Giáo Hội đau khổ hay còn được gọi Giáo hội thanh luyện là gì?
Giáo hội đau khổ ám chỉ đến tất cả những người kết hiệp với Giáo hội trong tình trạng thanh luyện sau cái chết.
Người Công giáo thường nói đến “Giáo hội đau khổ”, còn được gọi là “Giáo hội sám hối”.
Thoạt nhìn, thuật ngữ trên có vẻ ám chỉ đến Giáo hội trên trần gian, khi chúng ta đang sống trong một thế giới bất toàn và đầy đau khổ.
Tuy nhiên, Giáo hội tại thế được gọi là “Giáo hội chiến đấu”.
Giáo Hội đau khổ là gì?
Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo giải thích rằng có “Ba trạng thái của Hội Thánh… trong số các môn đệ, có những kẻ đang tiếp tục cuộc lữ hành trên trần thế, có những kẻ đã hoàn tất cuộc sống đời này và đang được thanh luyện, và có những kẻ được hiển vinh, đang chiêm ngưỡng trong ánh sáng chan hòa chính Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi” (GLCG 954).
Giáo hội đau khổ có ý nói đến những người “đã chết và đang được thanh tẩy”.
Sau cuộc chiến trên trần gian để bước theo đạo binh Chúa Kitô, những người cần được thanh tẩy thêm trước khi bước vào hạnh phúc thiêng đàng, làm nên Giáo hội thanh luyện.
Giai đoạn thanh luyện thêm này thường được gọi là Luyện ngục và là “nhà vệ sinh của Thiên đàng” (như CS Lewis đã nói), giúp tẩy sạch mọi tội lỗi hoặc những ràng buộc trần thế trước khi linh hồn đón nhận niềm vui Thiên đàng. Các linh hồn trong Giáo hội Đau khổ phụ thuộc rất nhiều vào lời cầu nguyện của Giáo hội tại thế, nhờ đó họ có thể tiến đến vòng tay vĩnh cửu của Thiên Chúa chúng ta.
Trong quá khứ, các linh hồn trong luyện ngục thường được miêu tả là phải chịu đau đớn dữ dội trong lửa, đó là lý do tại sao nó được gọi là “Giáo hội đau khổ”.
Ngọn lửa mà họ trải qua thực sự là ngọn lửa gột rửa và là biểu tượng cho sự thanh luyện mà họ phải chịu đựng.
Philip Kosloski
G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