ĐTC Phanxicô gặp cộng đoàn Công Giáo Luxembourg

1. ĐTC Phanxicô gặp chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn Luxembourg

Sau khi thăm hữu nghị Đại công tước của Luxembourg tại Dinh thự Đại Công Tước và gặp Thủ tướng tại Dinh Đại Công Tước, vào lúc 11 giờ 50’, Đức Thánh Cha đến Phòng hội của Dinh Cercle Cité để gặp khoảng 300 đại diện chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn.

Vatican News

Thủ tướng chào mừng Đức Thánh Cha

Thủ tướng chào mừng ĐTC
Thủ tướng chào mừng ĐTC

Buổi gặp gỡ được bắt đầu với bài chào mừng Đức Thánh Cha của Thủ tướng. Ông bày tỏ niềm vui và vinh dự được Đức Thánh Cha – một nguyên thủ quốc gia và trên hết là một lãnh đạo có thẩm quyền về luân lý được công nhận trên toàn thế giới –  đến viếng thăm đất nước.

Trong bài diễn văn chào mừng, Thủ tướng nhìn nhận rằng thế giới, châu Âu và Luxembourg đã thay đổi nhiều, nhưng theo ông điều không thay đổi, và không bao giờ được thay đổi là sứ điệp hoà bình, tình thương tha nhân và phẩm giá cho mọi tôn giáo. Và ông bảo đảm với tư cách là Thủ tướng sẽ luôn bảo đảm những nguyên tắc cơ bản của nền dân chủ được bảo vệ và duy trì.

Đề cập đến tương quan giữa nhà nước và tôn giáo, Thủ tướng nói: “Trong khi các tương quan giữa Giáo hội và nhà nước đã phát triển theo hướng tách biệt rõ ràng hơn, và trong lúc sự tục hoá đang diễn ra, các tôn giáo vẫn không hiện diện bên ngoài giới hạn của xã hội. Các tôn giáo là một phần của xã hội, và đóng góp, trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau, để làm phong phú thêm các cuộc tranh luận của chúng ta về các vấn đề đạo đức, xã hội và môi trường. Một xã hội không thể tồn tại mà không có các giá trị và nguyên tắc”.

Đức Thánh Cha gặp chính quyền dân sự
Đức Thánh Cha gặp chính quyền dân sự

Diễn văn của Đức Thánh Cha

Trong bài diễn văn liền sau đó, trước hết Đức Thánh Cha bày tỏ niềm vui được đến viếng thăm Luxembourg, chân thành cảm ơn Hoàng thân và Thủ tướng vì sự chào đón nồng nhiệt đã dành cho ngài.

Tiếp đến, từ vị trí địa lý đặc biệt nằm trên biên giới của các khu vực ngôn ngữ và văn hóa khác nhau, Đức Thánh Cha nói Luxembourg nằm ở ngã tư của các sự kiện lịch sử quan trọng nhất của châu Âu. Hai lần, trong nửa đầu thế kỷ trước, quốc gia đã phải chịu sự xâm lược và tước đoạt tự do và độc lập.

Thay thế chống đối bằng sự hợp tác, sẽ có kỷ nguyên hòa bình mới

Ngài nói: “Từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, đất nước quý vị đã được huấn luyện từ lịch sử của mình, nổi bật trong sự dấn thân xây dựng một châu Âu thống nhất và liên đới, trong đó mỗi quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều có vai trò riêng của mình, bỏ lại phía sau sự chia rẽ, xung đột và chiến tranh gây ra bởi chủ nghĩa dân tộc và các hệ tư tưởng nguy hiểm”.

Ở điểm này, Đức Thánh Cha thừa nhận khi lý luận đối đầu và chống đối bạo lực chiếm ưu thế, các khu vực ở biên giới giữa các cường quốc xung đột cuối cùng sẽ bị liên luỵ rất nhiều trái với ý muốn của họ. Tuy nhiên, khi cuối cùng họ tái khám phá những con đường khôn ngoan và thay thế sự chống đối bằng sự hợp tác, thì chính những nơi này lại trở thành nơi thích hợp nhất để chỉ ra, không chỉ mang tính biểu tượng, sự cần thiết về một kỷ nguyên hòa bình mới và những con đường phải đi theo.

Luxembourg cũng không ngoại lệ với nguyên tắc này, là thành viên sáng lập của Liên minh châu Âu và các Cộng đồng trước đó, nơi đặt trụ sở của nhiều tổ chức châu Âu, bao gồm Tòa án Công lý Liên minh, Tòa án Kiểm toán và Ngân hàng Đầu tư.

Kiên nhẫn xây dựng các thể chế và luật pháp khôn ngoan là điều quan trọng của một đất nước

Hơn nữa, cơ cấu dân chủ vững chắc của đất nước này, vốn đặt trọng tâm vào nhân phẩm và bảo vệ các quyền tự do cơ bản, là tiền đề không thể thiếu cho một vai trò quan trọng như vậy trong bối cảnh lục địa. Thực vậy, không phải việc mở rộng lãnh thổ hoặc số lượng dân cư làm nên điều kiện tất yếu để một quốc gia đóng vai trò quan trọng trên bình diện quốc tế hoặc để trở thành một trung ương thần kinh ở cấp độ kinh tế và tài chính. Trái lại, đó là việc kiên nhẫn xây dựng các thể chế và luật pháp khôn ngoan, bằng cách điều chỉnh cuộc sống của công dân theo tiêu chí công bằng và tôn trọng pháp quyền, đặt con người và công ích vào trung tâm, ngăn ngừa và chống lại những nguy hiểm phân biệt đối xử và loại trừ.

Về vấn đề này, Đức Thánh Cha nhắc lại những lời của Thánh Gioan Phaolô II trong chuyến viếng thăm Luxembourg năm 1985 mà theo ngài vẫn còn phù hợp: “Đất nước của quý vị, ở ngã tư quan trọng của các nền văn minh, vẫn trung thành với ơn gọi của mình là trở thành một nơi trao đổi và sự hợp tác năng động giữa các quốc gia với số lượng ngày càng tăng. Tôi tha thiết hy vọng rằng mong muốn liên đới này sẽ ngày càng hiệp nhất các cộng đồng quốc gia và mở rộng đến tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt những quốc gia nghèo nhất”.

Phát triển xác thực và toàn diện bao gồm cả chăm sóc thụ tạo và tình huynh đệ

Đức Thánh Cha khẳng định học thuyết xã hội của Giáo hội chỉ ra những đặc điểm của sự tiến bộ như vậy và những cách thức để đạt được nó. Về phần Đức Thánh Cha, ngài đã đi theo con đường của huấn quyền này bằng cách đào sâu vào hai chủ đề lớn: chăm sóc thụ tạo và tình huynh đệ. Thực vậy, để sự phát triển trở nên xác thực và toàn diện, chúng ta không được cướp phá và làm suy thoái ngôi nhà chung của chúng ta, đồng thời không được bỏ rơi các dân tộc hoặc các nhóm xã hội bên lề.

Ngài nói: “Chúng ta đừng quên rằng sự giàu có là một trách nhiệm. Do đó, tôi yêu cầu luôn chú ý, đừng bỏ bê những quốc gia thiệt thòi nhất, nhưng giúp họ phục hồi khỏi tình trạng nghèo đói. Đây là cách quan trọng để đảm bảo giảm số người bị buộc phải di cư, thường trong điều kiện vô nhân đạo và nguy hiểm. Với lịch sử và vị trí địa lý đặc biệt, với gần nửa dân số đến từ các vùng khác của châu Âu và thế giới, Luxembourg có thể là một sự trợ giúp và mẫu gương trong việc chỉ ra con đường phải theo để chào đón và hội nhập những người di cư và người tị nạn”.

Đức Thánh Cha nhận xét, thật không may, chúng ta đang chứng kiến sự tái xuất hiện, ngay cả trên lục địa châu Âu, những rạn nứt và thù địch, thay vì được giải quyết trên cơ sở thiện chí chung, các cuộc đàm phán và nỗ lực ngoại giao, lại dẫn đến những hành động thù địch công khai, đưa đến sự huỷ diệt và cái chết. Dường như trái tim con người không phải lúc nào cũng biết cách gìn giữ ký ức của mình nhưng thỉnh thoảng lại lạc lối và quay trở lại con đường bi thảm của chiến tranh. Để chữa lành hội chứng nguy hiểm, khiến các quốc gia bị bệnh nặng và có nguy cơ đẩy họ vào những cuộc mạo hiểm với cái giá phải trả to lớn về nhân mạng, và những cuộc thảm sát vô ích, chúng ta cần phải hướng tầm nhìn lên trên. Điều cần thiết là cuộc sống hàng ngày của người dân và những người lãnh đạo phải được thúc đẩy bởi những giá trị tinh thần cao cả và sâu sắc. Điều này sẽ ngăn chặn sự điên rồ của lý trí và sự vô trách nhiệm quay lại mắc những sai lầm tương tự trong quá khứ, và ngày càng trở nên trầm trọng hơn bởi sức mạnh kỹ thuật lớn hơn mà con người ngày nay đang sở hữu.

Tin Mừng là nguồn sống và là sức mạnh luôn tươi mới của sự đổi mới cá nhân và xã hội

Và ngài nói thêm: “Với tư cách là Người kế vị Thánh Phêrô, nhân danh Giáo hội, chuyên gia về nhân loại, tôi cũng được sai đến đây để làm chứng rằng Tin Mừng là nguồn sống và là sức mạnh luôn tươi mới của sự đổi mới cá nhân và xã hội. Chỉ có Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô mới có khả năng biến đổi sâu sắc tâm hồn con người, khiến tâm hồn có khả năng làm điều thiện ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, dập tắt hận thù và hòa giải các bên xung đột. Ước gì mọi người, trong sự tự do hoàn toàn, biết đến Tin Mừng của Chúa Giêsu, Đấng đã hòa giải Thiên Chúa và con người trong Ngôi Vị Thiên Chúa và là Đấng, nhờ biết những gì ở trong trái tim con người, có thể chữa lành những vết thương của nó”.

Đức Thánh Cha nhận xét, Luxembourg có thể cho mọi người thấy những lợi thế của hòa bình so với nỗi kinh hoàng của chiến tranh, của sự hội nhập và thúc đẩy người di cư so với sự phân biệt đối xử, lợi ích của sự hợp tác giữa các quốc gia trước những hậu quả tai hại của việc củng cố vị trí và theo đuổi ích kỷ và thiển cận hoặc thậm chí bạo lực vì lợi ích riêng của họ.

Thật vậy, những người có thẩm quyền cần phải kiên trì và kiên nhẫn tham gia vào các cuộc đàm phán trung thực để giải quyết xung đột, với thiện chí tìm ra những thỏa hiệp danh dự, không làm tổn hại điều gì và thay vào đó có thể xây dựng an ninh và hoà bình cho tất cả.

Đức Thánh Cha kết thúc diễn văn nhắc lại khẩu hiệu của chuyến tông du “Để phục vụ”. Khẩu hiệu đề cập trực tiếp đến sứ vụ của Giáo hội, đã được Chúa Kitô, Thiên Chúa đã trở thành tôi tớ, sai đến thế gian như Chúa Cha đã sai Người. Đối với tất cả chúng ta, lời kêu gọi “phục vụ” này là danh hiệu cao quý nhất, là nhiệm vụ chính, là cách sống cần phải đảm nhận hàng ngày.

Ngài nói: “Xin Thiên Chúa nhân lành ban cho anh chị em luôn làm việc phục vụ với một trái tim vui vẻ và quảng đại. Xin Mẹ Maria trông coi Luxembourg và thế giới, và xin Chúa Giêsu Con Mẹ ban cho chúng ta bình an và mọi điều tốt lành”.

Sau cuộc gặp gỡ, Đức Thánh Cha ký sổ lưu niệm và chào tạm biệt mọi người và trở về nhà của Tổng Giám Mục để nghỉ trưa.

2. ĐTC Phanxicô gặp cộng đoàn Công Giáo Luxembourg

Chiều ngày 26/9/2024 Đức Thánh Cha đã có buổi gặp gỡ với cộng đoàn Công giáo Luxembourg tại Nhà Thờ Chính Toà Notre-Dame.

Nhà thờ Notre-Dame

Nhà thờ Notre-Dame được đặt viên đá đầu tiên vào ngày 7/5/1613. Được hoàn thành 8 năm sau đó, vào ngày 17/10/1621, nhà thờ đươc thánh hiến và dâng kính Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội. Năm 1794, nhà thờ đón tượng Đức Mẹ Đấng An Ủi những người đau khổ và vào ngày 16/10/1666, Đức Mẹ với tước hiệu này trở thành bổn mạng của Luxembourg. Từ đó các cuộc hành hương tôn kính Đức Mẹ được tổ chức hàng năm tại nhà thờ, nơi có kính tượng Đức Mẹ bằng gỗ cao 73 cm, được thực hiện vào cuối thế kỷ XVI.

Ngày 27/9/1870, Đức Pio IX nâng nhà thờ thành Nhà thờ Chính tòa với tên hiệu nhà thờ Notre-Dame. Nhà thờ được tu sửa trong những năm 1953 đến 1958 và 1962 đến 1963 và được tái thánh hiến vào ngày 8/12/1963.

Khi Đức Thánh Cha đến cửa chính Nhà thờ Chính tòa Notre-Dame, Đức Hồng y Tổng Giám mục Luxembourg và cha sở nhà thờ đón tiếp ngài. Sau khi hôn Thánh giá và rảy nước phép, Đức Thánh Cha vào nhà thờ và bắt đầu cuộc gặp gỡ

Giáo hội không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ

Trong lời chào Đức Thánh Cha, Đức Hồng y Jean Claude Hollerich nói rằng “Giáo hội Luxembourg sống trong một xã hội bị tục hóa cao độ, với những đau khổ và khó khăn, nhưng cũng với những con đường hy vọng”. Giáo hội đang trên hành trình hoán cải để trở nên một Giáo hội không gắn bó với vật chất nhưng vào việc phục vụ Thiên Chúa và con người; một Giáo hội dấn thân cho sự phát triển toàn diện, chăm sóc bệnh nhân, người nghèo, người bị gạt ra bên lề; tóm lại, là một Giáo hội của Chúa Kitô, không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ

Xây dựng Giáo hội tương lai nghĩa là chăm sóc cho nhau

Mở đầu phần trình bày chứng từ, Diogo Gomes Costa, một bạn trẻ đã tham dự Đại hội Giới trẻ Thế giới Lisbon 2023, đã chia sẻ cảm nghiệm sau khi tham dự. “Đại hội đã cho chúng con cảm nghiệm và cảm thấy tình yêu của Thiên Chúa. Chúng con trở về nhà với gia tài thiêng liêng to lớn. Chúng con mang trong lòng mình những cục pin tràn đầy tình yêu và niềm vui của Chúa”. Nhắc lại lời Đức Thánh Cha “Todos!” (Tất cả!), Costa cũng khẳng định: “Trong Giáo hội có chỗ cho tất cả mọi người. Chúng ta là những viên đá sống động và với sự can đảm chúng ta xây dựng Giáo hội tương lai”. “Xây dựng Giáo hội tương lai nghĩa là chăm sóc cho nhau” như Thánh Phanxicô đã chăm sóc cho người cùi, “chăm sóc công trình sáng tạo của Thiên Chúa”.

Nhờ Thượng Hội đồng hiệp hành, ngọn lửa tin cậy mến đã được thắp sáng trong lòng người

Chứng từ thứ hai do bà Christine Busshardt, Phó Chủ tịch Hội đồng mục vụ giáo phận trình bày. Bà đề cao tiến trình hiệp hành mà Giáo hội đang thực hiện, bởi vì “tại nhiều nơi, ngọn lửa tin cậy mến đã được thắp sáng trong lòng người”. Giáo phận Luxembourg đã phát triển tính hiệp hành trong mục vụ, với sự cộng tác của các thành phần, quan tâm đến người già yếu bệnh tật, người tị nạn, tù nhân và người vô gia cư. Ưu tiên mục vụ của giáo phận là chăm sóc mục vụ giới trẻ, giáo dục thần học cho người lớn, thúc đẩy hòa bình và chăm sóc môi trường.

Sống thách đố của sự đa dạng như một sự phong phú

Và cuối cùng là chứng từ của Sơ Maria Perpétua Coelho Dos Santos, đại diện cộng đồng ngôn ngữ. Sơ Maria cám ơn Đức Thánh Cha đã can đảm đón tiếp người di cư và tị nạn. Sơ cho biết Giáo hội Luxembourg đã đón tiếp người di cư thuộc các ngôn ngữ, văn hóa và truyền thống tôn giáo đa dạng. Sơ nói: “Nếu sự đa dạng của chúng ta đúng là một thách đố hàng ngày, chúng ta sống điều này trước hết như một sự phong phú”.

Nhắc lại lời của Đức Thánh Cha tại Đại hội Giới trẻ Thế giới Lisbon: “Todos, todos, todos” (Tất cả, tất cả, tất cả), Sơ Maria nói rằng Giáo hội Luxembourg sẽ dấn thân “vì một Giáo hội mở ra với mọi người, một Giáo hội phổ quát, hiệp hành, mời gọi mỗi người theo Chúa Kitô”.

Sứ mạng an ủi và phục vụ

Sau đó, trong diễn văn nói với cộng đoàn Công giáo Luxembourg, Đức Thánh Cha nói rằng sứ mạng an ủi và phục vụ mà Chúa giao phó cho các tín hữu thật cao đẹp. Nhấn mạnh đến khía cạnh chào đón trong việc phục vụ, Đức Thánh Cha khích lệ các tín hữu Luxembourg hãy trung thành với di sản chào đón người khác, tiếp tục biến Luxembourg thành một ngôi nhà thân thiện cho bất cứ ai gõ cửa để xin giúp đỡ và sự đón tiếp.

An ủi và phục vụ là hai khía cạnh cơ bản của tình yêu của Chúa Giêsu

Mở đầu bài diễn văn, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng Giáo hội Luxembourg đang kỷ niệm bốn thế kỷ tôn sùng Đức Maria Đấng An Ủi của những người đau khổ, Đấng Bảo trợ của đất nước. Ngài nói rằng chủ đề của cuộc viếng thăm này rất phù hợp với tước hiệu của Đức Mẹ: “Để phục vụ”. Ngài giải thích: “Thật vậy, an ủi và phục vụ là hai khía cạnh cơ bản của tình yêu mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta, tình yêu mà Người đã ủy thác cho chúng ta như một sứ vụ (x. Ga 13,13-17) và là tình yêu mà Người đã chỉ cho chúng ta như là con đường duy nhất để đạt tới niềm vui trọn vẹn (xem Cv 20, 35)”. Và Đức Thánh Cha suy tư về ba từ: phục vụ, sứ vụ và niềm vui.

Phục vụ: qua đón tiếp tha nhân

Trước hết là phục vụ. Đức Thánh Cha nói đến một khía cạnh rất cấp bách ngày nay: đó là chào đón. Ngài nhận định rằng Luxembourg có truyền thống lâu đời về việc chào đón người khác, một truyền thống vẫn còn tồn tại. Bởi vì “tinh thần của Tin Mừng là tinh thần chào đón, cởi mở với tất cả mọi người và không cho phép bất kỳ hình thức loại trừ nào (xem Tông huấn Evangelii gaudium, 47), Đức Thánh Cha khuyến khích các tín hữu “hãy trung thành với di sản này, tiếp tục biến đất nước của anh chị em thành một ngôi nhà thân thiện cho bất cứ ai gõ cửa nhà anh chị em để xin giúp đỡ và sự đón tiếp”.

Tin Mừng được chia sẻ bằng lời loan báo và dấu chỉ tình yêu

Nhắc lại lời của Thánh Gioan Phaolô II: “Việc chào đón là một yêu cầu của lòng bác ái nhưng trước hết, đó là vấn đề công lý”, và lời thánh nhân khuyến khích giới trẻ Luxembourg hãy vạch ra con đường hướng tới “một Châu Âu không chỉ của hàng hóa và của cải, mà còn của các giá trị, con người và trái tim”, trong đó Tin Mừng được chia sẻ “trong lời loan báo và trong các dấu hiệu của tình yêu” (Diễn văn gửi giới trẻ của Đại công quốc Luxembourg, 16 tháng 5 năm 1985, 4), Đức Thánh Cha nhấn mạnh về “một Châu Âu và một thế giới trong đó Tin Mừng được chia sẻ bằng lời loan báo kết hợp với những dấu chỉ tình yêu”.

Sứ vụ: đồng hành chia sẻ trách nhiệm và mục vụ

** Nói về chủ đề thứ hai – sứ vụ -, nhắc lại lời Đức Hồng Y Tổng Giám mục về “sự phát triển của Giáo hội Luxembourg trong một xã hội tục hóa”, Đức Thánh Cha diễn đạt: “Giáo hội tiến hóa, trưởng thành và phát triển trong một xã hội tục hóa. Giáo hội không co cụm, buồn bã, cam chịu, oán giận; đúng hơn, chấp nhận thách thức, trung thành với các giá trị của mọi thời đại, khám phá lại và đánh giá lại các con đường loan báo Tin Mừng theo cách thức mới, ngày càng chuyển từ cách tiếp cận đơn giản là chăm sóc mục vụ sang cách tiếp cận loan báo truyền giáo”. Ngài nhắc rằng để làm được điều này, Giáo hội sẵn sàng phát triển trong việc chia sẻ trách nhiệm và mục vụ, cùng nhau đồng hành như một cộng đoàn công bố và biến tính hiệp hành thành một “cách liên hệ lâu dài” giữa các thành viên của mình.

Nỗ lực bảo vệ Trái Đất

Đức Thánh Cha cũng đề cao nỗ lực của cộng đồng trong việc bảo vệ Trái Đất. Ngài nhắc nhở trách nhiệm của mỗi người đối với “ngôi nhà chung”, nơi chúng ta là những người bảo vệ chứ không phải những kẻ chuyên quyền, và mời gọi suy tư rằng “nếu chúng ta cùng nhau sống sứ vụ này, nó sẽ trở thành một bản nhạc tuyệt vời mà chúng ta có thể hát để công bố vẻ đẹp của Phúc Âm cho tất cả mọi người”. Ngài nhấn mạnh một điều quan trọng: “điều thúc đẩy chúng ta thực hiện sứ mạng, thực ra, không phải là nhu cầu ‘làm tăng số lượng’, thực hiện ‘việc chiêu dụ tín đồ’, mà là ước muốn làm cho ngày càng nhiều anh chị em nhận thức được niềm vui của cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô”.

Đức tin vui tươi

Suy tư về chủ đề thứ ba – niềm vui -, Đức Thánh Cha đã nhắc lại chứng từ của bạn trẻ Diogo về kinh nghiệm của Đại hội Giới Trẻ Thế Giới: niềm hạnh phúc mà anh cảm nhận được vào đêm canh thức lễ hội, khi cùng với các bạn đồng trang lứa thuộc mọi nguồn gốc và quốc gia chờ đợi giây phút gặp gỡ của chúng ta, cũng như cảm xúc khi thức dậy trong buổi sáng hôm sau, xung quanh có rất nhiều bạn bè; và cả sự nhiệt tình của anh trong quá trình cùng nhau chuẩn bị ở Bồ Đào Nha cũng như niềm vui sau một năm được đoàn tụ với những người khác tại Luxembourg. Đức Thánh Cha nói với các tín hữu: “Đức tin của chúng ta là như thế này: nó vui tươi, “nhảy múa”, bởi vì nó nói với chúng ta rằng chúng ta là con cái của một Thiên Chúa là bạn của con người, Đấng muốn chúng ta hạnh phúc và hiệp nhất, và là Đấng vui mừng trên hết vì ơn cứu rỗi của chúng ta (xem Luca 15, 4-32; Thánh Grêgôriô Cả, Các Bài giảng về Tin Mừng, 34,3)”.

Tất cả anh chị em quanh bàn tiệc của Chúa 

Kết thúc bài diễn văn, Đức Thánh Cha nhắc lại một truyền thống tốt đẹp khác của Luxembourg: cuộc rước mùa xuân – Springprozession – diễn ra tại Echternach vào Lễ Hiện Xuống. Toàn bộ thành phố đổ ra đường, nhảy múa trên khắp các đường phố và quảng trường, cùng với nhiều người hành hương và du khách đến đó, cuộc rước trở thành một vũ điệu hoành tráng, độc đáo. Già trẻ lớn bé, mọi người cùng nhau khiêu vũ, hướng về Nhà thờ Chính tòa để làm chứng một cách nhiệt tình, để tưởng nhớ Vị Mục Tử thánh thiện là Thánh Willibrord, nhà truyền giáo của Luxembourg. Đức Thánh Cha nói: “Thật tuyệt vời biết bao khi được cùng nhau bước đi và gặp tất cả anh chị em quanh bàn tiệc của Chúa chúng ta”.

Cầu nguyện khai mạc Năm Thánh Mẫu

Sau bài diễn văn, Đức Thánh Cha đã cầu nguyện giây lát trước tượng Đức Mẹ trước khi Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich, Tổng Giám mục Luxembourg đọc kinh khai mạc năm Thánh Mẫu nhân kỷ niệm 400 năm sùng kính Đức Mẹ Đấng An Ủi của những người đau khổ. Sau đó Đức Thánh Cha đã dâng kính Đức Mẹ một bông hồng bằng vàng và ban phép lành cho cộng đoàn.

Kết thúc cuộc gặp gỡ Đức Thánh Cha đã đi xe đến phi trường Luxembourg cách nhà thờ hơn 9 km để bắt đầu viếng thăm Vương quốc Bỉ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *