Chúa nhật 1-10-2017, ĐTC đã dành 13 tiếng đồng hồ để thực hiện cuộc viếng thăm mục vụ thứ 20 tại Italia: ngài viếng thăm tổng giáo phận Bologna và giáo phận Cesena ở miền bắc nước này.
- Chương trình thăm hai giáo phận
Cơ hội cho cuộc viếng thăm là lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể của giáo phận Bologna, và sinh nhật thứ 300 của ĐGH Piô 6, vốn sinh trưởng tại Cesena, và là vị Giáo Hoàng thứ 250 trong Giáo Hội, cai quản Hội Thánh trong 22 năm. Ngài bị quân Pháp bắt khi họ chiếm nước Tòa Thánh và qua đời năm 1799 tại Valence trong cảnh lưu đày tại Pháp. Giáo phận này có gần 170 ngàn tín hữu Công Giáo thuộc 95 xứ đạo, 140 LM triều và dòng, 68 nữ tu và 42 phó tế vĩnh viện. Cesena cách Roma 250 cây số đường chim bay về hướng bắc, nhưng nếu đi đường bộ thì phải vượt qua 330 cây số.
Trong khi đó, Tổng giáo phận Bologna có gần 950 ngàn tín hữu, gấp quá 5 lần Cesena, và có 410 giáo xứ.
ĐTC đã đáp trực thăng lúc 7 giờ sáng từ Roma để tới thành Cesena. Tại đây lúc 8 giờ ngài gặp gỡ dân chúng lúc 8 giờ 15, rồi đến viếng nhà thờ chính tòa và gặp gỡ hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân trong Hội đồng mục vụ và đại diện các giáo xứ.
Tại nhà nguyện Đức Mẹ Dân Chúng, ĐTC chủ sự buổi chầu Mình Thánh Chúa và tôn kính Đức Mẹ, trước sự hiện diện của một số bệnh nhân.
Sau đó, lúc 10 giờ, ĐTC đáp trực thăng bay tới thành phố Bologna. Trước tiên ngài gặp những người di dân tại trung tâm tạm trú có 1 ngàn người. Lúc 12 giờ tại Quảng trường trung tâm thành Bologna , ĐTC gặp gỡ giới lao động, những người thất nghiệp, đại diện giới chủ công nghệ, công đoàn.. Trong số những người hiện diện cũng có các thân nhân của các nạn nhân vụ khủng bố tại Nhà ga xe hỏa Bologna ngày 2-8 năm 1980.
Ban trưa, ĐTC dùng bữa với 1 ngàn người nghèo và người di dân, tị nạn tại Vương cung Thánh đường thánh Petronio.
Ban chiều ngài gặp các LM, tu sĩ và chủng sinh, các phó tế vĩnh viễn tại Nhà thờ chính tòa thánh Phêrô, trước khi gặp các sinh viên và giới đại học tại Quảng trường Thánh Đa Minh. Sau cùng ĐTC cử hành thánh lễ lúc 5 giờ chiều tại Sân vận động Dall’Ara trước khi trở về Roma. Sau đây là các hoạt động chính của ĐTC sáng chúa nhật 1-10-2017.
1. Gặp gỡ giáo sĩ, tu sĩ giáo dân tại Cesena
Tại Nhà thờ chính tòa thánh Gioan Tẩy giả của giáo phận Cesena lúc 9 giờ, ĐTC đã gặp hơn 1 ngàn người ngồi chật thánh đường, gồm các LM, tu sĩ nam nữ, các phó tế vĩnh viễn cùng với gia đình, 6 chủng sinh, và đại diện Hội đồng mục vụ của 95 giáo xứ trong giáo phận.
Trong bài huấn dụ sau lời chào mừng và giới thiệu của Đức GM giáo phận, Douglas Regattieri, ĐTC cho biết sự hiện diện của ngài tại đây là để bày tỏ sự gần gũi và khích lệ các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân tại đây trong sứ mạng chính yếu là ”loan báo và vui mừng làm chứng cho Tin Mừng”.
Ngài nói: ”Việc loan báo Tin Mừng sẽ hiệu quả hơn khi được thực hiệp trong sự tâm đầu ý hiệp và với sự cộng tác chân thành giữa tất cả các thực tại Giáo Hội và các nhân viên mục vụ khác nhau, họ tìm được nơi Đức GM một điểm tham chiếu chắc chắn và gắn bó hòa hợp. Tinh thần đồng trách nhiệm là ý tưởng chủ yếu để tiến hành công việc chung trong lãnh vực huấn giáo, giáo dục Công Giáo, thăng tiến con người và bác ái, cũng như trong sự can đảm tìm kiếm những hình thức mới để cộng tác và làm cho Giáo Hội hiện diện trên lãnh thổ này, đứng trước những thách đố mục vụ và xã hội. Nguyên sự kiện nhìn thấy một Giáo Hội cố gắng tiến bước trong tình huynh đệ và hiệp nhất, thì đó đã là một chứng tá đức tin hữu hiệu rồi. Khi tình yêu trong Chúa Kitô chiếm chỗ trổi vượt hơn mọi sự, kể cả những đòi hỏi đặc thù hợp pháp, thì khi ấy chúng ta có khả năng ra khỏi mình, không qui trọng tâm vào bản thân và nhóm của mình, nhưng luôn qui hướng về Chúa Kitô, và ra đi gặp gỡ anh chị em.”
Sau khi nói đến đường hướng tổng quát và chủ yếu trên đây, ĐTC mời gọi các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân ở Cesena đặc biệt quan tâm đến những ”vết thương” của Chúa Kitô còn hiển hiện nơi nhiều người đau khổ, những người bị thương tổn trong cuộc sống, theo gương thánh Vinh Sơn Phaolô, người đã khởi xướng một cuộc ”cách mạng” bác ái thực sự tại Pháp cách đây 400 năm.
ĐTC cũng nhắn nhủ mọi người đặc biệt dành chỗ thích hợp cho việc cầu nguyện và suy gẫm Lời Chúa, ”đó là sức mạnh sứ mạng của chúng ta, như thánh nữ Têrêsa Calcutta chứng tỏ… Liên lỷ gặp Chúa trong kinh nguyện, đó là điều không thể thiếu được đối với các LM và những người thánh hiến, cũng như cho các nhân viên mục vụ, được kêu gọi ra khỏi ”mảnh vườn” bé nhỏ của mình để đi tới những môi trường ngoại ô của cuộc sống.”
Sau cùng, ĐTC đặc biệt kêu gọi các nhân viên mục vụ của Giáo Hội quan tâm nhiều hơn đến giới trẻ, làm sao để họ trở thành những tông đồ trẻ của người trẻ. Tiếp đến là quan tâm đến các gia đình, hoạt động với họ và cho họ. Và ngài nói:
”Anh chị em thân mến, đừng nản chí trước những khó khăn. Anh chị em hãy kiên trì làm chứng cho Tin Mừng, đồng hành với nhau: LM, tu sĩ, phó tế và giáo dân. Trên đường đi, anh chị em luôn cảm thấy được sức mạnh của Chúa Thánh Linh đồng hành và nâng đỡ”.
Sau bài huấn dụ trên đây, ĐTC đến Nhà nguyện Đức Mẹ Dân Chúng để chủ sự buổi chầu Mình Thánh Chúa, trước khi đáp trực thăng lúc 10 giờ bay đến trung tâm tiếp đón người di dân và tị nạn ở thành Bologna cách đó gần 100 cây số.
2. Đức Thánh Cha gặp gỡ người di dân và tị nạn tại Bologna
BOLOGNA. Trong cuộc gặp gỡ 500 người di dân và tị nạn tại một trung tâm ở Bologna, hôm 1-10-2017, ĐTC kêu gọi quảng đại đón tiếp và giúp đỡ hội nhập những người nhập cư và tị nạn.
Trung tâm tiếp cư này của miền Emilia Romagna, có thể đón nhận 1 ngàn người di dân và tị nạn được tạm trú trong khi chờ đợi được cứu xét đơn xin tị nạn, hoặc được phân phối đi định cư tại các nơi khác. Đến nơi vào lúc 10 giờ rưỡi, dưới cơn mưa nhẹ, đã dành 50 phút để chào thăm bắt tay hàng trăm những người tị nạn, hầu hết từ Phi châu, và người nào cũng chụp hình selfie với ngài. Có những người dương biểu ngữ viết trên giấy, xin ĐTC can thiệp để họ được giấy tờ cư trú và qui chế tị nạn.
Huấn dụ của ĐTC
Ngỏ lời với 500 người trong cuộc gặp gỡ chung, ĐTC cho biết ngài muốn cuộc gặp gỡ tại đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên ở thành Bologna này, đồng thời nhận xét rằng:
“Nhiều người không biết anh chị em và họ lo sợ. Thái độ sợ hãi này làm cho họ cảm thấy có quyền xét đoán và họ làm điều này một cách gay gắt, lạnh lùng và tưởng là mình nhìn thấy rõ. Nhưng không phải như vậy. Người ta chỉ nhìn thấy rõ khi ở gần với lòng từ bi. Nếu không có sự gần gũi, từ bi như thế, thì tha nhân chỉ là một người xa lạ, thậm chí là một kẻ thù, không thể trở thành người thân cận của ta được… Nếu chúng ta nhìn tha nhân mà không có lòng từ bi thương xót, thì chúng ta không thể thấy đau khổ và các vấn đề của họ. Ngày hôm nay, tôi chỉ thấy ở đây bao nhiều ước muốn thân thiện và trợ giúp… Nơi anh chị em, cũng như nơi mỗi ngoại kiều gõ cửa nhà chúng ta, Chúa Giêsu Kitô, Đấng đồng hóa với ngoại kiều, trong mọi thời đại và mọi hoàn cảnh, Ngài được đón nhận hoặc phủ nhận (Xc Mt 25,35.43)
ĐTC tái cổ võ việc tiếp nhận người di dân và tị nạn, và nói:
”Tôi thực sự tin rằng cần có thêm nhiều quốc gia chấp nhận các chương trình hỗ trợ cá nhân và cộng đồng dành cho việc tiếp đón và mở ra những hành lang nhân đạo cho những người tị nạn ở trong những tình cảnh khó khăn hơn, để tránh những chờ đợi dài dẵng và phí thời giờ, có thể gây ra thất vọng. Sự hội nhập bắt đầu bằng sự nhận biết. Tiếp xúc với tha nhân sẽ giúp khám phá ”bí quyết” của mỗi người và cả những năng khiếu của họ, cởi mở để đón nhận những mong đợi hợp pháp của họ, và nhờ đó học cách yêu mến họ hơn, vượt thắng sợ hãi, giúp họ hội nhập vào cộng đồng mới đón tiếp họ.
ĐTC cũng nói với những người di dân và tị nạn rằng:
”Trong tâm hồn tôi, tôi muốn mang những lo sợ, khó khăn, rủi ro, và cảm giác bấp bênh của anh chị em.. mang những người anh chị em yêu mến, và vì họ anh chị em lên đường tìm kiếm một tương lai. Mang họ trong đôi mắt và tâm hồn, sẽ giúp anh chị em làm việc hơn nữa để có một thành thị đón tiếp và có khả năng mang lại cơ hội cho tất cả mọi người. Vì thế, tôi khuyên anh chị em hãy cởi mở đối với nền văn hóa tại thành phố này, sẵn sàng tiến bước trên con đường được chỉ rõ qua các luật lệ của đất nước này”.
Giáo Hội là một người Mẹ không phân biệt và yêu thương mỗi người như Con Cái Thiên Chúa là hình ảnh của Chúa. Bologna là một thành phố vẫn luôn nổi tiếng về tinh thần tiếp đón. Sự tiếp đón này được canh tân qua bao nhiêu kinh nghiệm về tình liên đới, đón tiếp trong các giáo xứ và các cơ sở tôn giáo, và cả trong nhiều gia đình và cơ cấu xã hội.
Trong lời kết thúc, ĐTC đã gọi những người di dân và tị nạn là ”những người chiến đấu cho niềm hy vọng!”.
Sau cuộc gặp gỡ anh chị em di dân và tị nạn, lúc giữa trưa, ĐTC đến Quảng trường trung tâm của Bologna, một thành phố có 390 ngàn dân cư, để gặp gỡ giới lao động và chủ sự buổi đọc Kinh truyền Tin.
3. Đức Thánh Cha gặp giới trí thức và sinh viên Đại học Bologna
BOLOGNA. ĐTC kêu gọi giới trí thức và đại học Bologna thăng tiến quyền văn hóa, quyền hy vọng và quyền hòa bình.
Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong cuộc gặp gỡ hàng ngàn giới trí thức và sinh viên Đại học Bologna, bắc Italia, chiều chúa nhật 2-10-2017 trong khuôn khổ chuyến viếng thăm mục vụ dài 13 tiếng đồng hồ tại hai giáo phận Cesena và Bologna.
Lúc 4 giờ rưỡi chiều, ĐTC từ nhà thờ chính tòa thánh Phêrô của Bologna đến quảng trường trước Vương cung thánh đường Thánh Đaminh. Ngài tiến vào Vương cung Thánh Đường thánh Đa Minh, chào thăm hàng chục tu sĩ Đa Minh trong nhà thờ, rồi đến cầu nguyện trước mộ của thánh Đa Minh. Tại đây, ngài cũng ghi vào sổ vàng lưu niệm những hàng chữ bằng tiếng Tây Ban Nha:
”Trước mộ Thánh Đa Minh, tôi đã cầu nguyện cho dòng Anh em Thuyết Giáo. Tôi đã cầu xin cho các phần tử của Dòng ơn trung thành với gia sản đã lãnh nhận. Tôi đã cám ơn Chúa vì tất cả những điều tốt lành mà các con cái Chúa đã làm cho Giáo Hội và tôi đã cầu xin như một món quà là sự gia tăng nhiều ơn gọi. Anh em Đa Minh thân mến: xin Chúa chúc lành cho anh em, và xin Đức Trinh Nữ Thánh bảo vệ anh em, và xin anh em vui lòng đừng quên cầu nguyện cho tôi”.
Sau đó, ĐTC mới tiến ra quảng trường bên ngoài, để gặp gỡ hàng ngàn người gồm các giáo sư, sinh viên, đại diện cho 85 ngàn sinh viên các ngành thuộc đại học kỳ cựu này.
Diễn văn của ĐTC
Lên tiếng sau lời chào mừng của giáo sư viện trưởng, ĐTC nói:
”Từ gần 1 ngàn năm nay, Đại Học Bologna là ”một phòng thí nghiệm thuyết nhân bản: tại đây cuộc đối thoại với các khoa học đã mở ra một thời đại và hình thành thành phố này. Vì thế Bologna được gọi là ”thông thái”: thông thái nhưng không kiêu hãnh, chính nhờ Đại học luôn cởi mở, giáo dục các công dân của thế giới và nhắc nhớ rằng căn tính của đại học này là căn tính căn nhà chung, universitas..
ĐTC cũng nhận xét rằng Đại học Bologna cũng nổi tiếng vì sự tiếp đón dành cho các sinh viên đến từ những môi trường xa xăm và khó khăn, và đó là một dấu chỉ tốt đẹp: ”ước gì Bologna là ngã tư ngàn đời của các cuộc gặp gỡ, đối chiếu và tương quan, và gần đây là chiếc nôi của dự án Erasmus, luôn luôn có thể vun trồng ơn gọi này!”
Ngài nhắc đến sự kiện Đại học Bologna hình thành với việc nghiên cứu luật, và nói: điều này chứng tỏ Đại học ở Âu Châu có những căn cội sâu xa nhất trong chủ thuyết nhân bản, mà các tổ chức dân sự và Giáo Hội, qua những vai trò khác nhau, đã góp phần vào. Chính Thánh Đa Minh cũng ngưỡng mộ sức sinh động của thành Bologna, với số sinh viên đông đảo đến đây để học dân luật và giáo luật. Bologna với Đại học ở đây đã biết đáp ứng những nhu cầu của xã hội mới, thu hút những sinh viên muốn tìm hiểu. Thánh Đa Minh thường gặp gỡ họ. Theo một tường thuật, một học giả, ngạc nghiên về kiến thức của thánh nhân về Kinh Thánh, đã hỏi Người xem đã học từ những sách nào. Câu trả lời thời danh của Thánh Đa Minh là: ”Tôi đã học trong cuốn sách bác ái hơn là trong những cuốn sách khác; cuốn sách này dạy mọi sự”.
ĐTC đã đề nghị với mọi người 3 thứ quyền mà ngài thấy rất thời sự. Trước hết là:
– Quyền được văn hóa. Đây không phải chỉ là quyền được học hành, nhưng còn là bảo vệ sự khôn ngoan, nghĩa là một kiến thức nhân bản và nhân bản hóa. Quá nhiều khi người ta bị ảnh hưởng của những lối sống tầm thường và phù du, thúc đẩy con người theo đuổi thành công rẻ tiền, coi rẻ hy sinh, nuôi dưỡng ý tưởng cho rằng việc học hành nghiên cứu là vô ích nếu không mang lại ngay những gì cụ thể. Không phải vậy, việc học giúp đặt những câu hỏi, nó giúp ta không bị tê liệt vì sự tầm thường, và giúp tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống.
ĐTC cũng nhắc nhở giới sinh viên và trí thức đại học đừng chiều theo khán thính giả, không theo những kịch bản gây phẫn nộ, thường che đậy những ích kỷ lớn, trái lại cần tận tụy hăng say với công tác giáo dục, nghĩa là rút ra những điều tốt đẹp nhất của mỗi người để mưu ích cho tất cả. Cần chống lại thứ ngụy văn hóa biến con người thành đồ phế thải, biến việc nghiên cứu thành lợi lộc và biến khoa học thành kỹ thuật. Cùng nhau chúng ta khẳng định một nền văn hóa xứng với con người, một nghiên cứu nhìn nhận những công lao, tưởng thưởng hy sinh, và một kỹ thuật không tùng phục những mục tiêu thương mại, một sự phát triển trong đó không phải tất cả những gì tiện dụng đều là điều hợp pháp”.
– Thứ hai là quyền được hy vọng. Bao nhiêu người ngày nay đang cảm thấy cô đơn, bất an, cái vẻ nặng nề của sự bỏ rơi. Vì thế cần dành chỗ cho quyền hy vọng: đó là quyền không bị xâm chiếm hằng ngày vì những lời tuyên bố gây sợ hãi và oán ghét. Đó là quyền không bị tràn ngập vì những lời mị dân hoặc phổ biến những tin tức giả dối gây lo âu và nhắm thủ lợi. Đó cũng là quyền được thấy có những giới hạn hợp lý được đề ra cho những thứ tin tức đen, làm sao để để cả những tin tức tốt đẹp cũng được nói tới. Đó là quyền của người trẻ được tăng trưởng, không phải sợ hãi về tương lai, được biết rằng trong cuộc sống có những thực tại đẹp đẽ và lâu bền, đáng được chúng ta dấn thân. Đó là quyền tin rằng tinh yêu chân thực không phải là ”dùng rồi vứt bỏ” và công ăn việc làm không phải là một ảo tưởng không đạt tới được, nhưng là một lời hứa cho mỗi người, cần phải được duy trì.
Thật là đẹp dường nào nếu các phòng học của các đại học trở thành những công xưởng hy vọng, nơi làm việc cho một tương lai tốt đẹp hơn, nơi mà người ta học để trở thành những người trách nhiệm về bản thân và thế giới!
– Sau cùng là quyền hòa bình. Đây là một quyền và nghĩa vụ được ghi khắc trong tâm hồn của nhân loại, vì ”sự hiệp nhất trổi vượt hơn xung đột)) (E.G. 226).
ĐTC khẳng định rằng: Đứng trước hòa bình, chúng ta không thể dửng dưng hoặc trung lập. ĐHY Lercaro ở đây đã từng nói rằng: ”Giáo Hội không thể trung lập đứng trước sự ác, bất kỳ từ đâu tới: sự sống của Giáo Hội không phải là trung lập, nhưng là lời ngôn sứ (Bài giảng 1-1-1968), không trung lập, nhưng là đứng vào hàng ngũ bênh vực hòa bình!
Vì thế, chúng ta kêu gọi quyền hòa bình như quyền của tất cả mọi người được giải quyết các cuộc xung đột mà không bạo lực. Để được vậy, chúng ta lập lại: không bao giờ chiến tranh nữa, không bao chống lại người khác, không bao giờ không có người khác! Hãy đưa ra ánh sáng những lợi lộc và âm mưu, thường là tối tăm, của những kẻ gây ra bạo lực, nuôi dưỡng sự chạy đua võ trang, chà đạp hòa bình bằng những nghiệp vụ. Đại học được nảy sinh ở đây để học luật, để tìm kiếm những gì bảo vệ con người, điều hành cuộc sống chung và bảo vệ chống lại những lý lẽ của kẻ mạnh hơn, của bạo lực và độc đoán. Một thách đố rất thời sự là khẳng định các quyền con người và các dân tộc, các quyền của những người yếu thế hơn, người bị gạt bỏ, quyền của thiên nhiên, căn nhà chung của chúng ta.
Và ĐTC kết luận rằng:
”Anh chị em đừng tin những kẻ nói với anh chị em rằng chiến đấu cho những điều ấy là vô ích và chẳng có gì thay đổi! Đừng hài lòng với những giấc mơ bé nhỏ, nhưng hãy mơ ước những điều vĩ đại… Cùng với anh chị em, tôi mơ ước ”một thuyết nhân bản mới của Âu Châu, để được vậy cần có ký ức, can đảm, một ước mong lành mạnh và nhân bản”, tôi mơ ước một Âu Châu là người mẹ tôn trọng sự sống và cống hiến hy vọng sự sống, một Âu Châu trong đó người trẻ hô hấp không khí trong lành của sự lương thiện, yêu vẻ đẹp của văn hóa và một đời sống đơn giản, không bị ô nhiễm vì những nhu cầu tiêu thụ vô cùng…
G. Trần Đức Anh OP
G. Trần Đức Anh OP