Theo Đức Hồng y Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ Công giáo Latinh tại Jerusalem, tình trạng tệ hại nhất trong chiến tranh tại miền Gaza đã qua rồi và Đức Hồng y tuyên bố vẫn giữ hy vọng đối với tương lai của các tín hữu Kitô trong vùng, mặc dù không có giải pháp ngắn hạn nào dường như có thể được trù định tại Thánh địa.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Đức Thượng phụ Pizzaballa bày tỏ lập trường trên đây, trong cuộc viếng thăm trụ sở ở Đức của Tổ chức bác ái trợ giúp các Giáo hội đau khổ.
Theo Đức Hồng y, sự chấm dứt đụng độ quân sự không phải là là chấm dứt chiến tranh. “Khi cuộc hành quân ở Gaza chấm dứt, cuộc sống tại Gaza sẽ như thế nào? Ai sẽ ở lại? Sẽ phải mất nhiều năm để tái thiết lãnh thổ này, khi ấy tương lai của dân chúng sẽ ra sao?
Trong cuộc trao đổi tại Đức, Đức Hồng y Pizzaballa tỏ ra lo âu vì mức độ oán ghét và môi trường khinh rẻ. Ngài nói: “Chúng tôi đã chịu những cuộc chiến tranh khác, nhưng có một cuộc chiến trước và sau ngày 07 tháng Mười năm ngoái, vì loại bạo lực này đã xảy ra và ảnh hưởng xúc cảm của nó trên hai dân tộc rất lớn lao. Nếu các biến cố ấy giống như một Shoa, một cuộc diệt chủng đối với người Israel, thì đối với người Palestine, những gì xảy ra từ ngày đó là một “nakba” mới, một toán tính mới nhắm trục xuất họ ra khỏi lãnh thổ của họ”. Làm thế nào tái thiết trong những hoàn cảnh ấy các tương quan giữa người Israel và Palestine?
Đối với Đức Hồng y Pizzaballa, các tín hữu Kitô chỉ chiếm 1,5% dân số tại Thánh địa. Họ có thể góp phần một cách đặc biệt vào việc tái thiết. Ngài nói: “Chúng tôi rất bé nhỏ và không có tầm quan trọng nào về chính trị, chúng tôi được tự do tiếp xúc với mọi người, để liên kết họ với nhau.
Tương quan giữa các cộng đoàn Kitô
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo do Trợ giúp các Giáo hội đau khổ tổ chức, Đức Hồng y Pizzaballa nhìn nhận các cộng đồng Kitô khác nhau ở Thánh địa cũng phải chịu những căng thẳng. Các tín hữu Kitô nói tiếng Arập chiếm đa số, bên cạnh một cộng đoàn Công giáo bé nhỏ nói tiếng Do thái, và những người tị nạn và xin tị nạn. Đức Hồng y nói:
“Trong cuộc chiến tranh này, trong khi nhiều người cố gắng để tạo phân rẽ, thì chúng tôi cố gắng để tiếp tục hiệp nhất. Đó không phải là điều dễ dàng […] Sau chiến tranh, chúng tôi phải nói về những khác biệt và sự hiệp nhất của chúng tôi […]. Chúng tôi phải lớn lên trong những tương quan với nhau và duy trì một mối quan hệ sâu xa và nghiêm túc với nhau”.
Đối với Đức Hồng y Thượng phụ, điều thiết yếu là các tín hữu Kitô tại Thánh địa, mặc dù tình trạng trầm trọng về chính trị và kinh tế, phải đoàn kết với nhau, để giữ cho ký ức về Chúa Giêsu trên quê hương của Chúa được sinh động. Hy vọng hệ tại điều đó chứ không phải trong một giả thuyết một giải pháp chính trị. “Hy vọng là một thái độ đối với cuộc sống […] Khi ta sống trong đức tin, thì ta có khả năng nhìn sự việc một cách siêu việt, đi xa hơn thực tại đen tối”.
Sau cùng, Đức Hồng y nói: “Khắp nơi, ở Gaza, Cisjordani, Jerusalem hoặc Israel, tôi thấy có những người tuyệt vời sẵn sàng làm cái gì đó cho tha nhân. Tại những nơi nào có những hành vi yêu thương vô vị lợi, thì có hy vọng, vì điều này có nghĩa là cái gì đó có thể thay đổi […] tại nơi chúng ta đang sống, và điều này an ủi khích lệ tôi”.
(cath.ch 16-12-2024)