Linh mục Timothy Radcliffe Dòng Đa Minh người Anh vừa đến Québec, Canada ngày 18 tháng 2-2019. Linh mục được Montmartre Canada và Học viện Mục vụ Đa Minh, Montréal mời đến nói chuyện về đề tài hy vọng trong thế giới ngày nay. Linh mục Radcliffe là cựu Bề trên Tỉnh Dòng Đa Minh.
Trong chiếc áo dòng trắng, nụ cười thân tình dù đang bị lệch múi giờ, linh mục vui vẻ nhắc lại chuyến đi Canada năm 2008, khi đó ngài lên tiếng trước các bề trên cộng đoàn Canada về tương lai trong hy vọng dù ơn gọi đã giảm xuống rất nhiều.
Ngài là tác giả nhiều sách, đi diễn thuyết theo lời mời nhiều nơi, nhà thần học uy tín, ngài ân cần đưa ra các vấn đề của Giáo hội ngày nay và không ngần ngại nhấn mạnh đến việc phải giữ hy vọng, nhưng phải thay đổi các thói quen cũ.
“Hãy nhìn vào con người: chúng ta lớn lên qua các cuộc khủng hoảng. Con người chúng ta là như thế. Và tôi nghĩ đó là định mệnh của Giáo hội. Với một tông giọng điềm tỉnh và chừng mực, ngài nói ngay, “chúng ta không được sợ khủng hoảng”.
Cuộc khủng hoảng này có hai mặt: một mặt là lạm dụng tình dục, mặt kia là các cuộc tấn công độc hại vào chính Giáo hội và với giáo hoàng. Nhưng Giáo hội có phải được sinh ra trong khủng hoảng không?
“Tất nhiên khủng hoảng lớn, rất lớn là khủng hoảng của buổi tiệc ly. Đó là khủng hoảng lớn nhất trong tất cả các khủng hoảng. Họ đã bỏ rơi Chúa Giêsu. Giuđa bán Chúa. Phêrô sắp phản bội Ngài. Và rồi trong giây phút đen tối nhất, Chúa Giêsu đã làm một chuyện phi thường. Ngài nói: Đây là mình Ta, các con hãy lãnh nhận. Như thế tôi nghĩ khi có những giây phút khủng hoảng trong Giáo hội, chúng ta không nên sợ hãi. Chúng ta nên hỏi điều gì mới sẽ xảy đến”.
Một câu hỏi của thẩm quyền
Nhưng không phải ai cũng chia sẻ việc nhìn lại một Giáo hội đang khủng hoảng. Ở Mỹ, một vài nhà quan sát bắt đầu lo cho ảnh hưởng của phái cực hữu công giáo, họ công khai chống Đức Phanxicô, họ đang tìm cách chống lại quyền uy của các giám mục. Là cấp bậc chuẩn bị đối diện với một sự tranh quyền, mất ảnh hưởng trong bối cảnh đã mất rất nhiều uy tín?
Linh mục Radcliffe: “Chắc chắn tuyệt đối. Điều đó đang diễn ra. Tôi nghĩ những gì chúng ta phải tránh, đó là khoảng trống được lấp đầy bởi những người giàu có”.
Nhưng thay vì bắt đầu bắn mũi tên, Linh mục Radcliffe đề nghị chúng ta xem xét lại các nền tảng của guồng máy quản trị giáo hội.
Ngài nhắc lại: “Tôi nghĩ câu hỏi lớn là ai có thẩm quyền. Đức hồng y John Henry Newman (ngài sắp được phong thánh) đã thừa nhận có nhiều thẩm quyền trong Giáo hội. Chúng ta có thẩm quyền của các giám mục, chính yếu là giải thích về truyền thống. Chúng ta có thẩm quyền của các học giả, các nhà thần học, những người nắm giữ lý luận. Chúng ta có thẩm quyền của kinh nghiệm hệ tại nơi mỗi người đã được rửa tội, vì Chúa Thánh Thần đã ban cho họ”.
Theo linh mục Timothy Radcliffe, thách thức lớn là phát triển đến một ý nghĩa phong phú của cái gọi là thẩm quyền. Ngài nói: “Vì vậy tôi nghĩ chúng ta tránh đừng để người giàu áp đặt, chúng ta cần phát triển ý thức về thẩm quyền đa dạng hơn nhiều”.
Để đối thoại được lành mạnh
Sau đó, củng cố cho lời nói của mình, ngài nói tiếp: “Vì vấn đề lớn nhất của Giáo hội bây giờ là cách chúng ta nói với nhau”. Linh mục Radcliffe mong Giáo hội có được đối thoại không bị kết dính vào các rào cản giữa các nhóm – giáo sĩ, giáo dân, người trẻ, người lớn tuổi, các thần học gia, người rửa tội – mà phải vượt lên. Một dự án đòi hỏi “kiên nhẫn và thông minh”.
Linh mục nghĩ rằng trong thời gian gần đây đã có một sự “đi thụt lùi” về chất lượng của các cuộc nói chuyện trong Giáo hội, điều này không thể không nhớ đến điều này cũng đã xảy ra trong xã hội.
Ngài nhấn mạnh: “Nền văn hóa chúng ta không khuyến khích một loại nói chuyện nghiêm túc. Truyền thông xã hội cổ động các cuộc nói chuyện giữa những người mình đồng ý. Và như thế xã hội chúng ta sợ sự khác biệt, điều này cũng phản ảnh trong Giáo hội. Chúng ta hãy nhìn Tổng thống Trump. Chúng ta hãy xem các câu tweet. Một thế giới được điều hành bởi các câu khẩu hiệu. Thật thảm thương, đúng không?”
Hiểu người khác
Linh mục tin rằng Giáo hội cần có biện pháp đầy đủ và quan tâm đến các giao tiếp xã hội “để hiểu ngôn ngữ này hoạt động như thế nào”.
Ngài nói: “Chúng ta không thể hiểu con người hoạt động như thế nào trừ khi chúng ta hiểu cách ngôn ngữ hoạt động”.
Ngài tin rằng, chúng ta phải đặt mình vào địa vị của người khác và giống như triết gia người Anh Iris Murdoch nói, để hiểu những gì họ thích và những gì làm họ sợ.
Ngài giải thích: “Nếu có người yêu thích nghi thức Tridentin, thì phải tìm hiểu tại sao? Nếu họ muốn mặc phẩm phục với nhiều đăng-ten thì thật kinh khủng với tôi! Nhưng thay vì nói kinh khủng thì tôi phải hiểu họ”.
Về sợ hãi, hiện nay chúng ta thấy rất nhiều trong Giáo hội. “Và nhiều người đổ lỗi cho Đức Phanxicô về tình trạng này”. Nếu Đức Bênêđictô XVI diễn tả rõ ràng thì Đức Phanxicô có “biệt tài” giúp Giáo hội chèo đến “vùng đất chưa biết”.
Linh mục Radcliffe giải thích: “Điều này xảy ra mỗi 200 hay 300 năm. Chúng ta đến một giai đoạn mới mà các chuyện chưa rõ ràng. Và nhiều người có đầu óc trật tự sẽ sợ”. Ví dụ chúng ta xem các điểm tương đồng giữa cuộc tranh luận để phát triển các phương pháp mới để nghiên cứu Thánh Kinh cách đây một thế kỷ và việc tiếp cận sự hiệp thông cho những người ly dị và tái hôn ngày nay.
“Giống như chúng ta đang ở trong bóng tối với một vài vấn đề. Nhưng đó là chuyện tốt. Người lớn không ngại ra ngoài ban đêm. Chúng ta biết chúng ta đang đi. Đó là lý do vì sao tôi rất ngưỡng mộ Đức Phanxicô: ngài hướng dẫn chúng ta trong cuộc hành trình này. Có thể chậm hoặc không chắc nhưng đang di chuyển.”
“Giết tâm hồn”
Nếu có một sự nhức đầu thật sự cho Giáo hội trong những ngày này, đó là vụ tai tiếng lạm dụng tình dục. Cuộc họp thượng đỉnh các chủ tịch của Hội đồng Giám mục trên thế giới sẽ diễn ra vào ngày 21 đến 24 tháng 2, các quan sát viên đều nhận thấy cần phải có thêm cuộc họp để chấm dứt ung nhọt này. Câu hỏi vẫn là: Giáo hội nào sẽ nổi bật lên trong khủng hoảng này?
“Tôi không biết. Tôi không nghĩ chúng ta sẽ biết cho đến khi chúng ta chưa hiểu thế nào là bị lạm dụng. Chúng ta có các phương cách, có nhà tù, có hướng dẫn cách ứng xử. Tất cả điều này là quan trọng. Nhưng điều quan trọng nhất là hình dung cho được thế nào là bị lạm dụng”, linh mục Radcliffe cho rằng lạm dụng tình dục là “giết chết tâm hồn”.
Ngài nhấn mạnh: “Chỉ nói ‘chúng tôi lấy làm tiếc’ là chưa đủ. Chỉ nói ‘chúng tôi sẽ đền bù’ cũng chưa đủ. Chúng ta phải bằng cách nào đặt các nạn nhân vào trọng tâm của Giáo hội, họ là những người chúng ta tôn trọng và vinh danh. Họ là anh chị em của chúng ta. Tôi nghĩ đó là điều quan trọng nhất”. Sau đó phải đi đến cho được một “văn hóa trung thực” mới để chỉnh đốn tình trạng. Và không chỉ trong Giáo hội mà cả trong các lãnh vực thể thao, trường học, bệnh viện..v.v.
“Chúng ta chưa biết điều này sẽ dẫn chúng ta đến đâu, nhưng như vậy là được (and that’s OK).”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch