Gia đình và Xã hội

 

Gia đình là tế bào, là nền tảng của xã hội. Đó là một thực tế mà ai ai cũng  phải thừa nhận, “Gia đình thế nào thì xã hội thế ấy” (ĐGH Leo XIII). Thánh Giáo Hoàng Gioan Phalo II đã nói: “Tương lai nhân loại sẽ đến qua gia đình”. Như vậy một xã hội tốt đẹp sẽ phải được hình thành và xây dựng trên nền móng là những tế bào lành mạnh gia đình. Hay nói cách khác gia đình là nhân tố rất quan trọng quyết định cho sự hình thành một xã hội tố đẹp, công bằng và văn mịnh.

Thế nhưng để có được một gia đình mẫu mực, thì gia đình đó phải được xây dựng ngay tư lúc khởi đầu. Nghĩa là từ lúc chuẩn bị bắt đầu cuộc sống hôn nhân, hai thành viên đầu tiên là đôi hôn phối phải xác định và có quyết tâm sẽ cùng nhau xây dựng một mái ấm gia đình trong yêu thương và đồng trách nhiệm. Đó là quyết tâm và định hướng cần phải có trước khi lập gia đình để  ra sức phấn đấu thực hiện trong đời sống hôn nhân gia đình.

Với xã hội hiện nay, thực trạng thanh thiếu niên phạm pháp, phần nhiều ở trong những gia đình có cha mẹ buôn bán, làm ăn bất hợp pháp, thường xuyên bất hòa, bạo lực, có bố hoặc mẹ hay cả hai nghiện ngập hút sách, ly dị, ly thân…Như vậy trách nhiệm con cái hư hỏng phần lớn thuộc về gia đình: cha mẹ sống không chuẩn mực và thiếu quan tâm chăm sóc dạy dỗ con cái đến nơi đến chốn.

Có nhiều cha mẹ vì yêu thương con cái quá mức nên chiều chuộng, cho chúng được tự do nhiều, thế nên chúng dễ dàng trở thành hư hỏng. Ngược lại, có nhiều bậc cha mẹ lại quá khắt khe, kiểm soát chặt chẽ con cái khiến cuộc sống của chúng trở nên căng thẳng, gò bó và vì vậy việc giáo dục như thế cũng không có kết quả như mong muốn!

Nhiều bậc cha mẹ lại phó mặc con cái cho nhà trường, trong khi việc đào tạo giáo dục thời nay, người ta đặt nặng thành tích, ra sức nhồi nhét  kiến thức  mà không mấy chú trọng môn học để xây dựng nhân cách, kỹ năng sống cho các em học sinh!

Bởi vậy, trong thời đại ngày nay, trách nhiệm trông nom, chăm sóc dạy dỗ con cái càng đặt nặng lên đôi vai của bậc cha mẹ, vì thế, đòi hỏi cha mẹ phải triệt để quan tâm lo lắng, luôn đồng hành cùng con cái, thì mới có thể giúp cho chúng vượt qua những khó khăn, thử thách và gìn giữ chúng  khỏi vướng vào những lầm lạc sai trái trong cuộc sống được.

Muốn giáo dục con cái tốt thì trước hết gia đình phải là một trường học đầu tiên và cha mẹ phải là những nhà mô phạm chân chính. Cổ nhân đã dạy: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Như thế, việc giáo dục trong gia đình phải khởi đi từ việc “Tu Thân”.

Cha mẹ có tu thân thì những lời dạy bảo mới có sức thuyết phục, đòng thời cha mẹ mà tu thân thì sẽ trở thành những tấm gương sáng cho con cái noi theo. Vì dẫu rằng cha mẹ có dậy con cái điều hay lẽ phải, song lại sống ngược với những điều mình răn dậy đó thì chắc rằng con cái chúng chẳng nghe theo.

Nhưng để tu thân, trước hết phải tự biết mình. Đây là điều căn bản để việc tu thân thành công. Bởi lẽ chỉ khi mình biết chính mình có những điều gì hay cân duy trì và phát huy, và ngược lại biết chính mình có những tật xấu nào cần khử trừ loại bỏ.

Trong việc tự hoàn thiện mình, chúng ta rất cần đến ơn của Chúa. Vì như lời Chúa đã nói: “Không có Thầy các con không thể làm gì được”(Ga 15, 5). Vì vậy, chúng ta những người giữ thiên chức làm cha làm mẹ hãy luôn biết sống kết hiệp gắn bó mật thiết với Chúa trong Bí tích Thánh Thể để được Ngài phù trợ ban ơn, ngõ hầu mới có thể hoàn thành trọng trách nuôi dạy con cái nên người. Vì chính Chúa đã khẳng định: “Cây tốt thì sinh quả tốt; cây xấu thì sinh quả xấu,  cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt được”. (Mt 7,17) .

 

Đaminh Trần văn Chính.

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *