Đức Thánh Cha đã tiếp chung các đại diện 3 nhóm người bản địa Inuit, Métis và các Dân tộc đầu tiên sau khi đã gặp riêng từng nhóm trong tuần này, nghe các câu chuyện của họ liên quan đến hệ thống trường nội trú do chính phủ thiết lập và được các Giáo hội Kitô điều hành ở Canada, một kế hoạch để hòa nhập mạnh mẽ trẻ em bản địa vào văn hóa Canada bằng cách tách chúng ra khỏi gia đình và cộng đồng và đưa chúng vào các trường nội trú. Cuộc gặp gỡ diễn ra trong bối cảnh hành trình hàn gắn và hoà giải được bắt đầu tại Canada để mang lại sự công nhận và công bằng cho các nạn nhân.
Muốn thăm người bản địa Canada vào cuối tháng 7
Đề cập đến lòng sùng kính thánh Anna lan rộng giữa các nhóm người bản địa Canada, Đức Thánh Cha nói về ý định của ngài: “Năm nay tôi mong muốn ở với anh chị em trong những ngày đó.” Và vào cuối bài diễn văn, Đức Thánh Cha lặp lại ý định của ngài: “Tôi đã được phong phú thêm nhờ lời nói của anh chị em và thậm chí nhiều hơn nữa nhờ chứng tá của anh chị em. Anh chị em đã mang đến Roma này ý nghĩa sống động của các cộng đồng của anh chị em. Tôi sẽ rất vui khi được tận hưởng một lần nữa từ cuộc gặp gỡ với anh chị em, bằng cách đến thăm quê hương của anh chị em, nơi gia đình anh chị em sinh sống. Tôi sẽ không đến thăm anh chị em trong mùa đông! Vì vậy, tôi hẹn gặp anh chị em ở Canada, nơi tôi có thể bày tỏ tốt hơn sự gần gũi của tôi với anh chị em.”
Xấu hổ và phẫn nộ
Trong bài diễn văn nói với các đại diện các nhóm người bản địa, Đức Thánh Cha nói rằng ngài cảm thấy rất buồn khi nghe chứng tá của các nhóm người bản địa về đau khổ, sự tước đoạt, đối xử phân biệt và các hình thức lạm dụng khác mà họ phải chịu. Ngài cảm thấy xấu hổ và phẫn nộ.
Đức Thánh Cha phẫn nộ “bởi vì thật không công bằng khi chấp nhận điều ác, và càng tệ hơn khi quen với sự ác, như thể đó là một động lực khó tránh khỏi, phát sinh do những biến cố của lịch sử.” Ngài nói thêm: “Nếu không có sự phẫn nộ kiên định, không có ký ức và không có sự dấn thân học hỏi từ những sai lầm, thì các vấn đề sẽ không được giải quyết và chúng sẽ quay trở lại.”
Và ngài cảm thấy xấu hổ vì vai trò của một số người Công giáo, đặc biệt là những người với trách nhiệm giáo dục, trong việc làm tổn thương những người bản địa, trong việc lạm dụng và thiếu tôn trọng căn tính và văn hoá của họ, thậm chí là các giá trị tinh thần.
Xin tha thứ
Đức Thánh Cha xin Thiên Chúa tha thứ cho những hành xử đáng trách của một số thành viên trong Giáo hội. Ngài nói rằng ngài và các giám mục Canada xin lỗi anh chị em người bản địa và cũng nhấn mạnh rằng “các nội dung của đức tin không thể được truyền trao theo cách xa lạ với đức tin. Chúa Giêsu dạy chúng ta phải chào đón, yêu thương, phục vụ và không xét đoán; thật là khủng khiếp khi, nhân danh đức tin, người ta thực hiện một phản chứng với Tin Mừng.”
Lên án “thực dân hoá”
Đức Thánh Cha gọi việc “nhổ bỏ gốc rễ” của người bản địa thông qua quá trình thực dân hoá là thảm kịch. Ngài giải thích rằng một số gia đình đã bị ly tán, “nhiều thiếu niên đã trở thành nạn nhân của hành động đồng hoá này,” điều cũng đang xảy ra ngày nay, ở nhiều cấp độ khác nhau: thực dân hóa ý thức hệ, thực dân hóa chính trị và kinh tế “bị thúc đẩy bởi lòng tham, bởi thèm khát lợi nhuận, bất kể các dân tộc, lịch sử và truyền thống của họ, và ngôi nhà chung của thụ tạo.”
Mong muốn của Đức Thánh Cha là “những cuộc gặp gỡ trong những ngày này có thể mở ra thêm những con đường để đi cùng nhau, khơi dậy lòng can đảm và tăng cường sự dấn thân ở cấp độ địa phương.” (CSR_1376_2022)