Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa đã hủy bỏ chuyến viếng thăm truyền thống vào mùa hè tới tu viện lịch sử Đấng Cứu Thế Biến Hình trên quần đảo Solovki, ở phía bắc của Nga gần với Bắc Cực.
Vì khó đến được tu viện vào các mùa khác, nên Đức Thượng Phụ thường đến đó để dự lễ Mẹ Thiên Chúa An Nghỉ, được tổ chức vào ngày 19 tháng 8 theo lịch Julian của Giáo hội Chính thống. Những ngày đó cũng là dịp tưởng nhớ những người sáng lập tu viện, là các Thánh Zosima và Savvatij mừng vào ngày 21 tháng 8, và “cộng đồng các Thánh Solovki” mừng vào ngày 22 tháng 8.
Theo thông cáo chính thức, chuyến viếng thăm của Đức Thượng Phụ đã bị đình chỉ vì sự lây nhiễm coronavirus tràn lan trong tu viện.
Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa cho biết: “Đức Thượng Phụ với nỗi buồn đã buộc phải hủy bỏ chuyến thăm đã được lên kế hoạch từ rất lâu”. Giọng điệu của tuyên bố không che giấu được sự thất vọng sâu sắc của Đức Thượng Phụ Kirill đối với Đức Giám Mục Porfirij, một trong những người chống lại lệnh buộc phải chích vắc xin của Chính Thống Giáo.
Đức Cha Porfirij đã bị cách ly trong các phòng của tu viện kể từ ngày 14 tháng 8 do một dạng nhiễm vi rút không nghiêm trọng. Bản thân vị giáo chủ đã sống biệt lập kể từ khi bị lockdown đầu tiên vào năm 2020 ở Peredelkino, ngoại ô Mạc Tư Khoa, với nỗi sợ lây lan, rất hiếm khi ra ngoài cho các cuộc họp đặc biệt quan trọng.
Source:Asia News
2. Đoàn rước của Hồi Giáo Shiite ở Pakistan bị đánh bom, ít nhất 3 người thiệt mạng
Cảnh sát địa phương cho biết, một quả bom cực mạnh bên đường đã phát nổ giữa đoàn rước của người Hồi giáo dòng Shiite ở miền trung Pakistan hôm thứ Năm, khiến ít nhất 3 người thiệt mạng và hơn 50 người bị thương.
Các video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy cảnh sát và xe cứu thương đang lao về nơi xảy ra vụ nổ. Một số người bị thương đã được nhìn thấy đang chờ sự giúp đỡ dọc theo một con đường ở thành phố Bahawalnagar, thuộc tỉnh Punjab, miền đông tỉnh Punjab, nơi vụ tấn công xảy ra.
Cảnh sát thành phố Mohammad Asad và thủ lĩnh người Shiite Khawar Shafqat xác nhận vụ đánh bom. Các nhân chứng cho biết căng thẳng hiện đang ở mức cao trong thành phố, với những người Shiite phản đối vụ tấn công và yêu cầu những kẻ khủng bố phải bị trừng phạt.
Shafqat cho biết vụ nổ đã phát ra khi đoàn rước đang đi qua một khu phố đông đúc được gọi là Muhajir Colony. Ông lên án vụ tấn công và kêu gọi chính phủ tăng cường hơn nữa an ninh tại các lễ rước như vậy, vốn cũng đang diễn ra ở các khu vực khác của đất nước.
Thông tin liên lạc trong khu vực gặp nhiều khó khăn do chính quyền đã đình chỉ dịch vụ điện thoại di động trên toàn quốc một ngày trước lễ hội Ashoura của người Hồi Giáo Shiite.
Lễ tưởng niệm hàng năm này là để thương tiếc cái chết của Hussein, cháu trai nhà tiên tri Muhammad,vào thế kỷ thứ 7. Hussein được xem là một trong những vị thánh được yêu mến nhất của Hồi giáo Shiite.
Đối với người Shiite, việc tưởng nhớ Hussein là một sự kiện xúc động chứng kiến nhiều tín đồ khóc thương trước cái chết của ông trong trận Karbala, ngày nay thuộc Iraq.
Người Shiite là một nhóm tôn giáo thiểu số ở Pakistan nơi đa số dân Hồi Giáo dòng Sunni. Những người Hồi giáo dòng Sunni cực đoan coi người Hồi Giáo Shiite là những kẻ bội đạo đáng bị giết chết.
Source:Religion News
3. Linh mục đã thánh hiến Afghanistan cho Đức Mẹ Fatima xin những lời cầu nguyện
Bạn có biết Afghanistan đã được thánh hiến cho Đức Mẹ Fatima không?
Cha Giovanni Scales, nhà truyền giáo dòng Bácnabê và là người đứng đầu Miền Truyền giáo của Afghanistan, đã thánh hiến Afghanistan cho Đức Mẹ Fatima vào ngày 13 tháng 10 năm 2017. Ngài đã tổ chức một buổi lễ trong nhà nguyện của đại sứ quán Ý với quân đội, dân thường và các nữ tu Công Giáo.
