1. Đức Hồng Y Schönborn: “Những gì đang xảy ra ở Hoa Kỳ hiện nay là rất nguy hiểm”
Tổng thống Hoa Kỳ Tổng thống Donald Trump áp đặt thuế quan trừng phạt và ra lệnh rút khỏi các thỏa thuận quốc tế. Đức Hồng Y Christoph Schönborn cảnh báo về đường lối như vậy – và nhìn vào Hoa Kỳ và tình hình toàn cầu với sự lo ngại.
Đức Hồng Y Christoph Schönborn chỉ trích gay gắt chính phủ Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Donald Trump. “Những gì đang diễn ra tại Hoa Kỳ hiện nay là cực kỳ nguy hiểm”, Đức Tổng Giám Mục danh dự của Vienna viết trong một chuyên mục trên tờ báo hàng ngày của Áo “Heute” nghĩa là thứ Sáu. Liên quan đến các biện pháp ban đầu do chính quyền Tổng thống Donald Trump thực hiện, Đức Hồng Y Schönborn giải thích: “Các thỏa thuận thương mại đang bị phá vỡ một cách đơn phương, các quyền của nhà nước hiện có đang bị đặt dấu hỏi, luật hiện hành và các biện pháp bảo vệ theo hiến pháp của nó đang bị gạt sang một bên”.
Các hợp đồng dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau và do đó phải được cả hai bên tôn trọng một cách nghiêm ngặt, vị Hồng Y nói tiếp. Điều này áp dụng cho các hợp đồng cho thuê, thương mại, kinh tế, hợp đồng hôn nhân và các thỏa thuận liên chính phủ. Các hợp đồng cũng có thể được sửa đổi, nhưng sau đó sẽ phải được đàm phán lại. “Quyền pháp luật phụ thuộc vào việc các hợp đồng có hiệu lực hay không.” Ngược lại với điều này là sự tùy tiện: “Những người có quyền lực ra lệnh theo ý muốn của họ, bất kể những gì đã được thỏa thuận trong hợp đồng.”
Đức Hồng Y Schönborn quan tâm đến tình hình chính trị toàn cầu nói chung. Các chế độ độc tài đang gia tăng trên toàn thế giới và cùng với đó là sự tùy tiện của những người nắm quyền. “Lòng trung thành và đức tin, sự tin tưởng và an ninh, và trên hết là những người yếu hơn, nghèo hơn và không có khả năng tự vệ đang bị bỏ lại phía sau”, ngài cảnh báo và hỏi: “Đó có phải là điều chúng ta muốn không?”
Source:katholisch.de
2. Cảnh sát ra lệnh cho người phụ nữ Công Giáo rời khỏi nơi công cộng vì quan điểm của cô ấy là ‘phản cảm’
Đoạn video mới cho thấy cảnh một cảnh sát yêu cầu một phụ nữ Công Giáo rời khỏi phòng khám phá thai chỉ vì đức tin của cô.
Viên cảnh sát của Sở Cảnh sát West Midlands được nhìn thấy đang yêu cầu tình nguyện viên bác ái Isabel Vaughan-Spruce rời khỏi khu vực công cộng nơi cô đang đứng một mình và cầu nguyện trong im lặng.
Trong đoạn phim do ADF UK, một tổ chức pháp lý của Kitô giáo, thu thập được, viên cảnh sát giải thích rằng anh ta tin rằng “chỉ cần sự hiện diện” của cô Vaughan-Spruce cũng có thể cấu thành “sự quấy rối, báo động và đau khổ”.
Anh ta cho biết mình đưa ra kết luận này vì biết rằng cô Vaughan-Spruce có niềm tin ủng hộ sự sống và là thành viên của một tổ chức ủng hộ sự sống.
Do đó, anh ta kết luận rằng cô đã vi phạm các quy định về “vùng đệm” – một khu vực trong phạm vi 150m tính từ cơ sở phá thai.
Luật về vùng đệm không bắt buộc những cá nhân bị cấm vào khu vực này vì đức tin của họ. Nó chỉ nghiêm cấm những hành vi có thể dẫn đến “đe dọa”, “quấy rối” hoặc “ảnh hưởng đến quyết định tiếp cận” cơ sở phá thai của một người.
Cô Vaughan-Spruce cho biết: “Điều này đã được làm rõ nhiều lần qua phán quyết của Tòa án Birmingham Magistrates, qua sự nhượng bộ và chi trả từ cảnh sát, qua lời nói của cựu Bộ trưởng Nội vụ và qua Hướng dẫn của CPS – bạn không thể vi phạm pháp luật chỉ bằng cách tồn tại trong vùng đệm, giữ những suy nghĩ và niềm tin trong đầu.
“Mọi người đều có quyền đứng ở nơi công cộng và nghĩ những gì họ muốn. Cảnh sát nói với tôi rằng “chỉ sự hiện diện” của tôi là xúc phạm – điều đó chẳng khác gì tình trạng phân biệt quan điểm.
“Ông ấy tin rằng chỉ vì tôi có niềm tin ủng hộ sự sống, tôi tự động trở thành tội phạm ở một số nơi công cộng. Điều này không đúng.”
Với sự hỗ trợ từ ADF Vương quốc Anh, Vaughan-Spruce đã viết thư cho cảnh sát để yêu cầu làm rõ rằng sự hiện diện của một người không cấu thành tội hình sự.
Vụ việc xảy ra mặc dù Cảnh sát West Midlands trước đó đã đưa ra lời xin lỗi và bồi thường 13.000 bảng Anh vì vi phạm nhân quyền của cô Vaughan-Spruce trong hai lần trước đó khi họ bắt cô vì cầu nguyện thầm lặng trong cùng một “vùng đệm”.
Vaughan-Spruce, người đã là tình nguyện viên hỗ trợ thai kỳ trong hai thập niên và đã cầu nguyện gần cơ sở phá thai hàng tuần trong suốt thời gian đó, đã bị xét xử vì vi phạm vùng đệm bằng cách cầu nguyện thầm trong tâm trí tại Tòa án Birmingham Magistrates vào tháng 2 năm 2023, và được tuyên vô tội.
Hướng dẫn của CPS từ tháng 10 năm 2024 quy định rằng cầu nguyện thầm lặng “không nhất thiết” là một tội ác trong “vùng đệm” phá thai. Hướng dẫn này cũng nêu rõ rằng bất kỳ hành động nào cũng phải “công khai” để đạt đến ngưỡng phạm tội.
Jeremiah Igunnubole, cố vấn pháp lý của ADF UK, cho biết: “Không ai nên bị coi là tội phạm vì công khai giữ quan điểm hợp pháp hoặc tham gia vào bất kỳ mục đích hợp pháp nào.
“Ý tưởng cho rằng nhà nước có thể thẩm vấn công dân và yêu cầu họ rời khỏi một số khu vực công cộng dựa trên niềm tin và mối quan hệ ủng hộ sự sống của họ là bằng chứng thực sự đáng sợ và cụ thể, về hoạt động lạm quyền của cảnh sát.
“Nếu Isabel được đối xử theo cách này thì điều này có ý nghĩa gì đối với tất cả các Kitô hữu theo chân lý Kinh thánh?
“Đây không phải là năm 1984; mà là năm 2025 – cảnh sát phải tôn trọng các quyền cơ bản về tự do ngôn luận, tư tưởng và lập hội.”
Source:Catholic Herald
3. Đức Hồng Y ‘vui mừng’ khi nghe thông báo về chuyến thăm của hoàng gia tới Đức Giáo Hoàng
Lãnh đạo tinh thần của Giáo Hội Công Giáo tại Anh và xứ Wales đã bày tỏ niềm vui trước tin tức về chuyến thăm cấp nhà nước sắp tới của Vua Charles III tới Đức Thánh Cha Phanxicô.
Đức Hồng Y Vincent Nichols, Tổng Giám mục Westminster và Chủ tịch Hội đồng Giám mục Anh và xứ Wales, cho biết ngài rất vui mừng khi Vua Charles và Hoàng hậu Camilla sẽ đến thăm Tòa thánh và Ý vào đầu tháng 4.
“Tôi rất vui mừng khi Vua Charles và Hoàng hậu Camilla sẽ đến thăm Tòa thánh và gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Năm Thánh đặc biệt này, khi rất nhiều người sẽ tụ họp tại Rôma như những người hành hương hy vọng”, Đức Hồng Y Nichols phát biểu sau khi tin tức được Cung điện Buckingham công bố.
“Đây là cơ hội tuyệt vời để chúng ta tôn vinh mối quan hệ chặt chẽ giữa Vương quốc Anh và Tòa thánh.”
Chris Trott, Đại sứ Anh tại Tòa thánh, cũng hoan nghênh tin tức này.
Đăng trên X, ông cho biết ông “hoàn toàn vui mừng” khi Quốc vương và Hoàng hậu sẽ đến thăm Tòa thánh.
Chuyến thăm của Nhà vua trong Năm Thánh tương tự như chuyến thăm của Nữ hoàng quá cố trong Đại Năm Thánh 2000.
Charles đã gặp nhiều Giáo hoàng với tư cách là Hoàng tử xứ Wales, bao gồm Đức Thánh Cha Phanxicô vào năm 2017 và 2019, cũng như Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16.
Ông cũng đã đại diện cho Nữ hoàng quá cố tại tang lễ của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đáng chú ý là đã hoãn đám cưới của chính mình một ngày để làm điều đó.
Mối quan hệ của Charles với Kitô giáo không mang tính truyền giáo như mẹ ông, người từ lâu đã ngưỡng mộ nhà truyền giáo người Mỹ Billy Graham và mô tả Chúa Giêsu là “điểm tựa trong cuộc đời tôi”.
Tuy nhiên, ông được biết đến với sự quan tâm sâu sắc đến Chính thống giáo, đã đến thăm Núi Athos, một trung tâm tu viện Chính thống giáo, nhiều lần, và đã thể hiện sự đánh giá cao về tinh thần, nghệ thuật và truyền thống của nhà thờ.
Ông đã thể hiện sự tôn trọng và quan tâm đến Công Giáo, đáng chú ý là việc mời Hồng Y Nichols đến ban phước lành trong buổi lễ đăng quang của mình.
Vào đêm trước lễ tuyên thánh cho Thánh John Henry Newman vào tháng 10 năm 2019, Hoàng tử xứ Wales khi đó đã viết một bài báo trên trên tờ Quan Sát Viên Rôma, tờ báo chính thức của Vatican, ca ngợi vị thánh mới nhất của nước Anh là “một nhà tư tưởng đi trước thời đại”.
Ngày hôm sau, ông tham dự lễ phong thánh ở Rôma.
Ông cũng đặc biệt quan tâm đến các Kitô hữu bị đàn áp, và vào tháng 12 năm 2024, ông đã tham dự một buổi lễ Mùa Vọng tại Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội do Dòng Tên điều hành ở Luân Đôn, được tổ chức với sự hợp tác của Tổ chức Hỗ trợ các Giáo hội gặp khó khăn, gọi tắt là ACN.
Trong sự kiện này, ông đã gặp gỡ các thành viên của cộng đồng Kitô hữu Iraq lưu vong và cầu nguyện cho người dân Syria.
Chuyến thăm Rôma của Nhà vua vào tháng 4 này sẽ trùng với kỷ niệm 20 năm ngày cưới của ông với Nữ hoàng Camilla.
Cung điện Buckingham tuyên bố rằng “chi tiết hơn về chương trình của Đức vua tại Tòa thánh và Cộng hòa Ý sẽ được công bố trong thời gian tới”.
Source:Catholic Herald
4. Đức Thánh Cha Phanxicô vào bệnh viện: Tin tức cập nhật
Như chúng tôi đã đưa tin, Đức Thánh Cha Phanxicô đã được đưa vào Bệnh viện Gemelli của Rôma vào hôm thứ Sáu, ngày 14 tháng 2, để xét nghiệm và điều trị viêm phế quản, Vatican cho biết.
Trong bản tin mới nhất của Phòng Báo Chí Tòa Thánh vào chiều Chúa Nhật, 16 Tháng Hai, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết:
Đức Thánh Cha Phanxicô “nghỉ ngơi suốt đêm” và “không có cơn sốt nào”.
Đức Giáo Hoàng đã được đưa vào bệnh viện vào thứ Sáu sau khi bị viêm phế quản trong nhiều ngày. Ngài được phát hiện bị nhiễm trùng đường hô hấp và sốt nhẹ khi vào bệnh viện.
Sau khi nghỉ qua đêm, quá trình điều trị của Đức Giáo Hoàng đã được “điều chỉnh đôi chút” sau “những phát hiện vi sinh vật học tiếp theo”, các xét nghiệm vào thứ Bảy “cho thấy có sự cải thiện ở một số xét nghiệm”.
“Vào buổi sáng, ngài đã rước Mình Thánh Chúa, sau đó xen kẽ nghỉ ngơi với cầu nguyện và đọc sách”.
“Để tạo điều kiện cho quá trình hồi phục, đội ngũ y tế đã kê đơn nghỉ ngơi tuyệt đối; do đó, vào ngày mai, Chúa Nhật, ngày 16 tháng 2, Đức Thánh Cha sẽ không chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật; tuy nhiên, ngài có ý định gửi văn bản để một phụ tá công bố”
Đức Giáo Hoàng “đã được thông báo về nhiều thông điệp gần gũi và tình cảm đã nhận được và bày tỏ lòng biết ơn, đồng thời yêu cầu tiếp tục cầu nguyện cho ngài”.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trải qua một “đêm yên bình” và đọc một số tờ báo vào sáng thứ Bảy sau khi vào bệnh viện tại Bệnh viện Gemelli của Rôma để điều trị viêm phế quản.
“Các đánh giá y tế và điều trị cần thiết vẫn đang được tiếp tục”.