Đọc kinh Mân côi hằng ngày, khi suy ngắm mầu nhiệm thứ hai mùa thương, trong cảnh Chúa Giêsu bị đòn nát cả thân mình, tôi vẫn thường xin cho con ơn biết hãm mình, chịu khó bằng lòng. Nhưng những lúc đối diện với thực tại dù chưa đến nỗi đớn đau, mà để bằng lòng đón nhận đã thấy thật là khó khăn.
Chuyện dễ thương nhất là hồi nhỏ, tôi bắt chước thầy Herman trong sách tháng kính Mẹ để học kiên trì cầu nguyện. Hồi nhỏ thầy nhiều bệnh: bị còng lưng, miệng méo và mắc bệnh tâm trí, nói ngọng nghếu, học hành thì đại dốt… Thầy “gia sư” dạy 2 năm mới thuộc nổi kinh Lạy Cha với vài câu một Chúa Ba Ngôi. Vậy mà về sau nhờ kiên trì đọc kinh Nữ Vương khấn Mẹ, đã được ơn lạ và sau trở thành một thầy Dòng đạo đức thông thái.
Phần tôi đang bệnh tật yếu ớt thua kém bạn bè, mà cũng dám ước mong được chữa lành như thầy. Ngày nào tôi cũng cầu nguyện xin ơn ấy và còn mơ, nếu được khỏi bệnh sẽ đi tu phụng sự nhà Chúa, chứ không trở về “thế gian” nữa! Hồi ấy nhìn các souer mặc áo dòng với lúp trên đầu tôi cũng… mê lắm! Miệt mài cầu nguyện 3 năm trời, mà tôi thấy mình “vẫn y nguyên”, thậm chí còn yếu ớt hơn.
Tôi chẳng xin ơn khỏi bệnh nữa, không phải vì thất vọng, mà nhận ra ý Chúa cho cuộc đời mình: Bằng lòng đi con! con phải làm chứng cho Cha giữa những người lành lặn. Tôi xin cúi đầu thưa vâng và muốn cố gắng đón nhận hoàn cảnh chẳng giống ai.
Đơn giản như việc lên rước lễ, tôi muốn xếp hàng bước lên bàn thánh như mọi người nhưng không được, phải ở tại chỗ, thụ động chờ thi ân. Tôi nghe vẳng tiếng vỗ về: bằng lòng đi, Cha sẽ đến với con. Và tôi đã không phải thất vọng.
Những lúc ốm đau nằm trên giường, nghĩ cảnh người ta có gia đình chồng con, chỉ cần nghe hỏi: em thấy trong người thế nào? là đã tỉnh người bớt bệnh. Còn mình nằm đó chịu đựng một mình, xoay sở tìm nhờ vả… Nhưng vẫn nghe như tiếng Chúa ủi an: bằng lòng đi con! dù cha mẹ có bỏ con đi nữa, thì hãy còn có Chúa đón nhận, chăm sóc và cho con bình phục.
Một người khỏe mạnh muốn đi đâu thì cứ việc đi, muốn làm gì thì tự làm. Còn tôi phải lệ thuộc ý muốn người khác, nếu được ủng hộ giúp đỡ thì có thể, nếu có người không thích, cản ngăn là bị cúp, dẹp, “ở nhà nhặt thóc” liền! Trong công việc thì lúc thuận tiện như diều gặp gió, lúc lại xảy đến bao trái ý. Tôi muốn thế này, người khác lại làm thể khác, cuối cùng mất hiệu quả. Làm sao để thưa vâng? Vẫn Chúa bù lại cho, ngày ngày tôi vẫn được ra khỏi cổng mà đi đến với Chúa, nghỉ ngơi, phó thác mọi sự để Chúa lo và đón nhận niềm vui an ủi, sự bình an từ “khách sạn bậc nhất” ấy.
Không sống đời tận hiến mà cũng chẳng “tu dòng đôi”, nhưng lại sống độc thân giữa đời trong thời đại @, dù tôi chẳng mê đuổi hoa bắt bướm, thì cũng đầy dẫy những mời mọc của thế gian hưởng thụ. Những cám dỗ ngọt ngào, không thiếu những lời có cánh đẹp như mơ thổi vào tai và tâm hồn lẻ bóng đơn côi… Tôi cũng là người có trái tim bằng thịt và rung nhịp yêu thương như ai… Chỉ có Chúa mới cho con sức mạnh để khước từ không đáp lại những gọi mời hiểm nguy. Có lẽ tôi bị chọc quê là khờ dại tự giam hãm mình, không biết nếm hưởng thú vui, lại đi quay lưng chối từ những cái gọi là “hạnh phúc” ấy. Nhưng vẫn lời Chúa vang vọng trong tim: “Bằng lòng đi con! Cha sẽ là nguồn vui và hạnh phúc cho đời con vui tươi”.
“Giêsu ơi! ở cùng con luôn mãi,
Chúa lìa con, con biết đâu nương nhờ?
Nơi dương gian con giá lạnh hôm mai,
Hãy ở lại trong cõi lòng con thơ.
… Xin ban thêm niềm tin để con thấy Chúa luôn đồng hành, cho con thêm sức mạnh để con thắng vượt ngàn gian nan. Cho con qua khổ đau, đường thánh giá giúp con tôi luyện, đức tin thêm vững vàng, tình yêu Chúa nồng nàn chứa chan.” (Cho con thấy Chúa).
Én Nhỏ