Vị linh mục nói rằng ngài muốn “hướng về trời cao” và dành đất nước cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria.
“Chúng tôi đang sống những ngày vô cùng lo lắng chờ đợi điều gì sẽ xảy ra”, Cha Giovanni Scalese dòng Thánh Bácnabê nói.
Vị linh mục chịu trách nhiệm về sự hiện diện của Giáo Hội Công Giáo ở Afghanistan đã cầu nguyện trong khi Taliban nắm quyền kiểm soát thủ đô Kabul của đất nước.
“Chúng tôi đang sống những ngày vô cùng lo lắng khi chờ đợi điều gì sẽ xảy ra,” Cha Giovanni Scalese, người đứng đầu Miền Truyền Giáo Tự Trị (Mission sui iuris) ở Afghanistan, nói với Đài phát thanh Vatican. “Lời kêu gọi của tôi đối với thính giả của Đài phát thanh Vatican là xin cầu nguyện, xin cầu nguyện, cầu nguyện, cầu nguyện cho Afghanistan! Cảm ơn anh chị em.”
Sự hiện diện của Kitô Hữu ở Afghanistan có từ thời các thánh Tông đồ thành lập Giáo hội ở Phương Đông, nhưng ngày nay còn rất ít. Người Công Giáo chỉ lên đến vài trăm người ở quốc gia chủ yếu là Hồi giáo này. Nhà thờ Công Giáo duy nhất, gọi là Nhà thờ Thánh Phaolô, được thành lập vào những năm 1930, là nhà nguyện tại đại sứ quán Ý ở Kabul. Các Giáo sĩ thường trú tại ngôi thánh đường này – thường được gọi là các dòng Thánh Bácnabê – đã đến đây vào năm 1922.
Năm 2002, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thiết lập một Miền Truyền Giáo Tự Trị cho Afghanistan, chỉ vài tháng sau khi Hoa Kỳ dẫn đầu cuộc xâm lược đất nước này sau vụ 11/9 và sau bọn Taliban bị lật đổ. Miền Truyền Giáo Tự Trị là một hình thức tài phán thấp hơn Miền Phủ Doãn Tông Tòa (Apostolic prefecture) và Miền Giám Quản Tông Tòa (Apostolic vicariate), trong một khu vực có rất ít người Công Giáo.
Lời cầu nguyện với Đức Mẹ Fatima và Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ:
Lạy Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi, trong giờ phút bi thảm này của lịch sử thế giới, chúng con phó thác và dâng mình cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ, nơi nương tựa duy nhất cho niềm hy vọng, và ơn cứu độ của chúng con. Xin Mẹ hãy thương xót thế giới này, bị giằng xé bởi những xung đột khủng khiếp nhất, đang bùng cháy bởi ngọn lửa căm thù, đang là nạn nhân cho tội lỗi của chính nó. Cầu mong Trái tim của Mẹ rung động trước cảnh tượng của quá nhiều đổ nát, đau đớn và buồn bã.
Chúng con dâng hiến cho trái tim Mẹ những con người, gia đình của chúng con, đất nước của chúng con – và toàn thể nhân loại. Xin hãy bảo vệ và cứu chúng con!
Lạy Trái Tim của Mẹ Maria, nguồn tình yêu đích thực, xin lấp đầy trái tim ích kỷ của chúng con bằng lòng bác ái thiêng liêng và bằng tình yêu thương anh em chân chính, nếu không thì chẳng bao giờ chúng con có được bình an. Xin ban cho loài người và các quốc gia ơn hiểu biết và thực hiện giới luật của Con Thiên Chúa, yêu mến tha nhân, để hòa bình thực sự có thể được thiết lập vững chắc trong Công lý và Chân lý của Chúa Kitô.
Source:Church POP
4. Các cử hành đánh dấu 200 năm khánh thành nhà thờ chính tòa đầu tiên của Hoa Kỳ
Hôm 14 tháng 8 vừa qua, các Hồng Y và Giám Mục Hoa Kỳ đã cử hành 200 năm cung hiến nhà thờ chính tòa đầu tiên của Hoa Kỳ tại Baltimore. Trong các cử hành, Đức Tổng Giám Mục William E. Lori đã cầm chiếc gậy mà Đức Tổng Giám Mục Ambrose Maréchal, vị Tổng Giám Mục thứ Ba của Baltimore cầm trong lễ cung hiến ngôi thánh đường này vào năm 1821.
Chương trình kỷ niệm 200 năm nhà thờ chính tòa Baltimore đã bao gồm bài nói chuyện về lịch sử của ngôi thánh đường và vị giám mục tiên khởi ở Hoa Kỳ của Đức Hồng Y Timothy Dolan của tổng giáo phận New York; và bài giảng về vai trò của Đức Maria đối với đức tin của chúng ta của Đức Cha Robert Barron, Giám Mục Phụ Tá Los Angeles.
Bài chia sẻ của Đức Hồng Y Dolan đã diễn ra trong buổi chiều vọng lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời hôm 14 tháng 8.
Tưởng cũng nên nói thêm, luận án tiến sĩ của Đức Hồng Y Dolan đã tập trung vào lịch sử của Giáo Hội Hoa Kỳ.
Đức Hồng Y bắt đầu bài nói chuyện của mình bằng cách trích dẫn chương thứ năm của Phúc âm theo Thánh Matthêu: “Anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được” (Mt 5:14). Đức Hồng Y nói ngài tin rằng Đức Tổng Giám Mục John Carroll, vị giám mục tiên khởi của Hoa Kỳ, đã nghĩ chính xác điều này khi ngài lên kế hoạch xây dựng nhà thờ chính tòa đầu tiên ở đất nước mới được hình thành.
Đức Hồng Y nhận xét rằng nhà thờ chính tòa này là địa điểm gần nhất của Giáo Hội Công Giáo ở Mỹ với các địa danh như Hội trường Độc lập, Núi Rushmore và Baseball Hall of Fame ở Cooperstown, New York.
Đức Tổng Giám Mục Carroll, là một người “năm mơ thực tiễn” khi muốn ngôi thánh đường mới là “sự sáng cho các dân tộc, một ánh sáng cho thế giới”, Đức Hồng Y nói.
Đức Cha Carroll được tấn phong vào ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời năm 1790 với tư cách là giám mục đầu tiên của Baltimore, và giáo phận của ngài vào thời điểm đó bao gồm tất cả mọi thứ ở Hoa Kỳ từ Đại Tây Dương đến sông Mississippi.
Sau đó, Đức Cha Carroll muốn chuyển từ một “Công Giáo yên lặng” trung thành với vương quyền, trong đó, đức tin chủ yếu là vấn đề cá nhân riêng tư gói kín trong 4 bức tường nhà thờ, sang một “Công Giáo kiểu Maryland” cởi mở hơn và gắn bó với xã hội hơn.
Đức Tổng Giám Mục Carroll đã được Đức Giáo Hoàng Piô Đệ Thất nâng lên hàng Tổng giám mục khi vị Giáo Hoàng đưa Baltimore trở thành tổng giáo phận đầu tiên của Hoa Kỳ vào năm 1808. Ngài vui mừng khi thấy một số người Công Giáo tham gia vào lĩnh vực chính trị, bao gồm cả em trai của ngài, Daniel Carroll, một trong năm người đàn ông duy nhất ký cả hai văn bản Các Điều khoản Liên bang và Hiến pháp Hoa Kỳ.
Em họ của Đức Cha Carroll, là Charles Carroll ở Carrollton, là người ký tên trong bản Tuyên ngôn Độc lập, và đã được bầu vào Thượng viện Maryland. Cả ba anh em nhà Carrolls đều học tại Học viện Dòng Tên ở Saint-Omer, bên Pháp.
Đức Hồng Y Dolan lưu ý phong cách Công Giáo mới này là yêu nước; cây nhà lá vườn, tức là, không phải Âu hóa giáo hội nhưng là hình thành một Giáo Hội với phong cách Mỹ; và được giáo dục cao. Chính vị tổng giám mục đầu tiên đã mở Đại học Georgetown như là cơ sở Công Giáo đầu tiên đào tạo bậc đại học ở Hoa Kỳ. Vị giám mục cũng muốn có một nhà thờ mới, thay vì chỉ định một nhà thờ hiện có làm nhà thờ chính tòa cho tổng giám mục.
“Ngài muốn điều tốt nhất, trên một ngọn đồi cao,” Đức Hồng Y Dolan nói, và vì thế ngài mời kiến trúc sư giỏi nhất nước là ông Benjamin Henry Latrobe, người đã thiết kế Điện Capitol của Hoa Kỳ. Ngài đã cho xây dựng một thánh đường hiện đại nhất cả nước lúc bấy giờ.
Chính thức được gọi là đền thánh Đức Mẹ Đồng trinh Maria, nhà thờ chính tòa đầu tiên của quốc gia đã được Đức Giáo Hoàng Piô thứ 11 nâng lên thành Tiểu Vương cung thánh đường vào năm 1937. Năm 1972, ngôi thánh đường được công nhận là di tích quốc gia, và vào năm 1993, hội đồng giám mục Hội Đồng đã chỉ định ngôi thánh đường là một đền thờ quốc gia.
Hồng Y Dolan lưu ý rằng các tổng giám mục của Baltimore từ Hồng Y James Gibbons đến Hồng Y Lawrence Shehan và Tổng giám mục Lori, đã làm cho công bằng xã hội trở thành một dấu ấn. Ngài lưu ý rằng Cha James Boric, giám đốc hiện tại của ngôi thánh đường, đã thành lập một mục vụ đường phố đô thị có tên là “Nguồn mạch của Tất cả Hy vọng”, đi ra các đường phố của thành phố để phục vụ và gặp gỡ những người vô gia cư.
Ngày hôm sau, Đức Tổng Giám Mục Lori đã cử hành thánh lễ mừng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Trong thánh lễ, Đức Cha Barron đã giảng về vai trò của Đức Maria đối với đức tin của chúng ta.
Source:Catholic News Agency