Cựu thuyền nhân trở thành Tổng giám mục Tirana, thủ đô Albani

1. Đức Thượng phụ Giêrusalem phải xin giấy phép đặc biệt để sang Síp

Ngay sau khi có tin về biến thể Omicron, Nhật Bản và Do Thái đã cách ly với thế giới. Cụ thể tại Israel, Thủ tướng Naftali Bennett ra lệnh đóng cửa biên giới không cho du khách vào quốc gia này. Các thường trú nhân hay công dân Do Thái quay lại Israel phải tiến hành xét nghiệm trong vòng 72 giờ. Những ai bất tuân có thể bị phạt một số tiền lên đến 2,500 Shekel, tức là khoảng 790 Mỹ Kim.

Toàn bộ lãnh thổ Síp thuộc về Tòa Thượng Phụ Giêrusalem, vì thế Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa, là Thượng phụ Công Giáo Latinh Giêrusalem, đã phải xin một giấy phép đặc biệt để có thể xuất ngoại trong điều kiện phong tỏa.

Gần một năm trước đây, ngài cùng với sáu cộng sự viên, bị nhiễm Coronavirus, nhưng không ai bị nặng phải vào nhà thương. Hôm 15 tháng 12 năm ngoái, ngài đã cho biết như trên trong một cuộc họp báo video với các ký giả ở Rôma. Đức Thượng phụ Pizzaballa, 55 tuổi, đã nhậm chức trước đó gần hai tuần, cụ thể là vào ngày 4 tháng 12, 2020 trong một thánh lễ tại Đền thờ Mộ Thánh ở Jerusalem. Ngài cho biết hầu hết các ca nhiễm không có triệu chứng hoặc chỉ có những triệu chứng nhẹ. Trong hàng ngũ linh mục thuộc tòa Thượng phụ cũng có hai mươi vị nhiễm virus, nhưng không có dấu hiệu bị bệnh.

Đức Thượng phụ nói: “Trong hai, ba tuần lễ gần đây, có một sự bộc phát các ca nhiễm, nơi các tín hữu cũng như nơi các linh mục, nhưng 99% không có triệu chứng hoặc chỉ bị nhẹ. Tôi bị dương tính, nhưng tôi vẫn cảm thấy khỏe mạnh”.

Tòa Thượng phụ Công Giáo Latinh Jerusalem phụ trách 320,000 tín hữu Công Giáo Latinh ở Israel, Vương quốc Giordani, đảo Síp và các lãnh thổ của người Palestine, với tổng cộng 71 giáo xứ, không kể các giáo đoàn nhỏ, gồm các tín hữu thuộc các ngôn ngữ khác.

2. Cựu thuyền nhân trở thành Tổng giám mục Tirana, thủ đô Albani

Đức Cha Arjan Dodaj 43 tuổi, một cựu thuyền nhân đã được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Tổng giám mục giáo phận Tirana-Durazzo, bên Albani hôm 30 tháng Mười Một vừa qua. Ngài sẽ kế nhiệm Đức Tổng Giám Mục George Anthony Frendo, 75 tuổi, thuộc dòng Đa Minh người Malta, về hưu.

Năm 1993, cậu Arjan Dodaj, 16 tuổi đã vượt biên từ Albani sang Ý. Anh cho biết đã đặt nhiều hy vọng nơi Âu châu, các giá trị tự do, sự thật, bình đẳng và tình huynh đệ. Và sau đó anh mới biết đó là những giá trị Kitô. Trong chế độ cộng sản Albani, những người mang hy vọng và bênh vực các quyền con người bị loại trừ, nhất là các giáo sĩ.

Chế độ này, hồi năm 1967, đã tuyên bố Albani là quốc gia vô thần đầu tiên. Cho đến năm 1990, những ai thực hành tôn giáo đều bị bắt và cầm tù, lao động khổ sai hoặc bị kết án tử hình. Sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, các cơ cấu của tôn giáo dần dần được tái thiết.

Tại Ý, anh Dodaj làm nghề thợ hàn và làm vườn mỗi ngày hơn mười tiếng đồng hồ. Anh được tiếp xúc lần đầu tiên với đức tin Kitô, nên đã xin rửa tội và nảy sinh ước muốn làm linh mục. Anh học triết và thần học và thụ phong linh mục, do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong chức, trong Huynh đoàn Linh mục nam tử Thánh Giá (Fraternità Sacerdotale dei Figli della Croce), cộng đoàn Nhà Đức Maria ở Roma. Năm 2017, cha Dodaj trở về quê hương như linh mục “Hồng ân đức tin” (Fidei Donum) và chỉ ba năm sau được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá Tổng giáo phận Tirana-Durazzo.

Trong cuộc viếng thăm mới đây tại Vienne và trả lời phỏng vấn của hãng tin Kathpress, Đức cha Dodaj cho biết trường hợp những người Albani tìm được đức tin Kitô như bản thân ngài, không phải là điều họa hiếm. Tại Albani ngày nay có nhiều người lớn xin trở lại. Ví dụ, tại Nhà thờ chính tòa Tirana, năm nay vào dịp vọng Phục sinh, có 60 người được rửa tội. Giáo Hội Công Giáo tăng trưởng nhanh tại Albani và đức tin rất sinh động. Nhiều người Albani di cư ra nước ngoài, đã học được nhiều khả năng và sau đó, khi hồi hương, họ đã góp phần kiến đạo các điều kiện sinh sống tốt đẹp hơn và họ trở thành những người mang hy vọng”.

Tổng giáo phận Tirana có gần 140,000 tín hữu Công Giáo trên tổng số 1,250.000 dân cư, với 19 giáo xứ và chỉ có 5 linh mục giáo phận và 31 linh mục dòng.


Source:Vatican News

3. Vài nét về Chợ Giáng sinh ở Âu Châu

Chợ Giáng sinh, tiếng Đức: Weihnachtsmarkt; tiếng Pháp: Marché de Noël, là một chợ đường phố kiểu truyền thống được tổ chức vào dịp Giáng sinh, thường bắt đầu khoảng một tháng trước Lễ Giáng sinh và kéo dài đến ngày 23 tháng 12. Phong tục này có nguồn gốc tại vùng đất ngày nay là nước Đức và Đông Bắc nước Pháp và bắt đầu xuất hiện từ cuối thời Thời kỳ Trung Cổ, tức là khoảng thế kỷ 14. Cho đến nay chợ Giáng sinh vẫn là nét văn hóa truyền thống đặc sắc của Đức, Áo và Đông Bắc Pháp trong dịp Giáng sinh cũng như được phổ biến đến nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Các chợ Giáng sinh bắt đầu xuất hiện ở vùng đất nay là nước Đức và Đông Bắc nước Pháp từ cuối thời kỳ Trung Cổ, các chợ thời kỳ đầu có thể kể tới chợ Giáng sinh Dresden, được tổ chức lần đầu năm 1434, hay chợ Giáng sinh Bautzen, được tổ chức lần đầu năm 1384.

Ngày nay các chợ Giáng sinh thường là dịp thu hút khách du lịch lớn trong mùa Giáng sinh, ví dụ chợ Giáng sinh Dresden thu hút từ 1.5 đến 2 triệu lượt khách mỗi năm, các thành phố khác của Đức có chợ Giáng sinh lớn là Nürnberg, Stuttgart và Augsburg. Tại Pháp, ba chợ Giáng sinh lớn nhất được tổ chức tại các thành phố vùng Đông Bắc là Strasbourg, Colmar và Reims. Chợ Giáng sinh Strasbourg được tổ chức ở xung quanh Nhà thờ lớn Strasbourg từ năm 1570 được kể là Chợ Giáng sinh lớn nhất nước Pháp.

Mô hình chợ Giáng sinh hiện nay cũng được phổ biến đến các quốc gia bên ngoài lục địa Âu Châu như ở Anh, cụ thể tại Leeds, Birmingham; hay Hoa Kỳ, do những người Mỹ gốc Đức tổ chức.

Các gian hàng trong chợ Giáng sinh thường có dạng những quầy hàng đóng bằng gỗ. Bên cạnh các mặt hàng trang trí cho Giáng sinh, những mặt hàng thường được bày bán tại chợ gồm các mặt hàng thủ công truyền thống, rượu vang nóng, tiếng Đức là glühwein; tiếng Pháp: vin chaud, các loại rượu hâm nóng được bán trong các cốc nhỏ để khách có thể vừa đi thăm chợ vừa uống, bratwurst, xúc xích nướng kiểu Đức, hay christstollen, là bánh mì kiểu Đức cho dịp Giáng sinh. Trong chợ cũng có cây thông Giáng sinh được trang trí rực rỡ cùng máng cỏ và hoạt cảnh Giáng sinh mô tả thời điểm Chúa Giêsu ra đời.


Source:Wiki

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *