Cái chết bất ngờ của Đức Tổng Giám Mục Kampala ở tuổi 68. Thánh sống ở Ấn Độ và virút

1. Cái chết bất ngờ của Đức Tổng Giám Mục Kampala ở tuổi 68

Đức Tổng Giám Mục Kizito Lwanga của Kampala được tìm thấy đã chết trong phòng của mình vào sáng thứ Bảy Tuần Thánh. Ngài qua đời ở tuổi 68 và đã thuyết giảng rất hùng hồn tại Đàng Thánh Giá đại kết vào buổi tối hôm trước.

Trong tuyên bố hôm 3 tháng Tư, Hội đồng Giám mục Uganda cho biết “các thành viên của Hội Đồng Giám Mục gửi lời chia buồn đến các linh mục, nam nữ tu sĩ và các tín hữu của Tổng giáo phận Kampala, và Giáo Hội Công Giáo ở Uganda, nói chung.”

Đức Tổng Giám Mục Kizito Lwanga đã tham gia vào Đàng Thánh Giá Thứ Sáu Tuần Thánh trong Lễ Chầu Thánh Giá hàng năm tại Nhà thờ Namirembe, một nhà thờ Anh giáo của Kampala.

Lwanga.jpg

“Chúa Giêsu đã chết cho anh chị em, Ngài đã chết cho tôi, Ngài đã chết cho toàn thể nhân loại. Tôi cầu chúc anh chị em một Đàng Thánh Giá rất, rất… thành công”, Đức Tổng Giám Mục Lwanga nói khi bắt đầu Đàng Thánh Giá ngày 2 tháng Tư.

Stephen Kaziimba, Tổng Giám mục Anh giáo của Uganda, nhận xét rằng “mới hôm qua, chúng tôi đã cùng nhau đi Đàng Thánh Giá, và đó là một cú sốc đối với tất cả chúng tôi. Tiếng nói Phúc Âm rõ ràng của ngài bênh vực người nghèo và người bị áp bức, dấn thân của ngài đối với sự hợp nhất các tín hữu Kitô, và công lý cho tất cả mọi người sẽ bị mất mát một cách sâu sắc”.

Đức Cố Tổng Giám mục Lwanga sinh năm 1953, ngài được tấn phong linh mục Tổng giáo phận Kampala năm 1978.

Ngài được bổ nhiệm làm Giám mục tiên khởi của Kasana-Luweero vào năm 1996, khi giáo phận này được dựng lên từ tổng giáo phận Kampala, và ngài được phong làm giám mục ngày 1 tháng 3 năm 1997.

Năm 2006, ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Kampala.

Tại lễ kỷ niệm Ngày Các Thánh Tử Đạo ở Uganda vào tháng 6 năm ngoái, cố tổng giám mục đã kêu gọi dân Chúa dưới sự chăm sóc mục vụ của ngài noi gương các thánh tử đạo Uganda củng cố đức tin của họ trong gia đình giữa đại dịch coronavirus.

“Đã đến lúc chúng ta phải củng cố Giáo hội tại gia theo gương các vị tử đạo của Giáo hội sơ khai và bằng cách đó, trở nên mạnh mẽ hơn trong đức tin,” Đức Tổng Giám Mục Lwanga nói ngày 3 tháng 6 năm 2020, ngày lễ Thánh Charles Lwanga và các bạn tử đạo của ngài..

Đức Tổng Giám Mục Lwanga tiếp tục khuyến khích các thành viên trong gia đình sở hữu và đọc Kinh thánh hàng ngày, ngài nói: “May mắn thay, đối với chúng ta là những người Công Giáo, mỗi ngày trong năm đều có những bài đọc mà chúng ta được mời để suy gẫm. Và tất cả những bài đọc đó mời chúng ta đổi mới. Chúng ta hãy đọc và suy ngẫm trong những gia đình”.

Trước khi đại dịch lây lan đến Uganda, ngài đã cấm việc rước lễ trên tay, và tái khẳng định rằng những người “sống chung trong hôn nhân bất hợp pháp” không thể được rước lễ.


Source:Catholic News Agency

2. Tình hình tại Ấn Độ trở nên nguy hiểm với hơn 100,000 người nhiễm coronavirus trong một ngày

Ấn Độ đã báo cáo mức tăng kỷ lục về số ca nhiễm COVID-19, và trở thành quốc gia thứ hai sau Hoa Kỳ vượt qua hơn 100,000 trường hợp nhiễm bệnh mới trong một ngày. Trong khi đó, lại có những lo ngại về sự lây lan của vi rút khi các chính trị gia tổ chức các cuộc biểu tình bầu cử lớn.

Tỷ lệ lây nhiễm hàng ngày của nước này đã tăng gần 12 lần kể từ khi chạm mức thấp nhất trong nhiều tháng vào đầu tháng 2 vừa qua, khi các nhà chức trách nới lỏng hầu hết các hạn chế và người dân phần lớn ngừng đeo khẩu trang và không giữ khoảng cách xã hội.

Mặc dù các trường hợp đã tăng theo cấp số nhân ở gần một chục bang, các chính trị gia vẫn đang tổ chức các cuộc biểu tình vận động bầu cử với sự tham dự của hàng chục nghìn người không đeo mặt nạ chen lấn giành chỗ với nhau.

Một trong những vấn nạn khác là hiện tượng quay sang tìm kiếm sự trợ giúp của các vị thánh sống, thay vì tuân thủ các biện pháp phòng dịch.

Tại Haridwar, ông Narayan Nand Giri Maharaj đang được coi là một vị thánh sống Ấn Độ Giáo. Ông năm nay 55 tuổi, nhưng chỉ cao 45cm và nặng 19kg.

Ông không thể đứng lên hoặc đi lại và được chăm sóc bởi đệ tử của ông là Umesh.

Umesh cho biết: “Mọi người tìm kiếm những lời chúc phúc của ngài và họ cảm thấy rất tuyệt vời. Họ chụp ảnh chung với ngài, cầu nguyện với ngài và cùng đi hành hương với ngài.”


Source:Reuters

3. Trong khi binh lính Miến Điện giết trẻ em, Bắc Kinh đứng về phía bọn cầm quyền quân phiệt

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết trong khi các nhà bất đồng chính kiến và các tổ chức nhân đạo tố cáo những hành động tàn bạo mà các tướng lãnh Miến Điện thi hành đối với trẻ em và trẻ vị thành niên, thì Bắc Kinh có những ưu tiên khác: họ muốn chính quyền quân sự bảo vệ các đường ống dẫn dầu và khí đốt nối hai nước, hai cơ sở hạ tầng được trợ cấp bằng tiền Trung Quốc như một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường Tơ lụa mới.

Chính phủ Trung Quốc bày tỏ ý định hỗ trợ đầy đủ cho quân đội Naypyidaw, tham gia vào một cuộc đàn áp đẫm máu các cuộc biểu tình quần chúng nổ ra sau cuộc đảo chính hôm 1 tháng Hai.

Trong cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan, vào ngày 31 tháng 3 tại Nam Bình, Phúc Kiến, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói rõ: Trung Quốc đánh giá cao việc ASEAN, tức là Hiệp hội các nước Đông Nam Á, đã áp dụng “chính sách không can thiệp” đối với cuộc khủng hoảng ở Miến Điện.

Theo quan điểm của Bắc Kinh, sự can thiệp từ bên ngoài – đặc biệt là sự can thiệp của phương Tây – là mối nguy hiểm đối với các lợi ích thương mại và chiến lược của nước này ở Miến Điện.

Theo tờ The Irrawaddy, chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu chính quyền Miến Điện tăng cường việc bảo vệ các đường ống dẫn dầu và khí đốt từ Kyaukphyu, trên Vịnh Bengal, đến tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Mối quan tâm của Trung Quốc về các cấu trúc năng lượng này đã tăng lên gấp bội sau khi các dân quân dân tộc đóng quân ở bang Shan đe dọa tham gia cuộc nổi dậy chống lại các tướng lĩnh Miến Điện trong những ngày gần đây. Trước khi đến lãnh thổ Trung Quốc, các đường ống phải đi qua khu vực này của Miến Điện.

Trong khi đó, số người biểu tình bị quân đội giết tiếp tục tăng. Hiệp hội tù nhân chính trị ước tính rằng đến nay có 543; con số này bao gồm 44 trẻ em. Tổ chức Cứu trợ Trẻ em ước tính số trẻ vị thành niên bị giết dưới tay lực lượng an ninh Miến Điện đã tăng gấp đôi trong 12 ngày qua.

Chế độ của Tướng Min Aung Hlaing cho đến nay đã giam giữ 2,700 người chống đối. Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo đảng Dân chủ bị chính quyền lật đổ, tiếp tục bị bắt giữ. Sau những cáo buộc tham nhũng, nhà chức trách quân sự buộc tội bà vi phạm luật về bí mật quốc gia có từ thời thuộc địa Anh: bà phải đối mặt với 14 năm tù giam.

Mya Aye, một thành viên lịch sử khác của mặt trận dân chủ, cũng bị buộc tội. Anh là một cựu chiến binh của Thế hệ 88, nhóm những người bất đồng chính kiến, những nhân vật chính của cuộc nổi dậy năm 1988, sau đó đã bị Lực lượng vũ trang đàn áp. Cáo buộc chống lại ông là ông đã kích động dân chúng tham gia các cuộc biểu tình.


Source:Asia News

4. Virus Tầu độc địa: Số người chết trên toàn cầu vượt qua 3 triệu người

Một cột mốc nghiệt ngã khác đã được thông qua vào hôm thứ Ba trong trận chiến với COVID-19. Số liệu mới nhất cho thấy số ca tử vong liên quan đến Coronavirus trên toàn thế giới đã vượt mốc 3 triệu người.

Điều đáng lo ngại liên quan đến con số thống kê này là phải mất hơn một năm để số người chết lên đến 2 triệu người, trong khi chỉ mất ba tháng để thêm một triệu người nữa vào danh sách dài những nạn nhân của Coronavirus này.

Bất chấp các chiến dịch tiêm chủng, các ca nhiễm COVID-19 đang gia tăng, và các quan chức y tế đang đổ lỗi cho nhiều biến thể có khả năng lây nhiễm nhanh hơn, được xác định lần đầu tiên ở Anh và Nam Phi.

Nhưng họ cũng nói rằng sự mệt mỏi của công chúng với việc khóa cửa và các hạn chế khác đang góp phần kích thích sự gia tăng này.

Brazil được kể là quốc gia đáng lo ngại nhất. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết đất nước này đang ở trong tình trạng rất nguy cấp trong đó hệ thống chăm sóc sức khỏe có nguy cơ sụp đổ.

Ấn Độ cũng đã báo cáo mức tăng kỷ lục về số ca nhiễm COVID-19 vào hôm thứ Hai, trở thành quốc gia thứ hai sau Hoa Kỳ báo cáo hơn 100,000 trường hợp nhiễm bệnh mới trong một ngày.

Tâm điểm hiện nay cũng bao gồm khu vực Âu Châu, bao gồm 51 quốc gia với tổng số người chết gần 1.1 triệu người.

Nguy kịch nhất là năm quốc gia Âu Châu bao gồm Vương quốc Anh, Nga, Pháp, Ý và Đức, chiếm khoảng 60% tổng số ca tử vong liên quan đến COVID của Âu Châu.

Đứng đầu danh sách các ca tử vong do Coronavirus là Hoa Kỳ, quốc gia có số ca tử vong cao nhất trên thế giới với 555,000 người.

Về vắc-xin, ít nhất 370.3 triệu người trên thế giới đã nhận được một liều vắc-xin COVID-19 tính đến hôm Chúa Nhật.

Tổ chức Y tế Thế giới đang kêu gọi các quốc gia tài trợ nhiều liều vắc xin COVID-19 đã được phê duyệt cho các nước nghèo hơn để giúp họ đạt được các mục tiêu tiêm chủng.


Source:Vatican News

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *