Tính cho đến chiều Chúa Nhật 15 tháng Ba, số người chết vì coronavirus, hay COVID-19 trên toàn thế giới vẫn tiếp tục gia tăng ở mức kinh hoàng với 5,839 người chết, và số người nhiễm bệnh lên đến 156,948 người. Như thế, chỉ trong 24 giờ đã có thêm 220 người thiệt mạng vì coronavirus, và 6,300 trường hợp nhiễm bệnh mới được xác nhận.
Hoa Lục vẫn đang dẫn đầu con số thương vong với 3,199 người chết, và 80,849 trường hợp nhiễm bệnh.
Kế đến là tại Ý với 1,441 người chết, và 21,157 trường hợp nhiễm bệnh. Như thế, chỉ trong 24 giờ của ngày thứ Sáu, tại Ý, đã có thêm 175 người chết vì coronavirus, và 3,497 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận. Nếu tình hình cứ diễn tiến ở mức này, chỉ trong ít tuần nữa, con số thương vong tại Ý sẽ vượt qua con số thương vong tại Hoa Lục.
Tiếp theo là Iran với 611 người chết, và 12,729 trường hợp nhiễm bệnh.
Tại Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám Mục Paul Dennis Etienne của tổng giáo phận Seattle cho biết ngài rất đau lòng phải đình chỉ mọi thánh lễ trước tình trạng nhiễm bệnh kinh hoàng tại thành phố này. Tính cho đến ngày Chúa Nhật 15 tháng Ba, trong thành phố Seattle đã có 35 trường hợp tử vong và 387 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận.
Giáo phận Salt Lake cũng vừa ra một thông báo cho biết: “Dựa trên sự tham khảo ý kiến của Đức Cha Oscar A. Solis với các nhân viên cao cấp của giáo phận, và dựa trên thông báo từ Thống đốc Gary Herbert về các biện pháp phòng ngừa liên quan đến bệnh coronavirus, Đức cha Solis đã quyết định đình chỉ các thánh lễ dành cho công chúng, kể cả Chúa Nhật, lẫn ngày thường và các Thánh lễ khác từ ngày 14 tháng Ba đến ngày 31 tháng Ba hoặc cho đến khi có thông báo mới.”
Trong thời gian này, các trường Công Giáo cũng phải đóng cửa.
Tại Nhật Bản, nhiều người tại Thành phố Niigata được xét nghiệm dương tính đối với coronavirus trong những ngày gần đây, vì thế giáo phận đã phải hủy bỏ tất cả các Thánh lễ công khai trong giáo phận Niigata, từ ngày 3 tháng Ba đến ngày 21 tháng Ba.
Tuy nhiên, những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là một sáng kiến của các linh mục và anh chị em giáo dân tại giáo phận Niigata. Các thánh lễ và các buổi cầu nguyện được tổ chức ngoài trời. Như thế, các cử hành phục vụ vẫn có thể được tiến hành mà không vi phạm các quy định của chính quyền dân sự và vẫn có thể giảm thiểu được sự lây lan dịch bệnh.
Sáng kiến này cũng được Cha Jerzy Kraj, thuộc dòng Dòng Anh Em Hèn Mọn, là Giám Quản Tông Tòa Công Giáo nghi lễ Latinh tại đảo Síp áp dụng.
Trong bức thư vừa được công bố hôm thứ Sáu 13 tháng Ba, ngài viết:
Anh chị em thân mến,
Trong thời điểm Mùa Chay này, thế giới chúng ta đang sống trong sợ hãi và hoang mang do sự lây lan nhanh chóng của coronavirus. Trong vài ngày qua tại Síp cũng xảy ra các trường hợp nhiễm trùng. Tôi khuyến khích anh chị em dâng những lời cầu nguyện đặc biệt xin Chúa Toàn năng chữa lành cho những người bị nhiễm bệnh và ngăn chặn sự lây lan của đại dịch này.
Để hạn chế sự lây lan của coronavirus, chính phủ Síp đã ban hành một nghị định, trong đó, giữa những điều khác, quy định rằng các cuộc tụ tập của hơn 75 người trong một không gian hạn chế, bao gồm trong các thánh đường, sẽ bị cấm như một phần của các biện pháp khẩn cấp.
Để bảo vệ các tín hữu chống lại coronavirus và phù hợp với các biện pháp được chính quyền công bố, các biện pháp bảo vệ sau đây sẽ được thi hành tại tất cả các nhà thờ Latinh của chúng ta ở Síp có hiệu lực ngay lập tức và cho đến khi có thông báo mới.
Thánh lễ Chúa Nhật sẽ được cử hành bên trong các nhà thờ hay các hội trường nếu số tín hữu tham dự không quá 75 người. Khi có nhiều hơn 75 tín hữu, các thánh lễ phải được cử hành trong vườn nhà thờ hoặc tại các không gian mở khác.
Các phong trào, và hội đoàn giáo xứ được khuyên nên đình chỉ hay giảm thiểu các hoạt động của họ cho phù hợp.
Các tín hữu được khuyên rước lễ trên tay, thay vì trên lưỡi. Trong các cử hành phụng vụ không bắt tay hay nắm tay nhau; thay vào đó, dấu hiệu trao ban bình an nên được thể hiện bằng một cái cúi đầu.
Trong những ngày đầy sợ hãi trước nguy cơ nhiễm trùng thực sự này, chúng tôi khuyên những tín hữu dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là người già và tất cả những ai có các triệu chứng bệnh tật, không nên đến nhà thờ. Họ có thể tham gia các thánh lễ thông qua các chương trình phát sóng trên truyền hình hoặc internet.
Đây là một thời gian khó khăn, đòi hỏi một tinh thần trách nhiệm từ tất cả chúng ta.
Chúng ta cầu nguyện với đức tin sự cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria, xin Mẹ bảo vệ dân Chúa trong thời điểm thử thách này với niềm hy vọng rằng những biện pháp này sẽ không cần thiết về lâu dài.
Đức Thánh Cha cầu nguyện cho những ai đang làm việc để đảm bảo các dịch vụ công cộng.
Lúc 7 sáng Chúa Nhật 15 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.
Trong thánh lễ này, ngài cầu nguyện cách riêng cho cho những ai đang làm việc để đảm bảo các dịch vụ công cộng, xin Chúa ban sức mạnh để họ có thể đương đầu với tình huống khó khăn này.
Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha đã nhắc nhở mọi người rằng chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho những ai bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này. Ngài nhắc nhở mọi người nhớ đến những người làm việc trong các hiệu thuốc, siêu thị, trong ngành giao thông, các cảnh sát viên để duy trì cuộc sống xã hội và dân sự.
Bài giảng của Đức Thánh Cha để tập trung vào bài Tin Mừng mô tả cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ xứ Samaria.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. Ga 4, 5-15. 19b-26. 39a. 40-42
Khi ấy, Chúa Giêsu tới một thành gọi là Sykar thuộc xứ Samaria, gần phần đất Giacóp đã cho con là Giuse, ở đó có giếng của Giacóp. Chúa Giêsu đi đường mệt, nên ngồi nghỉ trên miệng giếng, lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu.
Một người đàn bà xứ Samaria đến xách nước, Chúa Giêsu bảo: “Xin bà cho tôi uống nước” (lúc ấy, các môn đệ đã vào thành mua thức ăn). Người đàn bà Samaria thưa lại: “Sao thế! Ông là người Do-thái mà lại xin nước uống với tôi là người xứ Samaria?” (vì người Do-thái không giao thiệp gì với người Samaria).
Chúa Giêsu đáp: “Nếu bà nhận biết ơn của Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với bà: “Xin cho tôi uống nước”, thì chắc bà sẽ xin Người, và Người sẽ cho bà nước hằng sống”.
Người đàn bà nói: “Thưa Ngài, Ngài không có gì để múc, mà giếng thì sâu, vậy Ngài lấy đâu ra nước? Phải chăng Ngài trọng hơn tổ phụ Giacóp chúng tôi, người đã cho chúng tôi giếng này, và chính người đã uống nước giếng này cũng như các con cái và đoàn súc vật của người?”
Chúa Giêsu trả lời: “Ai uống nước giếng này sẽ còn khát, nhưng ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa, vì nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời”. Người đàn bà thưa: “Thưa Ngài, xin cho tôi nước đó để tôi chẳng còn khát, và khỏi phải đến đây xách nước nữa”.
Và người đàn bà nói với Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, tôi thấy rõ Ngài là một tiên tri. Cha ông chúng tôi đã thờ trên núi này, còn các ông, các ông lại bảo: phải thờ ở Giêrusalem”. Chúa Giêsu đáp: “Hỡi bà, hãy tin Ta, vì đã đến giờ người ta sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải ở trên núi này hay ở Giêrusalem. Các người thờ Ðấng mà các người không biết, còn chúng tôi thờ Ðấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ từ dân Do-thái mà đến. Nhưng đã đến giờ, và chính là lúc này, những kẻ tôn thờ đích thực, sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý, đó chính là những người tôn thờ mà Chúa Cha muốn. Thiên Chúa là tinh thần, và những kẻ tôn thờ Người, phải tôn thờ trong tinh thần và trong chân lý”.
Người đàn bà thưa: “Tôi biết Ðấng Messia mà người ta gọi là Kitô sẽ đến, và khi đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự”. Chúa Giêsu bảo: “Ðấng ấy chính là Ta, là người đang nói với bà đây”.
Một số đông người Samaria ở thành đó đã tin Người vì lời người đàn bà làm chứng. Khi gặp Người, họ xin Người ở lại với họ. Và Người đã ở lại đó hai ngày, và vì nghe chính lời Người giảng dạy, số những kẻ tin ở Người thêm đông hẳn, họ bảo người đàn bà: “Giờ đây, không phải vì những lời chị kể mà chúng tôi tin, nhưng chính chúng tôi đã được nghe lời Người và chúng tôi biết Người thật là Ðấng Cứu Thế”.
Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:
Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu với người phụ nữ Samaria là “một cuộc đối thoại, một cuộc đối thoại lịch sử.” Nó không phải là một dụ ngôn. Nó đã xảy ra trong thực tế. Chúa Giêsu đã gặp một người phụ nữ, một người tội lỗi và lần đầu tiên trong Tin Mừng, Chúa Giêsu tỏ lộ thân phận của Ngài. Ngài đã mạc khải điều đó với một tội nhân có can đảm nói cho Ngài biết sự thật. Và dựa trên sự thật đó, cô đã tuyên xưng Chúa Giêsu với mọi người. “Đến. Có lẽ ông ấy là Đấng Cứu Thế, vì ông ấy đã nói với tôi mọi việc tôi đã làm.”
Đức Thánh Cha giải thích rằng không phải qua cuộc tranh luận về mặt lý thuyết xem Thiên Chúa nên được tôn thờ trên ngọn núi này hay ngọn núi kia mà người phụ nữ nhận ra căn tính thực sự của Chúa Giêsu. Thay vào đó, người phụ nữ nhận ra rằng Ngài là Đấng Cứu Thế bởi vì Ngài nói tỏ tường với cô sự thật đời cô ấy. Trước Đấng thấu suốt lịch sử đời mình, cô nhìn nhận tội lỗi và do đó gặp gỡ được Chúa.
Đây là những gì Chúa sử dụng – đó là sự thật đời cô – để loan báo Tin Mừng. Người ta không thể là môn đệ của Chúa Giêsu nếu không nhìn nhận sự thật của chính mình. Người phụ nữ này đã can đảm đối thoại với Chúa Giêsu. Bởi vì người Do Thái và người Samaria đã không đối thoại với nhau. Cô đã có can đảm quan tâm đến lời đề nghị của Chúa Giêsu, trong thứ nước hằng sống mà Chúa đề nghị, vì cô biết mình đang khát. Cô đã can đảm thú nhận sự yếu đuối và tội lỗi của mình.
Hơn nữa, lòng can đảm của người phụ nữ Samarita này đã dẫn cô đến việc sử dụng câu chuyện của chính mình để bảo đảm với mọi người rằng Chúa Giêsu đúng là một tiên tri.
Chúa luôn muốn đối thoại một cách minh bạch mà không che giấu điều gì, không mập mờ, không nói nước đôi. Ngài nói chính xác những gì Ngài muốn nói. Tôi có thể nói chuyện với Chúa theo cách này, giống như tôi với sự thật của chính mình. Do đó, từ sự thật của chính tôi với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, tôi sẽ tìm thấy sự thật – rằng Chúa là vị cứu tinh, là Đấng đã đến cứu tôi và cứu chúng ta.
Vì cuộc đối thoại giữa người phụ nữ Samaria và Chúa Giêsu rất minh bạch, nên sau đó cô có thể tuyên bố thực tế Chúa Giêsu là Đấng Mêsia, là điều đã mang lại sự hoán cải cho người dân ở đó. Đó là thời gian của vụ thu hoạch.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc bài giảng của ngài với lời cầu nguyện sau.
Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng biết luôn luôn cầu nguyện trong sự thật, để hướng về Chúa bằng sự thật của chính tôi chứ không phải quai sự thật của người khác, càng không phải qua những sự thật được chắt lọc trong các cuộc tranh luận. “Đúng thế, tôi đã có năm người chồng. Đây là sự thật của tôi.”
Source:Vatican News