Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên dành cho một tờ báo của Anh, cụ thể là báo The Tablet, được thực hiện từ xa bằng cách ghi âm các câu trả lời cho các câu hỏi của phóng viên Austen Ivereigh, Đức Thánh Cha tin rằng đại dịch là cơ hội hoán cải, một cơ hội mà chúng ta không được bỏ lỡ. Giáo hội sẽ ra khỏi cuộc khủng hoảng này với các tổ chức được tái định hình theo tinh thần Kitô giáo tiên khởi, không gắn chặt với một số lối suy nghĩ cứng nhắc.
Đức Thánh Cha nói rằng chúng ta đối diện với tình trạng cách ly bằng sự sáng tạo. Chúng ta có thể thất vọng hay chạy trốn cuộc khủng hoảng nhưng chúng ta cũng có thể sáng tạo. Hoán cải, theo Đức Thánh Cha, là “vượt qua thế giới siêu ảo, không có con người, để đến với thân xác đau khổ của người nghèo. Đây là cuộc hoán cải chúng ta cần thực hiện, nếu không thì sẽ không có hoán cải.”
Đức Thánh Cha cầu nguyện nhiều hơn
Trả lời câu hỏi đầu tiên: Đức Thánh Cha đang sống trong đại dịch và cách ly thế nào? Đức Thánh Cha cho biết “tôi cầu nguyện nhiều hơn, vì tôi tin tôi phải làm điều đó, tôi nghĩ đến người dân. Tôi lo lắng cho người dân. Việc nghĩ đến người dân làm cho tôi cảm thấy được xoa dịu, cảm thấy tốt hơn, nó đưa tôi ra khỏi sự ích kỷ.”
Giáo hội cần gần gũi với dân chúng hơn
Sứ vụ của Giáo hội trong thời gian này, theo Đức Thánh Cha, gần gũi với dân chúng. Dân Chúa cần mục tử gần gũi hơn, biết hy sinh từ bỏ như các tu sĩ dòng Cappuchino đã làm. Kitô giáo cần có tinh thần sáng tạo trong việc mở ra những chân trời mới, mở ra với sự siêu việt của Thiên Chúa và mở ra với con người.
Chăm sóc hiện tại vì tương lai
Ngài mời gọi hãy chuẩn bị cho thời gian tốt đẹp hơn, cho tương lai, bởi vì vào thời điểm đó, cuộc khủng hoảng này giúp chúng ta nhớ lại những điều đang xảy ra bây giờ. Chăm sóc hiện tại vì tương lai, bằng những sáng tạo đơn giản. Trong gia đình không khó để có sáng kiến, đừng chạy trốn, đừng tìm kiếm những lối thoát xa lạ không hữu ích lúc này.
Giáo hội được cơ cấu bởi Chúa Thánh Thần
Nhà báo Ivereigh hỏi rằng tương lai Giáo hội có bớt gắn chặt với thể chế và sẽ là Giáo hội truyền giáo hơn không. Đức Thánh Cha nói rằng ngài nghĩ đến Giáo hội bớt gắn chặt với một số cách suy nghĩ. Ngài nói: “Chúng ta phải học cách sống trong một Giáo hội tồn tại trong sự căng thẳng giữa sự hòa hợp và khuấy động do Chúa Thánh Thần khơi dậy. Nếu bạn hỏi tôi cuốn sách thần học nào có thể giúp bạn hiểu rõ nhất về điều này, thì đó sẽ là sách Công vụ Tông đồ. Ở đó bạn sẽ thấy Chúa Thánh Thần loại bỏ những cơ chế không còn hữu dụng, và thể chế hóa tương lai của Giáo hội. Đó là Giáo hội cần phải thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng.” Đức Thánh Cha bảo vệ Giáo hội như một thể chế: “Một Giáo hội tự do không phải là một Giáo hội không phẩm trật, bởi vì tự do là quà tặng của Chúa Thánh Thần. Một Giáo hội cơ chế nghĩa là một Giáo hội được thể chế hóa bởi Chúa Thánh Thần.”
Với những điều mình có trong lòng, hãy tiến bước
Cuối cùng, Đức Thánh Cha gửi một sứ điệp đến những người già đang đơn độc, những người trẻ đang bị đóng kín trong nhà và những người bị ảnh hưởng kinh tế do đại dịch, là hãy tiến bước cùng với nguồn cội truyền thống của mình. Trước tình trạng khó khăn khủng hoảng thì: hoặc người ta đứng đó và chấm dứt cuộc sống hoặc là với những gì mình có trong tâm hồn và tiếp tục tiến bước. (REI 08/04/2020)
Hồng Thủy – Vatican