ĐTC tiếp kiến chung 14.10.2020: Thiên Chúa luôn ở bên cạnh, lắng nghe khi chúng ta đau khổ

Tại buổi tiếp kiến ​​chung, khi nói về lời cầu nguyện trong Sách Thánh Vịnh, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: chỉ cần cầu nguyện như chúng ta thật sự là, ngay cả trong những đau khổ của cuộc sống; Thiên Chúa lắng nghe và không bỏ rơi chúng ta.

Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 14/10, Đức Thánh Cha giải thích về việc cầu nguyện trong sách Thánh vịnh, cuốn sách được xem là một kho tàng quý giá của những lời cầu nguyện. Ngài nói rằng các Thánh vịnh dạy chúng ta cầu nguyện với Chúa bằng chính những lời Chúa ban cho chúng ta.

ĐTC tiếp kiến chung Thiên Chúa luôn ở bên cạnh, lắng nghe khi chúng ta đau khổ

Trong các Thánh vịnh chúng ta gặp thấy mọi tâm tư tình cảm của con người trong mọi hoàn cảnh. Thánh vịnh hướng dẫn chúng ta tiến bước trong cầu nguyện, giúp chúng ta thêm tin tưởng, hy vọng vào sự quan phòng của Chúa, tín thác vào lời hứa của Người và soi sáng cho chúng ta kiên trì trên hành trình đức tin của cuộc sống.

Cách cầu nguyện

Mở đầu bài giáo lý, Đức Thánh Cha định nghĩa sách Thánh vịnh, sách chỉ gồm những lời cầu nguyện, là phòng tập luyện và là nhà của muôn vàn người cầu nguyện. Sách Thánh Vịnh được kể vào loại sách khôn ngoan bởi vì nó truyền đạt “kiến thức về cách cầu nguyện” qua kinh nghiệm đối thoại với Thiên Chúa. Trong các Thánh vịnh chúng ta tìm thấy tất cả tình cảm của con người: niềm vui, nỗi buồn, nghi ngờ, hy vọng, sự cay đắng xen lẫn trong cuộc sống của chúng ta. Sách Giáo lý khẳng định rằng mỗi Thánh vịnh “rất đơn giản đến nỗi mọi người trong mọi hoàn cảnh và ở mọi thời đại có thể cầu nguyện bằng các Thánh vịnh” (GLCG, 2588).

Thánh vịnh là lời cầu nguyện được Chúa dạy

Đức Thánh Cha giải thích: Khi chúng ta đọc đi đọc lại các Thánh vịnh, chúng ta học được ngôn ngữ cầu nguyện. Thật vậy, Thiên Chúa Cha, qua Thánh Thần của Người, đã linh hứng những lời này trong tâm hồn Vua Đa-vít và những người cầu nguyện khác, để dạy cho mọi người cách ngợi khen Chúa, cảm tạ Người, cầu xin Người, cầu khẩn Người khi vui mừng cũng như khi đau buồn, cách tường thuật những điều kỳ diệu trong các công trình và Luật của Chúa. Tóm lại, các bài Thánh vịnh là lời của Thiên Chúa mà loài người chúng ta dùng để trò chuyện với Người.

Thánh vịnh là kinh nghiệm sống

Những lời cầu nguyện trong các Thánh vịnh là những kinh nghiệm sống. Đức Thánh Cha nói: Trong cuốn sách này, chúng ta không gặp những người sống trên mây, những người trừu tượng, những người nhầm lẫn việc cầu nguyện với một cảm nghiệm về vẻ đẹp hoặc thứ cảm nghiệm làm con người không còn là thật như chính mình. Không. Các Thánh vịnh không phải là những bản văn mà tác giả ngồi ở bàn mà sáng tác; nhưng là những lời khẩn cầu, thường là bi thảm, bắt nguồn từ sự sống động của cuộc sống.

Cầu nguyện bằng chính con người thật sự của mình

Đức Thánh Cha nhắc nhở: Để cầu nguyện bằng các Thánh vịnh chúng ta chỉ cần là chính mình. Đừng quên điều này: để cầu nguyện tốt, chúng ta phải cầu nguyện như chính chúng ta là, không trang điểm. Đừng trang điểm tâm hồn để cầu nguyện. “Lạy Chúa, con là như thế này”, và hãy đến trước mặt Chúa như chúng ta là, với những điều đẹp đẽ và cả những điều xấu xa không ai biết, nhưng từ thâm tâm chúng ta biết. Trong các Thánh vịnh chúng ta nghe những lời cầu nguyện của những con người bằng xương bằng thịt, những người có cuộc sống giống như mọi người, đầy rẫy những vấn đề, những mệt mỏi và những bất ổn.

Vấn đề đau khổ

Tiếp đến, Đức Thánh Cha giải thích cách Vịnh gia đối mặt với vấn đề đau khổ: Ông không phản đối nỗi đau khổ này một cách triệt để nhưng biết rằng nó thuộc về cuộc sống; tuy nhiên, đau khổ được biến thành câu hỏi.

Và trong số rất nhiều câu hỏi, có một câu vẫn lơ lửng, giống như một tiếng kêu không ngừng xuyên suốt toàn bộ sách Thánh vịnh từ đầu này sang đầu kia. Một câu hỏi mà chúng ta lặp đi lặp lại nhiều lần: “Cho đến bao giờ, lạy Chúa? Cho đến bao giờ?” Mỗi nỗi đau đều đòi được giải thoát, mỗi giọt nước mắt cầu xin một niềm an ủi, mỗi vết thương chờ được chữa lành, mỗi lời vu khống cần một lời minh oan. “Lạy Chúa, con sẽ phải chịu đựng điều này cho đến bao giờ? Lạy Chúa, xin hãy nghe con!”. Đã bao lần chúng ta cầu nguyện như thế này: “Cho đến bao giờ? Xin dừng lại Chúa ơi… Cho đến khi nào?”.

Chúng ta quý giá đối với Thiên Chúa 

Đức Thánh Cha lưu ý: Khi liên tục đặt những câu hỏi như vậy, các Thánh vịnh dạy chúng ta không xem nỗi đau là điều quen thuộc, và nhắc nhở chúng ta rằng sự sống không được cứu trừ khi nó được chữa lành. Sự hiện hữu của mỗi con người chỉ là một hơi thở, cuộc đời của chúng ta là phù vân, nhưng người cầu nguyện biết rằng mình quý giá trong mắt Thiên Chúa, vì vậy kêu khóc cũng có ý nghĩa. Và điều này quan trọng. Khi chúng ta đi cầu nguyện, chúng ta đi vì chúng ta biết mình quý giá trong mắt Thiên Chúa, và vì điều này, tôi đi cầu nguyện. Có thể bạn không nghĩ đến điều này nhưng trong vô thức, bạn biết điều đó! Đó là ân sủng của Chúa Thánh Thần trong nội tâm thúc đẩy bạn đi đến sự khôn ngoan này: bạn quý giá trong mắt Thiên Chúa, và vì điều này, bạn đi cầu nguyện.

Cầu nguyện: tiếng kêu cầu Chúa cứu độ

Đức Thánh Cha nhận định: Lời cầu nguyện của các Thánh vịnh là bằng chứng của tiếng kêu này: một tiếng kêu đa đoan, bởi vì trong cuộc sống, nỗi đau có muôn ngàn hình hài, và có tên bệnh tật, hận thù, chiến tranh, bách hại, ngờ vực … cho đến “cớ vấp phạm ” tột cùng, đó là cái chết. Cái chết xuất hiện trong Thánh vịnh như một kẻ thù phi lý nhất của con người: tội gì đáng bị trừng phạt tàn nhẫn như thế, điều đưa đến sự hủy diệt và chấm dứt? Người cầu nguyện trong Thánh vịnh cầu xin Thiên Chúa  can thiệp ở nơi mà mọi nỗ lực của con người đều vô ích. Do đó lời cầu nguyện, tự trong chính nó, là con đường cứu độ và khởi đầu của ơn cứu độ.

Lời cầu nguyện là của mỗi người, xuất phát từ nỗi đau của mỗi người. Đức Thánh Cha nói: Mọi người đều đau khổ trong thế giới này: cho dù bạn tin vào Chúa hay từ chối Ngài. Nhưng trong sách Thánh vịnh nỗi đau trở thành mối quan hệ: một tiếng kêu cứu chờ đợi đôi tai lắng nghe. Nó không thể vẫn vô nghĩa, không có mục đích. Ngay cả những nỗi đau mà chúng ta phải gánh chịu cũng không thể chỉ là những trường hợp cụ thể của một quy luật chung: chúng luôn là những giọt nước mắt “của tôi”.

Chúa biết chúng ta từng người một

Đức Thánh Cha nói: Đối với Chúa, mọi nỗi đau của con người đều thánh thiêng. Vì vậy, tác giả của Thánh vịnh 56 cầu nguyện: “Bước đường con lận đận, chính Ngài đã đếm rồi. Xin lấy vò mà đựng nước mắt con. Nào Ngài đã chẳng ghi tất cả vào sổ sách?” (c. 9) Trước mặt Chúa, chúng ta không phải là những người xa lạ, hay là những con số. Chúng ta là những khuôn mặt và trái tim, được biết đến từng người một, từng tên một.

Cánh cửa của Chúa vẫn luôn mở

Trong Thánh vịnh, người tin Chúa tìm thấy câu trả lời. Họ biết rằng ngay cả khi tất cả các cánh cửa của con người bị khóa, cánh cửa Chúa vẫn mở. Ngay cả khi cả thế giới đã ra phán quyết kết án, thì nơi Chúa vẫn có sự cứu rỗi.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “Chúa lắng nghe và trong cầu nguyện chỉ cần biết điều này là đủ. Ngài nói rằng các vấn đề không phải lúc nào cũng được giải quyết. Những người cầu nguyện không bị ảo tưởng: họ biết rằng nhiều câu hỏi của cuộc sống dưới thế này vẫn chưa được giải đáp, không có lối thoát; đau khổ sẽ đồng hành với chúng ta và, một khi chúng ta vượt qua một trận chiến, sẽ có những trận chiến khác đang chờ đợi chúng ta. Nhưng nếu chúng ta được lắng nghe, mọi thứ trở nên có thể chịu đựng được hơn.

Thiên Chúa khóc với chúng ta

Cầu nguyện cứu chúng ta khỏi tình cảnh tồi tệ nhất là bị bỏ rơi trong đau khổ, không được nhớ đến. Đức Thánh Cha giải thích: Bởi vì có thể xảy ra là chúng ta không hiểu kế hoạch của Thiên Chúa. Nhưng tiếng kêu của chúng ta không bị đè nén ở đây: nó vươn lên tới Chúa, Đấng có trái tim của một người Cha, và chính Người khóc cho mọi con cái đau khổ và qua đời. Tôi sẽ nói với bạn một điều: trong những khoảnh khắc tồi tệ, thật tốt đối với tôi khi nghĩ đến Chúa Giê-su đang khóc, khi Người khóc thương thành Giê-ru-sa-lem, khi Người khóc trước mộ La-da-rô. Chúa khóc cho tôi, Chúa khóc vì nỗi đau của chúng ta. Bởi vì Chúa muốn trở thành con người để có thể khóc với chúng ta. Nghĩ rằng Chúa Giêsu khóc với mình trong đau khổ là một niềm an ủi: nó giúp chúng ta tiến bước.

Duy trì mối quan hệ với Chúa

Đức Thánh Cha khẳng đình tầm quan trọng của việc duy trì mối liên hệ với Chúa, vì cả trong những đau khổ, nó mở ra một chân trời tốt đẹp và hướng chúng ta đến cùng đích. Ngài kết thúc bài giáo lý với lời mời gọi: Hãy can đảm, hãy tiến bước bằng cầu nguyện. Chúa Giê-su luôn ở cùng chúng ta.

Hồng Thủy – Vatican News

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *