Cuộc gặp gỡ lạ lùng giữa Cha Thánh Piô thành Pietrelcina và một linh hồn từ luyện ngục

1. Nhật Ký Trừ Tà số 211: Quỷ dữ bám lấy sự không tha thứ

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #211: Demons Cling to Unforgiveness”, nghĩa là “1Nhật Ký Trừ Tà số 211: Quỷ dữ bám lấy sự không tha thứ”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Gần đây tôi đã nhận được ghi chú này từ một người đàn ông đã tham dự một trong các buổi trừ tà của nhóm chúng tôi. Anh ấy viết:

“Trong năm qua, tôi đã phải chịu đựng cảm giác bị áp chế, thường xuyên có ý định tự tử, suy nghĩ tiêu cực, mặc dù mọi thứ trong cuộc sống của tôi vẫn diễn ra tốt đẹp. Một khi bắt đầu cầu nguyện công thức tha thứ, tôi nhận ra rằng tôi đã từng nuôi dưỡng nhiều hận thù và khinh thường những người đã vô cớ đối xử với tôi trong quá khứ. Khi tôi nhớ đến những người này, cầu nguyện cho họ và tha thứ cho họ, tôi cảm thấy như trút được một sức nặng LỚN từ trái tim mình. Ý nghĩ tự tử đã qua đi, tôi cảm thấy bình an hơn nhiều, hòa hợp hơn với Chúa. Xin Chúa ban phước cho cha và cho sứ vụ của cha.”

Ma quỷ bám vào sự không tha thứ. Nó mang lại cho chúng một chỗ đứng vững chắc trong cuộc sống của chúng ta. Khi người đàn ông này từ bỏ hận thù và tha thứ cho những kẻ đã làm hại anh ta, bản thân anh ta đã được giải thoát. Cho dù sai lầm phải chịu đựng là thực tế hay tưởng tượng không có sự khác biệt bao nhiêu. Cho đến khi chúng ta buông bỏ được những hận thù và những mong muốn báo thù, chúng ta mới hết bị nô lệ cho những kẻ đã làm hại chúng ta và những tổn hại mà chúng ta phải gánh chịu.

Địa ngục là nơi buộc tội và thịnh nộ. Đứng đầu là Sa-tan, kẻ đời đời đổ lỗi cho Thiên Chúa về tất cả những điều xấu xa đã giáng xuống hắn. Thánh Faustina nói rằng một trong bảy sự đau khổ của địa ngục là sự căm ghét Thiên Chúa với những lời nguyền rủa và báng bổ không ngớt. Khi chúng ta mắc kẹt trong hận thù và trả thù, chúng ta bị mắc kẹt trong địa ngục và sống chung với quỷ dữ.

“Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.” (Lc 6:37-38)

Đây là Nghi thức Tha thứ mà chúng tôi sử dụng:

Nhân danh Chúa Giêsu Kitô, tôi sẵn sàng tha thứ cho bất cứ ai đã làm tổn thương hoặc làm hại tôi. Tôi tha thứ cho họ từ tận đáy lòng và tôi cầu xin Chúa ban phước cho họ.

Vị Linh mục đáp lại: Cha chứng kiến sự tha thứ của con. Cha cầu xin Chúa chữa lành bất kỳ sự không tha thứ nào cũng như những vết thương và tổn thương bên trong. Xin Chúa chữa lành cho con và tất cả những người đã làm tổn thương con. Cầu mong con được giải phóng khỏi mọi ràng buộc rối loạn chức năng, được chữa lành trong trái tim con và được tự do trong danh của Chúa Giêsu. Nhân danh Chúa Giêsu, cầu ming con có thể được chữa lành. Nhân danh Chúa Giêsu, hãy bình an.

Tất nhiên, trong trường hợp không có linh mục, người ta vẫn có thể thực hiện một hành động tha thứ.


Source:Catholic Exorcism

2. Lịch sử Lễ Các Đẳng Linh Hồn 2 tháng 11

Ngay từ thời tiên khởi, Giáo Hội đã khuyến khích chúng ta cầu nguyện cho người chết như một nghĩa cử bác ái. Thánh Augustine viết, “Nếu chúng ta không lưu tâm gì đến người chết, thì chúng ta sẽ không có thói quen cầu nguyện cho họ.” Tuy nhiên, các nghi thức cầu cho người chết có tính cách dị đoan thời tiền-Kitô Giáo đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nỗi mãi cho đến đầu thời Trung Cổ, nhờ các dòng ẩn tu có thói quen cầu nguyện cho các tu sĩ đã qua đời hàng năm thì một nghi thức phụng vụ cầu cho người chết mới được thiết lập.

Vào giữa thế kỷ 11, Thánh Odilo, Tu Viện Trưởng dòng Cluny, ra lệnh rằng mọi tu viện dòng Cluny phải cầu nguyện đặc biệt và hát kinh Nhật Tụng cầu cho người chết vào ngày 2 tháng Mười Một, ngay sau lễ Các Thánh. Truyền thống này được lan rộng và sau cùng được Giáo Hội chấp nhận đưa vào niên lịch Công Giáo La Mã.

Ý nghĩa thần học làm nền tảng cho ngày lễ này là sự thừa nhận bản tính yếu đuối của con người. Vì ít có ai đạt được một đời sống trọn hảo, mà hầu hết đã chết đi với vết tích tội lỗi, do đó cần có thời gian thanh tẩy trước khi linh hồn ấy được đối diện với Thiên Chúa. Công Ðồng Triđentinô xác nhận có luyện tội và nhấn mạnh rằng lời cầu nguyện của người sống có thể rút bớt thời gian thanh luyện của linh hồn người chết.

Sự dị đoan vẫn còn dính dấp đến ngày lễ này. Thời trung cổ người ta tin rằng các linh hồn trong luyện tội có thể xuất hiện vào ngày lễ này dưới hình thức các phù thủy, các con cóc hay ma trơi. Và họ đem thức ăn ra ngoài mộ để yên ủi người chết.

Tuy nhiên việc cử hành lễ với tính cách tôn giáo vẫn trổi vượt. Người ta tổ chức đọc kinh cầu nguyện ở nghĩa trang hay đi thăm mộ người thân yêu đã qua đời và quét dọn, trang hoàng với nến và hoa.

Có nên cầu nguyện cho người chết hay không là một tranh luận lớn khiến chia cắt Kitô Giáo. Vì sự lạm dụng ơn xá trong Giáo Hội thời ấy nên Luther đã tẩy chay quan niệm luyện tội. Tuy nhiên, đối với chúng ta, cầu cho người thân yêu là một phương cách cắt bỏ sự chia lìa với người chết. Qua lời cầu nguyện, chúng ta cùng đứng với những người thân yêu, dù còn sống hay đã ra đi trước chúng ta, để dâng lời cầu xin lên Thiên Chúa.

“Chúng ta không thể coi luyện tội là một nhà tù đầy lửa cận kề với hỏa ngục – hoặc ngay cả ‘một thời gian ngắn của hỏa ngục.’ Thật phạm thượng khi nghĩ rằng đó là một nơi chốn mà Thiên Chúa bủn xỉn đang bòn rút từng chút thân xác… Thánh Catherine ở Genoa, vị huyền nhiệm của thế kỷ 15, viết rằng ‘lửa’ luyện tội là tình yêu Thiên Chúa ‘nung nấu’ trong linh hồn đến nỗi, sau cùng, toàn thể linh hồn ấy bừng cháy lên. Ðó là sự đau khổ của lòng khao khát muốn được xứng đáng với Ðấng được coi là đáng yêu quý vô cùng, họ đau khổ vì sự mơ ước được kết hợp đã cầm chắc trong tay, nhưng lại chưa được hưởng thật trọn vẹn” (Leonard Foley, O.F.M., Tin Chúa Giêsu).

3. Cuộc gặp gỡ lạ lùng giữa Cha Thánh Piô thành Pietrelcina và một linh hồn từ luyện ngục

Cuộc gặp gỡ lạ lùng giữa Cha Thánh Piô thành Pietrelcina và một linh hồn từ luyện ngục

Philip Kosloski của tờ Aleteia có một bài viết nhan đề “When Padre Pio was visited by a soul from purgatory” nghĩa là “Khi Cha Thánh Piô được một linh hồn từ luyện ngục thăm viếng”. Câu chuyện thật là đánh động vì nó nhắc nhở chúng ta những lời cầu nguyện và thánh lễ thật hữu ích dường nào để cứu các linh hồn trong luyện ngục. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Cha Pio Năm Dấu Thánh nổi tiếng với nhiều kinh nghiệm huyền bí trong khi cầu nguyện. Ngài thường xuyên được nhìn thấu qua bức màn thiên đàng khi vẫn còn đang tại thế. Một thí dụ tiêu biểu cho các kinh nghiệm này liên quan đến một cuộc gặp gỡ bất ngờ với một linh hồn từ luyện ngục.

Một ngày nọ khi đang cầu nguyện một mình, Cha Pio mở mắt ra và thấy một ông già đang đứng trước mặt ngài. Cha Pio không chút sợ hãi nhưng rất ngạc nhiên trước sự hiện diện của một người khác trong phòng và ngài giải thích trong chứng từ của mình như sau: “Tôi không thể tưởng tượng được làm thế nào ông ta có thể bước vào nhà thờ vào lúc này vì tất cả các cửa đều bị khóa lại.”

Tìm cách làm sáng tỏ bí ẩn này, Cha Pio hỏi người đàn ông “Bạn là ai? Bạn muốn gì?”

Người đàn ông trả lời Cha Pio: “Tôi là Pietro Di Mauro, con trai của Nicola, biệt danh là Precoco. Tôi đã chết trong căn nhà này vào ngày 18 tháng 9 năm 1908, tại phòng số 4, khi đó nơi đây vẫn còn là một viện tế bần. Một đêm nọ, khi đang ở trên giường, tôi ngủ thiếp đi với một điếu xì gà đang hút dở. Điếu xì gà làm cháy nệm và tôi chết vì nghẹt thở và bị đốt cháy. Tôi vẫn còn trong luyện ngục. Tôi cần một thánh lễ để được giải thoát. Chúa cho phép tôi đến và nhờ Cha giúp đỡ tôi.”

Pio an ủi linh hồn tội nghiệp này “Hãy yên tâm tôi bắt đầu cầu nguyện cho ông ngay, và ngày mai tôi sẽ cử hành thánh lễ cầu sự giải thoát của bạn.”

Người đàn ông biến đi và ngày hôm sau Cha Pio đã thực hiện một số công việc điều tra và phát hiện ra tính chân thực của câu chuyện. Sổ bộ của tòa thị chính Rotondo ghi nhận có người đàn ông cùng tên chết vào ngày đó năm 1908 vì biến cố cháy nhà như đã kể. Mọi thứ đã được xác nhận và Cha Pio đã cử hành nhiều Thánh lễ cho linh hồn của người quá cố.

Đây không phải là sự xuất hiện duy nhất của một linh hồn từ luyện ngục yêu cầu Cha Pio cầu nguyện cho. Cha Pio cho biết: “Số linh hồn những người đã chết đến tu viện này xin cầu nguyện cũng đông như linh hồn những người còn sống đến đây xin cầu nguyện cho sự giải thoát khỏi các đam mê và tính hư nết xấu.”

Nhiều lần các linh hồn xin ngài cử hành một Thánh lễ cầu cho họ. Điều này làm nổi bật tầm quan trọng của một Thánh lễ và cho chúng ta thấy cách thức những lời cầu nguyện và Thánh lễ có thể giúp giảm bớt thời gian một người phải trải qua trong luyện ngục trước khi được hưởng vinh quang thiên đàng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *