và để cứu rỗi nhân loại.

Cầu nguyện không nhất thiết là xin ơn

Cầu nguyện không phải là để xin ơn. cầu nguyện hàm nghĩa rộng hơn xin ơn, ngoài việc xin ơn, cầu nguyện còn bao gồm nhiều t6am tình khác như: chúc tụng, cảm tạ, tôn thờ… càng tiến xa trên đường cầu nguyện, việc xin ơn càng giảm thiểu, nghĩa là nghĩ đến mình ít hơn, để nghĩ về Thiên Chúa nhiều hơn.

2.Khi cầu nguyện ta nói gì với Thiên Chúa ?

Chúa Giêsu là mẫu gương cho ta về cầu nguyện. Ngài cầu nguyện rất nhiều, ở mọi nơi, mọi lúc và dùng nhiều cách thức khác nhau (Lc 4, 16;6,13;24,30; Mc 6, 46; Ga 6,11) . Theo cách thức Chúa Giêsu nói với Cha Người, Ta có thể nói với Thiên Chúa những gì cần nói để diễn tả tâm tình của mình đối với Thiên Chúa. Những tâm tình đó có thể là:

a. Tạ Ơn :  “Chúa Giêsu tạ ơn Chúa Cha” (Ga 6,11; Lc 24,30)

Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì lòng tốt lành và nhân hậu của Người đang hướng về ta: trong cuộc sống hiện có, vật chất cũng như tinh thần, bản thân cũng như gia đình, nhất là hồng ân làm con Thiên Chúa Ngài đang ban tặng.

b.Chúc tụng ngợi khen :  “Chúa Giêsu ngợi khen Chúa Cha” (Lc 10,21)

Chúng ta ngợi khen, chúc tụng Thiên Chúa vì mọi kỳ công Thiên Chúa thực hiện trong cuộc đời mỗi người, nơi thiên nhiên, trong các công trình của Ngài nơi thế giới. Kể lại những việc Chúa đã làm, tức là ca tụng Người (Caxiodoro)

c.Xin ơn :  “Chúa Giêsu cầu xin cho các môn đệ” (Ga 17,9)

Chúng ta có thể cầu xin cho chính mình, cho người khác được những ơn lành cho cuộc sống tinh thần cũng như vật chất. Nhưng trước hết, hãy cầu xin cho những ơn cho cuộc sống tinh thần như: Ơn đức tin, trung tín với Thiên Chúa… Thiên Chúa không muốn ta quá lo lắng về đời sống vật chất đến nỗi quên mất đời sống tinh thần: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chínhcủa Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,33)

d.Thống hối :  “Chúa Giêsu xin Chúa Cha tha thứ cho ta” (Lc 23,34)

Khi cầu nguyện, ta cũng xin Thiên Chúa thứ tha những thiếu xót, lỗi lầm trong cuộc sống đối với Thiên Chúa và những người chung quanh.

Tất cả những tâm tình này tóm trong “Kinh Lạy Cha”, là mẫu mực của mọi kinh nguyện đã được Chúa Giêsu dạy các môn đệ. (Mt 6, 7-14)

3.Cầu nguyện thế nào ?

a.Điều kiện để có thể cầu nguyện

– Thời gian yên tĩnh và nơi thuận tiện tùy hoàn cảnh

– Tạm gác mọi âu lo; bận tâm, giữ tâm hồn thanh thản để gặp Chúa

– Tin rằng Thiên Chúa đang có mặt bên ta, nói với ta và lắng nghe ta.

b.Những cách thức cầu nguyện thông thường

– Đọc kinh: Các kinh là những biểu mẫu để giúp ta dựa vào đó để cầu nguyện. Cho nên mỗi khi đọc kinh cần phải vừa đọc, vừa suy nghĩ theo lời kinh. Đọc kinh cho đúng cách là phương thế cầu nguyện đơn sơ và hữu hiệu nhất.

– Suy niệm: Suy niệm là nâng tâm hồn lên tới Chúa để suy nghĩ và tâm sự với Chúa về một chân lý nào đó mà ta gặp khi đọc một đọan Kinh Thánh, nghe một bài giảng, hoặc trong lúc làm việc, giao tiếp như: Khi tham dự một đám tang, đám cứơi, chứng kiến một tai nạn.

– cầu nguyện chung: Cầu nguyện chung là tụ họp nhóm đông người để cùng nghe Lời Chúa, đọc kinh, hát thánh ca, hoặc mỗi người góp một ý cầu nguyện, chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm trong đời sống tôn giáo. Việc cầu nguyện chung thích hợp cho các gia đình nhóm nhỏ, lớp học.

4.Cầu nguyện liên tục

Chúa Giêsu dạy chúng ta phải cầu nguyện luôn, đừng khi nào chán (Lc 18,1). Nói như thế không có nghĩa là phải ngưng công việc làm ăn để qùy gối cầu nguyện, nhưng là làm sao cho tất cả mọi việc, mọi giây phút đều trở nên cầu nguyện, nghĩa là làm với chủ đích “mến Chúa, yêu người”. Nói cách khác: tập trung suy nghĩ, lời nói, việc làm để cùng sống với Chúa.

Chúng ta chỉ có thể học cách cầu nguyện bằng cách bắt đầu thực sự cầu nguyện. bạn hãy bắt đầu bằng cách dễ dàng và thích hợp với mình nhất rồi từ từ tiến bước thêm. Nhiều người mang danh Kitô hữu, nhưng thật ra họ chỉ là Kitô hữu trong lý lịch, còn đời sống của họ chẳng phải là Kitô hữu, vì họ không cầu nguyện. Không cầu nguyện, chính là giết chết đức tin. Ai biết cầu nguyện sẽ được vững mạnh trong đức tin và chan hòa sự sống với Thiên Chúa.

Kết luận

“Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (1Tx 5,16-18)

Câu hỏi

  1. Cầu nguyện là gì ?
  2. Phải đọc kinh thế nào để có thể cầu nguệyn ?
  3. Xin ơn có phải là cầu nguệyn không ?
  4. Khi cầu nguyện ta nói gì với Thiên Chúa ?
  5. Điều kiện có thể cầu nguyện ?
  6. Những hình thức cầu nguyện thông thường ?
  7. Thế nào là cầu nguyện liên tục ?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *